Cảm ơn du khách Việt
Sau đại dịch, dù chỉ xếp thứ 14 thế giới về phục hồi kinh tế, du lịch nội địa Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu.
Du khách Việt đã giúp du lịch nước nhà tăng trưởng ấn tượng.
Du lịch là một phần tất yếu của cuộc sống; được hình thành từ khi con người có nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi; nghĩa là từ thời cổ đại. Tuy nhiên, đến năm 1841, du lich mới chính thức hoạt động với sự ra đời công ty Thomas Cook & Son Travel Inc. do Thomas Cook (1808 – 1892, người Anh) sáng lập.
Du lịch nội địa Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch. Ảnh: VG.
Từ đó, du lich không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế tổng hợp và trọng điểm. “Tổ chức Du lịch Thế giới” (WTO) thành lập từ 1946 nhưng đến ngày 27/9/1970 mới có điều lệ. Từ năm 1980, ngày 27/9 được chọn là “Ngày Du lịch Thế giới”. Bất chấp chiến tranh thế giới và dịch bệnh toàn cầu, du lịch chỉ ngưng trệ, gián đoạn chứ không chết.
Du lịch Việt Nam sinh sau, đẻ muộn; dù rất nỗ lực vẫn chưa thể gia nhập top 3 của Đông Nam Á, nói chi châu Á và thế giới. Năm 2019 thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục với hơn 18 triệu khách nước ngoài, trên 85 triệu khách nội địa, tổng doanh thu ước đạt 720 ngàn tỷ đồng, vào top 10 quốc gia tăng trưởng ấn tượng.
Dẫu vậy nếu xét về mặt hiệu quả trên quy mô dân số, năm 2019 du lịch Việt Nam (18 triệu khách/98 triệu người) kém cả Campuchia (6,6 triệu/16 triệu) và Lào (4,8 triệu/7,5 triệu), dù Lào không có biển. Tỷ lệ này của Singapore là 19 triệu/6 triệu; Malaysia là 29 triệu/33 triệu. Thái Lan xếp thứ 10 thế giới về lượng khách quốc tế (39,8 triệu) nhưng tổng doanh thu xếp thứ 4 (60,521 tỷ USD), dẫn đầu châu Á. Lượng khách quốc tế vào Trung Quốc xếp thứ 4 (65,7 triệu) nhưng doanh thu chỉ xếp thứ 10 (35,832 tỷ USD).
Đại dịch Covid-19 và các biến thể hủy hoại nền kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn trật tự thế giới. Hoạt động du lịch đóng băng hơn 2 năm (từ 1/2020 đến 3/2022). Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa, du lịch “bung” mạnh như lò xo lâu ngày bị nén. Dù chỉ xếp thứ 14 thế giới về khả năng phục hồi kinh tế hậu dịch, du lịch nội địa Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.
Dù không đón được lượng khách quốc tế theo kế hoạch, nhưng du lịch trong nước được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Ảnh: Quang Tám.
Trong vòng nửa năm (từ 15/3 đến 15/9) tổng khách du lịch nội địa đạt khoảng 79,8 triệu lượt; vượt xa mục tiêu năm 2022 (60 triệu); gần bằng năm 2019 (85 triệu). Tổng doanh thu ước đạt 356,6 ngàn tỷ đồng. Du lịch nội địa không chỉ hồi phục mà còn vượt đỉnh 2019. Những con số không thể ấn tượng hơn, là mơ ước của nhiều quốc gia khác.
Du khách quốc tế vào Việt Nam khiêm tốn hơn. Chỉ đạt 1,44 triệu lượt người; giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách xem ra rất khó hoàn thành. Sắp vào mùa cao điểm inbound nhưng nhiều cơ sở dịch vụ văn hóa, thủ công mỹ nghệ, shopping, giải trí,… vẫn đóng cửa hoặc giải thể vì kiệt lực. Việc này rất cần sự tiếp sức của nhà nước, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, bảo hiểm xã hội, nguồn vốn,…
Du lịch nội địa tăng trưởng nóng, đặc biêt là dịp hè 2022. Nhiều người lo xa, sợ du lịch nội địa “lên nhanh, xuống lẹ”, “bạo phát, bạo tàn”. Hết hè, nguồn khách nội địa ít hơn nhưng lượng khách vẫn tương đối. Bù lại là nguồn khách outbound khi các nước cạnh tranh, tung nhiều gói khuyên mãi hấp dẫn. Du lịch outbound chưa được như kỳ vọng nhưng kết quả rất đáng khích lệ.
TP.HCM có nhiều sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.
Đại dịch đã làm thay đổi thói quen du lịch của người Việt, nhất là du lịch nội địa. Du khách sử dụng dịch vụ cao hơn, chi tiêu đầu khách tăng gần gấp đôi. Việc chọn tour và đơn vị tổ chức bài bản hơn. Hình thức đấu thầu, hồ sơ nộp online, xét thầu công khai,… ngày càng phổ biến.
Video đang HOT
Các dịp lễ chủ yếu là khách tự đi, ít thấy đoàn đông. Các công ty lữ hành không phải chạy “sấp mặt” như trước dịch. Quá tải, giá tăng, phục vụ kém hơn dẫn tới nhiều hệ lụy khác nên xu hướng tránh các dịp cao điểm ngày càng nhiều. Dạng mua tour một phần (Free Easy Tour) ngày càng được nhiều nhóm khách chọn lựa.
Du lịch các nước thường có 3 dạng chuyên biệt, có giấy phép từng lĩnh vực. Mạnh nhất là inbound, thứ đến outbound và sau cùng là nội địa. Ở Việt Nam thường gộp chung và nội địa là mạnh nhất. Những công ty chuyên inbuond chưa thể phục hồi; outbound mới gượng dậy; còn nội địa “bung” mạnh như lò xo bị nén.
Du khách thích thú trải nghiệm đồng lúa, miệt vườn ở huyện Củ Chi. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.
Đại dịch đã tái khẳng định nguyên lý “Làm kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, phải bắt đầu từ nội địa rồi mới ra nước ngoài. Đi bằng hai chân hoặc bay bằng hai cánh mới bền vững”. Ngoài “nhất nghệ tinh” cần có thêm vài nghề tay trái, mới “thân vinh” khi có chiến tranh, dịch bệnh. Làm kinh tế cũng cần những thị trường phụ và phương án dự phòng.
Nhiều nước hầu như không có du lịch nội địa. Campuchia miễn vé tham quan khách trong nước, người dân ai cũng có xe hơi riêng. Du lịch nội địa, cả nhà tự lái xe, mang theo đồ ăn, nước uống. Lào cũng vậy. Đi các nước, không gặp những đoàn khách nội địa, có khi gần trăm xe như Việt Nam.
Năm 1993, khi trình dự án thành lập Trung tâm Lửa Việt, nhiều anh chị trong ngành khuyên “Nên đón khách nước ngoài. Làm một tour đủ sống mấy tháng”. Tôi trộm nghĩ, nếu ai cũng làm du lịch quốc tế thì ai làm nội địa. Trước khi bơi ra biển, phải bơi ra ao, ra sông thành thạo. Đi tắt, đón đầu; rủi ro khó lường; chỉ những người có tiềm lực mạnh, cả tài chính lẫn nhân sự mới dám mạo hiểm.
Ông Nguyễn Văn Mỹ – Chủ tịch Lửa Việt Tours, Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam.
Gần 30 năm làm du lịch, tôi nghiệm ra sự lựa chọn của mình là đúng; không chỉ lữ hành mà các lĩnh vực du lịch khác. Từ phát triển chợ đêm, kinh tế đêm đến giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường, mở rộng dịch vụ, nâng cấp hạ tầng,… Trước hết vì nhu cầu cuộc sống của người dân, sau đó là nhu cầu trải nghiệm của du khách. Dĩ nhiên, có những việc đặc thù.
Nhân ngày Du lịch Thế giới 27/9, qua bài viết này, tôi muốn gởi lời cảm ơn chân thành, lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả du khách, giới truyền thông; đặc biệt là du khách Việt; đã giúp du lịch nội địa Việt Nam hậu dịch tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Mong rằng, tinh thần này được tiếp tục duy trì để du lich Việt Nam tăng tốc, rút ngắn khoảng cách, gia nhập top đầu của ASEAN và châu Á.
Du khách Việt một mình chạy mô tô hơn 20.000km vòng quanh nước Mỹ
Anh Thanh An đã có hành trình du lịch bụi gần 40 ngày, vòng quanh nước Mỹ một mình bằng xe mô tô, anh đã lái xe qua 30 tiểu bang, với cung đường lên tới hơn 20.000km.
Anh Thanh An trên cung đường đầu tiên khám phá California từ thành phố San Diego, nghỉ chân bên hồ cấp nước cho thành phố San Jose
Anh Nguyễn Thanh An sinh năm 1977, đang sống và làm việc tại Việt Nam. Trong chuyến du lịch Mỹ gần đây, anh đã có một hành trình ngẫu hứng và đầy táo bạo. Từ ngày 15-8 đến 22-9, sau gần 40 ngày, anh đã hoàn thành chuyến du lịch bụi - lái xe mô tô vòng quanh nước Mỹ một mình.
Anh đã đi quãng đường tổng hơn 20.000km, qua 30 trong 50 bang của nước Mỹ như: California, Oregon, Washington, Montana, Bắc Dakota, Minnesota, Wisconsin, Chicago, Indiana, Ohio, New York, Washington DC, Mississippi, Texas, New Mexico...
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện hành trình của mình, anh Thanh An cho biết: "Ngày 12-8, khi tôi vừa đáp máy bay tới sân bay Los Angeles (LAX), tôi được người bạn chở tới nhận xe. Đây là chiếc BMW R1200GSA được người em trai cùng đam mê đi phượt cho mượn.
Lúc đầu tôi tính mượn xe để chạy loanh quanh vài tua ngắn cùng bạn bè thôi, tự dưng tôi nảy ra suy nghĩ sao mình không thử đi một vòng quanh nước Mỹ, với thời tiết đang ấm áp tại các bang nhỉ. Thế là tôi quyết định luôn ngày 15-8 sẽ xuất phát theo lộ trình tây - bắc - đông - nam khám phá nước Mỹ".
Hành trình vòng quanh nước Mỹ, băng qua 30 tiểu bang của anh Thanh An
Từ thành phố Santa Ana, California, chỉ với tư trang đơn giản gồm 3 bộ đồ, đồ vá xe, thẻ tín dụng, vài vật dụng cá nhân đơn giản, một người, một xe đã lên đường thực hiện hành trình khám phá vùng đất mới đầy phiêu lưu.
Theo kinh nghiệm của anh Thanh An, khi bắt đầu chuyến đi, mọi người nên chú ý đến: bảo hiểm, đăng ký xe, lưu hành, bằng lái, phải đầy đủ hết thì mới được chạy xe.
Ngày đầu tiên của hành trình, anh An có cuộc giao lưu chạy xe cùng bạn bè yêu thích chạy mô tô du lịch bụi tại California. Cung đường cả nhóm thực hiện là Bolsa - San Diego, cung đường này cho anh những trải nghiệm mới lạ như việc chạy xe giữ nguyên tốc độ cao suốt cả tiếng đồng hồ. Điều này rất khác biệt so với chạy ở Việt Nam.
Dù ở Việt Nam anh đã có kinh nghiệm chạy xe rất nhiều, nhưng khi qua Mỹ anh cũng không khỏi bỡ ngỡ. Anh cho hay phải thật tỉnh táo, không được để sai sót vì tốc độ và lưu lượng xe cao và đông. Cung đường đầu tiên, anh An may mắn vì có bạn bè đi chung nên có cơ hội rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho hành trình một mình trước mắt.
Ngoài khó khăn một phần do bất đồng ngôn ngữ, du khách khi tới Mỹ có thể đi theo Google Maps, có độ chính xác rất cao.
Núi lửa ở Washington từng phun trào làm tro bụi phủ khắp 5 bang xung quanh
Đường sá các bang ở Mỹ cơ bản giống nhau, ngang số chẵn và dọc là số lẻ. Đánh số từ lớn đến nhỏ thì từ đông sang tây và từ bắc xuống nam. Trạm dừng chân nghỉ ngơi miễn phí nhiều, đẹp và thường có các biểu tượng của bang sở tại.
Giá xăng ở Mỹ mỗi bang có giá khác nhau, như ở bang California xăng có giá đắt nhất với hơn 6 đô la/1 gallon, khoảng 35.000 đồng/lít. Đi về tới phía nam, giá xăng rẻ hơn, chỉ còn khoảng 4 đô la/1 gallon.
Đối với anh An, chuyến đi này đã mang lại cho anh nhiều trải nghiệm thú vị, cũng như cơ hội để gặp gỡ, gắn kết những người bạn. Có những đợt anh chạy xe liền 28 tiếng, cảm nhận sự thay đổi kỳ diệu của thời tiết giữa các khu vực, hay tận hưởng sự mát mẻ, vắng vẻ của những cung đường cao tốc về đêm.
Trong chuyến này, ban ngày anh chủ yếu ăn thức ăn nhanh, còn buổi chiều tối thì đến thăm nhà bạn bè và người thân.
Khung cảnh thiên nhiên trên khắp nước Mỹ cũng để lại trong anh An nhiều ấn tượng sâu sắc. Trên cung đường anh đi qua, có những vùng đất đai rộng lớn giống như các thảo nguyên. Nông nghiệp thì chủ yếu trồng bắp và cỏ cho bò ăn, có nhà máy xử lý ngay tại chỗ.
Chạy qua vùng Florida anh có cảm giác giống như miền Tây của Việt Nam, nông dân trồng rất nhiều cây trái nhiệt đới. Đáng lưu ý nhất là đoạn đường từ Austin đến Lubbock Texas dài 1.250km, khu vực này rất vắng vẻ. Anh chạy xe từ sáng tới tối chỉ có một mình một đường, không sóng điện thoại, ít trạm xăng, cần chủ động đổ xăng liên tục và tích trữ thức ăn và nước uống phòng có sự cố.
Đoạn đường từ Arizona về tới California thời tiết rất nóng, du khách có cảm giác như phượt ngang qua chảo lửa của Mỹ. Khi lái xe cần hết sức tập trung, phải thường xuyên dừng nghỉ để giảm áp suất lốp, tránh nổ lốp rất nguy hiểm.
"Theo cảm nhận của tôi, các bang phía ở phía Bắc - Đông - Nam của nước Mỹ thì xanh mát, còn các bang phía Tây thì khô cằn, khắc nghiệt hơn. Bà con Việt kiều ở phía Đông và phía Bắc đa số nhà nào cũng trồng ớt và mấy loại rau ngắn ngày cho vui, vì mùa đông không cây gì sống được, còn riêng ở California trồng nhiều cây ăn quả như cam, chanh, bơ", anh An chia sẻ.
Một số địa điểm trong hành trình lái xe vòng quanh nước Mỹ của anh Thanh An:
Biên giới phía Bắc của Mỹ và Canada, vùng giáp ranh hai thành phố Washington - Vancouver
Tiểu bang Minnesota thuộc vùng trung tây của Mỹ
Chicago là thành phố đông dân thứ 3 Mỹ, thuộc vùng trung tây
Chiếc mô tô đồng hành cùng anh An trong suốt chuyến đi với dòng chữ dễ thương "Xin chào, tôi đến từ Việt Nam"
Thành phố Key West - điểm cực nam của Mỹ giáp với Cuba
Dừng chân tại tiểu bang Mississippi thuộc phía nam của Mỹ
Thành phố Boston, thuộc bang Massachusetts, với hình ảnh con tàu Mayflower II chở các nhà khai phá nước Mỹ đến từ Anh
Thành phố New York
Nhiếp ảnh gia Việt gợi ý điểm chụp ảnh "rất tình" khi du lịch ở Paris Đến Paris hoa lệ, ngoài tham quan nhiều điểm đến nổi tiếng, du khách còn được "rinh" về những bức ảnh đẹp, lãng mạn và thơ mộng. Anh Đặng Đức Vinh (sống tại Paris, Pháp) là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh ở Paris và các nước châu Âu. Nắm bắt nhu cầu đi du lịch và kết hợp chụp ảnh cưới...