Cấm người dân chơi game vào buổi đêm là không khả thi?
Việc cấm các game thủ chơi trò chơi trực tuyến vào buổi đêm đang trở nên bất khả thi.
Vào hồi đầu năm 2017 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã bất ngờ đưa ra dự thảo mới về việc cấm những người có độ tuổi dưới 18 được tham gia chơi game vào buổi đêm. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải nhiều rắc rối do cách thức được đưa ra ở đây lại là yêu cầu những người này phải cài đặt một phần mềm theo dõi trong máy tính của họ.
Người chơi cũng được yêu cầu phải sử dụng mã số nhận dạng cá nhân (ID) chính chủ để đăng ký trên các trang game trực tuyến. Về lý thuyết, phần mềm và hệ thống nhận diện ID sẽ nhắc nhở các công ty game trong việc xác định người chưa thành niên vẫn còn online để tắt các tài khoản này đi. Các công ty game không tuân thủ quy định sẽ bị phạt hoặc đóng cửa.
Thông tin này lần đầu được đưa ra từ 9/2016 và gây sự chú ý do hàng loạt trung tâm phục hồi chức năng để chữa trị cho trẻ nghiện game đã được mở ra ở thời điểm đó.
Các chuyên gia cho rằng dự thảo này là biện pháp tốt để ngăn ngừa làn sóng nghiện Internet ở trẻ vị thành niên. Nhưng khả năng thành công của chính sách này đòi hỏi không chỉ là thông tin đăng ký chính xác của người sử dụng mà còn ở hệ thống xác minh, kiểm tra đáng tin cậy. Điều này đã đặt dấu hỏi về tính thực tiễn của dự thảo luật.
Đến tháng 6/2016, tổng số người dùng Internet chưa thành niên ở Trung Quốc vào khoảng 160 triệu, chiếm 23% số người dùng Internet cả nước này. Tuy nhiên, chi phí lớn của việc mua máy tính cũng như kết nối Internet cá nhân dẫn đến sự phổ biến của các quán cà phê Internet ở đây.
Hu Faqing, chuyên gia về tội phạm vị thành niên, cho rằng giới trẻ cần được bảo vệ khi lên mạng online: “Tỷ lệ người trẻ tuổi sử dụng Internet ở Trung Quốc tương đối cao”, ông nói. “Một trong những lý do trẻ em và thanh thiếu niên lên mạng là để tìm hiểu thông tin, vì vậy môi trường trực tuyến cần được hoàn thiện”.
Liu Chunquan, luật sư từ một công ty luật tại Thượng Hải, ủng hộ dự thảo và tin tưởng rằng đất nước cần thực hiện các chính sách như vậy bởi trẻ vị thành niên không thể kiểm soát bản thân hiệu quả.
Hiện tại, dù có bộ máy kiểm duyệt nội dung Internet được xem là lớn nhất thế giới bảo vệ người dùng khỏi các nội dung khiêu dâm, bạo lực và phản động về chính trị, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn coi các trò chơi video là mối đe dọa tiềm ẩn.
Video đang HOT
Giáo sư Tao Hongkai, một người ủng hộ việc cấm chơi game, thường xuyên đưa ra các ý kiến nhằm ngăn cản thanh thiếu niên tiếp xúc với môi trường Internet quá nhiều.
“Hầu hết những đứa trẻ chơi game rồi bỏ học, không ăn uống đúng giờ, không đi ngủ đúng lúc”, ông nói. “Khiến game không khác gì thuốc phiện. Vấn đề không phải Internet, mà chính là trò chơi. Đầu tiên, là chúng không lành mạnh. Thứ hai là các trò chơi là có nội dung quá lớn, bạn không biết bao giờ trận đấu có thể kết thúc nên những đứa trẻ chơi ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác”.
Đáp lại các luồng thông tin này, trên nhiều mạng xã hội như Weibo, nhiều game thủ đã chia sẻ những bình luận phẫn nộ của mình.
Một người dùng viết: “Bố mẹ tôi cũng đang dùng WeChat. Họ đọc rất nhiều thông tin về xã hội và nội dung khoa học xấu. Sao không ai đứng ra đối phó với họ, cấm dùng Internet cho người ở độ tuổi trung niên”.
Theo báo cáo của CCTV News, Trung Quốc hiện là thị trường game trực tuyến lớn nhất trên thế giới. Năm 2016, doanh thu đạt hơn 24 tỷ USD. Đối với công ty game, nếu các quy định có hiệu lực, doanh thu của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sau nửa đêm vốn là thời gian cao điểm để doanh nghiệp kiếm tiền. Ban ngày, phần đông game thủ phải đi làm hoặc đi học nên tối muộn là lúc tốt nhất để lên mạng, cũng như tham gia các hoạt động sự kiện.
Thị trường game online tại Trung Quốc đang phát triển rất mạnh
Trên thực tế, có những quy tắc trong game yêu cầu người dùng không chơi liên tục quá ba giờ đồng hồ. Quy định này được đưa ra từ năm 2007. Nhưng theo khảo sát tại nhiều quán Internet tại Trung Quốc thì thực ra điều luật này gần như không có tác dụng.
Nhân viên tại một quán Net nói: “Hãy nhìn vào những dòng cảnh báo mang tính bắt buộc trên màn hình. Nó chỉ là một đoạn văn bản đặt ở phía dưới, nói rằng những người dưới 16 tuổi phải tránh trở thành con nghiện game. Mọi người không bao giờ đọc những thứ này”.
Chính phủ Trung Quốc đang lấy thông tin phản hồi từ người dân về dự thảo và sẽ tiếp tục đưa ra bàn bạc vào cuộc họp chính trị thường niên tháng tới.
Đây không phải lần đầu các quốc gia lớn mạnh tay trong việc thay các bậc phụ huynh quản lý trẻ em trước sức cám dỗ của trò chơi trên Internet. Trước đó, Đức cũng đưa ra quy định yêu cầu các nhà phát triển trò chơi thực hiện các biện pháp ngăn chặn trẻ vị thành niên chơi game online từ 22h hoặc 23h tới 6h sáng.
Năm 2011, Hàn Quốc cũng giới thiệu “luật tắt máy”, cấm trẻ em dưới 16 tuổi chơi game từ nửa đêm đến 6h sáng.
Theo GameK
Trung Quốc tăng cường quản lý tin tức trên Internet
Một quy định mới cấm các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài xuất bản tin tức trực tuyến tại Trung Quốc vừa được ban hành.
Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3, tác động trực tiếp đến các ấn phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình và trò chơi trực tuyến.
Các điều khoản bổ sung thêm quyền hạn pháp lý của chính phủ Trung Quốc trên mạng Internet, trao thêm quyền lực cho cảnh sát mạng để khẳng định hơn nữa "chủ quyền không gian mạng" của quốc gia.
"Chủ quyền không gian mạng" là mục tiêu trọng tâm trong việc quản lý Internet của chính quyền Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Chỉ thị mới được ban hành bởi Tổng cục Phát thanh, Truyền hình và Điện ảnh Nhà nước và Bộ Công nghiệp - Tin học hóa, theo đó nghiêm cấm bất cứ cơ quan truyền thông nước ngoài nào tham gia xuất bản tin tức trực tuyến tại Trung Quốc
Đây không phải là điều gì quá mới. Trước đó, nhiều trang tin tức quốc tế như Financial Times, New York Times, Reuters... xuất bản các ấn phẩm bằng ngôn ngữ Trung Quốc nhưng đã bị chặn tại quốc gia này.
Các cơ quan truyền thông nước ngoài chỉ được xuất bản tin tức khi đã hợp tác với các công ty Trung Quốc có trụ sở tại đại lục và được chính quyền cấp phép trước thời điểm quy định này có hiệu lực.
Trước đó, vào năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã ban hành các quy định hạn chế vai trò lãnh đạo của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, xuất - nhập khẩu các tác phẩm điện ảnh tại Trung Quốc.
Quy định mới được cho là sẽ có ít ảnh hưởng đến các phương tiện truyền thông nước ngoài đang hoạt động. Tuy nhiên, nó cho thấy quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề kiểm soát và loại bỏ các quan điểm bất đồng. Trung Quốc có khoảng hai triệu công an mạng duy trì an ninh trên Internet cũng như kiểm duyệt tin tức.
An ninh mạng tại Trung Quốc khó khăn trong việc kiểm duyệt khi người dân bắt đầu quen với việc sử dụng các mạng riêng ảo. Ảnh: usnews.com.
Bằng cách ngăn chặn truyền thông quốc tế xuất bản, quy định mới cũng khuyến khích các cơ quan báo chí Trung Quốc phát hành các dịch vụ xuất bản trực tuyến.
Baidu là một trong những tên tuổi được hưởng lợi nhiều nhất nhờ chính sách của Bắc Kinh, sau khi Google rút lui khỏi dịch vụ tìm kiếm tại quốc gia này.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng khá đau đầu với vấn đề kiểm duyệt Internet. Người dân tại đây bắt đầu thận trọng hơn trong việc sử dụng Internet. Một số người tẩy chay Baidu vì sự hợp tác của công ty này với chính quyền. Số khác sử dụng các mạng riêng ảo VPN để tiếp xúc với tin tức quốc tế.
Gần đây nhất, khi nổ ra vụ rò rỉ Tài liệu Panama, người dân Trung Quốc không thể tiếp cận với thông tin này do bị chặn trên Internet cũng như sự thận trọng trong việc đề cập của truyền thông nhà nước. Khi gõ cụm từ "Panama papers", công cụ sẽ trả về cảnh báo "kết quả có thể không phù hợp với luật pháp và các quy định liên quan nên không được hiển thị".
Trần Tiến
Theo Zing