Cam kết hỗ trợ tài chính, phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 cho châu Phi
Ngày 18/5, tại hội nghị thượng đỉnh hỗ trợ châu Phi phục hồi sau đại dịch COVID-19 do Pháp làm nước chủ nhà điều phối, lãnh đạo các nước phát triển đã cam kết giúp đỡ các nước châu lục nghèo khó này vượt qua dịch bệnh thông qua “Thỏa thuận mới do châu Phi và vì châu Phi”.
Thỏa thuận này hướng tới việc hỗ trợ các nước châu Phi phục hồi kinh tế, đảm bảo quyền tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 công bằng cũng như an toàn y tế tại châu lục này.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh hội nghị đã nhất trí nỗ lực thuyết phục các quốc gia giàu có phân bổ lại 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) đối với những khoản dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó có 100 tỷ USD dành cho các nước châu Phi trước tháng 10 năm nay. Theo ông, các chính phủ nên cân nhắc cách thức có thể sử dụng các nguồn dự trữ vàng tại IMF để xóa bỏ tâm lý do dự của một số nước trong việc phân bổ lại SDRs cho các nước châu Phi.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Tổng thống Macron chỉ rõ thực trạng bất bình đẳng trong tiếp cận sản phẩm này tại châu Phi. Viện dẫn tỷ lệ tiêm chủng thấp là vấn đề lớn hiện nay, người đứng đầu Chính phủ Pháp khẳng định mục tiêu 40% dân số châu Phi sẽ được tiêm chủng vào trước cuối năm nay.
Video đang HOT
Tổng thống Macron nêu rõ các nước đang yêu cầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (Medicines Patent Pool – MPP) dỡ bỏ mọi rào cản về quyền sở hữu trí tuệ vốn được xem là yếu tố ảnh hưởng đến việc sản xuất một số loại vaccine. Hoan nghênh sự thay đổi trong vấn đề vaccine, Tổng thống Senegal Macky Sall nhấn mạnh tất cả các nước đều có trách nhiệm chung và việc một nước chỉ tiêm vaccine cho người dân nước đó sẽ không đảm bảo an toàn y tế.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 của các quốc gia châu Phi, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta lưu ý rằng các giải pháp tài chính sáng tạo cần tập trung vào khu vực tư nhân, bao gồm việc đưa ra các công cụ tài chính do lĩnh vực tư nhân hỗ trợ như trái phiếu xanh, hỗ trợ phát hành các công cụ tiền tệ địa phương, cơ cấu các khoản bảo lãnh để giảm chi phí tài chính và phát triển cũng như tăng cường các cơ hội hợp tác công-tư.
Tổng thống Kenyatta đồng thời ca ngợi những nỗ lực của các đối tác trong việc hỗ trợ “Lục địa Đen” giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, đồng thời cho rằng châu Phi cần nhiều nguồn lực hơn nữa.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo tốc độ tiêm vaccine chậm tại châu Phi sẽ gây ra những hậu quả về kinh tế. Theo bà, nếu như các nước không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế thì sẽ không có lối thoát bền vững cho khủng hoảng kinh tế.
Châu Phi chịu tác động do đại dịch COVID-19 ít hơn so với khu vực khác với gần 3,4 triệu ca mắc và gần 130.000 ca tử vong, nhưng nền kinh tế châu lục này lại bị thiệt hại nặng nề. Cuối năm ngoái, IMF đã cảnh báo châu Phi sẽ phải đối mặt với khoản thâm hụt lên tới gần 300 tỷ USD vào cuối năm 2023, cản trở nỗ lực hồi phục và phát triển của lục địa này. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi chỉ ở mức 3,2% trong năm nay, thấp hơn nhiều so mức dự đoán 6% của các nước khác trên thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Phi ước tính trong năm nay sẽ có khoảng 39 triệu người dân châu Phi rơi vào đói nghèo.
Hội nghị thượng đỉnh hỗ trợ các nước châu Phi phục hồi sau đại dịch COVID-19 có sự tham gia hơn nhà lãnh đạo của 20 nước châu Phi, cùng một số nhà lãnh đạo châu Âu và đại diện cấp cao của các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng tham gia hội nghị trực tuyến này.
Nga bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn vaccine ngừa COVID-19 thứ 3
Hãng tin Interfax dẫn lời một bộ trưởng trong Chính phủ Nga ngày 25/3 cho biết Trung tâm Chumakov của nước này đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba đối với vaccine có tên CoviVac - loại vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Nga.
Vaccine thứ hai ngừa bệnh COVID-19 của Nga EpiVacCorona được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Ảnh: TASS/TTXVN
CoviVac cùng với EpiVacCorona và Sputnik V là 3 loại vaccine ngừa COVID-19 do Nga sản xuất và đã cấp phép lưu hành khẩn cấp, nhưng Sputnik V là vaccine được biết đến nhiều nhất.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Belarus cho biết nước này đã bắt đầu sản xuất số lượng lớn vaccine Sputnik V của Nga và lên kế hoạch sản xuất lên tới 500.000 liều/tháng.
* Trong khi đó, tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia cho biết tính đến ngày 24/3, nước này đã phân phối được 85,86 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 ở trong nước, tăng khoảng 3 triệu liều so với ngày trước đó.
Không chỉ ở trong nước, các loại vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất hiện đã được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, hiện Singapore vẫn chưa phê duyệt vaccine của hãng Sinovac của Trung Quốc. Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết lý do khiến Singapore tới nay vẫn chưa cấp phép sử dụng vaccine của hãng Sinovac vì công ty này chưa cung cấp đủ dữ liệu để cơ quan có thẩm quyền của Singapore đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu tại buổi họp báo chiều 24/3, Bộ trưởng Gan Kim Yong cho biết Singapore đã nhận 200.000 liều vaccine của hãng Sinovac từ cuối tháng 2 vừa qua theo thoả thuận mà hai bên đã ký kết, nhưng lại chưa cấp phép lưu hành cho loại vaccine này. Thực tế, Singapore đã ký thỏa thuận mua cả 3 loại vaccine gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và Sinovac từ trước khi các loại vaccine này được phê chuẩn.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). Ảnh: THX/TTXVN
Giám đốc Dịch vụ Y tế, Giáo sư Kenneth Mak, lý giải thêm 2 loại vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna được Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) Singapore cấp phép sử dụng sớm vì các công ty sản xuất đã cung cấp liên tục các thông tin về vaccine để HSA đánh giá và phê chuẩn trước khi các lô hàng đầu tiên được chuyển tới.
Đối với vaccine của hãng Sinovac, Giáo sư Mak nhấn mạnh việc vận chuyển tới Singapore dựa trên các điều khoản của thoả thuận mua bán, không có sự cưỡng ép nào và Singapore không chịu tác động, ảnh hưởng từ cơ quan nào. Tuy nhiên hãng Sinovac không cung cấp gói thông tin đầy đủ để HSA có thể sớm đánh giá và phê duyệt sử dụng.
Tính đến hết ngày 24/3, Singapore đã tiêm hơn 1,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó gần 800.000 người đã được tiêm mũi thứ nhất và khoảng 310.000 người đã được tiêm mũi thứ hai. Chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 đối với người cao tuổi và các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch đã cơ bản hoàn tất và Singapore đang mở rộng tiêm chủng cho các đối tượng từ 45-59 tuổi.
Tỷ phú Bill Gates hy vọng thế giới sẽ trở lại trạng thái bình thường vào cuối năm 2022 Tỷ phú Bill Gates cho rằng thế giới sẽ trở lại trạng thái bình thường vào cuối năm 2022 nhờ có vaccine ngừa COVID-19. Tỷ phú Bill Gates. Ảnh: AFP/TTXVN Người đồng sáng lập hãng công nghệ Microsoft đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn của báo Gazeta Wyborcza và kênh truyền hình TVN24 của Ba Lan, nhấn mạnh rằng...