Cam kết dân sự tại Cty TNHH bảo hiểm nhân thọ Cathay VN: Có dấu hiệu cưỡng bức lao động
Trong đơn khiếu nại gửi Báo Lao Động, ông N.H.T – nguyên nhân viên Cty TNHH bảo hiểm nhân thọ Cathay VN (100% vốn Đài Loan, ở Q.1 – TPHCM) – cho biết: “Nhiều NLĐ trong Cty bị buộc ký cam kết phải làm việc cho Cty 2 năm như tôi, nếu không sẽ phải bồi thường cho Cty khoản tiền bằng tổng thu nhập 4 tháng…”.
Trụ sở Cty TNHH bảo hiểm nhân thọ Cathay VN. Ảnh: T.L
Theo chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế ILO: “Cam kết này có dấu hiệu cưỡng bức lao động”!
Video đang HOT
Lật lọng
Ông N.H.T làm việc với Cty Cathay VN bằng HĐLĐ không xác định thời hạn. Quá trình làm việc, Cty xác định ông N.H.T có khả năng làm việc tốt. Thế nhưng, thay vì thỏa thuận tăng lương để giữ chân NLĐ thì Cty lại yêu cầu ông N.H.T ký “cam kết hỗ trợ và làm việc”. Theo đó, ông N.H.T phải làm việc cho Cty đủ 2 năm; đổi lại Cty hỗ trợ ông mỗi tháng 3 triệu đồng. Nếu ông N.H.T đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong thời gian cam kết mà “không có lý do chính đáng” và/hoặc “không tuân thủ thời hạn báo trước theo quy định của Luật Lao động” thì sẽ phải bồi thường Cty bằng 4 tháng tổng thu nhập tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ. Đến ngày 13.3.2012, ông N.H.T gửi thư cho Cty thông báo chấm dứt HĐLĐ, nói rõ sẽ nghỉ việc ngày 16.5.2012 (báo trước 45 ngày theo khoản 3, Điều 37 BLLĐ và khoản 1, mục III, thông tư 21/2003/TT – BLĐTBXH), đúng như đã cam kết với Cty.
Nhận thông báo trên, người phụ trách trực tiếp đã ký chấp thuận cho ông N.H.T làm việc đến 27.4.2012 là ngày cuối cùng; giám đốc Cty cũng ra quyết định, nói rõ: “Anh N.H.T có trách nhiệm bàn giao công việc và hoàn tất các khoản thanh toán cho Cty trước ngày kết thúc làm việc 27.4.2012; được trả lương đến hết ngày 27.4.2012, đóng BHXH đến hết tháng 4.2012″. Như vậy có nghĩa, Cty Cathay VN đã chấp thuận chấm dứt HĐLĐ với ông N.H.T trước 45 ngày và chấp nhận thanh toán đầy đủ tiền lương. Thế nhưng, đến khi ông N.H.T nghỉ việc như Cty cho phép, phía Cty bắt đầu lật lọng không trả lương cho ông N.H.T, buộc ông phải nhờ hoà giải viên lao động Q.1 – TPHCM giải quyết.
Tại buổi hòa giải ngày 6.8.2012, sau khi xem xét các chứng cứ, hòa giải viên yêu cầu Cty Cathay VN trả hết tiền lương cho ông N.H.T, nhưng phía Cty không chịu, mà cứ cho rằng ông N.H.T đã vi phạm cam kết nghỉ việc trước 2 năm nên phải bồi thường, và việc Cty giữ tiền lương là để cấn trừ.
Nhầm lẫn quan hệ lao động với dân sự
Để trả lời khiếu nại của ông N.H.T, ngày 29.11.2012, PV Báo Lao Động đã đến Cty Cathay VN tìm hiểu; Cty đã cử ông Nguyễn Hữu Hiếu – Trưởng phòng pháp lý – tiếp. Qua trao đổi, chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao Cty Cathay VN là DN có tiếng, lại sử dụng ông Hiếu phụ trách pháp lý, trong khi ông này không chỉ nói ngọng, mà còn tỏ ra lạ lẫm với pháp luật lao động. Thậm chí, ông Hiếu không phân biệt được sự khác biệt giữa quan hệ lao động với quan hệ dân sự! Chính vì thế, khi chúng tôi đề nghị trả lương cho ông N.H.T theo đúng quy định của pháp luật lao động, thì ông Hiếu nhầm lẫn lập luận rằng: “Tiền lương thuộc quan hệ… dân sự. Vì ông N.H.T còn nợ Cty một khoản tiền theo cam kết dân sự, nên Cty đã giữ lương để cấn trừ”. Chúng tôi đã tham khảo Chánh Thanh tra Lao động TPHCM Huỳnh Tấn Dũng về vụ này, ông Dũng khẳng định: “Tiền lương được ghi rõ trong HĐLĐ thuộc quan hệ lao động chứ không phải quan hệ dân sự. Trong vòng 7 ngày kể từ khi chấm dứt HĐLĐ, hai bên phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ cho nhau. Trường hợp hai bên có thoả thuận dân sự nào đó không trái pháp luật mà phát sinh công nợ, thì phải khởi kiện ra toà giải quyết chứ không được tuỳ tiện “giam” lương NLĐ”. Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH Nguyễn Tiến Tùng phân tích: “Trong quan hệ lao động, pháp luật không cấm các bên có thêm các thỏa thuận dân sự, nhưng nó không được chi phối hay làm thay đổi bản chất quan hệ lao động. Đặc biệt, nó không được ngăn trở việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động. Bản cam kết của ông N.H.T và Cty Cathay đã “thủ tiêu” quyền chủ động chấm dứt HĐLĐ của ông N.H.T theo quy định tại Điều 37 BLLĐ, như vậy là trái pháp luật”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật gia Nguyễn Bình – chuyên gia pháp luật của Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại VN – cũng bày tỏ quan điểm: Công ước số 29 của ILO năm 1930 về “Nghiêm cấm cưỡng bức lao động”, được nước ta phê chuẩn ngày 5.3.2007, tại điều 2 nói rõ: “Lao động cưỡng bức là mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe doạ của một hình phạt nào đó mà bản thân người đó không tự nguyện làm”. Khoản 2, Điều 5 BLLĐ hiện hành đã “Cấm cưỡng bức người lao động dưới bất kỳ hình thức nào”. Vì vậy, cam kết giữa ông N.H.T với Cty Cathay về việc nếu không làm việc đủ 2 năm sẽ bị phạt 4 tháng thu nhập là có dấu hiệu cưỡng bức lao động.
Theo laodong
Hệ thống tổ chức công đoàn TPHCM: Dồn sức lo tết cho công nhân
"Ngoài việc duy trì chương trình hỗ trợ vé xe cho công nhân và cán bộ công đoàn (CĐ) có hoàn cảnh khó khăn về vui xuân cùng gia đình, các cấp CĐ còn phải tập trung thăm hỏi, tặng quà tổ chức đón giao thừa cho số CN ở nhà trọ không có điều kiện về quê ăn tết"
Trưởng ban quản lý các KCX-KCN TPHCM Vũ Văn Hoà trao tặng vé xe cho CN về quê ăn tết.
Đó là lưu ý đặc biệt của Thường trực LĐLĐ TPHCM tại cuộc họp với các CĐ cấp trên cơ sở sáng 7.11 để triển khai kế hoạch chăm lo Tết Quý Tỵ (2013) cho CNVCLĐ.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Văn Khải: Tết năm nay tổ chức CĐ sẽ "dồn sức" chăm lo cho CN, trong đó việc giám sát lương - thưởng là hết sức quan trọng. Đối với các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, CĐCS phải chủ động trao đổi với NSDLĐ để có giải pháp tạo nguồn tài chính trả lương, thưởng cho NLĐ nếu DN vẫn không có nguồn để chi trả thì CĐCS phải báo ngay cho CĐ cấp trên trực tiếp. Trách nhiệm của CĐ cấp trên trực tiếp là cử cán bộ giám sát việc trả lương, thưởng tại các DN gặp khó khăn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng chốt danh sách NLĐ bị nợ lương, bảo quản tài sản khi chủ DN bỏ trốn đồng thời chủ động tìm chỗ làm mới cho CN mất việc và đề xuất chính quyền có chính sách chăm lo. Trường hợp xảy ra tranh chấp, LĐLĐ quận, huyện chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, không phân biệt cấp quản lý. Song song công tác giám sát lương, thưởng, CĐ cấp trên trực tiếp cần tổ chức cho CN ở các khu nhà trọ, nhà lưu trú không về quê họp mặt cuối năm, mời cấp ủy Đảng, chính quyền cùng tham dự để động viên tinh thần CN.
Được biết, dự kiến Tết Quý Tỵ năm 2013 LĐLĐ TPHCM sẽ họp mặt 500 hộ gia đình CN thuộc diện: Bản thân vợ (hoặc chồng) bị mất việc làm do DN thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn nữ CN mất việc đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. CĐ các KCX-KCN TPHCM tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ vé xe cho 6.000 CN khó khăn về quê ăn tết ở các tỉnh từ Phú Yên đến Hà Nội. Trong đó, 30% số vé xe do CĐ KCX-KCN đài thọ 70% còn lại vận động DN ủng hộ.
Điểm nhấn năm nay là chương trình chăm lo tết cho CNVCLĐ sẽ dành 500 vé xe cho cán bộ CĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê vui xuân (CĐ các KCX-KCN hỗ trợ 100%). Ngoài ra, CĐ các KCX-KCN TP sẽ cân đối nguồn kinh phí để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 1.500 CN có hoàn cảnh khó khăn ngoài TP không thể về quê, ưu tiên các đối tượng bị mất việc làm do DN giải thể hoặc có chủ bỏ trốn CN thôi việc do hết hạn HĐLĐ hoặc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ...
Theo laodong
30% người khuyết tật ở Việt Nam đang thất nghiệp Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mỗi năm Việt Nam mất đi 3% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) vì thị trường lao động hạn chế tiếp nhận người khuyết tật. Nhân Ngày Quốc tế về Người khuyết tật năm nay (3.12), ILO kêu gọi cần có những chính sách hiệu quả giúp người khuyết tật tham gia nhiều hơn vào...