“Cầm giấy khám sức khoẻ, 2 vợ chồng ôm nhau khóc”: Hành trình chiến đấu với ung thư của 8x Hà Nội khiến tất cả cảm phục
Dù mang trong người bệnh hiểm nghèo, trải qua 8 đợt hóa trị, hai lần phẫn thuật với nhiều đau đớn, cô gái này vẫn vô cùng lạc quan và nhận ra nhiều điều đáng trân quý trong cuộc sống.
“Ung thư không phải là chết”
Chị Nguyễn Thị Thu Hường, 33 tuổi, là nhân viên văn thư trong một cơ quan nhà nước ở Hà Nội. Cuộc sống của chị vốn êm đềm, hạnh phúc khi gặp được người chồng yêu thương, quan tâm vợ, có một công việc ổn định, sức khỏe tốt.
Thế nhưng, mọi thứ bỗng nhiên thay đổi khi căn bệnh ung thư ập đến, khiến cuộc sống chị xáo trộn hoàn toàn.
Đó là thời điểm cuối năm 2018, chị Hường đi khám sức khỏe định kỳ và tình cờ phát hiện bệnh.
“Cầm kết quả về, hai vợ chồng mình ôm nhau khóc mất nửa ngày, bình tâm lại mình nghĩ bệnh thì chữa, có sao đâu”.
Và thế là, 3 ngày sau vợ chồng mình khăn gói quả mướp đi nhập viện để xử lý K. Nghĩ cũng buồn cười, mình từ bé giờ rất khoẻ mạnh, cao 1m65, cân nặng duy trì trong khoảng 50kg.
Ăn uống ngon miệng, ngủ nghỉ điều độ, mình không hay ăn đồ nướng, không dùng chất kích thích, không biết uống rượu bia, không bị ốm vặt bao giờ, và tự dưng một ngày đẹp trời phát hiện ốm thì K luôn.” – Chị Thu Hường nhớ lại.
Không tránh khỏi hoang mang, suy sụp vì với nhiều người, ung thư vốn như bản án tử, kết thúc những dự định, ước mơ còn dang dở.
Thế nhưng, chị Hường nhanh chóng bình tâm lại và bước vào hành trình chiến đấu với K bằng sự quyết tâm và niềm tin mãnh liệt nhất.
Chị Thu Hường bất ngờ phát hiện bệnh K khi cuộc sống đang ngập tràn màu hồng
Trên hành trình gian nan đó, chị Hường cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì không phải chiến đấu một mình, được yêu thương, được quan tâm chăm sóc.
“Quả thực mà nói, bệnh K mang lại cho mình rất nhiều trải nghiệm đáng quý. Những ngày nằm viện, được bố mẹ hai bên, anh chị em, cô dì chú bác, bạn bè, đồng nghiệp quan tâm chăm sóc…
Khi đó mới thấy mình thật “Có phúc, bởi vậy nên lúc nào mình cũng thấy vui, thấy hạnh phúc vô cùng.
Những ngày nằm viện, lại được làm quen với các cô, chú, các em bệnh nhân người nào cũng vui vẻ như mình, rồi buôn chuyện từ đầu phòng đến cuối phòng bệnh viện, chụp ảnh selfie các kiểu. Nói chung là vui, lúc đó tự dưng cảm thấy K cũng như một bệnh bình thường”.
Video đang HOT
Có lẽ hiếm có ai lại thấy “có phúc” khi đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng với Thu Hường, chị không những vui tươi, lạc quan mà còn chưa bao giờ mất đi tình yêu với công việc nội trợ, chăm sóc gia đình và chăm sóc sắc đẹp cho bản thân.
Chuẩn bị lên bàn mổ, trải qua 8 đợt hóa trị vẫn tung tăng đi làm đẹp, du lịch
Mang trong mình căn bệnh ung thư, chị Thu Hường vẫn khiến nhiều người khâm phục nhờ tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu người.
Dù truyền hóa chất rụng hết tóc, chị Hường vẫn cho rằng ung thư chỉ là “muỗi”
Sau khi trải qua hai cuộc phẫu thuật, chị Hường tiếp tục chuyển sang khoa nội để truyền hoá chất. Chị bắt đầu tìm hiểu, cộng với chia sẻ của các bệnh nhân K khác, biết rằng truyền hoá chất sẽ gây mệt mỏi, và nhất là rụng tóc.
Thay vì lo lắng, ủ rũ, 8x Hà Nội lại lên kế hoạch “làm đẹp”: “Mình lặn lội đi khắp các shop bán tóc giả ở Hà Nội để mua tóc giả, đủ mẫu ngắn dài, mua lấy mua để, mua đội luôn và cất dành nữa.
Đội tóc giả vẫn đẹp ra phết, chả kém gì cái thời tóc ngang lưng cả. Thế mới biết, ngay cả khi có bệnh, nếu mình còn thích làm đẹp thì lúc nào cũng sẽ vui vẻ, yêu đời, bệnh tật chỉ là “muỗi” mà thôi.
Và rồi đúng 12 ngày sau khi đợt hoá chất đầu tiên vào người, tóc mình bắt đầu rụng, vuốt tay lên đầu là tóc ra cả nắm. Mình dự kiến trước việc này rồi nên ra cửa hàng gội đầu ngay gần nhà cạo đầu luôn, chính thức trọc lóc từ lúc đó.
Cơ mà dù là trọc thì cũng phải đẹp, thế nên ngoài việc đội tóc giả đã chuẩn bị sẵn, mình cũng ngồi tìm các kiểu mũ, khăn để mix cho hợp tóc giả và quần áo, trông lại càng ngày càng phong cách!
Trộm vía, người khác qua 8 đợt truyền hoá chất thì bết xê lết phát sợ luôn, mình chỉ bị đau và khó chịu khoảng 5-7 ngày đầu trong mỗi đợt thôi, còn các ngày khác thì đỡ hơn.
Thế nên, thời gian còn lại, mình chỉ lo chăm sóc sức khoẻ, tinh thần: ăn uống bồi dưỡng, đi du lịch, đi mua sắm, bếp núc nội trợ… yêu đời thế bảo sao không thấy vui mọi nơi mọi lúc”.
Tốt nghiệp Viện K với tấm bằng xuất sắc sau 2 năm điều trị, 8x Hà Nội khẳng định bệnh K mang lại cho cô nhiều trải nghiệm, tích cực nhiều hơn là tiêu cực.
Trải qua bệnh tật, 8x Hà Nội cảm thấy trưởng thành hơn, tự thấy bản thân vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Từ khi bị bệnh, chị tự giác cải thiện thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học.
Hằng ngày, chị Thu Hường đều đặn đi chợ, nấu những mâm cơm thịnh soạn dù trong nhà chỉ có hai vợ chồng.
Những mâm cơm được phối hợp màu sắc rất hài hòa, đẹp mắt, đầy đủ dinh dưỡng từ món mặn, món canh, rau đến hoa quả tráng miệng.
Những mâm cơm dẻo ngọt mà chị Hường chuẩn bị mỗi ngày
Thông qua câu chuyện của bản thân, chị Thu Hường muốn nhắn nhủ với mọi người, nhất là những người cùng mắc bệnh K như mình, rằng:
“Hãy sống lạc quan, tin tưởng vì chúng ta là những người may mắn vì vẫn còn được sống hạnh phúc trên cõi đời này, may mắn có những trải nghiệm để rèn luyện bản thân mình.”
Nữ blogger chia sẻ 5 "bài học" rút ra từ chính quá trình chống lại bệnh ung thư của mình, trong đó có cả cảm giác tội lỗi khi sống sót
Megan-Claire Chase, blogger về bệnh ung thư vú, chia sẻ những điều quý giá mà cô đã học được từ chính hành trình "chiến đấu" với bệnh ung thư vú của mình.
Tôi là người đã khỏi ung thư vú được 3 năm rồi, tôi được biết đến với tên gọi "Warrior Megsie" (Chiến binh Megsie) trong cộng đồng ung thư.
2 tháng sau sinh nhật lần thứ 39 vào tháng 9 năm 2015, tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú tiểu thùy xâm lấn, dương tính với ER/PR, âm tính với HER2, giai đoạn IIA ở vú trái. Cuộc hành trình của tôi vẫn đang diễn ra. Tôi đã trải qua 16 đợt hóa trị, 8 lần phẫu thuật, truyền máu, 33 lần xạ trị và bước vào giai đoạn mãn kinh sau khi cắt tử cung và buồng trứng. Tất cả những việc này đều diễn ra trước sinh nhật lần thứ 40 của tôi.
Tôi đã làm xét nghiệm di truyền và phát hiện mình có một biến dị di truyền không xác định trong gen MSH6 được gọi là p.R772Q. Tại thời điểm này, vẫn chưa có đủ thông tin để xác định xem biến dị đó có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư hay không.
Do những tổn thương mà bệnh ung thư vú và việc loại bỏ tử cung, buồng trứng gây ra cho cơ thể, tôi hiện đang được chăm sóc giảm nhẹ ở tuổi 43 để kiểm soát cơn đau do đau cơ xơ hóa và viêm xương khớp ở cả hai đầu gối. Cơ thể tôi phải chịu đựng những cơn đau đau kinh niên cùng với bệnh thần kinh.
Tôi có thể viết cả một luận văn về những gì tôi đã học được về bệnh ung thư vú trong 4 năm qua. Ở đây, tôi sẽ chỉ tập trung vào 5 điều hàng đầu mà tôi đã học được trong cuộc hành trình vô cùng khó khăn nhưng bổ ích này.
1. Tôi không nhận ra có rất nhiều loại ung thư vú khác nhau
Trước khi được chẩn đoán, tôi chưa bao giờ cho rằng, chống chọi với ung thư vú lại có thể khó khăn đến thế hay bạn có thể mất mạng vì nó. Tôi cũng không nhận ra rằng, đàn ông có thể bị ung thư vú. Nhiều tổ chức và thậm chí cả các trung tâm ung thư đang tập trung vào việc làm cho bệnh ung thư vú trở nên "đẹp" hơn. Thực tế ập đến hết sức nặng nề và tôi nhận ra rằng, cuộc hành trình sẽ đáng sợ, đau đớn, xúc động và khó khăn như thế nào trong suốt quá trình điều trị tích cực và cả sau đó nữa.
2. Tôi đã không chuẩn bị tâm lý đầy đủ cho tất cả các tác dụng phụ gặp phải khi hóa trị
Theo logic, tôi biết mình sẽ rụng tóc vì chất độc di chuyển khắp cơ thể nhưng còn nhiều loại tác dụng phụ khác thực sự khiến tôi bị sốc và gây ra tổn thương vĩnh viễn cho cơ thể tôi. Hầu hết mọi người nghĩ rằng, hóa trị sẽ làm cho bạn giảm một lượng cân nặng đáng kể. Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng tôi không hề biết rằng thực hiện 16 đợt hóa trị sẽ thổi bay trọng lượng và phá hủy hoàn toàn giấc ngủ của tôi. Lòng bàn tay và bàn chân tôi biến thành màu đen theo đúng nghĩa đen, giống như khi tôi bị đốt cháy vậy. Móng tay tôi trở nên lỏng lẻo và một vài chiếc rơi ra. Thật là đau đớn. Ngoài rụng tóc trên đầu, tôi còn bị rụng lông mi, lông mày, lông mũi, lông tay, lông chân, lông dưới cánh tay và mất cả lông ở bộ phận sinh dục. Tác dụng phụ khó nhất và gây tổn hại nhất từ hóa trị là tôi bị bệnh thần kinh ngoại biên ở bàn tay và bàn chân.
Là một người đã từng khiêu vũ và lớn lên với nhiều lần trình diễn trên sân khấu ca nhạc, không có cảm giác gì ở đôi chân thực sự khiến tôi đau đớn, tuyệt vọng. Mặc dù các dây thần kinh đang dần hồi sinh trên tay tôi, nhưng chúng đã chết ở chân tôi. Tôi là một trường hợp nghiêm trọng.
3. Tôi tìm thấy sự hỗ trợ tuyệt vời cho những người trẻ tuổi bị ung thư qua các mạng xã hội
Tôi thường là người trẻ nhất trong phòng truyền dịch. Tôi vẫn đi làm và chưa đến tuổi nghỉ hưu thông thường. Tôi có thể tìm thấy sự hỗ trợ trực tuyến tuyệt vời cho những người trẻ tuổi sống sót sau ung thư thông qua các tổ chức như Lacuna Loft, Young Survivors Coalition, Stupid Cancer, IHadCancer.com và cộng đồng ung thư trên Twitter.
Ở địa phương, không dễ để tìm được sự hỗ trợ đó, nhất là khi tôi còn trẻ và chưa kết hôn. Do điều trị ung thư và nhiều lần phẫu thuật, tôi không thể có con. Thật khó để tìm thấy những người khác có hoàn cảnh như mình.
4. Tôi đã tham gia một số sự kiện tuyệt vời để tôn vinh những bệnh nhân ung thư vú và những người khỏi bệnh
Tôi được Atlanta Falcons vinh danh vào tháng 10 năm 2016. Đó là một trong những điều thú vị nhất từng xảy ra trong đời tôi. Tôi là chủ nhân câu chuyện cho một hoạt động gây quỹ có tên là Best Strokes hướng tới các nghiên cứu về vú và buồng trứng vào tháng 3 năm 2019. Nội dung blog của tôi được đưa lên trên trang web của Tạp chí Sức khỏe Ung thư vì những gì tôi thảo luận trong hành trình cá nhân của mình, giúp người khác không cảm thấy đơn độc quá.
Tôi đã được phỏng vấn trên WATC-TV Channel 57 vào tháng 10 năm 2019 cho một phân đoạn nâng cao nhận thức về ung thư vú cho những người trẻ tuổi sống sót sau ung thư.
5. Điều thấm thía nhất mà tôi học được trong hành trình chữa bệnh ung thư vú của mình là cảm giác tội lỗi của những người sống sót là có thật
Tôi đã cảm thấy tội lỗi khi nhiều chị em áo hồng của mình đã qua đời vì ung thư vú di căn. Tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều cái chết trong đời. Riêng năm nay, tôi đã mất rất nhiều bạn bè trong nước và trên mạng, những người mà tôi đã theo dõi và chúng tôi đã kết nối với nhau ở mức độ cá nhân sâu sắc. Cái chết của họ khiến tôi nhớ lại cuộc sống thoáng qua sau khi được chẩn đoán ung thư vú.
Thực tế là nhiều người đang chết vì căn bệnh ung thư này. Nỗi sợ hãi về những điều chưa biết và phải chụp chiếu 6 tháng/lần thực sự khiến cuộc sống của tôi có mục đích và có chủ đích hơn rất nhiều trong tất cả những gì tôi làm. Không biết liệu căn bệnh ung thư đã thực sự biến mất hay một số tế bào ung thư siêu nhỏ đang phát triển từ từ và vẫn chưa được phát hiện qua các xét nghiệm hay chưa là điều vô cùng đáng sợ mà cũng rất chân thực.
Tôi sẽ không bao giờ tuyên bố mình đã khỏi ung thư. Tôi luôn sử dụng thuật ngữ "Không có Bằng chứng về Bệnh tật" (NED) vì tôi không biết liệu bệnh ung thư có thực sự biến mất hay không. Điều quan trọng là phải trang bị kiến thức, kiểm tra gen và là người ủng hộ chính mình. Với tư cách là bệnh nhân/người sống sót, chúng ta có quyền đặt câu hỏi cho nhân viên y tế và có tiếng nói tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Rốt cuộc, đó là cuộc sống của chúng ta. Bản thân chúng ta là quan trọng!
Megan-Claire (Megsie) Chase là một người sống sót sau bệnh ung thư vú ở Atlanta, GA. Cô ấy bắt đầu viết blog của mình để nêu bật những cuộc đấu tranh khi trở thành một người trẻ tuổi sống sót sau căn bệnh ung thư và một người ủng hộ các phương pháp điều trị tốt hơn. Cô ấy là cộng tác của nhiều trang web hỗ trợ bệnh ung thư bao gồm Lacuna Loft, IHadCancer.com và WILDFIRE Magazine.
Megan-Claire Chase đã hợp tác với SHARE để thảo luận về 5 "bài học" mà cô ấy học được từ chính quá trình đối phó với bệnh ung thư của mình.
Mẹ phát hiện con gái mắc bệnh ung thư hiếm gặp nhờ mạng xã hội Nhờ mạng xã hội và linh cảm của người mẹ mà một bé gái mới 1 tuổi rưỡi ở Mỹ đã may mắn được phát hiện và điều trị ung thư sớm. Trong chương trình "Chào buổi sáng nước Mỹ" (GMA), cô Jasmine Martin kể cô phát hiện điểm bất thường trong mắt con từ ngày 30-7. Trước đó, mắt cô bé Sariyah...