Cảm động tình yêu cổ tích của “người thầy da cam”
Sinh ra không có bàn chân, một tay bị teo tóp do nhiễm chất độc da cam, hơn 15 năm qua, thầy giáo Đào Thanh Hương ở xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn miệt mài đứng lớp. Không chỉ, thầy Hương còn khiến bao người ngưỡng mộ với tình yêu cổ tích của mình.
Sinh ra ở miền quê biển nghèo xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, từ nhỏ cậu bé Đào Thanh Hương đã chịu thiệt thòi do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố.
Biết mình bị khuyết tật, lớn lên Hương đã ý thức được tương lai của mình. Lớn lên, anh tập tễnh đi học với nỗ lực đến trường như bạn bè. Với một tay teo tóp, không có đôi bàn chân, biết mình đi lại đã khó khăn chưa nói đến việc có thể làm được gì như người bình thường. Hương mơ ước và luôn cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành thầy giáo.
Bị khuyết tật do nhiễm chất độc da cam, thầy giáo Đào Thanh Hương vẫn miệt mài đứng lớp suốt hơn 15 năm qua.
Những tháng ngày đến trường cực kỳ khó khăn và gian khổ đối với chàng trai tật nguyền. Nghị lực, quyết tâm là vậy nhưng để đến được trường học thực hiện ước mơ đó của mình là biết bao nhiêu cố gắng của bản thân, gia đình cùng với cự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè. Nhiều năm liền chàng trai khuyết tật Đào Thanh Hương là học sinh giỏi.
Khi bắt đầu đi học cấp 3, con đường đến trường lại càng gian nan hơn đối với Hương, mỗi ngày anh phải vượt qua gần 10km để đến trường. Ngày hai tiếng, chàng trai khuyết tật miệt mài đạp xe đến lớp. Dù trời nắng hay trời mưa, anh vẫn quyết tâm không bỏ học dù chỉ một ngày.
Thầy Hương tận tình chỉ bảo cho học sinh.
Niềm vui lớn nhất đến với chàng trai khuyết tật Đào Thanh Hương sau 12 năm miệt mài đèn sách là anh đã thi đỗ vào khoa Văn Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa. Niềm vui như vỡ òa không chỉ đối với bản thân Hương mà cả gia đình khi cầm trên tay giấy báo nhập học.
Khi được hỏi vì sao lại chọn nghề giáo viên, thầy giáo Đào Thanh Hương bộc bạch: “Bản thân bị nhiễm chất độc da cam, nhưng mình vẫn còn may mắn hơn những khác. Tuy khiếm khuyết tay và chân nhưng mình vẫn có thể di chuyển được. Không làm được việc gì nặng nhưng mình có thể cống hiến bằng trí thức của mình. Làm thầy giáo là để thỏa được mong ước của mình là sẽ dạy chữ cho trẻ em nghèo trên quê hương”.
Sau bốn năm đèn sách, Hương trở về quê để thực hiện ước mơ làm thầy giáo dạy học. “Có nhiều nơi đã gọi tôi ở lại làm việc nhưng tôi quyết tâm về dạy học tại quê. Không chỉ tiện cho việc đi lại mà còn thực hiện được tâm nguyện của mình là dạy học cho trẻ em quê mình mà khi còn nhỏ tôi đã nghĩ đến”, thầy Hương chia sẻ.
Video đang HOT
Cho đến nay, thầy Hương đã trải qua hơn 15 năm công tác trong nghề. Khi kể lại những tháng ngày vất vả thực hiện ước mơ của mình, thầy Hương bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm ngày nào như mới vừa diễn ra. Những tháng năm trong nghiệp trồng người, có biết bao buồn vui, biết bao thế hệ học sinh ra trường, có những người giờ cũng đã làm thầy và đi dạy học nhưng thầy giáo Hương vẫn nhớ khuôn mặt từng người.
Không có bàn chân, một tay bị teo tóp, nhưng bằng tri thức của mình, thầy Hương đã gieo chữ cho nhiều thế hệ học trò.
Từ năm 2001 đến năm 2006, thầy giáo Đào Thanh Hương đã mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo ngay trong nhà của mình vào dịp hè hàng năm. Học sinh đến học tại nhà được thầy giáo tận tình chỉ bảo. “Nhiều em không những học giỏi lên mà còn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh như em Trần Văn Chiến, Nguyễn Thị Tý… hay em Vũ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp đại học ra trường nhiều năm nay”, thầy Hương nhớ lại.
Điều thầy Hương luôn lo lắng và trăn trở nhất đó là về sức khỏe của mình. “Tôi chỉ sợ mình ốm đau mà không đến lớp được lại không giúp cho các em học sinh. Nhiều lần bị mệt nhưng tôi vẫn cố gắng đến lớp với các em học sinh. Vì tôi biết các em đang rất mong mình. Có hôm tôi đến muộn ít phút, các em học sinh chờ chưa thấy thầy đến đã chạy ra cổng để đón tôi vào khiến tôi rất xúc động”, thầy Hương tâm sự.
Hàng ngày, thầy Hương đến trường trên chiếc xe đạp để dạy chữ cho học sinh.
Năm 2006, thầy Đào Thanh Hương là một trong 10 gương mặt tiêu biểu trong công tác khuyến học của cả nước. Ba năm liền, thầy Hương là giáo viên giỏi cấp huyện (từ năm 2005 – 2008). Công tác đào tạo học sinh mũi nhọn của trường hàng năm đều được ban giám hiệu tin tưởng giao trọng trách cho thầy Hương. Năm nào thầy hướng dẫn cũng có em đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Nói đến chuyện tình yêu của thầy giáo Đào Thanh Hương không ai trong trường là không biết. Vợ thầy Đào Thanh Hương cũng tên là Hương – cô là Trần Thị Hương, hiện là giáo viên dạy môn Địa. Tình yêu của vợ chồng thầy như một câu chuyện cổ tích. Thầy Hương kể: “Trong một lần đi dự lớp chuyên đề trên huyện cách nhà hơn 10km, trời đổ mưa giông làm tôi bị ngã xe, bỗng có một người con gái ra đỡ tôi đứng dậy. Sau đó, chúng tôi gặp lại nhau khi cô ấy tốt nghiệp, ra trường được phân công về trường tôi công tác và cũng chính tôi là giáo viên hướng dẫn kèm cặp. Qua tiếp xúc, sinh hoạt tập thể, chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn và tình yêu cũng nảy nở từ đó”.
Thêm một niềm vui đến với thầy Đào Thanh Hương khi mới đây người vợ sinh thêm một bé trai. Đến nay, hai vợ chồng thầy đã có hai người con, cả hai cháu đều khỏe mạnh.
“Cả hai con rất ngoan, nên vợ chồng tôi yên tâm công tác. Hai năm gần đây, vợ chồng tôi đã mua được đất, xây được nhà ở gần trường nên tôi không phải đạp xe đạp đi dạy xa như trước nữa. Đi lại dễ dàng nên đến lớp với các em học sinh được tốt hơn”, thầy Hương vui mừng nói.
Thầy Phạm Văn Đồng – phó hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc chia sẻ: “Thầy Đào Thanh Hương là giáo viên giỏi của trường đã có nhiều năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện. Thầy là một trong những giáo viên mũi nhọn trong công tác giảng dạy. Dù bản thân bị bệnh tật nhưng thầy Hương vẫn thường xuyên bám lớp, bám trường, tích cực tham gia hoạt động công tác Đoàn, Đội, văn nghệ của trường. Thầy Hương cũng là một giáo viên được các em học sinh vô cùng quý mến”.
Thái Bá – Duy Tuyên
Theo dân trí
Chuyện tình yêu của hai mảnh đời bất hạnh
Cuộc sống đang yên bình, bỗng tai họa ập xuống với Kỳ, đôi chân của anh bỗng nhiên teo tóp. Chỉ sau một đêm anh trở thành người tàn phế. Cuộc đời tưởng là đóng lại với chàng trai tật nguyền bỗng lại mở ra cánh cửa khác từ khát vọng và tình yêu.
Khát vọng sống của chàng trai tật nguyền
Sinh ra tại vùng quê nghèo của xóm 18, xã Nghi Phong, Nghi Lộc (Nghệ An) trong một gia đình có hai chị em, Kỳ là em út nên được bố mệ cũng như chị gái thương yêu, chiều chuộng. Với Kỳ đó là một niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Tuy sức khỏe không bằng các bạn cùng trang lứa nhưng Kỳ luôn cố gắng phấn đấu trong học tập và rèn luyện bản thân, mỗi khi trường hay lớp có phong trào gì thì cậu là người đầu tiên xin tham gia.
Dù biết những khó khăn chờ đợi phía trước, Nga vẫn quyết tâm lấy Kỳ
Mọi chuyện sẽ bình thường nếu không có ngày định mệnh ấy. Lúc đó, Kỳ đang là học sinh lớp 6 trường THCS Nghi Phong, hôm đó vừa đi học về tới nhà, Kỳ bỗng quỵ xuống, đôi chân mất cảm giác, nửa người trên đau như bị ngàn nhát dao đâm vào người. Gia đình đã đưa Kỳ đi khám rất nhiều bệnh viện ở Nghệ An các bác sĩ kết luận Kỳ mắc chứng viêm đa khớp và từ đây số phận cậu bé 12 tuổi đã "đóng đinh" vì gia đình không có tiền chữa trị.
Người mẹ không tin rằng con mình có thể sống tiếp. Giọt nước mắt lăn dài trên gò má của người mẹ bất hạnh.
Những tưỡng Kỳ sẽ gục ngã sau sự thật phũ phàng đó nhưng không, bằng niềm tin, tình thương yêu của gia đình và người thân cậu đã vượt qua tất cả bằng một nghị lực phi thường. Khát vọng sống đã giúp cậu bé vượt qua định mệnh dù cơ thể của Kỳ gần như bị tê liệt.
Cách đây vài năm, một người hảo tâm biết hoàn cảnh đã mua tặng Kỳ chiếc máy tính. Đó cũng là cầu nối từ chiếc giường giấu trong bốn bức tường vôi với thế giới bên ngoài và tạo nên khát vọng sống cho chàng trai này.
Với Kỳ hai ngón tay còn cử động được là động lực để cậu viết nên câu chuyện "cổ tích thời hiện đại". Cậu mò mẫm vào Internet, rồi lập trang web có tên caunoinguoikhuyettat.com, thu hút rất nhiều người cùng cảnh ngộ vào góp ý, chia sẻ. Và cũng từ đây, Kỳ có "vợ".
Tình yêu vượt qua mặc cảm
Phạm Thị Nga sinh ra ở một gia đình thuần nông, ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có hoàn cảnh cũng tương tự dù không nghiệt ngã như Kỳ. Hai tuổi, Nga bị ngã chấn thương sọ não. Di chứng để lại là cánh tay trái bị liệt, rất khó cử động. Không để khó khăn và mặc cảm của số phận khuất phục, Nga theo học ngành kế toán để hy vọng tìm được việc làm.
Trong một lần lang thang trên mạng Nga, cô sinh viên trường ĐH Thành Đô vào trang web và quen Kỳ.
Hạnh phúc ngày cưới của đôi vợ chồng.
Cô gái có thân hình nhỏ nhắn, nước da ngăm đen nhưng rất duyên kể: " Hồi đó mình cũng rất vô tình khi quen anh Kỳ. Lúc đó mình đang tìm tài liệu phục vụ cho công việc học tập thì vào trang web của anh, ban đầu cũng chỉ định lướt qua nhưng sau thấy những chia sẻ của mọi người, đặc biệt của của anh Kỳ làm mình khâm phục và quý mến,và có lẽ mình yêu anh ngay từ giây phút đó".
Qua trang web, họ cho nhau số điện thoại và quen nhau từ đó. Tình cảm của họ lên lên qua thời gian dù biết Kỳ không thể đi lại và tự phục vụ bản thân được,
Và một ngày cuối tháng 11, Nga tìm về xóm 18, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc để gặp Kỳ. Sau lần gặp gỡ này 2 người càng quyến luyến nhau và một chuyện "động trời" đã xảy ra: Nga ngỏ lời lấy Kỳ.
Thấy con gái quyết tâm, bố mẹ Nga rối bời. Qua lời kể của Nga, ông bà mường tượng được con gái mình sẽ đối đầu với bao khó khăn. Bà con họ hàng ra sức khuyên can Nga đừng "lao đầu vào chỗ khổ". Sau nhiều ngày thuyết phục, Nga cũng làm xiêu lòng bố mẹ chấp nhận cho mình đến với Kỳ. Về phía gia đình Kỳ, khi biết tin có người con gái muốn lấy Kỳ làm chồng, không ai dám tin.
" Tình cảm bọn em dành cho nhau là thật lòng, nếu không đến được với anh Kỳ kiếp này em sẽ không nghĩ tới chuyện lấy chồng nữa" - Nga chia sẻ.
Ngày cưới của đôi uyên ương tràn ngập niềm vui, chú rể không thể ngồi trên ô tô đi đón dâu mà phải nhờ phù rể đón giúp. Nhiều người rơi lệ nhìn hình ảnh cô dâu xúng xính bên chú rể nằm trên xe lăn mỉm cười, ai cũng khâm phục tình yêu mà họ dành cho nhau. Đông đảo bà con lối xóm tuy không được mời cũng đến chia sẻ ngày vui của Nga và Kỳ.
Một câu chuyện cổ tích thời hiện đại được viết nên bởi hai trái tim đồng điệu Nga- Kỳ. Tương lai sẽ còn nhiều gian truân nhưng hãy cùng chúc cho đôi uyên ương này sẽ cùng nhau vượt qua được những khó khăn phía trước.
Theo Dantri
Chàng trai tật nguyền "sống nhờ" 1.000 bài thơ Bị tật nguyền từ nhỏ, bất hạnh bủa vây nhưng không vì thế mà anh buông xuôi số phận. Có lẽ niềm an ủi, động viên khiến chàng trai trẻ vượt qua mặc cảm để sống vui đến hôm nay là những vần thơ do chính mình viết ra. Những vần thơ "con cóc" của "thi sĩ làng" có vần, có hồn và...