Cảm động tâm thư của nữ bệnh nhân gửi đội ngũ bác sĩ phẫu thuật nội soi khớp vai
Với nét bút khá đẹp, một nữ bệnh nhân tên Hoa đã gửi tâm thư cảm ơn tới đội ngũ bác sĩ phẫu thuật nội soi khớp vai của Bệnh viện Việt Đức.
Trong lá thư, nữ bệnh nhân tên Hoa đã bày tỏ sự ngưỡng mộ tới bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh và đội ngũ phẫu thuật nội soi khớp vai của Bệnh viện Việt Đức. Hiện tại, sau phẫu thuật, sức khỏe của chị đã bình phục tốt và vận động thoải mái. Trong tâm thư, chị viết:
“Kính gửi bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh,
Em là Hoa, một bệnh nhân được bác sĩ phẫu thuật nội soi khớp vai vào ngày 22/4/2022 tại bệnh viện Việt Đức. Hiện tay của em đã bình phục tốt, vận động thoải mái. Em rất biết ơn bác sĩ cùng ê kíp mổ đã phẫu thuật cho em bằng sự tận tâm và chu đáo. Em rất khâm phục và ngưỡng mộ bác sĩ”.
Trong tâm thư, chị cũng bày tỏ cảm xúc dâng trào khi nằm viện điều trị, được đội ngũ bác sĩ động viên và bình yên ngắm hoa sấu, nghe tiếng chim hót mỗi sớm mai bên cửa sổ phòng bệnh.
“Ba ngày ở viện với đủ cung bậc cảm xúc lo lắng hồi hộp trước phẫu thuật, em đã nhắn tin cho bác sĩ rất nhiều và được trấn an “em yên tâm nhé”.
Mệt mỏi vì chờ đợi từ sáng đến trưa
Khóc như một đứa trẻ vì không thể cựa mình sau mổ
Ấm lòng với gói xôi ruốc từ thiện
Bình yên ngắm hoa sấu, chim hót mỗi sáng sớm bên cửa sổ phòng bệnh và hạnh phúc khi được về nhà”.
Bức tâm thư của chị Đỗ Thị Thúy Hoa từ Vĩnh Yên gửi lời cảm ơn tới đội ngũ bác sĩ phẫu thuật nội soi khớp vai và đội ngũ điều dưỡng BV Việt Đức.
Chị Hoa còn bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tấm lòng chăm lo cho bệnh nhân của các bác sĩ điều dưỡng, sự ân cần của họ đã làm ấm lòng bệnh nhân:
“Trên tất cả, là nụ cười của kỹ thuật viên tại phòng mổ, sự dịu dàng ân cần của hộ lý gội đầu cho bệnh nhân, giọng nói nhẹ nhàng và gần gũi của bác sĩ Khánh, mặc dù lượng bệnh nhân quá tải như ở chiến trường”.
Qua bức tâm thư của chị Hoa, chúng ta có thể phần nào hiểu được những hy sinh cống hiến đối với nghề của những người đã chọn công việc nâng cao sức khỏe của người khác làm niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân mình. Đối mặt với những khó khăn vất vả trong nghề thì các y bác sĩ vẫn luôn nở nụ cười trên môi để động viên bệnh nhân mau khỏi bệnh.
“Chúc bác sĩ cùng các anh chị ở khoa chấn thương chỉnh hình I nhiều sức khỏe và hạnh phúc”, bức tâm thư với nét chữ khá đẹp thay cho lời kết.
Video đang HOT
Đối với bác sĩ Khánh, sau một ngày làm việc vất vả bận rộn với những ca mổ, thì bức tâm thư gửi cho anh và đồng nghiệp như niềm vui, niềm hạnh phúc nho nhỏ xua tan mọi vất vả của người bác sĩ. Thật hạnh phúc khi người bệnh đã khỏe mạnh và hoàn toàn hồi phục trở lại. Đó cũng là niềm hạnh phúc nhất của những người khoác trên vai mình áo blouse trắng.
Bác sĩ Khánh chia sẻ, chị Hoa là bệnh nhân thoái hoá khớp vai, hẹp khoang dưới mỏm cùng vai gây đau và hạn chế vận động khớp, nên đã được mổ nội soi ở BV Việt Đức. Bác sĩ cũng cho biết thêm khoa đã tiếp nhận và mổ nhiều ca nội soi khớp vai, có lẽ nhiều nhất khu vực phía bắc.
Tuy nhiên do nhiều bệnh nhân hay tới khám muộn do trước đó đã điều trị không đúng nên phải tiến hành mổ nội soi. Bác sĩ mong bệnh nhân sẽ khám sớm và điều trị đúng ngay từ đầu để mau bình phục và sức khỏe ở tình trạng tốt nhất.
Đang ngồi bỗng thấy người tê cứng, chàng trai trẻ bị cắt cụt đôi chân, 4 năm sau đổi đời
Khi bước vào hôn mê, Tô Đình Khánh là một chàng trai khỏe khoắn. Nhưng khi tỉnh dậy, anh "mất trắng" đôi chân, trở thành người tật nguyền.
- "Sẵn sàng chưa cháu?", bác sĩ hỏi.
- "Cháu sẵn sàng lâu rồi ạ"
Khánh nói, rồi thiếp đi vì thuốc mê. Sau cơn hôn mê sâu năm ấy, Khánh thành người cụt chân. Cuộc sống về sau của anh hoàn toàn dựa trên những "bước chân nghị lực".
2 lần vượt "cửa tử"
"Các em ký giấy đồng ý phẫu thuật cho anh. Nếu chẳng may anh không sống được, hai đứa thay anh lo cho ba mẹ", Khánh cầm tay em trai dặn dò ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi các bác sĩ xác định anh buộc phải cắt bỏ đi đôi chân và cơ hội sống cũng chỉ 50/50.
Tô Đình Khánh (sinh năm 1993, quê Đắk Lắk) là một chàng trai khỏe mạnh, sở hữu gương mặt ưa nhìn. Tuy nhiên, biến cố kinh hoàng xảy ra ở tuổi 25 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Khánh. Anh bị tắc động mạch máu ở bụng khiến máu không thể di chuyển xuống chân. Khánh buộc phải cắt bỏ đi đôi chân thì mới có cơ hội sống tiếp.
Tô Đình Khánh khi còn là một chàng trai khỏe mạnh bình thường
Một ngày tháng 4 năm 2018, khi đang ngồi làm việc, Khánh bỗng nhiên lấy các đầu ngón chân bị tê cứng. Những cơn đau dồn dập kéo đến khiến Khánh bủn rủn và không thể đi đứng được. Đôi chân như muốn nổ tung. Anh được bạn gái và hai em trai đưa đến bệnh viện tỉnh nhưng nhanh chóng phải chuyển lên tuyến trên.
"Nghe tin từ bác sĩ tôi lặng người, tôi rất sốc... Tôi thầm nghĩ, thôi số mình đến đây là hết rồi, cũng chẳng kịp suy nghĩ gì nhiều nữa...", Khánh đau xót kể lại.
Ca mổ được sắp xếp vào lúc 6h sáng hôm sau. Khi được đẩy vào phòng mổ, Khánh cảm nhận rõ cái lạnh chạy dọc sống lưng. Dưới ánh đèn, mùi thuốc sát trùng xộc lên mũi, cả không gian chỉ còn tiếng leng keng của dụng cụ mổ, Khánh không biết rằng đây có phải là lần cuối anh có mặt trên cuộc đời này hay không nữa.
Khánh sau 2 ca phẫu thuật loại bỏ 2 chân
Sau 5 giờ đồng hồ phẫu thuật, Khánh tỉnh dậy trong mê man. Trong đầu Khánh hiện lên câu hỏi: "Đây có phải là mình không?". Mở mắt ra trên người với những ống dây chằng chịt, miệng thì được nhét một thứ gì đó.
"Tôi thò tay xuống dưới để xem còn chân nữa không. Hai tay sờ xuống và cảm nhận được 2 cục băng bó lại ở dưới ngay đùi... Tôi biết thế là mình mất chân thật rồi... ", Khánh xót xa.
Biến cố kinh hoàng chưa dừng lại ở đó. 3 ngày sau, thông tin sét đánh từ bác sĩ khiến Khánh và cả gia đình một lần nữa suy sụp. Phần đùi của anh bị hoại tử, bác sĩ phải làm phẫu thuật tiếp, lần này phải cắt bỏ luôn tới khớp háng.
"Tôi mới phẫu thuật xong còn rất yếu và chưa ổn định. Bác sĩ nói lần này có thể sẽ nguy hiểm hơn lần đầu, nên bảo gia đình chuẩn bị tâm lý sẵn. Và lại phải ký giấy cam kết một lần nữa. Còn nước còn tát chứ hết cách rồi...", Khánh nhớ lại.
Hai lần vượt cửa tử, Khánh tiếp tục nằm viện 4 tháng ở bệnh viện Chợ Rẫy. Đều đặn một ngày một lần, mỗi lần 30 phút, anh được người thân vào thăm hỏi, động viên. Khánh không dám khóc vì sợ làm mọi người khóc theo. Nhìn ba mẹ và 2 đứa em gầy hẳn đi, đôi mắt thâm quầng, lòng anh quặn lại.
Tuy nhiên, những khó khăn lại một lần nữa thử thách sự kiên cường của chàng trai trẻ. Khi chuyển qua Bệnh viện Phục hồi chức năng ở quận 8 để điều trị tiếp, các bác sĩ phải cạo bỏ lớp da cũ đã chai ở vết thương để lớp thịt được tái tạo mới. Có vậy, Khánh mới có thể tiến hành ghép da.
Khánh kể lại nỗi đau thấu xương: "Cứ 2 ngày bác sĩ đến nạo 1 lần. Cái cảm giác bác sĩ cầm kéo cứ cạo vào vết thương cho máu chảy ra không có thuốc gây tê giống như bị tra tấn vậy. Đau đến nỗi phải lấy khăn cho vào miệng mà cắn chứ không thì không chịu nổi. Cứ đến lịch cạo mô là tôi sợ phát khiếp!".
Đứng dậy từ nỗi đau
Nằm điều trị ở Bệnh viện Phục hồi chức năng được một tháng, khi tình hình sức khỏe khá hơn và vết thương dần ổn định, Khánh được các bác sĩ cho xuất viện. Cái ngày mà anh mong chờ nhất cuối cùng cũng đến sau hơn sáu tháng nằm viện.
Về nhà, Khánh chỉ có thể nằm một chỗ trong suốt 6 tháng tiếp theo. Mọi sinh hoạt cá nhân đều do mẹ giúp đỡ. Trải nghiệm cận tử ở bệnh viện đã làm anh thay đổi.
"Những ngày tháng ở bệnh viện mới biết cuộc sống này đáng quý như thế nào. Tôi thấy những người nỗ lực để dành lấy sự sống. Tôi cố gắng từng ngày để vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất cuộc đời.
Tuy thiếu đi một phần cơ thể nhưng tôi nghĩ đó không vấn đề gì cả. Tôi vẫn sẽ làm những điều mình thích và sống hạnh phúc như bao người ngoài kia, chỉ là khó khăn hơn một chút và mất thời gian hơn một chút mà thôi", Khánh chia sẻ.
Khánh bắt đầu tập ngồi, tập đi bằng tay, tự lo các sinh hoạt cá nhân. Khánh gom tiền mua một chiếc xe lăn chạy bằng điện, giúp anh thuận tiện di chuyển mà không cần nhờ vả mọi người quá nhiều. Anh cũng mở lòng hơn, gặp gỡ bạn bè.
Những lời động viên từ mọi người đã giúp anh nhận ra cuộc đời này còn lắm những điều đẹp đẽ. Hiện tại, anh đã có thể tự đi lại và làm mọi công việc như người bình thường.
Sống một cuộc đời ý nghĩa
Tháng 12 năm 2019, Khánh được gặp Nick Vuijcic và nhận ra được sống đã là điều hạnh phúc. "Cuộc trò chuyện với Nick đã giúp tôi nhận ra người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội. Người khuyết tật vẫn có thể sống cuộc sống hạnh phúc khi họ biết cố gắng và thay đổi. Nick đã nói với tôi, tôi có thể làm được như anh ấy, chỉ cần tôi tự tin và cố gắng vươn lên.".
Khánh bắt đầu công việc bán hàng online để có thu nhập và lập kênh Youtube cá nhân chia sẻ về những biến cố và cách mình vượt qua, truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan đến cộng đồng.
"Kênh YouTube là nơi để tôi có thể truyền những thông điệp tích cực đến với mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh giống như mình, để họ có thể nhìn thấy một người khuyết tật vẫn làm được những điều như người bình thường.
Đây cũng là nơi để tôi và những người yêu thương mình gần nhau hơn, là nơi tôi có thể kết nối được rất nhiều người trên thế giới nữa", Khánh chia sẻ.
Trên trang Facebook cá nhân, Khánh cũng thường xuyên chia sẻ các chương trình từ thiện, đặc biệt là các hoạt động giúp đỡ những người khó khăn giữa đại dịch Covid-19 thời gian qua.
Trước đây, khi anh gặp biến cố, gia đình không có đủ kinh tế để tiếp tục điều trị, anh đã nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Bởi vậy, hiện tại khi đã khỏe lại, có cuộc sống ổn định, anh mong muốn san sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh không may.
Khánh hạnh phúc khi chuẩn bị những phần quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. "Khi còn nằm viện tôi đã tâm nguyện, khi khỏe lại và có cuộc sống ổn định, tôi muốn giúp lại những người khó khăn khác.
Hơn ai hết, tôi hiểu được cảm giác khi đang khó khăn mà nhận được chia sẻ thì sẽ có thêm niềm tin và động lực để vượt qua. Tôi kêu gọi sự chung tay của bạn bè và những người quen biết trên mạng xã hội và đã giúp đỡ được một số hoàn cảnh khó khăn mà tôi biết.".
Biến cố tưởng chừng làm gục ngã chàng trai trẻ. Nhưng với tinh thần lạc quan, lòng yêu cuộc sống, Đình Khánh vẫn đang tiếp tục xây dựng cuộc sống bằng sự nỗ lực của bản thân mình.
Tập làm văn bằng cách viết thư cho bà, học sinh tiểu học hỏi hai câu mà xem xong ngã ngửa Nếu muốn xem một đứa trẻ hài hước, muối mặn ra sao, mời xem những bài tập làm văn của các bé. Môn học của sự sáng tạo và cảm xúc này giúp học trò thỏa sức viết những điều mình suy nghĩ mà đôi khi vượt ra khỏi giới hạn của sự logic. Mới đây, một bài văn của học sinh tiểu...