Cảm động người phụ nữ 15 năm “theo đuổi” người đàn ông tật nguyền
Cô gái nghèo đến 40 tuổi mới gặp được tình yêu, nhưng người đàn ông một mực từ chối bởi mặc cảm tật nguyền và đang “ gà trống nuôi con”. Cô gái vẫn bền bỉ với tình yêu của mình, nhưng phải 15 năm sau, người đàn ông kia mới bước qua mặc cảm.
Họ nên nghĩa vợ chồng khi cả hai tóc đã nhuốm bạc… Đó là chuyện tình cảm động hiếm có của vợ chồng bác Nguyễn Trai và Nguyễn Thị Thương ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế.
Yêu từ cách chăm con
Vợ chồng bà Thương bên chiếc xe mưu sinh hàng ngày.
Từ lúc đôi mươi, cô gái nghèo Nguyễn Thị Thương đã phải bươn chải với cuộc sống chợ búa để chăm lo cho người mẹ bệnh tật. Khi cô bước vào ngưỡng cửa tuổi 40, những người bạn buôn bán ở chợ đã mai mối cho cô một người đàn ông đứng tuổi, có nghề nghiệp ổn định. Nhưng số phận lại đưa đến cho cô một lối rẽ khác.
Người mẹ bệnh tật của cô khi đến tuổi già đã xin vào làm thêm tại một cơ sở dành cho người mù tỉnh Thừa Thiên – Huế để đỡ đần thêm cho cô con gái sắp đi lấy chồng. Ngày ngày, những câu chuyện của người mẹ đều nhắc đến hoàn cảnh của một người đàn ông mù tên Trai rất chăm chỉ làm việc, dắt theo một cậu con nhỏ vừa chăm con vừa cố gắng làm thật nhiều tăm, nhiều chổi để lo cho cuộc sống hai cha con.
Bà Thương mỉm cười kể: “Đến lúc gặp anh Trai, tôi rất ấn tượng với một người mắt không thấy gì mà vót tăm nhanh thoăn thoắt, lại chăm con từng li từng tí. Anh chăm con như một báu vật. Hỏi ra mới biết, vợ anh mất cách đó vài năm, vì thế ngoài tình yêu người cha còn có thêm tình yêu của người mẹ. Không biết từ bao giờ hình ảnh chăm con của anh ấy cứ bám lấy tôi. Đầu tiên, tôi quý thằng bé kháu khỉnh dễ thương, rồi yêu anh khi nào không hay. Mặc cho sự can ngăn của mẹ, của bạn bè, tôi vẫn quyết định không lấy chồng nữa mà ở bên cha con anh”.
Video đang HOT
Chiếc xe đẩy hạnh phúc
Vẫn lời tâm sự của bà Thương: “Ngày ấy, tôi đã đề nghị được về sống chung để chăm sóc hai cha con nhưng anh ấy sợ tôi thiệt thòi nên kiên quyết từ chối, thậm chí còn xa lánh tôi”.
Hàng ngày trên chiếc xe đạp cọc cạch, bà Thương lại đến với căn nhà nhỏ ở thôn Địa Linh, xã Hương Vinh để thăm cha con ông Trai. Mỗi lần bà đến, ông Trai lại né tránh bởi “tôi nghĩ bấy giờ bà ấy chỉ thương hại ba con tui thôi, với lại bà ấy cũng có người dạm ngõ rồi, tới với ba con tui làm chi”, ông Trai hóm hỉnh kể.
Lần nào bà Thương đến, cậu con trai nhỏ của ông Trai là Nguyễn Minh lại quấn lấy bà không cho về bởi nó nhận được từ bà tình yêu thương của một người mẹ thật sự. Dù ông Trai luôn tỏ thái độ không “mặn mà” với bà Thương, nhưng người phụ nữ ấy vẫn lui tới chăm sóc cậu con trai, dọn dẹp căn nhà nhỏ cho ngăn nắp, nấu cho hai cha con một bữa cơm rồi lại tất tả ra về. Công việc đó cứ lặp đi lặp lại suốt 15 năm như thế, một khoảng thời gian quá đủ cho việc minh chứng một tình yêu.
Hai năm trước, khi tóc của hai người đã nhuốm bạc, ông Trai mới dám mở lòng, nói lời xin lỗi và cầu hôn bà Thương. Không có được một đám cưới đúng nghĩa, không có người đưa cau trầu, không có tiếng chúc tụng, nhưng bà Thương vô cùng hạnh phúc với vị trí là người mẹ chính thức trong mâm cơm với cha con ông Trai.
Trên nhiều ngả đường của thành phố Huế, bên chiếc xe đẩy treo nào chổi đót, chổi lông gà, tăm tre, đũa tre, thảm chà chân… một người đàn bà nhỏ đi cạnh người đàn ông mù, giọng rao lanh lảnh: “Ai mua chổi không…” – đó là hình ảnh vợ chồng ông Trai, bà Thương.
“Một ngày rong ruổi chúng tôi bán được lời khoảng 20.000 – 30.000 đồng, có hôm được 50.000 – 60.000 đồng là cao, nhưng vợ chồng sớm hôm có nhau là vui rồi và cố gắng chăm lo nuôi dạy cho Nguyễn Minh nay đã được 17 tuổi, không may cũng bị mờ mắt như ba. Nhưng Minh luôn hứa với tôi sẽ cố gắng thi đậu đại học cho ba mẹ vui lòng”, bà Thương mở lòng.
Vẫn còn nhiều ngày tháng cơ cực phía trước, nhưng tin rằng tình nghĩa vợ chồng, tình yêu đích thực sẽ đem đến những ngày hạnh phúc cuối đời cho họ.
Theo Dantri
Chuyện cổ tích về đôi bạn thân
Đang học lớp hai, em Cẩm Vân (HS Trường THCS Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bị căn bệnh viêm tủy đã cướp đi đôi chân lành lặn. Vượt lên số phận, Vân đã cố gắng trở lại trường và học rất giỏi. Từ lớp 6 đến nay, Vân được bạn Mỹ Linh chở đi học.
Đó là câu chuyện cổ tích đẹp trong thời hiện đại của đôi bạn Trường THCS Hoa Thủy.
Bốn năm chở bạn đến trường
Đến Trường THCS Hoa Thủy, hỏi về đôi bạn thân đặc biệt này thì ai cũng biết. Vì thầy cô giáo và học sinh nơi đây đã quá quen thuộc với Nguyễn Thị Cẩm Vân và Nguyễn Thị Mỹ Linh, học lớp 9E. Mỹ Linh nhỏ bé với nét mặt hồn nhiên, Cẩm Vân xinh xắn dễ thương với đôi chân tật nguyền.
Sau khi làm quen, Vân bắt đầu kể lại chuyện của mình. Em sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh em. Lúc mới sinh, Vân cũng khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Đang học lớp 2 thì tai họa bất ngờ ập đến bởi căn bệnh viêm tủy. Căn bệnh quái ác đó đã cướp đi đôi chân lành lặn và biến Vân thành một người khuyết tật.
Xót thương với nỗi đau của con, gia đình đã bán hết lúa gạo cùng nhiều tài sản trong nhà nhưng vẫn không chữa được bệnh cho Vân. Từ đó, Vân đã phải nghỉ học ở nhà rồi gắn liền với chiếc xe lăn khiến em tỏ ra bi quan, chán nản. Sau hai năm ở nhà, khát vọng đến trường lại trỗi dậy trong em. Vân quyết định xin bố mẹ đi học. Hiểu được nỗi lòng của con, bố mẹ em cũng đồng ý dù biết con mình gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi trở lại trường đến khi học xong tiểu học là khoảng thời gian cả gia đình thay nhau đưa Vân đến lớp.
Gần bốn năm qua, ngày nào Linh cũng chở Vân đến trường bằng xe đạp.
Bà Nguyễn Thị Định, mẹ Vân tâm sự: "Ngày Vân học lên cấp 2, gia đình tôi lo lắm vì phải có một người đưa cháu đến trường hàng ngày. Như thế sẽ rất ảnh hưởng đến công việc nhà nông, may mà có cháu Linh hàng xóm giúp đỡ". Quãng đường từ nhà Vân đến trường dài khoảng 3km. Ngày đó, Vân với Linh được phân công học cùng lớp, nhưng sau một buổi tan học khá lâu mà bố mẹ Vân vẫn chưa lên đón.
Thấy bạn ngóng trông thấp thỏm, ngoài trời lại nắng gắt nên Linh "đành liều" chở bạn về. Linh nhớ lại: "Đó là lần đầu tiên em dám chở một người. Vì em cũng mới biết đi xe đạp chưa được lâu. May mà hôm đó, chúng em về tới nhà an toàn".
Thấy Linh chở con mình về tới nhà, mẹ Vân vui mừng lắm. "Nhưng thú thật, tôi cũng lo. Vì vẻ bề ngoài Linh nhỏ bé, lại mới tập đi xe đạp nữa. Nhưng ai ngờ con bé giỏi thật", bà Đinh cho hay. Sau lần đó, số phận như gắn kết hai đứa trẻ này lại với nhau hơn. Với Vân, Linh là người bạn tốt nhất, là "món quà" đặc biệt mà ông trời đã ban cho mình.
Linh lại tâm sự: "Thấy bạn khó khăn nên em chở thôi. Với lại đi với nhau, được trò chuyện, trao đổi bài vở nên em thấy rất vui và bổ ích". Trôi đi một thời gian dài, đôi bạn này càng thêm thân thiết. Linh vẫn cần mẫn chở Linh đến lớp hàng ngày. Mỹ Linh nói: "Thời tiết khô ráo thì không nói làm gì, em chỉ ngại khi trời mưa gió thôi, vì đã làm chúng em té ngã nhiều lần". Nói xong, Linh đưa tay cho tôi xem những vết trầy xước vì những lần tai nạn. Nhưng rất may là những lần ngã xe hai em đều không bị thương nặng...
Đôi bạn cùng tiến
Mặc dù đến lớp với đôi chân tật nguyền, song thành tích học tập của Cẩm Vân hết sức đáng nể. Từ năm lớp 1 đến lớp 8 em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường và luôn đứng đầu lớp về điểm tổng kết. Nhiều năm liền, em đều là thành viên của đội học sinh giỏi của Trường tham gia các cuộc thi và gặt hái được nhiều thành tích. Còn Mỹ Linh, cô bé có dáng người nhỏ nhắn, mạnh mẽ này cũng học rất giỏi. Tám năm học trôi qua, Linh đều đạt học sinh khá, giỏi. Thành tích học tập của em hàng năm vẫn luôn đứng tốp đầu trong lớp.
Bật mí về bí quyết học giỏi của đôi bạn, Vân nói: "Ở lớp, chúng em tập trung nghe thầy cô giáo giảng để nắm vững kiến thức. Còn về nhà thì tập trung giải bài tập, học thuộc bài cũ rồi soạn bài mới thật đầy đủ. Nếu ai chưa biết điều gì thì hỏi nhau để bổ trợ kiến thức. Có hôm trên đường về, hai đứa tranh luận với nhau "nóng" đến nổi ngã xe mới chịu thôi".
Cô Nguyễn Thị Kim Cúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 9E cho biết: "Ở lớp, Vân và Linh luôn được thầy yêu bạn mến. Bởi vì hai em học giỏi lại hay giúp đỡ bạn bè trong học tập nên các phong trào của lớp ngày càng đi lên". Nói về ước mơ của mình, Vân bộc bạch: "Em ước sau này làm một dược sĩ thật giỏi để chữa bệnh cho mình và cho những người nghèo khác". Với tính cách mạnh mẽ và thích ca hát nên Linh có ước mơ trở thành một cô giáo dạy nhạc. Sang năm sau, Vân và Linh sẽ lên lớp 10. Và câu chuyện cổ tích đẹp về đôi bạn thân cùng tiến này sẽ còn tiếp tục được viết dẫu phía trươc các em vẫn còn nhiều gian nan.
Theo Xuân Vương
Báo Quảng Bình điện tử
Chuyện ít biết về "người phi thường" Nguyễn Ngọc Ký Tấm gương phi thường như huyền thoại của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có thể khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ vì những gì thầy đã đạt được từ ngày bắt đầu đi học cho đến nay với đôi cánh tay bị liệt. Năm 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị bại liệt cả 2 cánh tay sau cơn bạo bệnh....