Cảm động cô giáo hơn 10 năm tận tụy dạy từng trẻ khuyết tật
Đến với lớp học dạy trẻ em bị khuyết tật của cô Nguyễn Thị Hội (sinh năm 1968, tại Trường Tiểu học Sơn Lạc, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước tiếng đọc bài không đồng đều khi cô giáo gọi cả lớp đánh vần.
Có bé ngơ ngác, có bé lăn ra ngủ, có bé nói bi bô không theo lời cô… Lớp học ấy là những học sinh đặc biệt của cô giáo đặc biệt. Hơn 10 năm chăm sóc và dạy các em học sinh trong lớp khuyết tật, cô Hội được xem như một “người mẹ thứ hai” của các em.
“Người mẹ thứ hai”
Vào buổi chiều muộn, tới trường Tiểu học Sơn Lạc, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, tôi gặp và trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Hội – giáo viên phụ trách lớp học khuyết tật và thiểu năng trí tuệ.
Với giáo viên bám bản, bám trường lớp vốn dĩ đã rất khó khăn, thế nhưng, giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn cực khổ hơn rất nhiều khi phải chăm lo cho từng em đang mang trên người những nỗi đau không ai giống ai. Trong lớp mỗi em một dạng khuyết tật, em thì bị câm điếc, em bị hội chứng Down, bị tim bẩm sinh, huyết tán có em không có cơ vòng hậu môn, khó khăn hơn có em bị liệt…Tuy vậy, cô luôn cảm thấy vui vẻ và yêu công việc giảng dạy mỗi khi bên các em.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, cô giáo Hội tâm sự: “Năm 1989, sau khi tốt nghiệp sơ cấp Sư phạm, tôi bước chân vào nghề dạy học. Lúc đó, tôi dạy tại trường Tiểu học Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)”.
Thời gian này, cô giáo Hội cho biết gặp khá nhiều khó khăn khi dân cư ở đây chủ yếu là dân tộc ít người, cơ sở vật chất thiếu thốn. Sau đó, được sự giúp đỡ, động viên của gia đình nên cô đã cố gắng vừa dạy vừa học thêm thời gian hè hoàn thiện kỹ năng sư phạm và đạt trình độ chuẩn giáo viên Tiểu học.
Đến năm 2004, cô chuyển về trường Tiểu học Sơn Lạc công tác, môi trường mới, cuộc sống mới, mọi điều cô phải học hỏi lại. Khi mới về, cô chủ nhiệm lớp 2 tại phân hiệu Nông Lâm.
Cô giáo Nguyễn Thị Hội tận tụy chỉ dạy từng em học sinh khuyết tật.
“Năm 2008, tôi về Trung tâm dạy kèm và hỗ trợ lớp khuyết tật. Vì không được đào tạo chuyên môn, chưa từng dạy trẻ khuyết tật nhưng với tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cũng như sự đồng cảm với các em nên tôi cố gắng làm việc tận tụy. Năm học 2011 – 2012, tôi đã nhận dạy lớp khuyết tật của Trường Tiểu học Sơn Lạc. Trong thời gian dạy các em có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có và tất cả đều đáng nhớ”, cô giáo Nguyễn Thị Hội chia sẻ.
Công việc chăm sóc và dạy bảo các em đòi hỏi sự nhẫn nại và cả nỗ lực. Trong những năm gắn bó với các em, cô luôn giành tình thương, chăm sóc, dạy bảo các em, coi các em như con của mình. Cô giáo Nguyễn Thị Hội được mọi người ví như người mẹ thứ hai của lớp học sinh khuyết tật. Cô luôn chăm lo các em từ việc học, vui chơi, đi lại, vệ sinh… đến việc học cách tự phục vụ, kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng.
Thương cảm với các em học sinh, thế nhưng cuộc sống của cô giáo Hội cũng không may mắn. “Khó khăn chồng chất, cha lâm trọng bệnh, gia đình tôi phải bán hết nhà đất lo chữa bệnh mà ông cũng không qua khỏi. Vừa mất cha xong, chồng tôi cũng do lao động quá sức lâm bệnh mà ra đi, bỏ lại cho tôi con trai cùng một mẹ già ốm nằm liệt.
Nơi ở không có, mẹ con tôi thuê một căn nhà để ở, nhờ sự yêu thương đùm bọc, hỗ trợ của đồng nghiệp, công đoàn nhà trường mà nay mẹ con tôi cũng có căn nhà để ở, tôi cũng yên tâm công tác hơn”.
Video đang HOT
Cô giáo Nguyễn Thị Hội trong giờ lên lớp.
10 năm tình nguyện gắn bó với trẻ khuyết tật
Vì là lớp học đặc biệt nên phương pháp dạy cũng đặc biệt. Cô giáo Nguyễn Thị Hội tâm sự: “Các em đều là những trẻ khuyết tật, chậm hiểu nên mình phải giảng từ từ, kiên nhẫn, thậm chí dạy kèm từng em. Có những em dạy phải kèm với dỗ cho kẹo. Có những em đang học trong lớp, vệ sinh cá nhân không tự chủ được, rớt rãi chảy quanh miệng là mình lại tắm giặt tận tình như một người mẹ.
Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật đặc biệt như vây, hằng ngày ngoài giờ lên lớp là tôi lại vào Internet, đọc sách báo và thậm chí phải khăn gói lên tận các trung tâm dạy học dành cho người khuyết tật để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Để từ đó, mình rút ra những phương pháp và kiến thức phù hợp nhất đối với các em”.
Do hầu hết học sinh đều bị khuyết tật, mỗi em lại một dạng khuyết tật khác nhau như: bệnh Down, câm điếc bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ mà việc dạy trở nên nhọc nhằn. “Phải kiên trì. Có em dạy viết tên hôm trước thì hôm sau lại phải dạy lại. Nóng ruột thì khó lòng dạy được. Cũng có em năm năm rồi vẫn học lớp một bởi bàn tay em yếu quá, không viết được chữ. Có em chậm tiếp thu, khó làm toán. Nhưng tôi vẫn kiên trì với các em qua năm tháng” – cô giáo Hội chia sẻ.
Phần lớn phụ huynh học sinh các em đều nghèo. Có nhà làm nông. Có gia đình làm ở khu công nghiệp. Nhưng mọi người đều cảm tạ tấm lòng của các cô giáo ở đây. Không nghỉ ngơi, cứ cuối tuần cô Hội lại “bỏ quên” gia đình, chồng con để xuống trường dạy chữ thêm cho các em.
Cô Hội cho biết thêm: “Là dạy chính trong lớp học khuyết tật nên tôi tự tìm tòi các phương pháp học tập phù hợp với từng em. Khó khăn nhất là khi giao tiếp đối với trẻ vừa câm vừa điếc, vì không được tham gia bất kỳ lớp tập huấn dạy trẻ khuyết tật nào nên bản thân tôi luôn phải tìm tòi, học hỏi kỹ năng và phương pháp dạy các em.
Trong quá trình giảng dạy, chỉ cần quát mắng hay tâm lý nặng nề là các em sẽ không học. Bởi vậy, vừa dạy mình vừa phải dỗ dành để các em có tâm lý thoải mái nhất. Mục đích mở ra lớp học không chỉ dạy các em biết đọc viết, mà xa hơn nữa là có thể tính toán, làm văn. Với tình thương và lòng yêu nghề cùng sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Sơn Lạc nên tôi thấy hạnh phúc hơn khi làm một công việc có ý nghĩa”.
Biết bao khó khăn vất vả trong 10 năm gắn bó với trẻ khuyết tật (4 năm làm công tác dạy, hỗ trợ lớp khuyết tật; 6 năm chủ nhiệm trực tiếp dạy và chăm sóc các em), nhưng cô Hội vẫn tận tụy với nghề. Cô luôn hy vọng một ngày không xa, với tình cảm tương thân, tương ái và những hành động đẹp được lan tỏa, các em sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hội tận tình uốn nắn, chỉ bảo từng nét chữ và bài tập cho học sinh khuyết tật tại lớp học của mình.
Trong suốt những năm tháng dạy học, kỷ niệm mà cô giáo Hội nhắc đến là từng hoàn cảnh của các em học sinh. Với cô, đó là những số phận đã gắn bó từng ngày: “Em Chúc Minh Đức, mẹ bán hàng ăn sáng nên gửi con rất sớm, cháu lại bị nhũn lão bẩm sinh kết hợp câm, điếc không nghe ai, đến lớp thì đòi ngồi lòng cô giáo, hay như em Ma Văn Khánh – học sinh bị tăng động, thiểu năng trí tuệ nghịch ngợm, chạy nhảy không ngồi yên một chỗ. Vì vậy phải trông các cháu rất vất vả nhưng ngược lại các em lại rất nghe lời tôi nên niềm vui của tôi được nhân lên mỗi ngày”.
Mỗi ngày 2 buổi sáng chiều, cô Hội chăm lo từ việc học, chơi cho các em, nhà trường lại chưa được đầu tư trang thiết bị phục vụ cho lớp khuyết tật, không có phòng hỗ trợ khuyết tật, đối với các em học kiến thức là phụ, học cách tự phục vụ, kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng là chính nên cô luôn tự tìm tòi các phương pháp cho phù hợp với từng học sinh.
“Bản thân mình luôn mong muốn các em tuy bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng phát huy được tính tự lập, ý thức cao trong sinh hoạt và học tập để không phụ sự kỳ vọng của các bậc cha mẹ nên cố gắng đưa các em vào trong khuôn khổ, môi trường khá kỷ luật.
Mục đích cao nhất là muốn các em nâng cao ý thức hơn, tận dụng tốt thời gian để tập trung cho học hành, không phải ưa gì cũng được. Tuy vậy, do các em là những đứa trẻ đặc biệt bị mắc các bệnh như Down, thiểu năng trí tuệ nên nhiều lúc quá hiếu động mà không kiểm soát được bản thân và nhận thức rất chậm chạp nên tôi cũng phải tạo sự gần gũi, lắng nghe chia sẻ của các em để chúng tránh bị áp lực”- cô giáo Hội cho hay.
Chị Nguyễn Thị Nhàn – mẹ học sinh Chúc Minh Đức trong lớp khuyết tật cho biết: “Khi con đến tuổi vào lớp 1, tôi đưa con ra trường nhập học. Lúc này, cô Hội và nhà trường nhận cháu vào học. Tôi thấy may mắn khi trường có lớp dành cho trẻ khuyết tật. Chính cô Hội đã mở lối cho con tôi vào đời. Gia đình tôi đã mang ơn cô và nhà trường rất nhiều”.
Bản thân cô Hội gặp nhiều khó khăn nhưng cô đã giúp đỡ các em không chỉ bằng tinh thần mà còn có cả vật chất. Em Lâm Thùy Nhung, sinh năm 2007, bị liệt 2 chân, không có cơ vòng hậu môn, đường tiêu hóa của em rất kém nên việc “đại tiện” của em là tự do không làm chủ được, vì vậy cô Hội đã trích từ tiền cá nhân giúp gia đình em mua bỉm hằng tháng để giảm bớt gánh nặng với gia đình.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lạc cho biết: “Nhà trường hiện có 22 giáo viên (cả kế toán), lớp khuyết tật có cô Nguyễn Thị Hội phụ trách và một cô hỗ trợ. Trước đó, nhà trường có hai giáo viên được cử đi tập huấn dạy lớp câm điếc, tuy nhiên, hai cô nay đã nghỉ hưu. Hiện tại, cô Hội là giáo viên chính phụ trách lớp học đặc biệt của trường.
Tại đây, cô Hội không soạn theo phương pháp dạy cụ thể mà dạy theo cách nhận biết, nhận thức của các em. Năm ngoái, lớp học khuyết tật có 15 học sinh. Năm nay, do hai học sinh ra trường và một em mất nên lớp còn lại 12 học sinh. Học sinh khuyết tật của trường được miễn học phí hoàn toàn, không phải đóng góp bất kỳ khoản nào”.
Với những cống hiến trong công tác giảng dạy tại trường và tình thương dành cho trẻ khuyết tật, mới đây cô giáo Nguyễn Thị Hội vinh dự là một trong số những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018″ do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Theo Trần Toản (CAND)
Vạn dặm tìm tiếng cười trong những "gia đình siêu nhân" ở Hà Nội
Để chăm sóc những đứa con bại não, bị khiếm khuyết cả vận động và trí tuệ, nhiều ông bố, bà mẹ phải nỗ lực như "siêu nhân" để tổ ấm của mình có thể reo vang những tiếng cười trẻ thơ.
"Đã lâu rồi tôi không dám... ốm"
Đến giờ, chị Lê Thị Trang (SN 1991) trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại ngày đầu tiên phát hiện con bị tổn thương não. Năm 2016, Sóc chào đời bụ bẫm, khỏe mạnh, nhưng đến 44 ngày tuổi thì bỗng nhiên chị thấy con khóc ngằn ngặt không dứt. Vợ chồng chị vội vàng đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán Sóc bị xuất huyết não, phải mổ gấp. "Lúc đó, tôi lặng người, không tin những gì mình vừa nghe thấy. Tất cả mọi việc liên quan đến con lúc đó đều do chồng tôi quyết định" - Trang nhớ lại.
Các mẹ "siêu nhân" gặp nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con. Ảnh: Việt Đan
Bé Sóc phải mổ ở bán cầu não trái nên nửa người bên phải bị teo lại. "Con tôi ngoan lắm. Ăn rồi lại ngủ. Nhưng tôi không thích như vậy, vì con như gấu bông, không có cảm giác gì" - Trang nghẹn ngào. Sóc cứ nằm vậy không lật lẫy, không nói cười, không cảm giác gì. Trong suốt quá trình ấy, ngày nào vợ chồng chị cũng cố gắng trò chuyện cùng con. Buổi tối trước khi đi ngủ, chị kể chuyện cho con nghe, dù suốt gần 5 năm qua, con trai chị không hiểu những lời mẹ nói.
Nhưng điều chán nản hơn, đau khổ hơn với vợ chồng Trang là bé Sóc bị động kinh. Hai tháng sau khi mổ não, bé Sóc có cơn động kinh đầu tiên. Mỗi ngày, Sóc lên cơn động kinh 6-7 lần, mỗi lần kéo dài 15-20 phút. Đó là những giây phút kinh khủng nhất trong nhà chị. Có khi con đang tắm, đang ăn, đang ngồi chơi... bất chợt cơn động kinh "khởi động" khiến cả hai vợ chồng bối rối và đau xót. Trang kể, có lần bé Sóc tập lẫy, con bất ngờ lên cơn động kinh, răng vập vào môi khiến máu chảy đầm đìa. Có lúc con đang ngồi trên ghế thì lên cơn co giật ngã đập đầu xuống đất... "Thời gian đầu, vợ chồng tôi căng thẳng, stress tột cùng. Nhưng rồi nhìn con để cố gắng. Tôi không dám ốm, bởi nếu ốm, sẽ không ai chăm sóc tốt cho con.
Chị Đỗ Thu Hằng và con trai. Ảnh: Việt Đan
Người ta ao ước con học giỏi, thành thiên tài, tôi chỉ ao ước con biết đi, biết thể hiện nhu cầu mong muốn của mình" - Trang nghẹn ngào. Đến nay, đã gần 5 tuổi, Sóc mới biết ngồi và bắt đầu tập bò...
Những "gia đình siêu nhân"
Gần 40 tuổi, chị Đỗ Thu Hằng (SN 1975, trú tại quận Nam Từ Liêm) hạnh phúc mang bầu bé trai thứ ba. Đến gần ngày sinh, chị được chẩn đoán thai đa ối. Bé sinh ra phải đi thở máy gấp, đến khi chị đón con từ tay bác sĩ, con trai chị đã không có phản xạ bú, không biết khóc hay tìm ti mẹ theo bản năng của một đứa trẻ sơ sinh.
Đến tận 6 tháng, con trai chị vẫn không có phản xạ gì. Chị vội đưa con đi khám, bác sĩ nói con bị bại não. Tin báo đó như sét đánh ngang tai khiến chị sốc. "Lúc đó, tôi khóc tu tu. Nhưng sau trấn tĩnh lại, tôi hiểu vợ chồng tôi phải mạnh mẽ để giúp con. Hằng ngày, tôi xoa bóp chân tay, tập thể dục cho con. 1 tuổi, con mới biết lẫy, tôi học hỏi thêm rồi nhờ cô giáo riêng về tập luyện cho con" - chị Hằng kể. Đến giờ, con trai chị được 5 tuổi, đã biết đi, nhưng lại chưa định hướng hay không giữ được thẳng và chưa biết nói.
Đồng cảnh với Trang và Hằng là Đinh Thị Lan Anh, (SN 1981), trú tại quận Hà Đông, Hà Nội. Năm 2016, Lan Anh sinh bé Diệp Anh (tên gọi ở nhà là Kẹo). Bé chào đời được 3,3kg trong một ca sinh mổ bình thường, niềm hạnh phúc vô bờ bến vỡ òa trong hai vợ chồng. Thế nhưng, Kẹo rất yếu ớt, không thể ngóc đầu dậy, không có phản xạ nghe nhìn, bú mẹ. Chị dần nhận ra con mình bất thường. Chị đau đớn khi bác sĩ cho biết con chị bị tổn thương não. Sau rất nhiều những dằn vặt, đau khổ, chị lấy lại tinh thần và quyết định hành động cứu con. Lúc đó, chị đang là Nghiên cứu sinh năm thứ 2 ngành luật học. Chị quyết định từ bỏ học vị tiến sĩ để trở thành một thầy thuốc của con. "Tôi có thể học cả đời, nhưng con tôi thì chỉ có 3 năm vàng đầu đời để hồi phục" - chị tự nhủ, "với các bé bị bại não, con đường phục hồi rất lâu dài, mất thời gian và tiền bạc, nên tôi tự đi học để về giúp con".
Chữa bệnh cho con rất tốn kém. Tôi dành toàn thời gian để ở nhà tập luyện cho con, chỉ có chồng đi làm lo kinh tế. Tôi biết, hành trình phía trước còn dài, nhưng tôi sẽ luôn là bến đỗ, là điểm tựa gần gũi nhất cho cuộc đời con".Chị Đỗ Thu Hằng
Được sự ủng hộ từ chồng, Lan Anh đi học thêm diện chẩn, bấm huyệt, tác động cột sống vào các buổi tối và cuối tuần để trị liệu cho con. Hiện nay, chị đang học đông y tại Trung cấp Y dược Tuệ tĩnh Hà Nội. Buổi sáng, chị dậy sớm xoa bóp bấm huyệt cho con khoảng 20 phút, chiều về chị lại tập vận động khoảng 45 phút. Đêm đến, khi con đã đi ngủ, chị thực hiện các bài trị liệu tích hợp... Trên tấm bảng nhỏ nơi góc phòng của Kẹo, thời gian biểu hàng ngày được ghi đầy đủ và dòng chữ in đậm "Thời gian là kẻ thù của trẻ bại não"...
Nhờ những trị liệu thường xuyên, kiên trì của mẹ, bé Kẹo đã tiến triển khá tốt. Tròn 9 tháng, Kẹo biết lật, 2 tuổi Kẹo nói được từ "Mẹ". "Khi nghe con nói từ đầu tiên, người tôi đông cứng lại. Tôi cấu vào tay xem có phải là đang mơ không. Đến giờ, con gần 3 tuổi, mới biết tự ngồi lên và đang tập bò, con vẫn chỉ nói được từ "Mẹ", nhưng với tôi, đó là điều hạnh phúc lớn nhất của mình"- Lan Anh chia sẻ.
Đặc biệt hơn, mỗi lần cho con đi tập, đi điều trị, chứng kiến nhiều những hoàn cảnh éo le, khốn khó, những gia đình có đến 2 bé bị bại não, Lan Anh đã chứng kiến rất nhiều ông bố, bà mẹ không thoát ra khỏi những tự ti, mặc cảm để đưa con ra ngoài xã hội. Họ hoàn toàn đơn độc.
Tháng 10/2018, chị và một số cha mẹ siêu nhân đã tâm huyết lập ra "Hội Thiện nguyện Gia đình Siêu nhân" - mở ra một ngôi nhà nhỏ cho những ông bố bà mẹ có con bại não giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Hiện Hội đã có hơn 700 hội viên hoạt động trên cả nước. Với những kiến thức đông y được học, chị cùng với các mẹ "siêu nhân" khác đã chung tay làm các loại thuốc dân gian như cao phan tả diệp trị táo bón, cao hoa đu đủ trị ho, mật ong tỏi tăng sức đề kháng... Cứ mỗi tháng 2 lần kể từ khi thành lập, Hội đã phát miễn phí hàng nghìn lọ thuốc cho các bé siêu nhân trên khắp cả nước. Rất nhiều em bé bại não sử dụng thuốc dân gian đã nâng cao sức đề kháng, bớt phải sử dụng kháng sinh để sẵn sàng đến phòng tập phục hồi.
Những ông bố bà mẹ siêu nhân ấy từ chỗ kết nối với nhau trên mạng xã hội đã gặp nhau ngoài đời thường, cùng giúp đỡ và động viên lẫn nhau trong hành trình lấy lại nụ cười cho các con. Hàng ngày, ngoài thời gian cho con đi tập, trị liệu, những gia đình siêu nhân lại bắt tay vào công việc thiện nguyện như kết nối những địa chỉ khám chữa bệnh miễn phí cho các bé, hỗ trợ các mẹ khó khăn tìm việc làm, thực hiện chương trình "Bảo trợ Gia đình Siêu nhân" cho hơn 20 gia đình với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, quyên góp quần áo cũ, đồ dùng trị liệu cũ để tặng lại bé "siêu nhân" nào có nhu cầu. Họ luôn tự nhắc nhau và nhắc bản thân mình "Không bao giờ bỏ con lại phía sau".
Theo Danviet
Cựu binh bỏ tiền túi xây, sửa 8 cây cầu Về xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, hỏi ông Sản 'xây cầu' ai cũng biết. Tính từ cây cầu đầu tiên vào năm 2015, đến nay ông Sản đã bỏ tiền túi hơn 300 triệu đồng để xây mới, sửa lại 8 cây cầu trên địa bàn xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán của...