Cảm động chuyện hải quân Việt Nam cứu sống 3 phi công Mỹ ở Trường Sa
Trưa ngày 10/7/1988, tàu HQ-11 Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo khu vực đảo Đá Lớn – quần đảo Trường Sa đã cứu sống được 3 phi công Mỹ gặp nạn trên đường bay từ Singapore về căn cứ Subic (Philippines).
Không quản sóng to gió lớn, khó khăn gian khổ, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-11 đã nhanh chóng tiếp cận cứu người bị nạn, đưa về tàu an toàn. Một lần nữa, tinh thần nhân ái của bộ đội hải quân lại ngời sáng, thắm tình quốc tế cao cả.
Tình người không biên giới
“Trong ký ức của những người đi biển, có lẽ tôi không thể nào quên được một sự kiện đáng nhớ trong đời, đó là lần cứu sống 3 sĩ quan phi công Mỹ bị tai nạn ở đảo Đá Lớn – quần đảo Trường Sa.
Với tôi, đó không chỉ là kỷ niệm sâu sắc nhất của đời lính biển, mà còn là niềm vui, niềm tự hào; vì mình đã cứu sống những người khách quốc tế đặc biệt giữa đại dương bao la”. Đó là tâm sự của thượng tá Hoàng Văn Thể – nguyên Thuyền trưởng tàu HQ11 – khi tôi hỏi kỷ niệm sâu sắc nhất về đời lính biển tại nhà riêng của ông.
Ông Thể kể: 11 giờ 15 phút trưa 10/7/1988, như thường lệ, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-11 ăn cơm vừa xong, chuẩn bị nghỉ trưa thì bất chợt phát hiện tiếng máy bay gầm rú phía đông đảo Đá Lớn – cách 3 hải lý. Chỉ vài phút sau, chiếc máy bay dạng vận tải quân sự vụt tới lắc lư như có ý xin hạ cánh.
“Toàn tàu báo động chiến đấu khẩn cấp”- tiếng thuyền trưởng-đại uý Nguyễn Quang Tạo hô lớn từ cabin. Một hồi kẻng báo động chiến đấu vang lên từ phòng trực ban. Tất cả về vị trí chiến đấu.
Tàu HQ-11 và thuyền trưởng-thượng tá Hoàng Văn Thể. Ảnh Trần Mạnh Tuấn
Lúc này, chiếc máy bay loạng choạng về phía bắc đảo Đá Lớn, rồi đâm nhào xuống biển cách tàu 1 hải lý. Tất cả cán bộ chiến sĩ trên tàu chỉ kịp nhìn thấy một luồng sóng trắng xoá, rồi từ đó hiện lên một chiếc phao caosu, trên đó có 3 người.
Thuyền phó quân sự-đại uý Hoàng Văn Thể lệnh cho bộ đội hạ hai xuồng cứu sinh và trực tiếp chỉ huy một tiểu đội nhanh chóng cơ động về phía máy bay gặp nạn cứu người.
Giữa sóng to gió lớn, hai chiếc xuồng cứu sinh nhỏ xíu như nuốt vào lòng biển cứ chồm lên ngụp xuống. Quần áo cán bộ chiến sĩ ướt nhèm.
Khi tiếp cận, những người bị nạn vô cùng hoảng hốt. Xung quanh họ là một màu nước biển vàng chói. Thì ra họ đã kịp giật những chai thuốc phát tín hiệu cấp cứu lúc máy bay vừa chìm. Một phi công đang cầm bộ đàm liên lạc với người của họ.
Nêu cao tinh thần cảnh giác, thuyền phó quân sự Hoàng Văn Thể đã yêu cầu thu bộ đàm liên lạc và nói bằng tiếng Anh: “Chúng tôi là cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cứu các bạn”. 3 phi công mừng rỡ lộ rõ trên khuôn mặt. Một phi công nữ nói và ra hiệu chị đang có thai trong bụng ba tháng, xin được cứu chị.
Chiếc xuồng cứu sinh nhỏ bé lại trồi sụt trong sóng gió, đưa 3 phi công lên tàu HQ-11 an toàn. Cán bộ chiến sĩ đã dành riêng căn phòng câu lạc bộ sĩ quan cho 3 phi công. Việc đầu tiên là khám sức khoẻ cho phi công nữ đang mang thai. Biết đứa con trong bụng còn sống, chị đã khóc. Tên chị là Stein Necker – nhân viên, còn hai người kia là Richard Kamaurer (chỉ huy tổ lái) và nhân viên Michael Rneel.
Ban chỉ huy tàu và trung uý máy trưởng Nguyễn Huy Tuấn trực tiếp làm việc với 3 phi công gặp nạn. Qua tiếp xúc, được biết họ là thành viên của đoàn bay CT-39-NALO192 thuộc Hải quân Mỹ (Hạm đội Thái Bình Dương). Hôm đó, họ đi làm nhiệm vụ từ Singapore đến căn cứ hải quân Subic (Philippines) thì gặp thời tiết xấu, máy bay không thể hạ cánh được, bèn bay vòng ra biển thì gặp nạn.
Trưa ấy, hơn trăm cán bộ chiến sĩ toàn tàu HQ-11 không ai chợp mắt. Họ mừng vì đã cứu được 3 phi công Mỹ an toàn.
Lá thư cảm ơn của chị Stein Necker hiện đang lưu giữ trong nhà truyền thống Lữ đoàn 171. Ảnh tác giả chụp lại từ tư liệu của Lữ đoàn 171.
Video đang HOT
Ngời sáng phẩm chất bộ đội Cụ Hồ
Vào thời điểm ấy, tàu HQ-11 đi làm nhiệm vụ trên biển xa đã 73 ngày. Lương thực thực phẩm, rau xanh, nước ngọt đã cạn. Giữa biển khơi bao la nắng và gió, hơn 100 cán bộ chiến sĩ đã phải chắt chiu chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng cọng rau xanh, nhưng quyết không để 3 phi công thiếu thốn.
Thuyền phó quân sự Hoàng Văn Thể đã phát động phong trào tiết kiệm: “Mỗi người nhịn tắm 7 ngày để dành nước ngọt cho 3 phi công”. Thấy các bạn không ăn được cơm, ban chỉ huy tàu quyết định mở kho lương thực dự trữ, lấy mì tôm và sữa hộp đặc cho họ.
Vận động cán bộ chiến sĩ nhường thuốc lá cho bạn, còn tất cả anh em hút thuốc rê, thuốc lào. Mọi nơi ăn, chon nghỉ của bạn được cán bộ chiến sĩ tàu HQ11 chăm sóc chu đáo. Họ đã không còn rụt rè nữa. Có người đã khe khẽ hát, đi lại trên lan can hút thuốc nhả khói khắp tàu
Sau khi liên lạc với Hoa Kỳ theo đường ngoại giao, sáng 13/7/1988, 3 phi công gặp nạn được tàu của Hải đoàn 128 hải quân đón về đất liền.
Cuộc chia tay có một không hai diễn ra ngay trên boong tàu. Giữa bộn bề sóng nước, một bên là những vị khách quốc tế gặp nạn, một bên là ân nhân – các chiến sĩ hải quân. Ai cũng xúc động chẳng nói nên lời. Những tấm ảnh chụp vội vã làm kỷ niệm như thay lời ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã cứu họ.
Xúc động chen lẫn niềm vui, anh phi công Richard Kamaurer (chỉ huy tổ lái) nói: “Xin cảm ơn bộ đội Việt Nam. Cảm ơn các bạn. Nếu không có các bạn, chúng tôi đã bị đắm chìm dưới đại dương bao la này”.
Còn chị Stein Necker đã bật khóc. Cô xin mảnh giấy, mượn bút viết vội lá thư như thay lời cảm ơn gửi lại tàu, bức thư có đoạn: “Cảm ơn các bạn đã cứu chúng tôi từ lòng biển cả. Lòng mến khách của các bạn thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn rất nhiều và chắc chắn chúng ta sẽ gặp lại nhau”.
Bức thư của người nữ phi công Mỹ viết vội ngày nào đã thành kỷ vật thiêng liêng đặt khiêm tốn trong phòng truyền thống của Lữ đoàn 171 hải quân. Mỗi lần nhớ đến, như nhắc lại một kỷ niệm đẹp về lòng nhân ái của những người lính bộ đội Cụ Hồ.
Được biết, đứa con trai của người nữ phi công Stein Necker được sinh ra trên đất Mỹ và được chị đặt tên con là HQ11- tên con tàu với những người lính hải quân dũng cảm đầy lòng nhân ái, đã cứu mẹ con chị thoát nạn giữa đại dương bao la.
Tàu HQ-11 huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Trần Mạnh Tuấn.
Ngược dòng lịch sử
3 quân nhân phi công Mỹ được cán bộ chiến sĩ tàu HQ-11 Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân cứu sống giữa đại dương bao la ngày 10 tháng 7 năm 1988, không phải là những quân nhân ngoại quốc đầu tiên được bộ đội Việt Nam cứu giúp.
Ngược dòng lịch sử năm 1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn quyết định. Ở Việt Nam, sau khi giành được độc lập, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu mới. 6 tỉnh biên giới phía bắc gồm Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên được chọn làm căn cứ địa vững chắc, gọi chung là khu Việt Bắc. Du kích và bộ đội Việt Minh của căn cứ chiến khu Việt Bắc đã cứu sống một phi công Mỹ tên là Shaw nhảy dù lạc xuống đây.
Shaw thuộc đơn vị OSS (office Strategy Service- tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ – CIA). Trong chuyến bay trinh sát, máy bay của Shaw bị quân Nhật bắn rơi, buộc Shaw phải nhảy dù và rơi vào tay du kích và bộ đội của ta.
Tin phi công Mỹ được du kích và bộ đội Việt Minh cứu sống, Bác Hồ đã chỉ thị cho bộ đội đối xử tử tế với Shaw, đưa Shaw vượt ra khỏi sự truy lùng gắt gao của quân Nhật, trao trả phi công cho đồng minh.
Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp ấy, tướng LC.Chenault giao cho Tập đoàn không quân Mỹ tại Đông Dương gặp Bác và đề nghị bộ đội Việt Minh tiếp cục cứu phi công Mỹ khi bị quân Nhật bắn rơi. Ngược lại, không quân Mỹ sẽ giúp bộ đội Việt Minh huấn luyện quân sự và hoạt động tình báo…
43 năm sau, một sự lặp lại diệu kỳ: Phi công Mỹ lại được những người lính hải quân Việt Nam cứu sống. Chỉ có điều lần này không diễn ra ở núi rừng hiểm trở, mà ở giữa đại dương bao la – nơi quần đảo Trường Sa bộn bề sóng nước.
Hành động quả cảm của bộ đội Việt Minh cứu phi công năm 1945, lòng nhân ái của cán bộ chiến sĩ tàu HQ-11 cứu sống 3 phi công Mỹ giữa biển khơi ngày 10 tháng 7 năm 1988 không chỉ thể hiện tình nhân loại cao cả, không đối xử tàn bạo, không phân biệt chiến tuyến, màu da, dòng máu. Chỉ có sự ngời sáng phẩm chất người lính hải quân – bộ đội Cụ Hồ.
Nói về sự kiện cứu phi công Mỹ ngày ấy, thượng tá Thể vui cười “Nhờ bám biển mà chúng tôi đã cứu được các phi công. Sự kiện ấy luôn ghi nhớ trong lòng tôi và không bao giờ quên được”.
(Ghi theo lời kể của thượng tá Hoàng Văn Thể – nguyên Thuyền trưởng tàu HQ-11 anh hùng)
Theo Trần Mạnh Tuấn
Lao động
Bài thơ tiếng dân tộc thiểu số của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong thời kỳ hoạt động ở Cao Bằng năm 1941, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng tác nhiều thơ ca phục vụ cách mạng bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến của ông với nhân dân, với đất nước Việt Nam vẫn còn mãi trong sâu thẳm những con dân đất Việt, trong ký ức của các đồng chí, chiến sĩ cách mạng và cả trong cộng đồng bạn bè quốc tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào dân tộc.
Được cả thế giới biết đến là một tướng thiên tài về mặt quân sự, Đại tướng còn là một giáo viên dạy Lịch Sử nổi tiếng với những bài giảng rất hay, cuốn hút, đặc biệt là những bài giảng về vấn đề lịch sử quân sự. Là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết với nghề, yêu trò như con, Đại tướng đã đem hết tâm huyết truyền tải cho những thế hệ sau một nguồn kiến thức về lịch sử bao la vô tận, một khí thế hào hùng của dân tộc chống giặc ngoại xâm, cách mạng của Pháp, mưu trí của Napoléon... mặc dù họ không trực tiếp sống trong thời kì đó nhưng cũng cảm thấy rạo rực và khí thế sôi trào. Những bài giảng ấy bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc... Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển giáo dục nước nhà khi ông giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác khoa học và giáo dục. Sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu không nói đến những cống hiến có giá trị to lớn của ông trên mặt trận giáo dục.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết rất nhiều bài báo, có thể nói là hàng trăm bài, để lại rất nhiều luận văn, gần 100 bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ông đã viết rất nhiều sách về văn học. Đại tướng là tác giả hàng loạt cuốn sách như: Từ nhân dân mà ra (1964), Những năm tháng không thể nào quên (1970), Chiến đấu trong vòng vây (1995), Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử (1964), Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng (1970), Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng (2000)... Nhiều cuốn sách của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng, được các học giả dùng làm tài liệu nghiên cứu một chặng đường lịch sử Việt Nam, như cuốn How We Won the War, đến nay đã tái bản tám lần và được dùng như giáo trình của khoảng 30 trường cao đẳng, đại học ở Mỹ.
Những tập giáo trình lịch sử do Đại tướng viết nên được truyền tay nhau qua bao thế hệ học trò. Những bài học được cấu trúc rất dễ thuộc, dễ nhớ... Ông có cách giảng dạy dễ hiểu, vừa nói tiếng Kinh vừa nói tiếng Tày, soạn cả bài giảng thành thơ bằng tiếng Tày, tiếng Thái, những bài giảng đã nung nấu trong lòng nhiều thế hệ thanh niên về lý tưởng sống sao cho xứng đáng với quê hương anh hùng dân tộc.
Cuối năm 1941, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về hoạt động ở Cao Bằng, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Với tài năng và mưu lược xuất sắc trên mặt trận quân sự và mặt trận văn hóa, Đại tướng đã sáng tác nhiều thơ ca phục vụ cách mạng bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số như bài "Việt Minh ngũ tự kinh".
"... Nước ta bị Tây cướp
Đã bảy tám mươi năm
Chúng đè nén giam cầm
Bắt ta làm nô lệ
Muốn đuổi cho sạch hết
Bọn đế quốc hùng cường
Thì ta phải theo gương
Các anh hùng dân tộc.
....
Dân khắc bầu chính phủ
Dân có quyền tự do
Được hội họp tha hồ
Được nói bàn phải trái
Được bán buôn đi lại
Trên đất nước nhà mình
Thổ, Mường, Mán, Nùng, Kinh...
Thương yêu nhau thân ái".
Đây là trích đoạn trong bài "Việt Minh ngũ tự kinh" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết bằng tiếng Dao Tiền do nhà thơ Bàn Tài Đoàn cung cấp trong tuyển tập "Văn học yêu nước và cách mạng ở Cao Bằng trước năm 1945", do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành đầu năm 2009, do 2 nhà văn Triều Ân và Đoàn Lư đã dày công nghiên cứu sưu tầm. Trong đó nhà văn Triều Ân đã miệt mài sưu tầm từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Tác phẩm khẳng định vị trí, vai trò của văn thơ yêu nước và cách mạng do các chí sĩ yêu nước và các nhà cách mạng sáng tác ở Cao Bằng.
Tại trang đầu cuốn sách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Những năm đầu thập kỷ 40, thế kỷ trước, ở Cao Bằng rộ lên phong trào sáng tác thơ ca để tuyên truyền, tổ chức, cổ vũ đấu tranh cách mạng. Bác Hồ làm thơ. Cán bộ Trung ương, cán bộ tỉnh, huyện làm thơ. Thời gian hoạt động ở Cao Bằng, tôi đã cố gắng học tiếng dân tộc để làm thơ vận động cách mạng... Nhiều nơi, thơ ca yêu nước và cách mạng lúc bấy giờ như một luồng gió mới góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng để đến mùa thu năm 1945 toàn dân tộc vùng lên làm Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa".
Đại tướng trò chuyện cùng đồng bào dân tộc.
Những bài thơ, bài văn bằng tiếng dân tộc tuy không vần, không nhịp, không đối câu, đối vần và cũng không theo một thi luật nào cả thế nhưng những bài thơ, bài văn đó lại rất dễ nhớ, dễ thuộc và được từng học trò của Đại tướng nằm lòng vì đó là ngôn ngữ của chính những người dân tộc được họ sử dụng hàng ngày (chủ yếu là người dân tộc Tày, dân tộc Thái ở Thái Nguyên và Cao Bằng), từ ngữ dân tộc mộc mạc miêu tả một cách chân thực về cách mạng, về lịch sử, về cuộc sống, về con người, về xã hội... mà khi đọc ta thấy nó không còn là một bài thơ với niêm luật chặt chẽ hay một giáo trình sâu xa khó hiểu mà những bài học đó như những câu chuyện thường được kể đến, được nói đến trong đời sống sinh hoạt và trong sản xuất.
Đại tướng nhận định: Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài... mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng về giá trị văn hóa đạo đức, thẩm mĩ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích sống vì con người và vì cuộc sống. Giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam và cộng đồng dân tộc Việt Nam, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta tiến lên nhanh và vững, hội nhập quốc tế thắng lợi, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.
Trong các tác phẩm bàn về giáo dục của mình như "Mấy vấn đề về khoa học và giáo dục" và bài viết tâm huyết "Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà", Đại tướng đã viết: "Một trong những nhiệm vụ lớn lao có tầm quan trọng chiến lược trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên CNXH là đào tạo con người phát triển toàn diện, có tinh thần làm chủ, có năng lực làm chủ và có tinh thần yêu nước XHCN, có trình độ văn hóa, khoa học ngày càng cao, nắm vững kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kể cả công nghệ cổ truyền, kỹ nghệ, và công nghệ hiện đại, có cả những công nghệ hiện đại nhất. Đây chính là lực lượng sản xuất vĩ đại nhất. Trong sự nghiệp ấy thì công tác giáo dục từ mẫu giáo đến ĐH và trên ĐH có nhiệm vụ cực kỳ to lớn. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục thực chất phải được coi là một bộ phận quan trọng trong chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội và là một trong những đầu tư có tầm chiến lược và đem lại hiệu quả lớn lao".
Thanh Bình
Khoa Ngữ Văn, Trường ĐHSP Hà Nội
Theo Dantri
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và quyết định "sinh tử" trong đời cầm quân Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã phải đứng trước một quyết định cực kỳ khó khăn là đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc". Đây là một quyết định mà nửa thế kỷ sau, khi tiếp xúc với báo chí phương Tây, ông đã thổ lộ là "khó khăn...