Cắm cọc tre, tái hiện trận Bạch Đằng đánh chìm tàu chiến Mỹ
Gần 900 cọc tre và phi lao vót nhọn hai đầu được dựng thành hai bãi, kết hợp với thủy lôi và thép gai, quân và dân Quảng Trị đã làm nên “chiến thắng Bạch Đằng” trên sông Hiếu.
47 năm trôi qua sau trận “Bạch Đằng trên sông Hiếu”, ông Hoàng Hữu Dương, trú phường Đông Giang (Đông Hà, Quảng Trị) vẫn nhớ những ngày hoạt động trong vùng kiểm soát của lính Việt Nam Cộng hòa để xây dựng cơ sở, chuẩn bị cho trận đánh. Đứng bên con sông Hiếu hiền hòa, nguyên Trưởng ban chỉ đạo trận đánh kể lại cuộc chiến những năm 1967-1968 tại Quảng Trị.
Thời bấy giờ, tuyến đường sông Cửa Việt (huyện Gio Linh) nối lên Đông Hà có ý nghĩa chiến lược, mang tính sống còn với quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa đồn trú ở Quảng Trị. “80% trang bị, vũ khí và quân nhu quân dụng được vận chuyển bằng đường sông. Ngày nào cũng có tàu vận tải chuyển hàng ngược xuôi trên tuyến sông này”, ông Dương nhớ lại.
Để ngăn cản hoạt động của quân Mỹ và quân chính quyền Sài Gòn, phân đội đặc công nước 1A của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do thiếu úy Nguyễn Văn Tình chỉ huy, thường xuyên quấy phá. Tuy vậy, những trận đánh bằng thủy lôi đơn giản không cắt đứt được tuyến vận tải này.
Ông Dương kể lại, thủy lôi nổ khiến cột nước tung cao hàng chục mét, xác tàu Mỹ nằm ngổn ngang giữa lòng sông. Ảnh: Hoàng Táo
Đầu năm 1968, quân Mỹ bị vây hãm ở vùng rừng núi Khe Sanh phía tây Trường Sơn. Đại tướng Văn Tiến Dũng gửi cho Mặt trận B5 (giới tuyến 17 và tỉnh Quảng Trị) và liên huyện Gio Cam mật lệnh: “Bằng mọi giá cắt đứt đường sông Cửa Việt – Đông Hà càng dài ngày càng tốt, hợp đồng với chiến dịch Khe Sanh. Chúc thắng lợi!”.
Được giao trọng trách chỉ huy trận đánh, ông Dưỡng và các lực lượng đặc công nước hải quân, dân quân địa phương đã sáng tạo, kết hợp cách đánh truyền thống của cha ông với vũ khí hiện đại để cắt đứt dài ngày tuyến vận tải đường sông. Trận địa được lựa chọn là khu vực Tam Giang Khẩu trên con sông Hiếu, ngày nay cách thành phố Đông Hà khoảng một km.
Video đang HOT
Hơn 2 tháng âm thầm chuẩn bị trong vùng kiểm soát của quân Việt Nam Cộng hòa, đến cuối tháng 2/1968, 800 cọc tre, 40 cọc phi lao dài 6 m được vót nhọn hai đầu, 2 tạ thép gai, mìn và ngư lôi cải tiến được tập kết về điểm chuẩn bị.
Ông Dương nhớ lại: “21h đêm 27/2/1968, trời tối đen như mực, mưa rét cắt da cắt thịt, 20 chiếc thuyền và 60 du kích giỏi, nòng cốt là dân vạn đò đưa cọc tre, phi lao cắm xuống dòng sông làm thành hai bãi cọc. Còn đặc công nước hải quân có nhiệm vụ bố trí thép gai, ngư lôi thành trận địa liên hoàn. Trên bộ, lực lượng quân sự địa phương, du kích bí mật áp sát bên bờ sông chuẩn bị đánh tàu”.
Khoảng 8h30 sáng 28/2, đoàn tàu 12 chiếc của Mỹ theo thông lệ từ Cửa Việt lừng lững tiến lên Đông Hà. “Thủy triều lên che lấp hoàn toàn bãi cọc. Chiếc tàu thứ nhất lên đến bãi cọc ở thượng nguồn thì vướng thép gai, dừng lại xoay trở. Chiếc tiếp theo tiến đến vướng ngay thủy lôi, tiếng nổ rền vang, mặt đất rung chuyển, cột nước tung cao hàng chục mét… Những chiếc phía sau thối lui liền bị quân dân đánh chặn”, Phó đô đốc, nguyên Chính ủy Hải quân Việt Nam, trung tướng Nguyễn Văn Tình kể lại.
7 chiếc tàu bị đánh chìm, một số hư hỏng tháo chạy xuống Cửa Việt. Trận đánh khiến tuyến đường sông tắc nghẽn 6 ngày liền. Mỹ phải huy động pháo để giải tỏa xác tàu nhằm thông tuyến, đồng thời tăng cường cảnh giác sau trận chiến này. “Cắt đứt được tuyến đường này đã gây tổn thất không nhỏ cho quân Mỹ, tạo thuận lợi cho mặt trận Đường 9 – Khe Sanh đi đến thắng lợi cuối cùng”, trung tướng Tình nói.
Phó đô đốc, nguyên Chính ủy hải quân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Tình, người chỉ huy đặc công nước ngày nào, trở lại thăm và thả hoa tưởng niệm trên sông Hiếu. Ảnh: Hoàng Táo
Sau này, phân đội đặc công nước 1A lớn mạnh thành Đoàn đặc công 126. Theo trung tướng Nguyễn Văn Tình, chiến thắng “Bạch Đằng trên sông Hiếu” thể hiện cao nhất sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, phát huy được thế trận lòng dân. “Mặc dù hoạt động trong lòng địch, cách thị xã Đông Hà một cây số, đối mặt gian khổ, nguy hiểm nhưng nhờ thuận lòng dân mà mấy tháng chuẩn bị cho trận đánh không gặp trở ngại. Anh em sống tại nhà dân, được bà con đùm bọc che chở, tối hoạt động, ngày xuống hầm bí mật”, trung tướng Tình nói.
Hàng năm, những cựu binh tham gia trận Bạch Đằng trên sông Hiếu luôn tranh thủ trở về Quảng Trị để thăm lại chiến trường xưa. Họ vẫn đau đáu một mong ước, được dựng lên tại đây một tấm bia ghi dấu sự kiện quan trọng này. “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên chính quyền thành phố Đông Hà và ngành văn hóa. Tuy vậy, họ đề nghị chờ để đưa vào quy hoạch và có phương án làm bia sự kiện quy mô”, ông Dương nói.
Một vài năm trước, nhân dân và chính quyền phường Đông Giang tìm thấy một cọc tre còn sót lại từ trận chiến. Chiếc cọc vẫn còn chắc chắn được đem trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4 ở Nghệ An, như một biểu trưng cho tinh thần đoàn kết quân dân, ý chí của cả một vùng đất. Đó cũng là chứng tích duy nhất của trận đánh được tìm thấy cho đến nay.
Hoàng Táo
Theo VNE
Sói Đêm tái hiện hành trình của Hồng quân xuyên châu Âu
Nhóm mô tô Night Wolves lên kế hoạch đi từ Moscow tới Berlin trong 2 tuần để kỷ niệm thất bại của nước Đức Quốc xã trước Liên Xô.
Điều đặc biệt của nhóm này là họ công khai ủng hộ chính sách của Tổng thống Nga đối với Ukraine. Thủ tướng Ba Lan vì thế đã gọi kế hoạch thực hiện hành trình kỷ niệm chiến thắng phát xít vào cuối tháng 4 này là một sự "khiêu khích".
Tổng thống Putin và trưởng nhóm mô tô Sói Đêm (ảnh: Getty) Nhóm mô tô Night Wolves là những người ủng hộ trung kiên của Tổng thống Vladimir Putin. Họ cho biết họ muốn tiến hành cuộc tập hợp và du hành này để chào mừng 70 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã vào năm 1945. Nước Nga kỷ niệm sự kiện này vào ngày 9/5.
Theo kế hoạch, nhóm mô tô này sẽ khởi hành ở Moscow vào ngày 25/4 và đi qua Belarus, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và nước Áo trước khi tới Berlin vào ngày 9/5.
Ông Putin bên các thành viên mô tô Sói Đêm (ảnh: Kremlin) Thủ tướng Ba Lan hôm 15/4 đã đưa ra khả năng biên phòng nước ông sẽ không cho phép các tay lái mô tô này nhập cảnh.
Trên trang web của nhóm, phần nói về chuyến đi có đề khẩu hiệu "Tiến về Berlin" giống tiếng xung trận của Hồng quân năm xưa.
Trên hành trình này, nhóm sẽ thăm các đài tưởng niệm chiến tranh, các trại tử thần Auschwitz và Dachau, và Công viên Treptower ở Berlin, nổi tiếng với đài tưởng niệm hàng ngàn binh sĩ Xô viết hy sinh trong trận chiến Berlin.
Trưởng nhóm này, Alexander Zaldostanov, liên tục tuyên bố ông rất vui vì bán đảo Crimea đã được sáp nhập về Nga. Trên thực tế, nhóm này đã có màn trình diễn mô tô ở Crimea ngay sau khi bán đảo được sáp nhập.
Ông Putin cưỡi mô tô phân khối lớn cùng nhóm Sói Đêm (ảnh: AP) Tuy nhiên các tay lái mô tô này khẳng định rằng chuyến tập hợp lần này ở Berline là phi chính trị và nhằm viếng thăm mộ những người lính Xô viết nằm dọc theo hành trình.
Một số người đi mô tô của Ba Lan cho rằng nên cho nhóm mô tô Nga vào lãnh thổ nước mình, trong khi có những người Ba Lan khác lại cho rằng cần phải chặn đường, không cho họ vào.
Theo vov.vn
Tàu ngầm Pháp bất ngờ "đánh chìm" tàu sân bay Mỹ Một loạt các cuộc tập trận hải quân chung giữa Hoa Kỳ và Pháp gần đây đã không diễn ra theo cách mà Mỹ mong đợi. Cuộc tập trận kết thúc với kết cục tàu ngầm hạt nhân Pháp "đánh chìm" tàu sân bay và hầu hết các đội hộ tống của Mỹ. Cuộc tập trận diễn ra trong 10 ngày bắt đầu...