Cám cảnh như vợ chồng nghèo bám trụ lại thành phố
Mưu sinh nơi thành phố thật chẳng dễ dàng. Dù biết vậy nhưng những cặp vợ chồng nghèo xuất thân từ thôn quê này vẫn hy vọng cuộc sống của mình sẽ khấm khá hơn để đời con cháu bớt khổ.
Vợ chồng anh Tiến – chị Thanh (Từ Liêm, Hà Nội) cùng quê ở Tiên Lữ – Hưng Yên. Anh chị lên Hà Nội lập nghiệp đến nay đã được gần chục năm. Ngày ấy, vừa cưới nhau xong thì bố anh Tiến đột ngột qua đời, để lại căn nhà tập thể hơn 20m2 trên Hà Nội. Mẹ anh mất trước đó 3 năm, trong khi anh là con một. Vì thế hai vợ chồng bàn nhau lên Hà Nội kiếm sống.
Những ngày mới lên Hà Nội, cả hai nhờ vả người quen, bạn bè khắp nơi những mong sớm tìm được chỗ đi làm. Nhưng một tháng trôi qua vẫn chưa có kết quả, trong khi tiền ăn uống thì vẫn phải chi tiêu đều đặn.
Do đó, anh quyết định đi làm xe ôm. Sau đó, anh được người anh họ giới thiệu đến học việc sửa điện thoại. Có chút tay nghề, anh quyết định về bán căn nhà ở quê lấy vốn mở cửa hàng buôn bán điện thoại cũ và sim thẻ.
Cửa hàng mới mở, khách chưa có nhiều nói gì đến chuyện lãi lời. Trong khi đó tiền thuê nhà thì vẫn phải trả đầy đủ, anh gầy rộc người đi, chị Thanh thì như ngồi trên đống lửa. Đến khi hàng bắt đầu đông khách hơn thì chủ nhà lại đòi nhà để xây lại. Anh chị lại tìm một chỗ mới, xa nhà hơn và tiếp tục khởi đầu một hành trình gian nan.
Cũng phải mất 2 năm đầu kinh doanh chật vật, vợ chồng anh Tiến mới tạm có lãi. Lúc này, anh chị sinh đứa con đầu lòng. Chị nhờ bà ngoại lên chăm cháu. Còn chị, ngay khi vẫn còn ở cữ, chị Thanh vẫn phải qua lại cửa hàng trông coi những lúc anh đi lấy hàng hoặc có việc bận.
Khi con gái lên 4 tuổi cũng là thời điểm khá giả nhất của gia đình anh Tiến. Anh chị tích góp mua được chiếc xe máy mới. Thế là mỗi người một chiếc xe riêng tiện cho việc đưa đón con và công việc.
Anh tính nếu buôn bán thuận lợi thì sẽ dành dụm sửa sang lại căn nhà tập thể đang ở. Căn nhà đã quá cũ nát, lần nào mưa cũng dột tứ tung, sửa được chỗ này thì dột chỗ khác. Không những thế, vì các nhà xung quanh đã xây cao hết nên một mình nhà anh lọt thỏm, trũng hẳn xuống nên còn bị ngập liên tục. Anh kể: “Những trận mưa to, vợ chồng mình toàn phải huy động hết xô chậu để hứng chỗ giột. Nghĩ lại mà vẫn thấy ớn”.
Công việc đang khởi sắc một chút thì chủ nhà lại đòi tăng giá thuê cao gấp rưỡi giá cũ. Không chịu được giá mới, anh chị lại tìm một điểm thuê khác. Nhưng lần này cửa hàng lại nằm sâu trong ngõ nên suốt mấy tháng trời, hầu như anh Tiến chỉ bán được sim và thẻ. Hơn nữa, thời gian này giá điện thoại giảm mạnh lại nhiều chủng loại, nhiều dòng máy hiện đại ra đời, khách mua và sửa máy cũ cứ thưa vắng dần.
Đúng lúc làm ăn khó khăn hơn thì chiếc xe máy mới mua của vợ chồng anh chị cũng không cánh mà bay trong một lần anh đi lấy hàng. Khó khăn này tiếp nối rủi ro khác.
Rồi lúc này, chị Thanh lại mang thai ngoài ý muốn. Biết là sinh thêm con trong giai đoạn này sẽ vô cùng vất vả nhưng anh chị không nỡ bỏ đi giọt máu của mình. Lúc con thứ 2 chào đời, anh đành phải thanh lý toàn bộ cửa hàng nhưng số vốn thu về chẳng bao nhiêu.
Vợ vừa mới sinh, trong khi tiền ăn, tiền học của con… chất chồng, anh Tiến lại phải tự xoay xở tìm việc mới. Cuối năm ngoái anh đã xin được một chân đi giao hàng. Hiện tại, bé thứ 2 đã cứng cáp nên chị Thanh đang tính tìm việc đỡ đần chồng.
Chị tâm sự: “Ngày nào anh cũng đi tối ngày, tiết kiệm từng đồng mang về cho vợ con 5 – 7 triệu/tháng. Nhưng 4 con người chỉ trông chờ vào từng ấy tiền, tháng nào cũng phải co kéo lên xuống. Mình thì không có bằng cấp, tình hình kinh tế lại khó khăn thế này, tìm việc đâu phải dễ. Nhiều lúc nghĩ cảnh vợ chồng nghèo cũng nản lắm, chỉ muốn về quê cho đỡ tốn kém. Khổ nỗi về thì làm gì nếu không định làm ruộng?”.
Video đang HOT
“Nhiều lúc nghĩ cảnh vợ chồng nghèo cũng nản lắm, chỉ muốn về quê cho đỡ tốn kém” (Ảnh minh họa).
Khác với gia đình anh Tiến – chị Thanh, vợ chồng Vĩnh – Nhung (Hà Đông, Hà Nội) đều tốt nghiệp đại học nên công việc có phần bớt khó khăn hơn. Song ở vào cái thời buổi “nhất thân, nhì tiền, tam quyền, tứ chế”, 2 vợ chồng họ cũng chỉ đi làm ở những công ty tư nhân nhỏ với đồng lương lẹt đẹt.
Nhung cho biết: “Vợ chồng mình đã chuyển chỗ làm vài lần nhưng nhìn chung thu nhập không khá hơn mấy. Tháng nào cả hai vợ chồng cũng chỉ kiếm được chưa nổi chục triệu. Trong khi đó tiền thuê nhà, tiền ăn tiêu, sinh hoạt, tiền mua sữa cho con… cứ dồn dập. Không ít lần đến hạn nộp tiền nhà mà không còn đồng nào, mình đành muối mặt lên khất bác chủ nhà. Cũng may bác thông cảm vẫn cho ở lại”.
Cái khó của vợ chồng Vĩnh – Nhung là một người quê Bắc Ninh, một người Hà Tĩnh. Cuộc sống bình thường đã khó khăn nhưng đến những tháng giáp Tết thì họ càng thực sự kinh hoàng vì không biết lấy đâu tiền về quê mỗi dịp lễ Tết tốn kém.
“Đợt nào nghỉ lễ dài, mình với chồng cứ phải thay nhau nói khéo với bố mẹ ở quê là bận việc không về được. Một năm nhà mình thường chỉ về quê chồng ở Hà Tĩnh dịp Tết thôi. Vì mỗi lần như thế, ngoài tiền xe cộ đi lại, còn tiền quà cáp các kiểu. Có năm về quê ra phải đi vay tiền ăn” – Nhung ngậm ngùi kể.
Hỏi Nhung tại sao sống ở Hà Nội vất vả thế không tính về quê làm ăn, Nhung thành thật chia sẻ: “Cũng nghĩ rồi chứ, nhưng một phần là quê xa, về đâu cũng khổ, một phần là công việc của mình và anh xã về quê thì khó xin lắm. Giờ cứ nghĩ đến tương lai mờ mịt thì chả vui lên mà sống được nên chả dám nghĩ. Trước mắt vợ chồng mình xác định chỉ sinh một đứa thôi, chứ không có tiền mà nuôi nổi”.
Cùng cảnh ngộ chật vật “bám trụ” lại thành phố là vợ chồng chị Phương – anh Hóa (Xuân La – Hà Nội). Hai anh chị đã sống cảnh thuê nhà được hơn 10 năm nay (đó là chưa kể thời gian đi ở trọ ngày còn là sinh viên).
Ba con người chui ra chui vào căn phòng chật chội chỉ hơn 15m2. Thấy con trai đã lớn (bé đang học lớp 2), anh Hóa đi đặt một chiếc giường tầng bằng sắt. Đưới là 2 vợ chồng nằm, tầng trên dành cho con.
Chị Phương chia sẻ về cuộc sống gia đình: “Chật chội, bí bích và bất tiện lắm, nhưng tìm nhà khác thì đắt tiền hơn nên đành ở vậy. Lương lậu của hai vợ chồng viên chức Nhà nước ‘quèn’ thì ai chả biết ‘hẻo’ đến thế nào.
Nhiều người không tin chứ cả chục năm nay, vợ chồng tôi vẫn xin gạo mẹ đẻ cung cấp. Quê tôi ở Thái Bình, ông bà cấy nhiều lúa, không có gì cho con ngoài việc trở thành nơi chu cấp gạo miễn phí. Cứ đều đặn tháng một, vợ chồng tôi lại về lấy gạo, tiện thể tha lên đủ thứ rau củ quả, thậm chí cả thịt cá. Có lần ăn được cả tuần không tốn tiền đi chợ”.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại gia đình chị đã ổn hơn rất nhiều. Chị Phương nhớ lại mấy năm trước đây:”Lúc tôi vừa ra trường, cưới anh Hóa và mang thai bé Chip, mình đang làm cho một công ty tư nhân. Lương thấp hơn bây giờ nhiều, thế mà được bé được 7 tháng thì có dấu hiệu bất thường. Đi khám, bác sĩ bảo phải nằm viện để theo dõi. Tôi lo quá, nằm viện thì tiền đâu ra, đành liều xin đơn thuốc về uống.
Tôi định vẫn đi làm tiếp nhưng chồng không cho. Thế là nằm ở nhà mà lòng như lửa đốt, nghỉ không lương mà. Mong mỏi duy nhất lúc ấy là con nhanh chóng chào đời để mẹ rút ngắn thời gian ăn không ngồi rồi. Hai tháng sau khi sinh, tôi xin đi làm luôn, để vừa có lương, vừa được hưởng tiền thai sản”.
Theo afamily
Người chồng nhu nhược
Cảm giác bất lực ùa về, anh thấy mình thật đúng như lời vợ nói: "Anh là người chồng nhu nhược!".
- Anh là đồ nhu nhược, tôi chán cái cảnh này lắm rồi. Chỉ có mỗi việc hỏi xin tiền ông bà mà anh cũng không làm được thì còn làm được cái quái gì nữa hả? Anh muốn vợ con anh suốt đời chui ra chui vào trong cái phòng trọ bé tí này thì anh mới sung sướng à?
- ...
- Nếu thế thì được thôi, mẹ con tôi sẽ mặc kệ anh. Thân anh, anh lo!
Đã nhiều lần vợ chồng xích mích nhưng anh không ngờ lần này chuyện lại thành ra to tát đến vậy. Chuyện xảy ra đã hơn 1 tuần nay, vậy mà mỗi lần bước chân về nhà, từng hình ảnh, lời nói và thái độ của vợ lúc đó lại hiển hiện rõ mồn một trong tâm trí anh.
Cũng từng đó thời gian vợ và con anh đi đâu không rõ. Anh hỏi ông bà ngoại thì ông bà nói không có ở đó. Anh gọi điện đến cơ quan thì nhân viên hành chính bảo chị xin nghỉ phép một thời gian.
Anh chị cưới nhau đã được 3 năm. Vì hai vợ chồng đều sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ nên cưới nhau xong, anh chị thuê một phòng trọ gần cơ quan chị. Từ ngày chị sinh con thì căn phòng 16m2 không còn vui vẻ như xưa nữa.
Tiếng cười đùa trêu chọc nhau cũng ít đi. Thay vào đó là tiếng cằn nhằn của Linh mỗi khi chồng đi làm về muộn hay đơn giản là những khi Linh thấy nhìn mặt chồng thấy ghét.
Hết 4 tháng nghỉ sinh, bà nội lặn lội từ quê lên trông con cho Linh đi làm trở lại. Thời gian đầu, chị cũng thầm cảm ơn mẹ chồng nhiều vì bà hiền lành, chịu khó, lại thương con thương cháu hết mực. Nhưng ở đời chẳng ai có thể nói trước được điều gì.
Con nay ốm mai đau nên số tiền dự phòng của hai vợ chồng đều theo đó mà ra đi hết. Kèm them đó là những khoản chi không tên cũng ngày một tăng lên, trong khi thu nhập của hai vợ chồng vốn không dư dả gì lại vẫn dậm chân tại chỗ.
Anh không lường trước được người vợ hiền lành ngày nào của anh lại trở thành một người đàn bà cay nghiệt, ghê gớm và dám lên mặt chửi chồng như hôm nay (Ảnh minh họa).
Nhiều khi nhìn các chị trong cơ quan nay mua mai sắm, nhà cửa, xe cộ đoàng hoàng... trong khi chị vẫn mặc đi mặc lại mấy bộ đồ từ thời chưa bầu bí mà Linh tủi thân ghê gớm.
Bình thường không sao, hễ cứ lần nào ôm con ốm dài dài, Linh lại tự thấy chán gét bản thân và bắt đầu trách than số phận hẩm hiu của mình. Những lúc ấy, mâu thuẫn vợ chồng được dịp bùng phát và căng thẳng hơn.
Ngại mẹ chồng, ngại hàng xóm dị nghị nên lúc đầu, mỗi khi có chuyện, Linh lại gọi chồng ra bãi đất trống gần phòng trọ nói chuyện. Nhưng về sau, cơn tức giận lên, chị chẳng kiêng nể hay sợ hãi gì nữa. Hễ có chuyện là Linh "bụp" luôn tại trận làm chồng nhiều phen xấu mặt với mẹ, với láng giềng.
Chuyện có lẽ sẽ chẳng đến lên đến "cấp độ" cao như lần này nếu như hôm đó bà nội không về quê và Linh không rủ chị bạn thân từ thời đại học đến phòng chơi cho đỡ buồn.
Hai chị em lâu ngày mới gặp lại nhau, ngồi tâm sự huyên thuyên đủ chuyện trên trời dưới bể. Chị bạn Linh bảo: "Dạo này kinh tế khó khăn nên đất cát cũng rẻ hơn xưa nhiều. Sao em ngốc thế, lấy chồng đã mấy năm nay mà không biết đường 'vận động' gia đình hai bên tranh thủ mua lấy mảnh đất hay căn hộ chung cư cũng được. Giờ không mua thì đến 10 năm nữa chưa chắc đã mua được nhà đâu, bởi làm gì có chuyện giá đất bèo như bây giờ?...".
Vốn tính hay lo lại nhìn căn phòng trọ chật chội và ẩm thấp - nơi mình chui ra chui vào mấy năm nay, Linh càng cám cảnh hơn bao giờ hết. Nhiều lần, Linh từng bảo chồng vay tiền mua miếng đất phòng thân nhưng chồng cứ ậm ừ mãi. Giờ thấy chị bạn nói chuyện vậy Linh lại càng sốt ruột hơn.
Chiều tối, chồng vừa đi làm về, Linh nhẹ nhàng kể chuyện lúc sáng xem thái độ của chồng như thế nào. Song anh vẫn ậm ừ cho qua như mọi khi. Được đà, Linh tuôn luôn một tràng dài:
- Số tôi khổ, lấy phải chồng nghèo còn bất tài. Đến cái nhà không lo nổi cho vợ con thì hòng làm trò trống gì nữa. Anh không biết ngẩng mặt lên mà nhìn thiên hạ nhà lớn nhà bé, xe nọ xe kia ầm ầm. Nhục, nhục chưa. Đây thì chui rúc trong cái xó không bằng cái nhà vệ sinh của người ta. Làm chồng thế à?
Chồng Linh sững người. Trong cơn giận đùng đùng, anh thẳng tay tát vợ một cái đau điếng: "Mày láo à? Cút, đi mà tìm thằng giàu nó 'ấp' cho sướng". Linh trào nước mắt, cuốn gói đồ đạc và bế con lao ra khỏi nhà.
Vợ con đi rồi, ngồi một mình trong căn phòng chật hẹp, chồng Linh cũng thấy đôi chút chạnh lòng. Không phải anh không biết vợ anh đang nghĩ gì, cũng không phải là anh vô tâm tới mức không tính chuyện an cư. Nhưng mấy lần định đề cập chuyện này với ông bà thì gặp lúc ông ốm đi viện hoặc anh trai vay tiền chưa trả... nên anh "rụt" lại.
Hết khó khăn này tới khó khăn khác, anh không dám nói với vợ nửa lời vì sợ Linh buồn lại nghĩ linh tinh. Song anh cũng không lường trước được người vợ hiền lành ngày nào của anh lại trở thành một người đàn bà cay nghiệt, ghê gớm và dám lên mặt chửi chồng như hôm nay.
Thấy thương vợ, xót con nhưng trong phút chốc, làm sao anh có thể giải quyết được cả vấn đề nhà cửa lớn lao như thế. Anh biết vợ còn yêu anh nhiều lắm nhưng để tìm ra giải pháp cho mong muốn chính đáng đó của vợ với anh bây giờ là chuyện vượt quá tầm tay.
Cảm giác bất lực ùa về, anh thấy mình thật đúng như lời vợ nói: "Anh là người chồng nhu nhược!".
Theo Afamily
Hãy tha lỗi cho em Anh biết là em vẫn còn giận nên chỉ dám nói khi đã ngà ngà say: "Anh biết là em không hẹp hòi. Xin em một lần thôi... hãy để cho anh làm tròn bổn phận...". Anh xin em tháng này giữ lại tiền lương để lo cho cháu. Nó sắp lấy chồng mà đồ đạc, quần áo chẳng có gì. Anh sợ...