Cái Tết buồn ở làng “siêu đẻ”
Chưa bao giờ người dân Cồn Sẻ lại đón Tết sầu thảm như năm nay, khi sự mất tích của 14 ngư dân vẫn còn hiện hữu. Nỗi đau rồi cũng nguôi ngoai, nhưng những khó khăn, hệ lụy của người dân ngôi làng “siêu đẻ” này vẫn còn…
Đón xuân buồn
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi trở lại làng Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) không còn thấy cảnh tiếng khóc thương thảm thiết về những người gặp nạn trên biển… Sáng 30/12/2012, tàu QB-93714TS bị chìm trên vùng biển Quảng Bình khiến 14 ngư dân thôn Cồn Sẻ chết, mất tích. Đến nay mới chỉ thấy được hai thi thể, 12 người nằm lại giữa biển. Ở các gia đình này, các bậc ông bà, cha mẹ, con thơ không nguôi thương nhớ, kể về con em mình. Không khí Tếtvẫn còn nhưng nhà ông Nguyễn Tính (64 tuổi) và bà Phạm Thị Hòa (59 tuổi) ảm đạm, tang tóc đến rợn người. Bốn người con trai và hai con rể đã bỏ mạng giữa biển khơi. Ông Tính nghẹn ngào: “Tết năm nào cũng đầy đủ con cháu, sum họp đông vui, đón xuân ấm áp nhưng năm này thì vắng vẻ, lạnh ngắt. Anh em, hàng xóm đến nhà nhiều không phải để chúc Tết mà là chia buồn với gia đình”.
Chị Mai Thị Tâm (vợ anh Nguyễn Chung) cùng ba đứa con nhỏ ngồi buồn rầu ở cửa nhà. Chị buồn bã: “Anh ấy ra khơi chuyến cuối cùng rồi về ăn Tết với vợ con. Ai ngờ anh ấy không trở lại nữa. Năm nay, đón Tết thiếu thốn và buồn lắm. Các con cứ hỏi sao cha đi mãi không về, tui chẳng biết trả lời sao. Và giờ tui cũng không thể thay anh ấy đi biển được nên cuộc sống sẽ rất khó khăn”…
Ở gần đó, nhà ông Mai Thông (63 tuổi) và bà Phạm Thị Liêm (62 tuổi) cũng thê lương không kém. Mới gần hai tháng nhưng nhìn họ tiều tụy, tóc bạc đi nhiều. Từ ngày hai con trai và người con rể gặp nạn, vợ chồng ông Thông đau đớn kiệt quệ. Ông Thông bảo năm nay ăn Tết buồn quá, lúc nào cũng nghĩ đến con lạnh lẽo giữa biển khơi, không biết trôi dạt về đâu.
Đất chật, trẻ em thiếu không gian và sân chơi, đối diện với nhiều hiểm nguy
Từ bao đời nay, dân Cồn Sẻ đi biển để mưu sinh. Cái nghề hiểm nguy đã cướp đi sinh mạng nhiều người, cứ vài năm là có người chết. Năm ngoái, ngày 2/1, bảy người đánh cá trên chiếc tàu QB-3238 bị chìm và chết ở vùng biển Quảng Ninh. Gần hai tháng trước là sự chết chóc mất tích của 14 ngư dân. Họ là những người còn trẻ, lao động chính trong nhà, mất đi để lại nỗi đau, mất mát lớn cho cha mẹ, vợ con, người thân, hàng xóm.
Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương; sự sẻ chia của bạn đọc, của người dân trong và ngoài nước đã giúp dân làng Cồn Sẻ phần nào vơi bớt nỗi đau, gánh nặng cho các gia đình có người bị nạn, giúp họ trả nợ, đón Tết được chu đáo hơn.
Video đang HOT
Ước vọng của làng
Cồn Sẻ nằm trên một dải đất nhô lên giữa sông Gianh. Quanh làng, tàu thuyền tấp nập đậu san sát trông có vẻ nhộn nhịp, sầm uất nhưng vào trong làng thì mới thấy sự nhếch nhác, ngột ngạt. Cồn Sẻ được ví là làng “siêu đẻ”. Toàn thôn có 647 hộ với gần 3.500 người. Trung bình mỗi gia đình có 6 – 7 con, có cặp vợ chồng hơn chục con như ông Hoàng Văn Nghị (xóm 3) với 12 con, nhà ông Đặng (xóm 6) có 11 con, nhà chị Phạm Thị Nhi (xóm 1) với 10 con… và kỷ lục là nhà ông Cao Đô có 13 đứa con.
Nguyên nhân của sự “siêu đẻ” theo ông Nguyễn Cương, trưởng thôn Cồn Sẻ: thứ nhất là đẻ nhiều để có người đi biển. Nhà nào đã đẻ nhiều con gái thì cố “nặn” cho được con trai ra khơi và để nối dõi tông đường. Thứ hai, trước đây vốn sống trên sông nước, ở chật chội trên đò, thuyền nên các cặp vợ chồng rất dễ… đẻ. Thứ ba, bà con giáo dân quan niệm không được can thiệp vào sự sinh sôi nảy nở tự nhiên của con người.
Đất chật, người đông, bao đời nay người dân cứ chen chúc nhau sống ngột ngạt, bức bí. Với diện tích chỉ hơn 2,3km2 nhưng có gần 600 hộ dân nên nhà cửa san sát. Nhiều gia đình với hàng chục người của ba thế hệ chung sống. Toàn thôn còn hơn 200 hộ chưa có đất ở, phải sống ven đê, trên thuyền, tàu. Đi khắp làng, đâu đâu cũng gặp trẻ con và phụ nữ. Trẻ em dưới 15 tuổi có gần 1.500 em. Trẻ em Cồn Sẻ chiếm 50% số học sinh tiểu học của xã. Phần lớn các em chỉ học hết cấp 1 cho biết con chữ, biết tính toán, ít người học lên cấp 2, cấp 3. Nghỉ học sớm, trẻ em nam theo người lớn đi biển hoặc vào Nam làm thuê, các em nữ đan lưới, chạy chợ, làm việc nhà… rồi lấy chồng. Thiếu không gian, thiếu sân chơi nên trẻ em đối diện với nguy hiểm, bệnh tật rất cao bởi rác thải, sông nước bên cạnh. Người càng đông, nhu cầu tách hộ càng lớn trong khi đất chật và ngày càng bị thu hẹp do sạt lở xuống sông Gianh…
Điều vui mừng là bà con giáo dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, không vi phạm pháp luật. Dù còn nghèo khó (gần 25% hộ) nhưng người dân sống với nhau rất nghĩa tình và luôn cưu mang, chia sẻ. Nhà nào, người nào không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì những người khác chia sẻ, giúp đỡ. Qua đó đã giúp nhiều gia đình, nhiều người vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để vươn lên.
Năm mới, gần nghìn lao động Cồn Sẻ đã ra khơi đánh cá. Đây là tín hiệu vui và cầu chúc bà con thu được nhiều cá tôm, trở về bình an, làm ăn trong năm mới phát triển hơn… “Đau thương cũng dần nguôi ngoai, nhưng khó khăn trước mắt đối với những nhà có người chết và bà con còn rất nhiều. Chúng tôi mong có cây cầu kiên cố để đi lại; được cấp đất trên bờ để ở, chôn cất; xây dựng đê kè ngăn sạt lở; được vay vốn sắm sửa tàu thuyền, ngư cụ để đánh cá và có trang thiết bị thông tin để hạn chế rủi ro, tai nạn, mất mát… Kính mong các cấp các ngành, quý báo, các nhà hảo tâm xem xét, giúp đỡ”, ông Nguyễn Cương cho biết nguyện vọng của dân làng Cồn Sẻ.
Theo 24h
Làng 'siêu đẻ' ở Quảng Bình
Làng Cồn Sẽ, huyện Quảng Trạch, như một ốc đảo giữa bốn bề sông nước của dòng sông Gianh nhưng lại đang giữ kỷ lục "siêu đẻ". Ở làng này một cặp vợ chồng sinh đến 10 đứa con là chuyện bình thường, còn 7 - 8 đứa thì không tài nào đếm xuể...
Đẻ cho đủ quân đi biển!
Ông Nguyễn Cương - Trưởng thôn Cồn Sẽ cho biết, phổ biến các gia đình ở đây sinh 7 - 8 người con, nhưng cũng có nhiều gia đình sinh tới 10 đứa. Theo ông Cương, căn nguyên của chuyện sinh nhiều là do người làng này làm nghề đi biển, họ muốn sinh cho đủ "quân" đi tàu...
Ở làng Cồn Sẽ đi đâu cũng gặp trẻ con.
Đang giữ kỷ lục về sự "đẻ nhiều" của làng Cồn Sẽ là gia đình ông Nguyễn Độ với 14 người con. Ông Độ năm nay 55 tuổi, nhưng con trai lớn đã 36 tuổi và cô con út thì mới 10 tuổi. Hiện gia đình ông Độ đã có 3 người con ra ở riêng, nhưng trong ngôi nhà chừng 30m2 của ông vẫn còn lại khoảng 17 người cả con và cháu.
Hỏi ông Độ vì sao đẻ nhiều, ông hồn nhiên: "Nhà tui có 8 đứa con trai, thêm 4 đứa con rể nữa là đủ cho đội tàu đi biển, khỏi thuê người ngoài". Nhưng bà Hoàng Thị Hường - vợ ông thì thở ra: "Chừng ấy con cháu, chỉ việc đi chợ lo đủ bữa ăn hàng ngày đã đứt hơi rồi chứ đừng nói đến việc kiếm tiền để nuôi chúng...".
Chuyện của ông Độ có thể giải thích là do hoàn cảnh "lịch sử" để lại. Nhưng ở làng Cồn Sẽ thì không như vậy, bằng chứng là hiện nay ở làng nhiều người mới 30 tuổi mà đã có 4 -5 mặt con. Điển hình như chị Phạm Thị Nhi ở đội 1 mới 37 tuổi đã có 10 đứa con. Đang bữa ăn trưa nhưng nhìn quanh chỉ có vợ chồng chị và đứa con.
Anh Nguyễn Trà - chồng chị - cười: "Mỗi đứa một tô rồi bưng chạy, ít khi cả nhà cùng ngồi ăn. Đông như ri có chỗ mô ngồi đủ". Cưới nhau từ năm 1992, sau đó một năm thì sinh con đầu. Đến giờ họ đã có 10 đứa con, đứa lớn 19 tuổi sắp lấy chồng, đứa thứ 10 mới 5 tháng tuổi.
"Học xong lớp 6 là lên tàu"
Theo ông Nguyễn Cương - Trưởng thôn Cồn Sẽ, không chỉ thất học, thiếu ăn, hệ luỵ đầu tiên của việc đẻ nhiều mà làng Cồn Sẽ phải gánh chịu là thiếu đất ở trầm trọng. Cả làng trên 650 hộ dân mà chỉ có vỏn vẹn 6ha đất ở. Là làng nhưng nhà cửa ở Cồn Sẽ san sát, chật chội còn hơn ở thành phố. Không có đất ở, có đến 200 hộ dân đã "liều mạng" ra ngoài đê sông Gianh làm nhà để ở.
Anh Phạm Văn Chung - cán bộ y tế thôn Cồn Sẽ cho biết, làng có 650 hộ, nhưng lại có trên 3.000 nhân khẩu. Riêng số trẻ em từ 0 đến 5 tuổi đã có trên 500 em. Học sinh tiểu học ở làng cũng chiếm trên 50% của xã (xã Quảng Lộc có 7 thôn) với 412 em nhưng lên đến cấp 3 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo anh Chung, hầu hết trẻ trong làng học xong lớp 6 là nghỉ. Đám con trai 14 - 15 tuổi đã lên tàu đi biển, con gái thì ở nhà đan lưới, đến tuổi thì lấy chồng.
Anh Chung trầm ngâm: "Việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở đây rất khó khăn vì họ quan niệm sinh nhiều con sẽ có người đi biển, sau này sẽ sướng".
Như trường hợp của chị Phạm Thị Nhi. Trong 10 đứa con của chị thì cô con gái đầu chỉ học đến lớp 4, cậu con trai nghỉ học từ lớp 5 và đi biển lúc 12 tuổi.
"Mỗi năm nó đi biển được trả công hơn 15 triệu đồng. Người ta khỏe mạnh thì làm việc nặng, nó còn nhỏ nên chỉ làm việc nhẹ như gỡ cá, vá lưới, nấu ăn. Rứa có hơn đi học không" - chị Nhi so sánh.
Một lãnh đạo của xã Quảng Lộc cho biết, trình độ dân trí của làng Cồn Sẽ rất thấp, nhiều người mù chữ, khi lên ủy ban xã làm giấy tờ phải điểm chỉ chứ không biết ký tên. Có lẽ một phần vì đẻ nhiều mà cuộc sống người dân ở đây còn chìm trong mịt mùng...
Theo Dân Việt
Đánh cá kiếm tiền Tết, nam sinh viên mất tích Dù không biết bơi nhưng thấy gia đình khó khăn, Bằng xin theo cha đi biển để kiếm chút tiền ăn Tết và gặp nạn. Sau một ngày nỗ lực tìm kiếm, đến sáng 6/2, thi thể anh Nguyên Văn Bằng (19 tuôi, ngụ phường 6, Tuy Hòa - Phú Yên), nạn nhân bị mất tích trên biển, vẫn chưa được tìm thấy....