Cải tạo chung cư cũ: Bất hợp lý khi người dân đóng vai “bị hại”!
Nguyên GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội phát triển Đô thị VN Đào Ngọc Nghiêm nhận xét: “Các giải pháp cải tạo chung cư cũ đang thiếu vai trò người dân là chủ thể của hoạt động mà có cảm giác người dân như đóng vai trò… bị hại”.
Cuộc gặp gỡ báo chí diễn ra ngày 14/8 của đoàn Chủ tịch Hội phát triển Đô thị Việt Nam, câu chuyện “tắc” giải pháp cải tạo, xây dựng các khu tập thể cũ, thấp tầng trên địa bàn Hà Nội một lần nữa được đặt ra với nhiều kiến giải, đóng góp tâm huyết.
PGS.TS Đỗ Hậu Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khái quát, Hà Nội có rất nhiều khu chung cư cũ. Những khu nhà tập thể này được xây dựng từ sau ngày giải phóng, trong giai đoạn những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, rất nhiều chung cư cũ đã xuống cấp cần được cải tạo, xây dựng lại.
Việc cải tạo chung cư cũ đã được đặt ra từ lâu, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện khác nhau, một số khu vực đã được triển khai như tập thể Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ…
“Vấn đề là khi giải quyết, cải tạo chung cư cũ không chỉ là để giải quyết về cuộc sống cho những người đang sống trong những chung cư đó mà phải quan tâm ở diện rộng hơn. Ví dụ, những chung cư hiện tại chỉ 3-5 tầng nhưng nếu đập bỏ, xây dựng lại với số tầng cao hơn nhiều thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những khu vực xung quanh, đến cuộc sống của người khác cũng như tác động đến hạ tầng, giao thông sẽ không đảm bảo, khả năng cấp nước , điện cũng sẽ không dồi dào khi bị phân thêm ra” – ông Hậu nói.
Nguyên tắc cần quán triệt, theo ông Hậu là phải cân đối nhiều vấn đề để đảm bảo được những điều kiện sống tối thiểu của cộng đồng.
Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm tại cuộc gặp gỡ báo chí.
Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm thông tin thêm, vấn đề cải tạo chung cư cũ rất được quan tâm, ở nhiều cấp. Chính phủ đã có một văn bản chỉ đạo khẳng định đến 2015 phải giải quyết được cơ bản chung cư cũ xuống cấp. Tuy nhiên trên thực tế, theo ông Nghiêm, mục tiêu này đến giờ rõ ràng không đạt được.
Hà Nội hiện có trên 60 các khu chung cư cũ của các ngành các cấp. Riêng diện nhà nước còn quản lý hiện có 23 khu chung cư và 10 khu nhà ở với số dân ban đầu hơn 15.000 hộ nhưng đến giờ con số đã vượt quá 4-5 lần số hộ ban đầu. Ông Nghiêm nhận định, đó là những khó khăn rất lớn cho công tác di dân, xây dựng lại các toà nhà.
Video đang HOT
Khó khăn, vướng mắc về quy định cũng không phải không có. Dù luật Thủ đô có riêng một điều khoản quy định về nhà chung cư nhưng luật Đất đai qua các thời kỳ 1993, 2003 và 2013 lại đưa ra những quy định rất khác nhau về quản lý loại hình nhà ở này, gây khó khăn cho vấn đề cải tạo, xây dựng lại các tập thể cũ.
Nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố đặt kỳ vọng vào luật Nhà ở đang được sửa đổi sẽ là chìa khoá để gỡ những vướng mắc hiện nay, thông được hướng giải quyết vấn đề.
Phân tích thêm nguyên tắc giải quyết để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa 3 bên “người dân – nhà nước – nhà đầu tư”, ông Nghiêm nhấn mạnh, muốn di chuyển được người dân ở các khu tập thể cũ quá xuống cấp phải chuẩn bị được chỗ tái định cư, tạm cư hợp lý cho người dân, tốt nhất là để mỗi hộ tự chọn, tự đề xuất phương án, không nên “ốp” tất cả về cùng một khu vực định sẵn,bó buộc.
“Cái lý là một người đang ở khu Nguyễn Công Trứ, ngay trung tâm Hà Nội, vị trí gần gũi như thế mà không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang khu Đặng Xá ( Gia Lâm), Việt Hưng (Long Biên)… thì khó thuyết phục được người dân. Cần đặt mình vào vị trí của người dân để… lựa” – ông Nghiêm nói.
Về phần khó của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nghiêm phân tích từ chuyện cải tạo nhà N3 Nguyễn Công Trứ. Khu nhà có 300 hộ dân mà lập dự án, vướng mắc về kinh phí ngày càng lớn, qua 4 lần điều chỉnh tăng thêm, hiện nhà mới đang thi công móng mà tính ra nhà nước phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng. Tỷ lệ đền bù diện tích áp dụng ở đây là 1,4 nhưng khả năng thu được khoản tiền các hộ dân phải trả cho 40% diện tích tăng thêm khi nhận nhà mới cũng… khó thấy.
Được biết, chỉ tính riêng khu tập thể Nguyễn Công Trứ, để cải tạo được toàn bộ, số tiền Hà Nội phải lo lên đến hàng nghìn tỷ đồng, khó có ngân sách địa phương nào gánh được và nếu có cũng khó áp dụng vì sẽ “vênh” so với các chính sách.
Ngoài ra, theo nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố, vấn đề chính yếu ở đây, người dân phải là chủ thể trong việc cải tạo chung cư thì mới có thể tổ chức thành công các dự án.
Ông Nghiêm chốt lại: “Các mô hình, giải pháp đưa ra hiện tại vẫn đang thiếu vai trò chủ thể này mà có cảm giác người dân ở đây như người bị hại nên phải được đền bù vậy. Người dân phải là chủ thể xây dựng đất nước, là chủ thể để xây dựng cuộc sống mới thì mới giải quyết được vấn đề”.
P.Thảo
Theo dantri
1.800 tỷ cải tạo tập thể Nguyễn Công Trứ, bằng tiền xây cả khu đô thị mới!
Than khó, "tắc" trong hướng cải tạo các khu chung cư cũ của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết, để xử lý khu tập thể Nguyễn Công Trứ phải mất 1.800 tỷ đồng, bằng tiền xây cả khu đô thị mới cho người dân ở đây chuyển đi...
Chiều 12/8, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng có cuộc kiểm tra thực tế tại khu tập thể thuộc diện nguy hiểm, đã có quyết định phải di dời dân - nhà C8 Giảng Võ và làm việc với UBND Hà Nội về tiến độ cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Nhà C8 có 3 đơn nguyên, đơn nguyên III đã xuống cấp nghiêm trọng, được kiểm định và xếp diện nguy hiểm hạng D nhưng vẫn chưa di chuyển được người dân đến khu tạm cư để tiến hành cải tạo, sửa chữa. Hà Nội có biện pháp tạm thời là gia cố cầu thang bằng hệ thống cột chống, giằng thép.
Thực tế kiểm tra, Bộ trưởng Xây dựng nhận xét, những gia đình muốn đi thì bức xúc và lo lắng về độ an toàn của khu nhà. Những hộ dân muốn ở lại thì vẫn khẳng định toà nhà vẫn đảm bảo, các căn hộ đều khang trang, sống tốt...
Cầu thang tại đơn nguyên III nhà C8 Giảng Võ Hà Nội được gia cố bằng cột chống, giằng thép như thế này.
Báo cáo về tình hình, tiến độ cải tạo các khu chung cư cũ của Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng cho biết, từ năm 2009 đến nay, công việc không có bước tiến nào đáng kể. Trong số 1.155 khu chung cư cũ, trong đó có 165 khu nhà được xếp vào diện xuống cấp nguy hiểm, cần di dời dân, phá bỏ, cải tạo, thực tế, hiện mới chỉ có nhà B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, 1, 2, 3 Thái Hà, P3 Phương Liệt được cải tạo hoàn thành, đưa vào sử dụng; C7, B6 Giảng Võ, C1 Thành Công đang thi công, 51 Huỳnh Thúc Kháng, 148-10 Sơn Tây đã tổ chức di dời, tạm cư...
Rất nhiều điểm vướng được nêu ra. Đầu tiên, về quy hoạch kiến trúc, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, ở 4 quận nội thành cũ phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu người xuống còn 0,8 triệu người; trong khi các chung cư cũ lại tập trung ở khu vực này. Bên cạnh đó, các công trình bị khống chế chiều cao, nên việc xây dựng lại mất cân đối lớn về tài chính (như nhà N3 Nguyễn Công Trứ mất cân đối 300 tỷ đồng, nếu làm toàn bộ khu vực là 1.800 tỷ đồng).
Chính sách GPMB, tái định cư không được sự đồng thuận của nhân dân. Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng cho biết: "Vướng mắc lớn trong quá trình triển khai là cân đối lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và nhân dân. TP đã nghiên cứu hệ số tái định cư cao lên đến 1,4 nhưng vẫn rất khó khăn. Các chung cư cũ đang ngày càng xuống cấp, gây nhiều lo ngại cho công tác quản lý".
Ngoài ra, tình hình kinh tế không thuận (đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản), giá cả nguyên vật liệu tăng cao... cũng là nguyên nhân tác động trực tiếp đến nhà đầu tư, khiến công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ chưa thực hiện quyết liệt được.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Quý Tiên dẫn chứng cụ thể về dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ đang được thí điểm với nhà N3. Tổng mức đầu tư để cải tạo khu nhà nhà đầu tư đưa ra là 503 tỷ, trong đó dự kiến kinh phí thu hồi lại từ 300 hộ dân được tái định cư tại chỗ chỉ khoảng 200 tỷ. Mức mất cân đối tài chính như vậy lên tới 302 tỷ đồng.
"Chỉ tính riêng 1 khu nhà với 300 hộ dân mà phải bù hơn 300 tỷ, như vậy khả năng bù đắp với toàn bộ các khu vực sẽ ra sao, nếu có thì mức chênh chính sách với các lĩnh vực khác cũng không ổn" - ông Tiên trình bày.
Bộ trưởng Xây dựng và Chủ tịch UBND Hà Nội trao đổi tại cuộc làm việc.
Góp lời, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phân tích, nếu làm cả khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội phải chi 1.800 tỷ đồng. Số tiền đó đủ để xây dựng cả một khu đô thị mới ngoài khu vực nội thành để đưa toàn bộ dân sinh sống tại khu vực này ra ngoài. Thành phố thì còn lại được một khu đất vàng ở nội đô để thực hiện dự án hạ tầng, đối trừ vốn đầu tư và thậm chí làm thêm công viên cây xanh tại đây... Tuy nhiên, nan giải là người dân không chấp nhận phương án di dời mà chỉ muốn được tái định cư tại chỗ.
Chia sẻ những khó khăn, ách tắc Hà Nội phải đối diện trong nhiệm vụ này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng ghi nhận những nỗ lực của thành phố để giải quyết vấn đề. Theo ông Dũng, nhà C8 Giảng Võ cho thấy cơ quan quản lý đã tỏ rõ trách nhiệm khi chưa di dời được dân thì cũng đã tiến hành gia cố khẩn cấp toà nhà bằng cách hàn cột chống, giằng thép... để chống đỡ thêm, phòng ngừa khả năng xảy ra mất an toàn đối với công trình. Cuộc sống của người dân, theo đó, đến thời điểm này vẫn được đảm bảo.
Người đứng đầu ngành Xây dựng bày tỏ lo lắng, số khu chung cư mất an toàn thực tế có thể vượt hơn nhiều con số 165 khu nhà mà UBND Hà Nội kiểm định đưa ra. Ông Dũng đề nghị thực hiện nghiêm công văn của Bộ về vấn đề kiểm định chung cư cũ, nếu trung tâm kiểm định của Sở Xây dựng quá tải thì cần nhờ đơn vị bên ngoài hỗ trợ thêm.
Bộ trưởng Xây dựng ủng hộ đề xuất của thành phố về phương thức huy động đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ với hướng xem xét lại quy định về tầng cao công trình, cho phép bán phần dôi dư cho dân nội đô để vừa đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, vừa bảo toàn, không làm tăng thêm dân số khu vực nội thành.
Ông Dũng cũng nhắc Hà Nội trước mắt chủ động tiếp tục gia cố những công trình, bộ phận công trình không an toàn; kiên quyết đưa người dân ra khỏi công trình mất an toàn.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1.155 nhà chung cư cao từ 4-6 tầng và 10 khu thấp tầng, từ 1-3 tầng (những nhà thấp tầng này đến nay hầu hết đã bán theo Nghị định 61/CP và người dân đã tự bỏ kinh phí để cải tạo lại do TP quản lý, ký hợp đồng cho các hộ dân thuê với diện tích 1,7 triệu m2 cần cải tạo, xây dựng lại; ngoài ra còn có các khu nhà tập thể đơn lẻ, chưa bàn giao cho TP. Các nhà chung cư cũ trên địa bàn TP đa phần được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước. Trong quá trình sử dụng các hộ đã tự cơi nới, phát triển trên diện tích đất trống, ngoài sân nên đa số dân và diện tích các khu chung cư đã tăng hơn 1,5 lần so với thiết kế ban đầu.
P.Thảo
Theo Dantri
Xác định được danh tính thi thể nữ giới có vết cắt ở cổ trôi sông Ngày 5/6, Công an quận 1, TPHCM cho biết đã xác định được danh tính của thi thể người phụ nữ bị cắt cổ thả trôi sông vào rạng sáng 30/5 là bà Trần Thị Xuân (52 tuổi, ngụ quận Bình Tân, tạm trú quận 1). Trước đó vào rạng sáng 30/5, người dân đi tập thể dục phát hiện có một thi...