“Cải tạo” chồng lười
Cả chồng và vợ đều đi làm nhưng phụ nữ còn phải cáng đáng luôn cả việc nhà.
“Khi chúng tôi nêu câu hỏi “Việc nhà là của ai?”, rất nhiều người trả lời “Chuyện của phụ nữ”, chỉ một số ít cho rằng đó là việc của cả vợ lẫn chồng” – bà Nguyễn Thị Tâm An, Chủ nhiệm CLB Xây dựng Gia đình hạnh phúc tại TP HCM, cho biết.
Lười… chảy thây
“Trước đây, tôi nghĩ mình hạnh phúc lắm khi lấy được một người chồng ga lăng nhưng đó là chuyện khi còn đang yêu. Còn hiện tại, tôi có một anh chồng lười chảy thây”- chị Minh Hạnh – nhân viên một ngân hàng tại quận 3, TP HCM – ta thán.
Sau 8 giờ làm việc ở ngân hàng, chị Hạnh phải tranh thủ từng phút về cho kịp đón con. Xong, chị phải len lỏi giữa dòng người và xe cộ để ghé qua chợ mua thức ăn. Về đến nhà, chưa kịp thay bộ đồ công sở, chị đã vội đổ đống đồ chơi ra cho con tự chơi rồi tất bật nấu cơm, lặt rau. Anh Bình, chồng chị, cứ nấn ná ở lại cơ quan chờ cho qua giờ cao điểm mới về nhà để tránh cảnh ùn tắc. Về đến nhà, anh tắm rửa rồi ngồi trước ti vi đợi vợ dọn cơm lên chứ chẳng phụ giúp một tay. Cơm nước xong, anh cũng không rời mắt khỏi ti vi vì đã đến giờ xem thời sự…
“Nhiều lúc tôi góp ý thì anh ấy cau có, gắt gỏng, cho rằng đàn bà làm tí việc nhà đã than. Cứ tình trạng này kéo dài, tôi không biết mình có thể đủ sức cáng đáng đến bao lâu!” – chị Hạnh bức xúc.
Là cô gái trẻ lại đi du học về nên Thúy Loan – thư ký giám đốc của một công ty mỹ phẩm tại quận 1, TP HCM – cho rằng vợ chồng phải cùng nhau san sẻ việc nhà. Trước khi cưới, Loan buộc chồng cam kết thực hiện điều này nhưng cô “vấp” ngay mẹ chồng. Ngày đầu tiên Loan mới về, mẹ chồng cô đã kêu con dâu ra dặn: “Con bảo chồng làm việc gì cũng được nhưng đừng sai làm việc nhà, đàn ông phải lo những thứ lớn lao hơn”.
Chồng san sẻ việc nhà để vợ có thời gian nghỉ ngơi, làm đẹp, gặp gỡ bạn bè… là điều ao ước của bao phụ nữ nhưng không phải ai cũng gặp được. (ảnh minh họa)
“Tôi đành ngậm ngùi để chồng ngồi chơi trong khi mình cắm mặt vào một đống việc không tên. Khi tôi mang thai đến tháng thứ 8, hễ nhờ anh ấy rửa chén bát thì mẹ chồng lại bảo: “Để đó cho mẹ”. Đến mức này thì tôi biết khó mà thay đổi được anh ấy vì có sự “bảo kê” của mẹ chồng” – Loan rầu rĩ.
Video đang HOT
Không dễ thay đổi
Chồng san sẻ việc nhà để vợ có thời gian nghỉ ngơi, làm đẹp, gặp gỡ bạn bè… là điều ao ước của bao phụ nữ nhưng không phải ai cũng gặp được. Trước tình cảnh này, nhiều chị em không chịu thua mà quyết tâm “cải tạo” chồng lười.
Chị Hạ Uyên – hướng dẫn viên một công ty du lịch tại quận 5, TP HCM – chia sẻ “bí quyết” thay đổi chồng lười của mình: “Tôi đã viết cho anh ấy một email thật nồng nàn, tình cảm: “Anh yêu! Nếu anh giúp đón con, em sẽ có nhiều thời gian chọn thức ăn mà anh thích, bữa cơm gia đình mình cũng sớm hơn. Nếu anh phụ em rửa chén bát, lau bàn sau khi ăn, chúng mình có thể cùng nhau xem chương trình ti vi yêu thích…”. Không ngờ, sau khi anh ấy xem email này, kết quả thay đổi đến tuyệt vời”.
Song, không phải anh chàng nào cũng dễ dàng thay đổi. Nhiều phụ nữ cho biết họ đã nói những lời ngon ngọt, thậm chí khóc lóc hay làm ầm ỉ lên nhưng chồng vẫn cứ ì ra. Chị Mỹ Trinh, phóng viên của một tờ báo, kể: “Chồng có công việc, vợ cũng có công việc. Chồng đi kiếm tiền, vợ cũng đi kiếm tiền thì tại sao vợ phải ôm hết việc nhà? Vợ chồng tôi thống nhất với nhau: Chiều về thì vợ nấu ăn, chồng rửa chén. Chồng không rửa chén thì sáng dậy sớm làm chứ vợ nhất quyết không rửa thay”.
Theo VNE
"Nó đẹp trai thì lười cũng được"
Đó là lời mà bố mẹ anh nói với em sau khi em than vãn về chồng mình, một người mà việc nhỏ cũng không mó tay vào.
Anh à!
Tình yêu của chúng ta thật đẹp phải không anh? Em nhớ hồi đấy, em ghét anh vô cùng, phải chăng do vậy nên ông trời đã gán ghép chúng mình?
Em, một đứa con gái ngoan ngoãn, lễ phép, học cũng nhất nhì lớp, nhan sắc không đến nỗi nào. Anh, một thằng con trai nghịch ngợm, chơi đủ trò, và kết quả học tập thì luôn trong vị trí tốp 5 của những người điểm thấp nhất lớp, ngoại hình cũng được. Thế nhưng, chúng mình vẫn yêu nhau, thậm chí mọi người còn bảo "chúng tao chưa thấy thằng nào yêu bạn gái như thằng T yêu cái C". Ừ, với những gì anh làm thì em cũng cảm thấy thế, anh đã khóc, đã quỳ gối, em nhận thấy đc sự thẫn thờ đến kiệt quệ của anh khi em quyết định chia tay, và đặc biệt mọi người đều bảo anh tiến bộ hơn hẳn. Nhưng rồi, sau mấy lần chia tay "không thành", chúng ta đã đi đến quyết định hôn nhân.
Gia đình em kinh tế bình thường nhưng cũng có chút địa vị xã hội, gia đình anh bố mẹ kinh doanh nên kinh tế khá hơn. Một cuộc hôn nhân đến bằng tình yêu thực sự và được hai bên gia đình rất ủng hộ dù khoảng cách địa lý của chúng ta là 350km.
Lúc con ốm, anh không thèm quan tâm, không cần biết nó như thế nào, chỉ biết đi chơi thỏa thích, chỉ biết đến bản thân anh. (ảnh minh họa)
Từ ngày lấy nhau, cuộc sống của em dường như đảo lộn hẳn. Em không được tự do làm những gì mình thích như trước nữa, tất cả em làm chỉ là hì hục vào đống việc ở cơ quan và đống việc ở nhà.
Em mang bầu đứa con đầu lòng, là con trai, đúng như mong đợi của anh và bố mẹ. Nhưng không ai hỗ trợ em một việc gì hết, cả nhà ngồi chơi còn em vẫn phải hì hục lau từ tầng 3 xuống tầng một. Nước thì xách lên chứ đâu có sẵn ở trên. Lúc đấy chưa có máy giặt, em phải hì hục giặt cả chậu đồ to tướng trong đấy chủ yếu là quần áo của anh. Ngày thường đi làm, thứ 7 và chủ nhật em lại xuống trường đi học theo đuổi cái bằng thạc sỹ.
Đến lúc sinh con, anh đá bóng bị đau chân, em quá thiệt thòi khi không được chồng bên cạnh, lúc sinh xong anh đứng nhìn một anh khác bế vợ mà không làm được gì, em nghĩ thấy tủi thân vô cùng.
Tháng đầu có mẹ và em gái ra chăm sóc, em hồi sức rất nhanh và béo lên 7kg. Đến ngày thứ 30 sau khi sinh, mẹ anh tuyên bố bắt đầu từ ngày mai cái C xuống tự nấu cơm giặt giũ được rồi. Và từ đó, mọi việc vặt trong gia đình đổ dồn cho em hết. Còn anh thì cứ đi đến đêm khuya 11 - 12 giờ mới về, em gọi về thì anh gắt gỏng.
Lúc anh ốm, đau chân không đi lại được, em một mình chăm con, chăm cả chồng. Hết cơm nước, rửa ráy, vệ sinh, ngâm chè... cũng thương anh nên dành dụm tiền mua hoa quả, thức ăn ngon cho anh ăn thêm để chồng khỏi bệnh. Anh biết không, lúc đấy em cũng rất thèm nhưng giả vờ không muốn ăn để dành cho anh, vì mình còn trẻ tuổi, kinh tế chưa thể đủ để ăn uống thỏa thích được mà.
Lúc con ốm, anh không thèm quan tâm, không cần biết nó như thế nào, chỉ biết đi chơi thỏa thích, chỉ biết đến bản thân anh.
Và giờ đây, cuộc sống ngày nào cũng vậy. Sáng em dậy sớm để cho con ăn, uống thuốc, rửa ráy cho con, xong rồi đi làm. Trưa về giúp mẹ nấu cơm, cho con ăn uống, cho con ngủ xong đi làm. Chiều về trông con, nấu cơm để bà đi đánh bóng, tối đến ăn xong thì cho con ăn, con ngủ, dọn dẹp, tắm rửa. Còn anh, sáng 8 - 9h thì anh dậy, đến công ty, trưa đợi gọi về ăn cơm, ăn xong anh đi luôn đến tối đợi em gọi về ăn cơm, ăn tối xong anh đi chơi hoặc bật máy tính đánh điện tử, xem phim, nhắn tin đến đêm muộn. Cuộc sống vợ chồng như thế thì liệu tồn tại được bao lâu hả anh?
Anh đừng nghĩ em còn chịu đựng được là vẫn sống được, em cần được hỗ trợ. (ảnh minh họa)
Nhiều lần em có tâm sự với bố mẹ thì bố mẹ cũng chỉ giả bộ mắng anh trước mặt em, nhưng rồi vẫn chốt một câu là "nó đẹp trai thì lười cũng được". Em buồn muốn tâm sự với anh thì anh cáu gắt bảo đấy là việc của đàn bà, kêu vừa thôi. Đàn bà cũng phải gồng mình kiếm tiền như đàn ông mà anh? Sao lại chỉ có đàn bà làm hết những việc còn lại? Chưa kể đến phải giải quyết cho anh đống bài tập anh đi học mang về cho em làm nữa?
Không chỉ có thế, mẹ anh luôn so bì em với chị con dâu nhà bên cạnh. Người ta có cái này cái nọ cho bố mẹ, nọ kia, rồi bảo người ta sướng thế. Mẹ cũng phải hiểu là em cũng chạnh lòng chứ. Đồng lương ít ỏi của em còn phải lo cho con, lo chi phí học hành, còn ma chay cưới hỏi ở cơ quan nữa chứ. Đâu được như chị ấy, bố mẹ đẻ có điều kiện, chồng làm được bao nhiêu tiền đưa cho vợ hết. So sánh sao được. Thế nhưng mỗi khi em nói ra với anh thì anh bảo rằng: "biết thế thì cố gắng mà làm". Em phải cố gắng như thế nào nữa hả anh?
Em cảm thấy trống trải, cô đơn vô cùng khi phải một mình xoay sở như thế. Em thấy mình già hơn hẳn, khuôn mặt cũng kém tươi, tính tình cáu bẳn hơn.
Và rồi, em kiệt sức, đau đầu chóng mặt, suốt ngày buồn nôn. Còn anh, không hiểu sao chân anh rất hay đau ở mắt cá. Kết quả đi khám bác sỹ kết luận em bị suy nhược còn anh bị gút. Tất cả nó chứng minh qua bệnh tật đấy anh ạ. Về thấy thế, mẹ anh vội mua 2 vỉ sữa tươi cho con dâu uống để lấy sức. Mẹ không dám nói với một ai là em bị suy nhược còn anh bị gút, vì sợ người ta cười cho.
Anh đừng nghĩ em còn chịu đựng được là vẫn sống được, em cần được hỗ trợ.
Em muốn anh thay những lời quát mắng, chửi rủa em bằng những lời yêu thương chân thành, bằng sự vỗ về an ủi. Em muốn anh thay việc vắt chân lên ngồi chờ cơm bằng việc anh chung tay giúp vợ sắp cái bát, lấy đôi đũa, bê nồi cơm. Em muốn anh thay vì ngồi nhìn em bê chậu nước tắm nặng chình chịch tắm cho con bằng việc anh đứng lên dành để anh bê hộ. Em muốn anh thay vì đống quần áo bẩn anh treo lẫn trong nhà bằng việc anh đưa ra để ngoài chậu em giặt. Em muốn anh thay vì sai em đi lấy cái nọ cái kia cho anh bằng việc anh tự vận động tự đi lấy để anh sử dụng. Em muốn anh thay việc để các vỉ thuốc bừa bãi của anh lên bàn bằng việc anh gom chúng vào một chỗ. Em muốn anh thay những lần nhậu nhẹt bét nhè bên ngoài với lí do hôm nay đầu tháng, hôm nay rằm, hôm nay cuối tháng... Em muốn thay vì anh ngồi đánh điện tử ở cơ quan chờ em gọi điện về ăn cơm bằng việc anh chủ động về nhà sớm.
Em không dám khẳng định là anh còn yêu em rất nhiều, nhưng em tin rằng anh vẫn yêu em. Em tin rằng anh sẽ thay đổi, anh sẽ biết anh cần làm gì để giữ hạnh phúc trước khi quá muộn. Bởi em chỉ có thể chịu đựng trong giới hạn thôi anh à.
Hãy thương em một chút, hãy nghĩ lại tình yêu của chúng ta. Nghĩ lại những ngày chúng ta có với nhau bao nhiêu tình yêu và hạnh phúc. Sao anh không nghĩ được như thế, sao anh lại bỏ rơi em hả anh. Em thật lòng đau khổ và mệt mỏi lắm rồi. Hay trả lời em đi anh.
Theo VNE
Mỗi lần chồng muốn ân ái, tôi lại rùng mình Chỉ vì tội, tôi đã chính mắt chứng kiến cảnh anh và người đàn bà khác vui vẻ bên nhau. Đêm ấy, tôi đã giả vờ ngủ say để lừa chồng. Vì mấy tuần nay, tôi nghi ngờ anh có người đàn bà khác bên ngoài. Thái độ của anh hoàn toàn khác, anh cũng không còn vui vẻ, hồ hởi với tôi...