Cai nghiện ma túy: Những… kỷ lục buồn
Cai nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ đối với người nghiện và người làm công tác cai nghiện. Một điều buồn là những thầy cô giáo ở đây thỉnh thoảng vẫn gặp lại học trò. Nhưng có người đến 8 lần đi cai thì cũng được gọi là kỷ lục buồn.
8 lần đi cai vẫn chưa hết nghiện
Tôi gặp Nguyễn Văn Thu (35 tuổi, quê ở huyện Kinh Môn, Hải Dương), đang làm lớp trưởng một lớp học ở Trung tâm cai nghiện Hải Dương. So với các học viên khác, Thu nhìn rất nổi bật, anh giống như một vận động viên bóng chuyền bởi chiều cao gần 1,9m, rất khỏe mạnh. Được hỏi là lần thứ mấy đi cai rồi, Thu thật thà nói đã… 8 lần vào đây.
Các học viên nữ trên đường trở về sau buổi lao động. Ảnh: G.T
Thu kể: “Nhà em có 3 chị em, chị gái đang làm huấn luyện viên bóng chuyền của đội tuyển than Quảng Ninh, em trai làm doanh nghiệp. Chỉ còn mỗi em là… chưa nên người thôi”.
Với “bề dày” kinh nghiệm bản thân, Thu nhận định, để cắt được cơn thèm ma túy không phải là dễ nhưng cũng không quá khó, chỉ độ 1 tuần là không còn cảm giác thèm ma túy nữa. Nhưng ra ngoài đời phải có môi trường sống phù hợp thì người nghiện mới có nghị lực để vượt qua được.
Thu cho biết thêm: “Em nghiện từ hồi đi học cấp 3 chỉ vì thích thể hiện là người lớn, là người hùng nên chơi ma túy. Rồi từ đó, cứ trượt dài không bỏ được. Có một lần em đã bỏ ma túy được độ 3 năm, đi làm vệ sĩ trên Hà Nội, được mọi người rất quý. Em cũng đã tính đến chuyện tìm ai đó để yêu rồi xây dựng gia đình. Trung thu 2015, tự nhiên em bị sốt cao, nhà anh chị giám đốc công ty vệ sĩ tổ chức trung thu mà em không dự được, người cứ sốt đùng đùng. Anh chị đưa em vào Bệnh viện 354 khám, sau khi có kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ thông báo em bị nhiễm HIV. Nghe tin đó em như người chết đuối, không biết bấu víu vào đâu. Mà cũng không nhớ được là mình bị HIV trong hoàn cảnh nào. Buồn chán, nghĩ mình sắp chết, em lại lao vào ma túy để và nghĩ sẽ nghiện cho đến lúc nào hết sức thì thôi”.
Cách đây 2 năm, một cú sốc nữa xảy ra với Thu. Cha Thu đột ngột qua đời. Thấy mình nghiện ngập làm cho mẹ lo lắng quá, Thu đã xin mẹ tự nguyện đưa mình vào trung tâm cai nghiện. Từ ngày vào trung tâm, Thu là một trong những học viên tích cực, hoạt động gương mẫu, được bầu làm lớp trưởng tham gia giúp đỡ nhiều học viên khác cùng tiến bộ.
Khi tiếp xúc với chúng tôi, Thu khoe em vào trung tâm được các thầy đưa vào chế độ chạy thuốc ARV, đã tăng được hơn 10kg và giờ thấy sức khỏe rất ổn. “Hôm trước mẹ em lên thăm, nói Tết này mẹ em đón về. Em cũng đã xác định, mình nhiều tuổi rồi, sức khỏe đã xuống, về lần này sẽ ra công ty của bạn học cấp 3 làm và dứt khoát cai nghiện ma túy”.
Video đang HOT
Chuyện của Linh
Chúng tôi vào phòng ở của các nữ học viên tại Trung tâm cai nghiện Hải Dương đúng giờ nấu cơm trưa và gặp cô bé Trịnh Thị Mỹ Linh (sinh năm 1998). Năm nay Linh tròn 20 tuổi nhưng đã có con trai 4 tuổi đang gửi bà ngoại. Học lớp 7 Linh đã bắt đầu dùng ma túy. Sau những lần đi bay lắc và sống không kiểm soát, đang học lớp 10 thì Linh mang bầu, rồi nghỉ học làm mẹ ở tuổi vị thành niên.
Do còn trẻ cộng với cuộc sống gia đình nhiều xung khắc, Linh bỏ chồng, đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Được 7 tháng thì em trốn ra ngoài làm lao động tự do rồi bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam. Về nhà được một thời gian thì Linh sử dụng ma túy mất kiểm soát, cãi nhau với mẹ đẻ, cầm dao đâm vào tay mẹ.
Linh kể, trước kia nhà em ở Quảng Ninh, bố em là lái xe ở trong mỏ than, mẹ làm ăn buôn bán. Mọi tai ương ập đến khi anh trai Linh 7 tuổi bị tai nạn chết, bố em bị trầm cảm nặng, không tỉnh táo được nữa. Không chịu được cảnh đó, mẹ Linh bế em về quê ngoại ở Tứ Kỳ, Hải Dương để sống.
Vào một buối tối, mẹ bỏ đi chơi với người đàn ông khác, em chạy theo mẹ khóc đòi được đi theo, nhưng mẹ đã đánh em và đuổi về. Từ đó, Linh lầm lì không nói gì, mẹ cũng mặc kệ, suốt ngày mắng mỏ và đánh đập em. Tới năm lớp 7, thấy em lúc nào cũng buồn, mấy chú hàng xóm bảo dùng ma túy đá sẽ vui và không còn buồn nữa, thế là em nghiện.
“Lần gần đây nhất là khi em bị trục xuất từ Đài Loan về tới sân bay, em mượn điện thoại gọi cho mẹ nói: “Mẹ ơi mẹ đến đón con đi!”. Mẹ em trả lời: “Mày đừng về nhà tao nữa, muốn đi đâu thì đi”. Thế là em không được về nhà với mẹ và con trai em”, Linh kể.
Linh phải thuê nhà trọ ở gần nhà mẹ, mở cửa hàng xăm nghệ thuật. Lúc nào mẹ đi vắng em mới trốn về thăm con trai, xong lại đi. Sau những phút trải lòng với chúng tôi, Linh bộc bạch: “Nói thật, bây giờ em hoàn toàn bình thường và chắc chắn không còn nghiện ma túy nữa. Em chỉ ước mẹ em không nóng tính, em được nói chuyện bình tĩnh với mẹ. Ước gì mẹ tin em 1 lần thôi là không bao giờ em sa ngã, tìm niềm vui trong ma túy nữa. Em chỉ ước được mẹ em thấu hiểu lòng em, Tết này cho em về nhà với con trai, với mẹ, được ăn Tết cùng gia đình”.
Theo Danviet
Phận đời sau cánh cửa trại cai nghiện
Ma túy đã bủa vây, làm tan nát nhiều số phận, nhiều gia đình. Không ít người vẫn nhìn con nghiện với ánh mắt kỳ thị. Nhưng có một nơi đã nhiều năm bền bỉ cai nghiện cho các học viên bằng sự tự nguyện, bằng cái tâm của những thầy cô, để những phận đời không may mắn có thêm quyết tâm từ bỏ ma túy.
Những người nghiện sau năm tháng đeo đu với ma túy, sức khỏe bệ rạc, tinh thần bạc nhược, không còn đủ sức làm việc kiếm tiền, nhiều người phải vay mượn giật tiền, thậm chí ăn cướp, trấn lột... Với họ, cuộc sống lệ thuộc vào ma túy như địa ngục, và người nghiện chẳng khác gì những con "ma dở" khi đói thuốc...
"Tôi sẽ làm lại cuộc đời"
Học viên Hoàng Anh được chăm sóc phục hồi sức khỏe. Ảnh: Gia Tưởng
"Tôi thấy có lỗi với bố mẹ, vợ và các con lắm, bây giờ rất thèm được về nhà, ôm các con vào lòng, ngày nghỉ đưa chúng nó đi chơi. Mình là người cha mắc lỗi, giờ chỉ nhanh chóng làm sao cai nghiện thật tốt, để sớm được về với các con, chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của chúng nó".
Học viên Hoàng Anh
Trong căn phòng cắt cơn của Trung tâm cai nghiện Hải Dương (thuộc xã Cầu Dòng, huyện Chí Linh) có 12 người mới vào. Theo anh Vũ Thành Phương - Giám đốc Trung tâm, các học viên mới vào trung tâm đều phải trải qua phòng cắt cơn này. Người khỏe thì 10 ngày sẽ được đưa về lớp học, còn có những người phải lâu hơn. Học viên đưa vào đây sẽ được khám sàng lọc, được chăm sóc y tế để hỗ trợ sức khỏe, cắt sự lệ thuộc vào ma túy, để học viên lấy lại nhịp sinh học bình thường.
Mới vào phòng cắt cơn được 2 ngày, học viên Nguyễn Văn Sức (32 tuổi) đang trải qua những ngày đỉnh điểm của vật vã. Dáng to cao, thân hình chắc chắn như một cây gỗ, nhưng Sức không ngồi yên được vì những cơn "vật" ma túy cứ thi nhau hành hạ. Có lúc Sức lạnh quá, phải quấn mấy cái chăn lên người, nhưng có lúc lại nóng quá phải lao ra vặn vòi nước lạnh xả thẳng vào mình.
Nhưng Sức vẫn còn may mắn hơn nhiều so với mấy học viên khác ở trong phòng cắt cơn, vì họ bị ma túy "vật" cho không còn ăn uống hay đi lại được nữa. Mới qua cơn, không bị ma túy làm cho vật vã nữa, Nguyễn Văn Thuật (sinh năm 1978, quê ở Bình Giang, Hải Dương) kể: "Năm 1999, tôi đi làm xe ôm, nhờ chịu khó nên cũng kiếm được tiền. Tôi đã thử chơi ma túy, lúc đó là heroin. Lần đầu thử cũng bị say, nôn mật xanh mật vàng".
Nhưng Thuật không ngờ chỉ một lần thử duy nhất đó mà ma túy đã đeo đẳng Thuật gần 20 năm. "Gia tài" của Thuật kể từ khi "cặp kè" với ma túy là 2 lần đi tù về tội trộm cắp tài sản, 1 lần đi cai nghiện bắt buộc mất 2 năm và lần này lại tiếp tục thêm 2 năm nữa. Vợ Thuật bỏ đi, con phải gửi ông bà nội trông.
Đây là lần thứ 2 Thuật vào phòng cắt cơn, Thuật tâm sự: "Lần này vào trung tâm, cảm giác thoải mái hơn rất nhiều, chúng tôi được đối xử chu đáo, nhân văn, từ cái ăn giấc ngủ đều được các thầy cô chăm sóc để ý rất kỹ, đặc biệt không bị quát mắng hay hình phạt gì khác nên dù phải nằm trên phòng cắt cơn theo quy định 10 ngày rồi mới được đưa về các lớp học, cũng thấy nhẹ nhàng không căng thẳng nữa".
Trung tâm cai nghiện Hải Dương. Ảnh: I.T
Sau những ngày được chăm sóc y tế cẩn thận, cảm giác vật vã không còn sốc nữa, chỉ sau mấy ngày Thuật đã tỉnh táo. Thuật nói với chúng tôi mà cũng như tự nói với mình: "Tôi cũng lớn tuổi rồi, chắc cai lần này sẽ không bao giờ đi vào con đường nghiện ngập nữa. Cũng chỉ vì không có bản lĩnh, cứ về nhà gặp bạn bè rủ rê lại mắc nghiện lại. Nhưng chắc là sau 2 năm nữa, tôi sẽ làm lại cuộc đời, không để bố mẹ lo và con cái khổ vì mình nữa".
Tài dính tật
Trong căn phòng cắt cơn này có một người làm cho chúng tôi phải thực sự chú ý. Anh ta tên là Hoàng Anh (sinh năm 1979). Khác hẳn với các học viên trong phòng cắt cơn đều có gia đình không được như ý, thì Hoàng Anh lại có một gia đình hết sức lý tưởng. Hoàng Anh đã có vợ và 3 con học khá giỏi, gia đình bố mẹ có thu nhập cao nhờ chuỗi cửa hàng bán cá cảnh và đồ phong thủy ở Hải Dương và Hà Nội.
Nói về con đường dẫn mình đến phòng cắt cơn ở Trung tâm cai nghiện ma túy, Hoàng Anh kể: "Năm 2016, tôi tự bỏ tiền sang Thái Lan để học về phần mềm, chính xác là học bẻ khóa phần mềm của các loại ô tô hạng sang. Do nhiều ngày thức đêm nghiên cứu mà Hoàng Anh đã được bạn cho dùng ma túy đá để tỉnh táo". Những ngày đầu chỉ một hai khói đá thì đầu óc tỉnh táo vô cùng. Khi hoàn thành lớp học về nước cũng là lúc Hoàng Anh biết mình bị nghiện ma túy đá.
Hoàng Anh cho biết thêm: "Hiện nay có rất nhiều ôtô hạng sang của các hãng nổi tiếng trên thế giới bị lỗi các phần mềm như điều khiển bằng giọng nói, mở cửa, nghe nhạc, khóa tay lái... Tuy không học hành bài bản, nhưng tôi đã xử lý, vá được hết các lỗi phần mềm đó, làm cho các xe đều chạy mượt. Các hãng xe, chủ xe tìm đến Hoàng Anh, xếp hàng nhờ xử lý phần mềm". Mỗi xe Hoàng Anh đều phải bỏ ra khoảng 10 ngày để xử lý và điều chỉnh các phần mềm. Xe độc bản thì Hoàng Anh bó tay, còn lại bất cứ xe nào có 2 chiếc trở lên là Hoàng Anh đều xử lý được. Mỗi con xe xử lý xong Hoàng Anh bỏ túi 35-40 triệu đồng. Đang làm ăn ngon lành Hoàng Anh liên tục phải sử dụng ma túy, cho đến khi không kiểm soát được hành vi của mình, Hoàng Anh đã viết đơn tự nguyện đi cai.
Mới 19 tuổi, Trần Đức Phong (quê Cẩm Giàng, Hải Dương) đã có nhiều năm làm nghề cơ khí. Với tay nghề hiện tại, Phong có thể hàn, cắt, dựng được những chi tiết khó khi làm cửa sắt, cắt tạo được hoa sắt... Mỗi tháng Phong được từ 8-10 triệu đồng tiền công, chưa kể tiền bồi dưỡng mỗi khi đi lắp cửa cho các gia đình xây nhà mới.
Hơn một năm trước, bố Phong mất đột ngột, Phong lên Hà Nội làm cơ khí, rồi bị rủ rê chơi "kẹo", bay lắc theo đám bạn bè. Ngồi trong phòng cắt cơn, Phong tâm sự: "Cháu mong là sau khi ở đây ra cháu học được cách sống có trách nhiệm, cẩn thận hơn với bạn bè và những cám dỗ, để không phải phí hoài thời gian và tuổi trẻ".
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Quân thuộc Trung tâm cai nghiện Hải Dương, hầu như các học viên được đưa vào phòng cắt cơn diễn biến tâm lý đều chưa ổn định. Do tác hại của việc sử dụng ma túy dài ngày, nhiều học viên còn trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ. Rất nhiều người vẫn cho rằng mình sức khỏe bình thường, nhưng khi đối chiếu thì có đầy đủ 12 dấu hiệu của người nghiện ma túy, cần phải tiến hành cai nghiện một cách tích cực để lấy lại sức khỏe và tinh thần cho họ.
Theo Danviet
Học viên cai nghiện bỏ trốn: Cần có đánh giá để giải quyết dứt điểm Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết sẽ đánh giá thực trạng, tìm ra mấu chốt vấn đề, giải quyết triệt để tình trạng học viên cai nghiện bỏ trốn. Liên quan vụ việc 25 học viên cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy xã Khánh An (huyện U Minh, Cà Mau) bỏ trốn, ông Lê Văn Khánh, Phó...