Cãi lời bố mẹ, quyết lấy ông chồng ‘rách giời rơi xuống’ để giờ phải sống dở chết dở
Vốn là một đứa con gái lì lợm cứng đầu bảo thủ nên bố mẹ tìm đủ mọi cách để hai chúng tôi chia tay. Mẹ cho Long là thằng không có nghề ngỗng ổn định lấy rồi chỉ có khổ.
Tôi và Long yêu nhau nhiều lắm vậy mà bố mẹ tôi ngăn cản kịch liệt bắt tôi phải lấy một anh chàng bộ đội chuyên nghiệp. Vốn là một đứa con gái lì lợm cứng đầu bảo thủ nên bố mẹ tìm đủ mọi cách để hai chúng tôi chia tay. Mẹ cho Long là thằng không có nghề ngỗng ổn định lấy rồi chỉ có khổ, bố thì bảo:
- Cái thằng có cái lưng dài thưỡn như vậy chỉ ăn không ngồi rồi chứ làm được cái gì rồi, con mà lấy cái thằng chỉ được cái dẻo miệng đó rồi khổ cả đời thôi con ạ.
Bố thì dùng roi vọt đánh tôi đe nẹt không cho tôi gặp Long, mẹ thì khóc lóc rồi cầu xin tôi hãy nghĩ cho gia đình cho bố mẹ mà bỏ cái thằng vô công rỗi nghề đó đi. Tuổi trẻ bồng bột luôn cho mình là đúng luôn đề cao cái tôi, coi tình yêu là trên hết nên tôi bỏ qua tất cả những lời ngăn cản của bố mẹ để quyết định có con với Long. Khi mang cái bụng bầu 4 tháng về nhà tôi tự tin chắc chắc bố mẹ sẽ đồng ý nên cầu xin bố mẹ chấp nhận tác thành cho chúng tôi.
Mẹ vừa nghe xong uất ức nhục nhã lăn ra ốm, bà chẳng nói năng gì chỉ nằm lì trên giường ai hỏi gì mẹ cũng chỉ chảy nước mắt rồi lắc đầu. Còn bố tôi thì cầm roi định đánh như những lần trước nhưng ông nghĩ gì đó rồi buông roi xuống cay cú khi không dạy bảo nổi con gái.
Không ai muốn nhìn mặt tôi, tôi như người thừa trong ngôi nhà này hay là kẻ phá hoại hạnh phúc của gia đình. Chẳng muốn làm phiền ai nữa tôi rủ Long tự đi đăng ký kết hôn còn chuyện cưới xin có cũng được không có cũng chẳng sao miễn là chúng tôi được ở bên nhau là tốt rồi.
Dù giận con thế nào đi nữa bố mẹ cũng không bao giờ bỏ con, từ ngày đứa cháu được sinh ra bố mẹ đã làm hòa với vợ chồng chúng tôi nên vợ chồng tôi cảm thấy đỡ bị mang tiếng bất hiếu. Hai đứa con nheo nhóc liên tiếp ra đời khiến cuộc sống vợ chồng tôi bắt đầu có những trục trặc.
Ban ngày anh đi làm được đồng nào thì tối lại ngồi vào sòng bạc chơi cho hết tiền mới chịu về. Nhiều đêm anh thức thâu đêm để chơi khi hết tiền thì lại ký sổ hay vay bạn bè. Rồi có những khi bị công an bắt tôi muối mặt bị gọi lên bảo lãnh cho chồng về, tưởng anh sẽ sợ hãi nhưng chỉ cai được vài ngày rồi có tiền anh tiếp tục chơi.
Tôi dùng đủ mọi biện pháp từ khóc lóc đến tỉ tê hay mắng chửi nhưng chẳng làm anh động lòng mà vẫn lao vào sòng bài như con thiêu thân. Để một mình tôi lăn lộn với cuộc sống vừa đưa đón các con đi học rồi cơm nước cho cả gia đình. Tiền nhà tiền điện tiền sinh hoạt tiền học tất cả đều trông chờ vào đồng lương công nhân 6 triệu của tôi.
Video đang HOT
Đi làm cả tháng chẳng dám nghỉ ngày nào, trong giờ làm tôi phải cố làm hết sức mình để giành giật được nhiều sản phẩm mới đủ tiền chi cho gia đình. Những hôm ốm đau tôi cố bò đi làm để rồi đến khi bị ngất vào phòng y tế công ty nằm mà trong mơ tôi cũng thấy mình đang làm việc để rồi khi tỉnh dậy nhẩm tính nằm trên giường cả ngày đến cuối tháng chắc chắn gia đình tôi sẽ phải tiêu tằn tiện mới đủ. Rồi lại nhanh chân đi làm chứ nằm đây chỉ lo lắng nghĩ ngợi mà sinh bệnh nặng hơn.
Tuy chỗ làm cách nhà tôi chỉ khoảng 100 cây thôi nhưng rất ít khi tôi được về quê ăn Tết. Tôi không muốn bố mẹ và mọi người thương hại hoàn cảnh của mình. Nhưng Tết này bố bảo tôi phải về bởi mẹ ốm yếu lắm rồi muốn gia đình được sum họp.
Sợ mẹ bị sao vừa nghỉ Tết là cả gia đình tôi chở nhau về nhà ngoại ăn Tết, mẹ nhìn tôi xót xa:
- Mẹ bị bệnh cũng chẳng gầy đến xác xơ như con, con khổ lắm phải không con, nếu không sống được với nhau thì li dị quách đi chứ ôm của nợ đấy làm gì.
- Gầy cho đỡ bệnh mẹ ạ con phải ăn kiêng cả tháng đấy, cuộc sống vợ chồng con vẫn hạnh phúc mà mẹ, mẹ hãy lo dưỡng bệnh tốt là con vui rồi.
Nói xong những lời đó với mẹ tôi vội quay đi chỗ khác để lau nước mắt để cho bà khỏi lo lắng về cuộc sống cực khổ của tôi.
Chơi được mấy ngày chồng tôi nhất định đòi về bảo là đi làm nhưng tôi biết chồng đang nhớ bạn cờ bạc nên mới muốn về thôi, đã vậy tôi sẽ không về biết đâu ăn Tết ở quê ngoại anh sẽ cai được thì sao. Chân tay anh bức bối đứng ngồi không yên như người lên cơn nghiện, rồi trước mặt bố mẹ tôi và mấy người hàng xóm sang chơi anh quát ầm bắt tôi về nhưng tôi tảng lờ như không nghe thấy. Tức giận không làm gì được, anh lao đến tôi tát liên tiếp cho tôi mấy cái:
- Bây giờ cô có về không thì bảo.
Bố tôi vội chạy đến định đánh chàng rể, tôi vội đỡ cho chồng rồi bảo với bố:
- Công ty anh ấy có việc gấp thật đấy chỉ tại con nhớ bố mẹ chưa về được nên anh ấy sốt ruột đã vô tình đánh con thôi.
- Con đừng có bao biện cho cái thằng nghiện cờ bạc nữa, con chịu khổ được nhưng con muốn kéo cả hai đứa con khổ theo mình sao, hãy bớt tính tự ái đi con ạ, bố mẹ biết hết hoàn cảnh của con từ lâu rồi bây giờ đã vượt quá sự chịu đựng của bố rồi.
Nghe những lời bố nói tôi không biết nói gì hơn chỉ biết ôm mặt mà khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc, có lẽ sự kìm nén bấy lâu nay bây giờ nó đã nổ tung khiến tôi không còn gì để giữ sĩ diện nữa chỉ biết khóc cho thoải mái. Thấy mẹ khóc hai đứa con ôm chặt lấy mẹ cùng khóc theo:
- Mẹ ơi đừng khóc nữa bọn con sợ lắm mẹ ơi con xin mẹ đấy.
Nghe con nói tôi cố lau nước mắt để làm chỗ dựa cho con:
- Không mẹ không khóc nữa các con cũng đừng khóc nữa nhé. Mẹ sẽ không để các con phải chảy nước mắt vì mẹ nữa đâu. Bố đã nói đúng con quá giữ sĩ diện cho bản thân mà ích kỷ với các con của mình, Tết này con sẽ ở lại ăn với bố mẹ. Và xong Tết con quyết sẽ li dị người chồng chẳng ra gì như bố mẹ đã đoán biết trước, thà đau một lần còn hơn khổ nhục mãi. Sự hối hận của con hơi muộn nhưng đây cũng là bài học nhớ đời cho con về cách nhìn người.
Mặc cho chồng năn nỉ xin lỗi nhưng tôi biết với tính cách của anh chỉ biết nói mồm thì hay chứ bao nhiêu năm rồi có làm được cái gì ra hồn đâu. Tốt nhất là đường ai lấy đi muộn còn hơn không.
Theo Phununews
Tết này, đi chúc Tết cùng em, đừng say xỉn nữa anh!
Anh hỏi em: "Tết nay em ước gì, thích gì để anh mua cho nào." Nếu là vào những dịp khác thì em sẽ xúc động. Nhưng tết thì em chỉ mong một điều đơn giản thôi: Mong anh đừng say.
Vợ chồng mình lập nghiệp và sinh sống tha hương, cả năm chỉ mong tới ba ngày tết để về thăm cha mẹ, anh em, họ hàng. Những ngày sum vầy đó rất vui. Vậy mà hầu như tết nào anh cũng say bí tỉ. Anh say thì anh nằm ngủ, qua cơn say đã mất một ngày, rồi hôm sau lại thế. Mọi thứ cứ tái diễn khiến em vô cùng chán nản và ức chế.
Mỗi lần em phàn nàn, anh lại cáu: "Ngày tết nhất, anh em họ thân tình mời chén rượu mà cứ chối đây đẩy thì còn ra thể thống gì. Mình không uống họ lại bảo mình khinh khi, coi thường họ ấy chứ.". Ừ, em cũng không biết từ bao giờ đàn ông các anh lại lấy rượu ra làm thước đo tình cảm thế kia.
Để rồi mỗi khi mời rượu, để đối phương không từ chối thường bồi thêm một câu: Mày không uống là mày coi thường tao; anh làm thế là không nể mặt thằng em này...Ừ thì không coi thường, ừ thì nể, thì uống...Mỗi lý do là một chén rượu. Cưới vợ mày không mời tao: Phạt một chén! Tóc mày bạc trước tóc tao rồi. Phạt một chén!...Cứ thế, rượu rót ra, hết chén này rồi chén khác. Cho đến khi nói năng lộn xộn, rồi chuệnh choạng bước ra đường.
Anh và cả những người đàn ông khác lúc nào cũng cho rằng những người làm vợ như em khắt khe khó tính. Thực sự thì em cũng có cấm cản gì anh đâu, mà có cấm cũng chẳng được. Nhưng trước khi kề chén rượu lên môi anh có nghĩ sau khi anh say thì vợ con anh đi đâu, làm gì cũng không có anh bên cạnh. Nhà người ta tết nhất gia đình vui vẻ sum vầy. Đi thăm họ hàng, bố bế đứa nhỏ, mẹ dắt đứa lớn rất hạnh phúc. Còn nhà mình, tết nào cũng chỉ ba mẹ con dắt nhau đi chúc tết, vì anh còn "bận" say. Tết nào cũng cố gắng kìm chế lắm mà vẫn không tránh nổi những lời cằn nhằn cáu bẳn.
Anh có còn nhớ tết năm ngoái về thăm nhà ngoại, có cậu em họ rượu say rồi đâm vào cột điện đến mặt mày biến dạng. Lúc đó vợ cậu ấy còn đang mang bầu đứa thứ hai, cả đêm mồng ba tết ngồi ở cửa phòng cấp cứu khóc, chỉ sợ hai đứa con mình mồ côi cha, còn mình thì sớm trở thành góa phụ. Cũng may, cậu ấy đã tỉnh lại sau một tuần hôn mê, và hồi phục sau ba tháng điều trị.
Nhưng tiền bạc trong nhà đã "đội nón" ra đi hết, còn vợ con, cha mẹ, anh em thì kiệt quệ, héo hon. Cậu ấy nói sau lần đó bỗng kinh sợ rượu, hễ cứ ngửi thấy mùi rượu là khiếp. Để có được bài học ấy, gia đình cậu đã phải trả một cái giá quá đắt. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn như cậu ấy đâu. Còn rất rất nhiều người, rượu say rồi là không còn đường về nhà nữa.
Em nhớ lúc nghe tin cậu ấy tai nạn, anh nói: "Khổ cái thằng, say rồi thì lên giường nằm chứ chạy ra đường làm gì nữa không biết". Nhưng khi đã say rồi, đi đâu là do ma men đưa đường dẫn lối chứ mình có còn là mình nữa đâu. Nếu say mà biết lên giường nằm ngủ cho qua cơn say thì đã chẳng có những bi thương, mất mát. Thì đã chẳng nên nỗi vợ mất chồng, con mất cha, em cầm dao chém anh, con cầm gậy đánh bố.
Mỗi lần em nói anh uống rượu phải có chừng, anh lại cau có em : "có từng ấy mà cứ nói đi nói lại không biết mệt à?". Không, em nói nhiều em cũng mệt lắm, chán lắm. Nhiều khi cũng nghĩ thôi thây kệ anh. Nhưng rồi mỗi lần thấy anh say nôn thốc nôn tháo, mặt mũi nhợt nhạt bơ phờ, em xót lắm. Rồi lại lo cứ tình trạng đó mà ra đường, lỡ gặp gió máy, hay tai nạn thì khổ anh đã đành mà còn khổ vợ khổ con. Anh cứ bảo "đàn bà lắm lời" nhưng anh cứ đặt địa vị mình ở em đi rồi may ra thấu hiểu được.
Em không phê phán việc anh uống rượu, cũng không muốn cằn nhằn mỗi khi anh say. Em chỉ mong anh những lúc vui, đừng quên ở nhà có vợ con đang đợi. Vợ anh còn trẻ lắm, con anh còn dại lắm. Nhớ để biết lúc nào mình nên dừng lại, để tết thực sự là những ngày vui. Người đàn ông bản lĩnh đâu phải là uống rượu không biết say, mà là biết đưa tay ra từ chối chén rượu một cách khéo léo. Điều vợ mong ngày tết chỉ có thế thôi.
Theo Phununews
Bất ngờ hàng xóm mới chuyển đến là tình cũ Tôi biết làm sao, khi suốt ngày giáp mặt với hàng xóm mới - tình cũ của tôi. Phải làm sao, khi suốt ngày giáp mặt người yêu cũ (ảnh minh họa) Mối tình đầu của tôi đã kết thúc cách đây 10 năm có lẻ, hiện tôi đang có một mái ấm hạnh phúc, bên một người chồng biết thương vợ, và...