Cái giá đau xót của những ‘vé VIP’ cho người di cư bất hợp pháp đến Mỹ
Ban đầu, Pablo Ortega yên tâm vì được mua “vé hạng nhất” trên chuyến di cư bất hợp pháp. Anh được đãi bia miễn phí, nơi ở an toàn có trò chơi điện tử, thậm chí còn được dành cả tuần trong trang trại săn bắn.
Thế nhưng vào hôm 27.6 – tức khoảng 2 tháng sau khi bắt đầu chuyến đi đến Mỹ – cuộc đời của Ortega kết thúc bên trong một đầu xe kéo ở San Antonio ( bang Texas, Mỹ) cùng với 52 người di cư khác. Đây là vụ buôn người chết chóc nhất trong thời gian gần đây dọc biên giới Mỹ-Mexico.
Hành trình của anh mở ra một cái nhìn hiếm hoi về thế giới buôn lậu người – một ngành công nghiệp tỉ đô mờ ám mà mức độ chết chóc ngày càng tăng khi Mỹ siết chặt kiểm soát biên giới.
Đám tang của Ortega ở quê nhà tại Mexico. Ảnh REUTERS
Những kẻ buôn lậu dụ dỗ người di cư đi theo các tuyến đường đắt đỏ mà họ quảng cáo là “an toàn”, “đặc biệt” hay “đường VIP”.
Khởi đầu từ bang Veracruz (Mexico), Ortega (19 tuổi) đã phải trả 11.000 USD cho chuyến hành trình tới Mỹ. Đây là số tiền cao hơn nhiều so với giá trung bình từ 2.000-7.000 USD đối với người di cư Mexico, theo dữ liệu của chính phủ Mexico từ năm 2019.
Em gái của Ortega, Rosa, đã cung cấp cho Reuters những bức hình và video mà anh gửi về từ một ngôi nhà rộng rãi, được trang trí đẹp mắt, nơi Ortega được chơi trò chơi điện tử, ăn pizza và uống bia trong khi đợi lực lượng tuần tra biên giới giảm bớt.
Rosa kể lại: “Và khi họ qua được biên giới thì anh nói với tôi rằng họ đã đến nơi, rằng họ đã ở nhà, rằng phần khó nhất của hành trình là vượt qua sông nhưng họ đã vượt qua và đến nhà an toàn. Anh nói rằng giờ họ chỉ cần ngồi trong một đầu xe kéo 3 giờ và sau đó là ngồi trên xe hơi”.
Đến ngày 19.6, Ortega nói với mẹ rằng anh bắt đầu lo lắng về số lượng người di cư đổ đến ngôi nhà an toàn ở Texas. Sau đó, gia đình bị mất liên lạc với anh. 8 ngày sau, một chiếc xe tải chở hàng 18 bánh vô chủ được tìm thấy ở San Antonio, một phần cửa bị mở để lộ những thi thể nóng ran.
53 người đã chết và Ortega là một trong số đó. Một bồi thẩm đoàn của Mỹ đã truy tố 4 người đàn ông với cáo buộc liên quan đến vụ việc.
Tại đám tang ở quê hương Ortega vào giữa tháng 7, một bản ballad đã được bật lên để tưởng nhớ những người di cư trẻ tuổi đã chết ngạt trong một toa xe lửa ở Texas 35 năm về trước…
“Không khí bắt đầu cạn kiệt, và họ không thể làm gì được. Không ai nghe thấy những tiếng kêu cứu đó”.
Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc từ năm 2014, năm 2021 là năm chết chóc nhất được ghi nhận đối với những người di cư vượt biên giới Mỹ-Mexico và 2022 cũng trên duy trì xu hướng này, thậm chí còn cao hơn.
Azerbaijan mở 'Chiến dịch Báo thù' nhằm phi quân sự hóa khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh
Ngày 3/8, Azerbaijan tuyên bố sự hiện diện của binh sĩ Armenia và các nhóm vũ trang bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ của Azerbaijan tiếp tục là một mối đe dọa.
Thành viên các nhóm vũ trang bị Baku cáo buộc là 'bất hợp pháp' hiện diện tại khu vực giới tuyến ở Nagorno-Karabakh tháng 4/2015. Ảnh: RT/Brendan Hoffman
Hãng tin RT (Nga) cho biết Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 3/8 tuyên bố nước này mở "Chiến dịch Báo thù" (Operation Revenge) tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh trong bối cảnh căng thẳng mới nhất có dấu hiệu leo thang giữa hai nước.
Tuyên bố của bộ trên nhấn mạnh việc "phi quân sự hóa" khu vực Nagorno-Karabakh là "điều đương nhiên bắt buộc". Baku nhắc lại tuyên bố rằng sự hiện diện của binh sĩ Armenia và các nhóm vũ trang bất hợp pháp tại "các vùng lãnh thổ Azerbaijan" vẫn là một mối đe dọa. Azerbaijan xem xét việc "triệt thoái hoàn toàn" các lực lượng Armenia và giải giáp các nhóm vũ trang tại đây là điều bắt buộc.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Azerbaijan vừa mở một chiến dịch quân sự tại khu vực này nhằm đáp trả điều mà Baku cáo buộc là sự vi phạm trắng trợn lệnh ngừng bắn của các nhóm tay súng bản địa hòng tìm cách thiết lập các vị trí chiến đấu mới tại Nagorno-Karabakh. Theo nguồn tin trên, vụ tấn công đã bị các lực lượng Azerbaijan đẩy lùi.
Hãng tin TASS của Nga ngày 30/7 đưa tin Azerbaijan đã cáo buộc Armenia pháo kích vào các vị trí gần khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia. Theo phía Azerbaijan, các vị trí bị pháo kích là các vùng Lachin và Kalbajar phía Tây khu vực Nagorno-Karabakh. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết quân đội nước này đã bắn trả. Trong khi đó, hãng tin Interfax cho biết Bộ Quốc phòng Armenia đã bác bỏ lời cáo buộc của Azerbaijan.
Trước đó, Armenia hôm 27/7 đã đệ đơn kiện các hành động của Azerbaijan tại các làng Parukh và Khramort ở Nagorny-Karabakh lên Tòa án Nhân quyền châu Âu. Vụ kiện cũng đề cập đến hành động của Các Lực lượng vũ trang Azerbaijan chống lại người dân Nagorny-Karabakh giai đoạn 2021-2022.
Thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigoryan ngày 3/8 tuyên bố yêu cầu của Azerbaijan về việc tổ chức hoạt động giao thông giữa Armenia và Nagorno-Karabakh bằng một tuyến đường khác thay cho hành lang Lachin là bất hợp pháp.
Phát biểu với báo chí, ông Grigoryan nói: "Điểm 6 trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Armenia, Liên bang Nga và Azerbaijan từ năm 2020, xác định các vấn đề liên quan đến việc hình thành và hoạt động của hành lang Lachin nối Nagorno-Karabakh với Armenia, đã nêu rõ, theo thỏa thuận giữa các bên, trong 3 năm tới sẽ quyết định kế hoạch xây dựng một tuyến đường mới qua hành lang Lachin để nối liền Armenia với Nagorno-Karabakh cùng với việc tái triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga để bảo vệ tuyến đường này".
Ngày 2/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Zakir Hasanov, thảo luận vấn đề đảm bảo an ninh khu vực và các chủ đề khác mà 2 bên cùng quan tâm. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã thảo luận về việc thực hiện các thỏa thuận về tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh.
Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sáp nhập khu vực này vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước láng giềng mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả 2 đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp này thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Nga: EU đang đi vào 'ngõ cụt' khi trừng phạt Moskva Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 21/7 tuyên bố gói trừng phạt mới nhất mà Liên minh châu Âu (EU) công bố mới đây nhằm vào Moskva là hành động đơn phương bất hợp pháp và sẽ gây ra những tổn hại lớn đối với an ninh và kinh tế toàn cầu, trong đó có cả các quốc gia...