“Cái gì tốt cho dân cho nước, chúng tôi không nề hà”
“Nhiều vấn đề cử tri nêu đúng là còn bất cập. Chúng tôi sẽ từng bước thực hiện, cái gì tốt cho dân cho nước chúng tôi không nề hà”, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, Trần Du Lịch, chia sẻ trong buổi tiếp xúc với đoàn ĐBQH do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu.
Ngày 25/11, đoàn Đại biểu Quốc hội gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; TS. Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đã có buổi tiếp xúc với cử tri của quận 3 và quận 4 – TPHCM. Trả lời các thắc mắc, chất vấn, lời nhắn gửi của các cử tri, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch chia sẻ: “Cái gì tốt cho dân cho nước thì chúng tôi không nề hà”.
Cử tri Vũ Hoài Ninh (P.13, Q.4) bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về quy định xe chính chủ. Cử tri này cũng cho rằng, quy định cho phép CSGT hóa trang mặc thường phục để chặn xe sắp có hiệu lực làm dấy lên lo lắng trong dư luận. “Đảng trao cho các anh nhiệm vụ vinh quang, nhiệm vụ chính của các anh là bảo vệ an ninh, trật tự, gắn với màu cờ, sắc áo. Nhiệm vụ hóa trang để đảm bảo an ninh đã có các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, lực lượng an ninh… Giờ thêm CSGT mai phục, truy bắt bất ngờ người đi đường sẽ dẫn tới những hình ảnh không đẹp. Hình ảnh người CSGT của 20 năm trước so với hình ảnh của lực lượng CSGT hôm nay, tôi rất chạnh lòng”, cử tri Ninh phản ánh.
Nhiều cử tri cho rằng, đất nước khó khăn, người dân tự động viên nhau gắng gượng, hy vọng, kỳ vọng vào Quốc hội… Tuy nhiên, họ vẫn chưa yên tâm trước công tác điều hành của Chính phủ. Cử tri Lê Trọng Nhường (P.8, Q.4) cho biết: “Phải quay lại cách đặt vấn đề của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cố Thủ tướng “xé rào” nhằm đem lại lợi ích cho dân. Đây là cuộc cách mạng đầy gian nan, các đồng chí đứng đầu phải dũng cảm, tránh rập khuôn”.
Cử tri Nguyễn Văn Kiều (P.11, Q.4) phản ánh đến đoàn đại biểu Quốc hội về những bất cập trong Luật Đất đai. Cử tri Kiều nêu trường hợp của cá nhân mình có miếng đất ở quận 2 nằm trong đường vành đai phía Đông, nhưng áp giá mỗi lúc mỗi khác. Dự án bỏ không đến nay hơn chục năm nhưng chưa triển khai, người dân thì chịu nhận giá đền bù rẻ mạt (300.000 đồng/m2). Trong khi cùng miếng đất ấy, chủ đầu tư ủi đất, phân lô, bán nền với số tiền 9 – 10 triệu/m2. “Tôi nói vấn đề riêng để chứng minh Luật Đất đai hiện quá rối rắm, xử lý vi phạm về chủ đầu tư để dự án treo cũng không rõ, khiến người dân mất niềm tin”, cử tri Kiều nói.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) ân cần thăm hỏi các cử tri
Cử tri Nguyễn Thanh Chiến (P.2, Q.4) cũng cho rằng, quy định mới về cấp phép xây dựng chưa có thông tư hướng dẫn. Người dân khó khăn trong làm thủ tục xin cấp phép xây dựng. Những người nằm trong quy hoạch 1/500 mới được phép xây dựng nhưng hầu hết các khu vực dân cư đều còn quy hoạch chung 1/2.000. Rõ ràng, người dân sẽ gặp vô cùng khó khăn khi triển khai quy định này.
Cử tri mong muốn nhà nước có những biện pháp cấp bách để cứu các doanh nghiệp. Hiện đã có hàng ngàn doanh nghiệp bị giải thể, phá sản do khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính, ngân hàng. Về vấn đề “giải cứu” doanh nghiệp, cử tri Trần Văn Nhơn (P.3, Q.4) phân vân: “Có 2 cách chủ yếu cho doanh nghiệp tiếp cận vốn là dựa vào ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán. Thế nhưng, hiện hai thị trường này cũng đang tụt dốc. Vậy hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách nào đây?”.
Các cử tri cho biết, họ chưa hài lòng với các trả lời chất vấn, giải thích của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… Cử tri mong muốn Quốc hội cần có vai trò trong giám sát thi hành luật, làm sao có hiệu quả.
Video đang HOT
Cử tri Nguyễn Văn Nhơn(P.9, Q.4) cho rằng cần xử lý nghiêm những người có trách nhiệm liên quan, nếu không làm được việc thì buộc phải từ chức, để cải cách, hồi phục kinh tế. Không thể chậm trễ được hơn nữa. Những xử lý đối với Bí thư Hải Dương, Chủ tịch Bình Phước, Chủ tịch Đắk Lắk, dân chưa hài lòng, rõ ràng là “giơ cao đánh khẽ”, kỷ luật cho có hình thức.
Liên quan đến thủy điện 6A ở Đồng Nai, cử tri Nguyễn Minh Ngọc(P.4, Q.4) chất vấn: “Tại sao vẫn đang khảo sát với mức độ mở rộng hơn. Nếu các đập thủy điện hoàn thành mà có các sự cố xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Hàng trăm ngàn hộ dân từ Đồng Nai tới TPHCM bị mất điện, thiếu nước ngọt, ai sẽ lo?”. Cử tri Nguyễn Minh Ngọc cũng cho rằng, việc Trung Quốc in hình “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu, dù Việt Nam đã có phản ứng ngoại giao nhưng cần phải mạnh mẽ hơn nữa, cương quyết về chủ quyền.
Trả lời chất vấn, thắc mắc của các cử tri, TS. Trần Du Lịch cho biết, về xe không chính chủ, Quốc hội sẽ tiếp thu, xem xét cho phù hợp. Về trách nhiệm người đứng đầu, theo ông Trần Du Lịch, bỏ phiếu tín nhiệm là quá trình chúng ta đang làm nhưng cũng phải từng bước. Việc nghị định 64 gây phiền hà về xây dựng, đại biểu Trần Du lịch cho biết sẽ tiến hành kiểm tra. Về cách quản lý vàng, Quốc hội cũng sẽ tham gia.
“Nhiều vấn đề cử tri nêu đúng là còn có bất cập đang chen nhau. Chúng tôi sẽ từng bước thực hiện, cái gì tốt cho dân cho nước thì chúng tôi không nề hà”, tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Theo Dantri
Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi): Nên áp dụng từ 1.1.2013
Thảo luận về dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập cá nhân tại nghị trường sáng qua, đa số ĐBQH thống nhất nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng, mức giảm trừ phụ thuộc 3,6 triệu đồng. Một số ý kiến đề nghị nên bỏ bớt các bậc thuế đang quy định quá dày như hiện nay, đồng thời áp dụng luật từ 1.1.2013.
ĐB Chu Đức Quang (Lạng Sơn) kiến nghị nên sửa biểu thuế suất theo hướng giãn khoảng cách các bậc thuế từ 7 bậc hiện nay xuống còn 5 bậc - Ảnh: Ngọc Thắng
Hiện chúng ta chỉ thu được những người làm công ăn lương, những người thu nhập không thể trốn được, còn thu nhập tự do thì không kiểm soát được, tạo bức xúc, bất công
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch
Theo ĐB Lê Công Đỉnh (Long An), ở các nước, mức giảm trừ cá nhân được tính theo cách phổ biến nhất chính là mức tự duy (chi phí trang trải cho bản thân người đóng thuế về ăn, ở, mặc, đi lại, học tập, chữa bệnh, giải trí) của người lao động (NLĐ) trong điều kiện sống bình thường. Trong khi hiện nay chúng ta chưa có công bố chính thức về khoản tự duy này. Qua tham khảo các thông tin điều tra về mức tự duy của NLĐ là từ 7 - 8 triệu đồng, ông Đỉnh cho rằng, trong điều kiện dự kiến thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng trên 15%/năm trong thời gian tới thì mức giảm trừ cho người đóng thuế 9 triệu đồng "là chấp nhận được".
Chống thất thu thay vì tận thu
Với mức giảm trừ cho người phụ thuộc, ông Đỉnh nói đúng ra cần phải có những điều tra cụ thể về mức tự duy tối thiểu của người phụ thuộc theo 5 loại nhu cầu: ăn, mặc, đi lại, học tập và chữa bệnh, ở đây không có giải trí và chi phí ở so với NLĐ chính. "Theo thông lệ bình thường thì mức này có thể tính từ 30 - 50% mức tự duy của NLĐ, tùy theo giá học tập và chữa bệnh của từng nước. Với mức 40% của Chính phủ đề xuất là phù hợp", ông Đỉnh nhận xét, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta cần lưu ý mục tiêu là tránh thất thoát khi thu thay vì tận thu đồng thời chi phải hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí còn hơn thu nhiều mà sử dụng không hiệu quả".
Cũng dẫn kinh nghiệm thế giới khi đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thường phải hội đủ 3 điều kiện, trong đó có điều kiện về khả năng kiểm soát thu nhập, kiểm soát dòng thu nhập để tạo công bằng trong hành thu, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch chỉ ra bất cập: "Hiện chúng ta chỉ thu được những người làm công ăn lương, những người thu nhập không thể trốn được, còn thu nhập tự do thì không kiểm soát được, tạo bức xúc, bất công". Ông Lịch dẫn chứng: Chúng ta đưa bộ phận các hộ kinh doanh cá nhân, gia đình sang cơ chế khoán, không kiểm soát được thu nhập dẫn tới thực chỉ có hơn 190.000 hộ đóng thuế, "tạo bức xúc lớn, người ta cảm thấy áp dụng như thế này gây bất công".
Cùng nhận định, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ VN Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đề nghị "cần có biện pháp quản lý kiểm tra một cách hữu hiệu các khoản TNCN của những người có thu nhập. Hiện nay kiểm soát việc này rất yếu và không hết, nhiều khoản thu nhập không được đưa vào, không được kiểm soát, không được đánh giá, không được đóng góp".
Giảm bớt bậc thuế
Áp dụng muộn có thể giảm tính khả thi
ĐB Chu Đức Quang (Lạng Sơn) nói: "Tôi đề nghị nên quy định thời điểm áp dụng luật là bắt đầu từ ngày 1.1.2013 với lý do: Thứ nhất, luật Thuế TNCN hiện hành được QH thông qua năm 2007, mới có hiệu lực từ 1.1.2009, các văn bản hướng dẫn đã có, số người đã có mã số thuế cá nhân và thực hiện về luật Thuế TNCN tương đối nhiều do vậy luật sửa đổi nên có hiệu lực ngay. Thứ hai, nền kinh tế nước ta đang có nhiều biến động lớn nên việc kéo dài thời gian áp dụng các quy định của luật sửa đổi lần này có thể làm giảm tính khả thi cũng như kéo theo những nhu cầu sửa đổi của luật".
Theo ĐB Trần Du Lịch, nên bỏ bớt mức thuế bậc 7, tức là 35%, bởi mức thu này không nhiều nhưng nhìn vào cảm giác thuế cao. Làm vậy, VN sẽ nằm trong những quốc gia có cạnh tranh về thuế thu nhập ở mức dưới 30% trong thu hút đầu tư. Hơn nữa, bỏ bớt bậc thuế này sẽ khắc phục được việc ngăn trở động lực làm việc, cống hiến của đội ngũ chuyên gia giỏi, những người làm quản lý trình độ cao.
Ủng hộ đề xuất này, ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) cũng đề nghị nên điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng mức thuế suất cao nhất là 30%. Bên cạnh đó, thực hiện giãn khoảng cách giữa các mức thuế để thu hút những chuyên gia lao động kỹ thuật cao đến làm việc tại VN. Cụ thể hơn, ĐB Chu Đức Quang (Lạng Sơn) kiến nghị nên sửa biểu thuế suất theo hướng giãn khoảng cách các bậc thuế từ 7 bậc hiện nay xuống còn 5 bậc, với các mức thuế suất 5%, 10%, 15%, 25% và 35%, tức là bỏ bớt bậc 20% và 30%.
Về thời điểm hiệu lực thi hành của luật sửa đổi, nhiều ĐB đề nghị nên bắt đầu ngày 1.1.2013 tới để khoan sức dân. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nếu áp dụng từ đầu năm tới thì sẽ giảm thu ngân sách 5.200 tỉ đồng, và nếu kéo dài thời hạn miễn, giảm thuế đang áp dụng trong năm nay sang tới 1.7.2013 thì hụt thu thêm 4.000-5.000 tỉ nữa. Vì thế, bà Ngân đề nghị bắt đầu áp dụng từ 1.7.2013.
Theo nghị trình, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TNCN sẽ được QH biểu quyết thông qua tại kỳ họp này, vào ngày 22.11 tới.
Khoan thư sức dân mới là giải pháp bền vững nhất
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ: "Nếu thực hiện ngay luật Thuế TNCN sửa đổi từ đầu 2013 sẽ thất thu ngân sách khoảng 5.200 tỉ đồng trong điều kiện thu ngân sách khó khăn như hiện nay, nhưng tôi vẫn ủng hộ quan điểm nên áp dụng từ ngày 1.1.2013 để giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho người làm công ăn lương trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng. Khoan thư sức dân mới là giải pháp bền vững nhất, cũng là thể hiện QH đang đổi mới, nhiều quyết định của QH sớm được đi vào cuộc sống".
Không sợ giảm thu
Thực tế đã chứng minh, việc miễn, giảm hay nâng ngưỡng thuế TNCN không làm giảm nguồn thu của ngân sách.
Cụ thể, năm 2008, áp dụng pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thu nhập của người VN trên 5 triệu đồng/tháng và người nước ngoài trên 8 triệu đồng/tháng mới chịu thuế. Sang năm 2009, áp dụng luật Thuế TNCN với mức chiết trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc và QH cho miễn thuế TNCN 6 tháng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công, miễn thuế cả năm đối với thu nhập từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn. Thế nhưng số thuế TNCN thu được vẫn đạt 14.316 tỉ đồng, bằng 110% so với năm 2008. Năm 2011, QH đồng ý cho miễn giảm thuế TNCN đối với những người có thu nhập ở bậc 1 (tức thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng không chịu thuế) nhưng số thu ngân sách vẫn đạt 37.160 tỉ đồng, bằng 141,38% năm 2010. Tỷ lệ thuế TNCN trong GDP cũng tăng lên trong 3 năm áp dụng luật thuế này. Năm 2009 chiếm 0,87%/GDP năm 2010 là 1,37%/GDP và năm 2011đạt 2,03%/GDP.
Vì vậy, nên áp dụng ngưỡng thuế mới ngay từ 1.1.2013 để khoan sức dân và kích thích sức mua cho nền kinh tế mà không sợ giảm thu như một số ý kiến lo ngại.
Mặt khác, khi xây dựng luật Thuế TNCN, mục tiêu ưu tiên mà luật này đề ra là đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư để khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, tạo điều kiện cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước, góp phần hạn chế khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội việc ban hành và áp dụng thuế TNCN có tính đến những bước đi phù hợp với tình hình nước ta và thông lệ quốc tế kế thừa có chọn lọc những quy định trong chính sách thuế hiện hành... Mục tiêu đảm bảo huy động nguồn lực để nhà nước giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội là mục tiêu cuối cùng.
Nhưng tiếc là, khi bàn bạc để nâng mức khởi điểm chịu thuế, mục tiêu này lại được đưa lên đầu tiên.
Theo TNO
Sẽ phạt xe máy không đạt chuẩn khí thải? Theo dự thảo đề án của Bộ GTVT, xe máy lưu thông trên đường không có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ bị xử phạt theo Nghị định 71. Xe máy có thể bị kiểm soát khí thải trong thời gian tới Như đã thông tin, tại hội nghị về an toàn giao thông tổ chức hôm 22/11 ở Hà...