Cai điện thoại cho con – việc khó thế mà tôi làm được
Đó là cả một quá trình. Nó cũng gần giống việc tôi cai sữa cho con, khóc lóc có, sốt có, biếng ăn có nhưng phải quyết tâm.
Con tôi rất thích điện thoại, đó là sở thích mà bất kể đứa trẻ nào hiện nay đều có. Tuy nhiên, thời gian gần đây, quá nhiều cảnh báo về việc cho trẻ em sử dụng điện thoại và những hệ lụy của nó khiến tôi luôn dè chừng.
Thằng nhỏ mới được một tuổi rưỡi nhưng mỗi lần thấy tôi hay bố nó cầm điện thoại là đều bi bô “lấy, lấy, lấy” và khóc ré lên đòi cho bằng được. Tuy nhiên, không phải mỗi lần con khóc tôi đều đáp ứng nhu cầu của con.
Ảnh minh họa
Lần gần đây nhất, thằng bé đi nhà trẻ về và chạy ào vào nhà. Khi thấy tôi đang cầm điện thoại nói chuyện với bạn, nó nhào tới, giật lấy và đưa tay quẹt quẹt vào màn hình rất sành điệu. Lúc đó, mặc dù đầy bất ngờ xen lẫn giận dữ nhưng tôi im lặng quan sát con. Hồi lâu, khi đã thỏa mãn với việc quẹt điện thoại, con quay ra nhìn tôi vẻ hối lỗi. Tôi nhẹ nhàng:
- Con chơi xong rồi chứ, trả lại cho mẹ nhé. Đây không phải là đồ chơi của con.
Thằng bé đưa điện thoại cho tôi với ánh mắt thèm thuồng. Nó biết lấy điện thoại của mẹ khi chưa được phép là sai nên nó cũng không dám nằm xuống ăn vạ.
Video đang HOT
Biết thằng bé bắt đầu tìm tòi, học hỏi nên vợ chồng tôi bàn bạc với nhau, sau mỗi giờ tan tầm đón con về, chúng tôi chia nhau công việc nhà để làm, đồng thời bỏ điện thoại vào một góc và kêu thằng bé phụ giúp. Mặc dù ban đầu, nó rất sợ bẩn, sợ chạm vào thứ này thứ kia nhưng dần dà tôi thấy con hứng thú hơn với công việc. Bàn tay nhỏ xíu của nó cầm cây chổi quét nhà còn không thể nhấc lên nhưng nó vẫn hì hụi đẩy đẩy, quét quét. Con tự tay giặt khăn lau bàn, lau ghế.
Cứ như thế, mặc dù mới bé xíu nhưng con đã làm được vài ba việc khiến chúng tôi vui vẻ. Con đã quên hẳn việc đòi điện thoại, mặc dù mỗi khi chúng tôi có việc cầm điện thoại lên cu cậu vẫn len lén nhìn, nửa muốn tìm hiểu, nửa muốn xin chơi. Vợ chồng tôi đã mua thêm vài thứ đồ chơi cho con, thay nhau chơi với con, giải đáp cho con lúc con bi bô nói và hỏi bố mẹ những thứ xung quanh.
Hôm rồi, một chị có con cùng trang lứa với con tôi đã thở dài não nề:
- Bây giờ không có điện thoại con tôi không chịu ngủ. Nó cũng không chịu ăn, cảm giác bất lực lắm em ạ!
Tôi thủ thỉ với chị cách vợ chồng tôi cho con cai điện thoại ngay từ nhỏ như thế nào. Đó là cả một quá trình. Nó cũng gần giống việc tôi cai sữa cho con, khóc lóc có, sốt có, biếng ăn có nhưng phải quyết tâm. Và nếu muốn con lớn lên theo đúng tuổi thơ của nó thì bố mẹ phải buông điện thoại và học cách lắng nghe con, yêu thương, yêu thương chúng từ những hành động nhỏ nhất.
Ngô Nữ Thùy Linh
Theo phunuonline.com.vn
Khi mẹ chồng 'giành' cháu nội
Sau khi đọc xong lá thư của một người mẹ trẻ gửi cho chuyên gia tâm lý, tôi bất giác buột mồm: "Sướng không biết đằng sướng!". Xin chép lại lá thư của độc giả để bạn đọc cùng chia sẻ.
"Không phải tôi ghen vì chồng yêu mẹ hơn yêu vợ, mà vì bà muốn giành giật cháu nội của bà, tức là con của tôi. Tôi luôn có cảm giác như bà nội chỉ chực "nẫng" mất con từ tay mình.
Bà nội chiều cháu một cách thái quá, lúc nào cũng ôm khư khư cháu trong lòng, hít hà, xuýt xoa. Cháu mà hắt hơi xổ mũi một tí là bà rên rẩm, than thở cả ngày. Hai nhà ở gần nhau. Mình đi làm gửi cháu ở nhà cho bà suốt ngày, chỉ có buổi tối và ngày cuối tuần là hai mẹ con được ở cùng với nhau. Vậy mà tối bà lại vào. Cuối tuần mình chưa kịp ra khỏi giường, đã thấy bà vạch màn ra hỏi "Cái giống của bà đâu?".
Bây giờ bà lại đang giục tôi cai sữa cho con để nó qua ngủ với bà. Thành ra tôi luôn bị ức chế mỗi khi nghe tiếng bà mở khóa lách cách ngoài cổng, chỉ có lúc bà đi về mới được thở phào, mặt mũi giãn ra. Ức chế vậy nhưng không thể nói với chồng. Có mặt bà, vẫn phải tiếp chuyện, phải vâng dạ cho phải đạo làm dâu, thành thử lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng.
Thực ra bà rất quan tâm đến mẹ con tôi, quan tâm quá mức cơ ấy, nhưng càng quan tâm tôi càng cảm thấy ngột ngạt. Biết như vậy là không phải nhưng tôi không sao rũ bỏ được cái cảm giác ấy đi. Có lúc chỉ chực ôm con trốn ra khỏi nhà đi chơi thôi. Phải giải quyết thế nào đây, chứ không thì bị trầm cảm đến nơi rồi?".
Tôi luôn có cảm giác như bà nội chỉ chực "nẫng" mất con từ tay mình.
Trên đây là lá thư của một bà mẹ trẻ gửi cho chuyên gia. Đọc xong bức thư tôi buột miệng: "Trên đời quả thật có người "sướng không biết đằng sướng".
Sau đây là trả lời của chuyên gia:
"Nhiều người ao ước có bà nội đỡ đần ẵm bế con mình chẳng được, bạn thì lại than thân trách phận vì bà chăm con mình quá nhiều. Có lẽ chỉ khi nào bạn đưa con đi đâu độ một vài tuần không có bà thì bạn sẽ thấy vai trò bà nội quan trọng như thế nào. Chỉ khi nào suốt ngày phải "quần" với con đến mệt phờ ra, không được nghỉ ngơi, tắm giặt hay chợp mắt lấy một lúc, bạn mới biết thế nào là trầm cảm khi không đùn con cho ai được.
Sao bạn không thông cảm với tình yêu cháu của mẹ chồng, một người mẹ suốt ngày hầu như không có niềm vui nào khác ngoài đứa cháu, nên mới quá quấn quít với cháu như vậy.
Người như thế bây giờ là "của hiếm" lắm đấy. Chẳng bù những bà "mẹ chồng hiện đại" bận bịu công việc làm ăn, vui chơi giải trí, đi khiêu vũ, rồi du lịch với bạn bè, tập thể dục, ngồi thiền, yoga ... Khó lòng giao con cho bà được một tiếng đồng hồ. Thậm chí vợ chồng gửi cháu cho bà trông một buổi tối để được cùng nhau đi xem phim cũng không được. Có vé đi xem mà phải bỏ. Bởi vì mẹ chồng bảo: "Anh chị muốn đi xem phim với nhau thì phải có kế hoạch trước. Tôi cũng thích xem phim Hàn Quốc trên ti-vi mà nó cứ hết nhảy choi choi lại khóc nheo nhéo thì xem thế nào được. Tuổi già còn cái gì vui ngoài cái phim nữa?".
Nhưng nếu bạn vẫn muốn bà giảm "liều lượng" chăm cháu đi thì giải pháp khôn ngoan nhất là thông qua chồng bạn, chứ bạn đừng nói trực tiếp với bà. Làm như chính con trai bà không muốn bà chăm cháu nhiều quá vì thương mẹ vất vả. Dĩ nhiên bạn phải "mớm" cho chồng về nội dung cuộc nói chuyện với mẹ sao cho có hiệu quả mà bà không tự ái, tủi thân.
Phương pháp tốt nhất là giảm liều lượng dần dần mỗi ngày một ít, không làm đột ngột gây sốc cho bà. Bạn nên thông cảm rằng người trẻ còn có nhiều niềm vui nhưng người như mẹ chồng bạn chỉ có mỗi niềm vui là chăm sóc cháu. Vì vậy bạn phải hiểu lòng mẹ chứ không nên ghen với bà. Nghĩ được như thế, bạn sẽ thấy thanh thản và thấy là mình may mắn có bà. Vì một ngày nào đó bạn cũng sẽ trở thành bà và chắc chắn cũng sẽ dành tình cảm cho con cháu bạn. Cũng có thể bạn thử tìm cách tách ra khỏi bà độ một tuần thôi, khi đó bạn sẽ hiểu và biết trân trọng hạnh phúc mà mình đang có.
Bạn nên thông cảm rằng người trẻ còn có nhiều niềm vui nhưng người như mẹ chồng bạn chỉ có mỗi niềm vui là chăm sóc cháu
Câu chuyện này nếu biết cách thì đơn giản nhưng nếu thiếu tế nhị sẽ phức tạp vô cùng. Bởi vì người già rất hay tự ái. Nếu mẹ chồng chỉ vì quá yêu cháu mà bị con dâu làm tổn thương, gia đình bạn sẽ lục đục, ảnh hưởng đến cả tình cảm vợ chồng, lúc ấy bạn mới hối hận e rằng đã muộn".
Hầu hết các bà mẹ trẻ đang đi làm ngoài xã hội trong khi con còn quá nhỏ chưa đến tuổi đi nhà trẻ đều mơ ước có được mẹ chồng trông cháu cho. Bởi vì thuê người giúp việc bây giờ có khi ngốn hết cả cái lương của bạn mà không thể nào bằng bà trông cháu được.
Theo thegioitiepthi.vn
Người mẹ trẻ chia sẻ 4 bước đơn giản để cai sữa cho con một cách nhẹ nhàng, dứt điểm trong thời gian ngắn không ngờ Chỉ trong thời gian vô cùng ngắn là 6 tuần, người mẹ này đã có thể cai sữa cho cậu con trai hoàn toàn. Một trong những điều tuyệt vời nhất mà người mẹ có thể làm cho con mình khi mới sinh là cho con bú. Việc cho con bú sữa mẹ có rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và trẻ....