Cái dại lớn nhất của tôi là cho chồng vào phòng sinh!
Thật chứ, nhắc đến cái vụ cho chồng vào phòng sinh, đến giờ vẫn còn thấy ngại và cả thấy dại. Nếu như được quay lại vào khoảnh khắc ấy, tôi e rằng mình sẽ không bao giờ để chuyện đó xảy ra
Cũng 3 năm rồi mà giờ nhắc lại vẫn còn đỏ mặt. Hồi đó, mang thai con đầu lòng, hai vợ chồng tôi háo hức vô cùng. Ngay khi que thử vừa hiện lên 2 vạch căng đét là vợ chồng tôi đã háo hức chuẩn bị mọi thứ để đón đứa con đầu lòng. Ba mẹ hai bên cũng xúm xít vào lo phụ. Con đầu cháu sớm mà!
Nào là sắm sửa, nào tẩm bổ, lo vun vén các khoản tiết kiệm này kia. Người ta bảo kiêng mua đồ cho bé sơ sinh khi chưa đến tháng thứ 7 thai kỳ. Vậy nhưng vợ chồng tôi không kiêng cữ gì hết. Anh ghi ra một list dài dằng dặc và sau đó còn giành với vợ đi mua sắm cho con đủ thứ. Tiếp đến, hai vợ chồng đăng ký học tiền sản. Chồng còn siêng hơn cả tôi. Ngày nào lười tôi nằm nhây ở nhà chứ còn anh thì không bỏ bữa nào. Những lần vợ đi khám thai là chồng xin nghỉ làm tháp tùng vợ đến bệnh viện, rồi ghi ghi chép chép những gì bác sĩ dặn dò và bắt vợ thực hiện bằng được. Anh còn lên thực đơn thai kỳ cho vợ, tự đi chợ, nấu nướng và bắt tôi ăn đến nghẹn họng mới chịu tha.
Trong những lần đi học tiền sản, anh có nghe nói dịch vụ sinh gia đình. Anh về “dụ” vợ “Vợ vợ, anh nói nghe này! Hôm nào em sinh, cho anh vào phòng sinh cùng với vợ nha!”. Rồi chưa kịp để tôi đắn đo thêm, khi đi đăng ký sinh, chồng tôi đăng ký ngay lập tức. Tôi có hơi tiếc tiền nên khuyên “Anh đừng vào làm gì, trước sau người ta chả bế em bé ra cho mà phải vào tận nơi”.
Thú thật là tôi cũng ngại. Vợ chồng thì vợ chồng chứ bình thường mỗi khi “ yêu đương” là đòi tắt đèn tối thui, dù anh có động viên thế nào cũng không mềm lòng. Vậy mà lần này lại đồng ý cho chồng vào phòng sinh mới dại chứ.
Hôm đó là cuối tuần, thứ bảy, theo dự sinh thì còn 1 tuần nữa tôi mới sinh. Bữa tối, cả gia đình quây quần ăn uống. Mẹ chồng còn bảo: “Tranh thủ ăn đi con, mấy bữa nữa đẻ rồi kiêng khem đủ thứ, không được ăn thoải mái thế này đâu”.
Không ngờ, đêm đó tôi đau bụng. Chưa kịp trở tay thì đã thấy ối vỡ. Hai vợ chồng cuống cuồng gọi taxi đi bệnh viện. Vì đã chuẩn bị trước mọi thứ nên chúng tôi chẳng phải cập rập gì, chỉ là vỡ ối đột ngột trước ngày dự sinh.
Lúc nằm chờ tử cung mở, tôi đau quá, cố cắn răng chịu đựng. Chồng cứ luống cuống cầm tay vợ động viên: “Vợ chịu đau tí nha, chút nữa vào phòng sinh có anh rồi em không phải lo gì cả”. Mạnh miệng là vậy, nhưng khi thấy vợ khóc, chồng cũng khóc theo. Đã vậy, anh còn khóc to hơn cả vợ khiến ai cũng nhìn làm tôi phát ngượng đến nỗi quên cả đau.
Video đang HOT
Rồi cũng đến lượt tôi được vào phòng sinh. Chồng tôi lập tức nín khóc. Anh háo hức lắm, gọi điện cho mẹ chồng tôi trước khi vào phòng, bảo “Vợ con vào phòng sinh rồi! Con cũng vào đón thằng cháu đích tôn của mẹ đây”.
Chẳng biết may hay xui nhưng hôm đó người đỡ đẻ cho tôi là bác sĩ nam. Mắc cỡ, tôi nằm im, không dám rên vì đau nữa. Vậy mà chồng nào có chịu tha cho. Anh ghé vào tai vợ nói nhỏ: “Lêu lêu nhé, to đầu còn ở truồng, thấy hết rồi!” dù tôi đã được “che chắn” kỹ càng. Nằm trên bàn đẻ, đau quá chừng mà còn bị chồng trêu, tôi tức quá khóc ngon lành. Chồng tưởng tôi khóc vì đau cũng khóc theo.
Đến lúc bác sĩ bảo rặn. Chồng cổ vũ “Vợ ơi cố lên!!!”, rồi anh còn nắm tay và lau mồ hôi cho vợ. Nghĩ lại âu cũng là đàn ông đàn ang lần đầu vào phòng sinh với vợ nên cảm xúc có hơi lố, tôi thương quá, quên luôn cả vụ mắc cỡ. Được một lúc ngon lành, khi con vừa thò đầu ra theo lời bác sĩ tường thuật cho hay thì máu và nước bắt đầu tuôn xối xả. Lúc này thì mặt anh tái xanh tái xám rồi sau đó lăn đùng ra ngất xỉu. Ê-kip đỡ đẻ cho tôi 5 người cả bác sĩ và y tá thì phải mất 2 người chạy đôn đả để hồi sức cho chồng. Thiệt, không biết muối mặt vào đâu!
Những tưởng tất cả sẽ vào ký ức. Nhưng rồi mọi thứ từ đó bắt đầu nảy sinh.
Sau sinh là chuỗi ngày hai vợ chồng nhiều lần hục hặc, tưởng đâu đến mức tan vỡ. Trước sinh, mẹ chồng có dặn, làm gì làm, phải kiêng cữ vợ chồng 3 tháng 10 ngày. Chồng nghe còn kịch liệt phản đối, cho rằng mẹ lạc hậu. Anh ghé tai vợ nói nhỏ: “6 tuần thôi nha vợ”. Vậy mà, sinh xong, hết 6 tuần cũng chẳng thấy chồng đá động gì, còn có vẻ lảng tránh. Qua 3 tháng 10 ngày, nghĩ đến khoảng thời gian “chay tịnh” trước đó, tôi cũng đi tút tát dung nhan. Buổi tối, nhờ mẹ chồng chăm con, xức dầu thơm, mặc váy ngủ gợi cảm chờ chồng xớ rớ. Vậy mà anh đi làm về không hề ngó ngàng tới vợ, tối đến lại còn nằm quay lưng lại.
Chẳng lẽ nói với chồng thì ngại, mà không nói thì ấm ức chịu không nổi. Cuối cùng “tức nước vỡ bờ”, khi con đã 6 tháng mà chồng vẫn không chịu đề cập gì đến chuyện chăn gối, tôi ấm ức khóc “Có phải anh có ai bên ngoài rồi nên mới không thèm vợ không? Đã vậy mẹ con tôi đi khỏi cái nhà này cho anh tự do”. Lúc này chồng mới ngập ngừng phân giải “Thôi thì anh nói thật! Từ ngày anh vào phòng sinh với em, tự nhiên thấy không còn ham muốn nữa”.
Đêm đó tôi khóc như mưa, dù chồng dỗ dành mãi. Anh luôn miệng bảo không phải đã hết yêu vợ mà chỉ là ám ảnh nên chưa sẵn sàng cho chuyện ấy. Thậm chí chỉ cần ôm vợ là anh cũng nhớ lại chuyện cũ mà sợ hãi. Chưa hết, anh lại sợ vợ mang bầu lần nữa thì tội nghiệp cho vợ. Anh sợ vợ đau. Nghe anh nói mà vừa thương vừa giận, vừa nhận ra mình dại. Biết vậy, tôi đã không cho chồng vào phòng sinh.
May là cho đến khi con đầy năm thì chồng dần nguôi ngoai. Nhưng lúc đầu anh tuyệt đối không dám làm gì ngoài việc hôn vợ. Dần dần, mất cả tháng sau đó anh mới có thể rón rén chạm vào nơi ấy, còn tôi thì mừng quá bật khóc luôn. Tưởng đâu sau lần cho chồng vào phòng sinh thì anh đã trở nên bất lực luôn rồi!
Sau đó tôi có bầu bé thứ hai, chồng vẫn chăm sóc vợ chu đáo như lần mang thai đầu tiên. Đến lúc gần sinh, đi làm thủ tục đăng ký, vừa nghe bác sĩ hỏi “Nhà mình có đăng ký sinh dịch vụ gia đình hay không?” mặt chồng tái xanh tái xám, lắc đầu nguầy nguậy. Tôi thấy thế nên cũng đánh trống lảng qua chuyện khác. Về nhà, không dám nhắc gì đến “chuyện cũ”. Lúc sinh, chồng đứng ngoài. Nghe mẹ mách lại anh nóng ruột đi đi lại lại nhất quyết không chịu ngồi. Đến lúc em bé ra rồi, anh vào bế con mà cứ khóc, rồi ôm mặt vợ thỏ thẻ “Em vất vả quá rồi! Thôi lần này nữa ngưng luôn nha, anh không để em đẻ nữa đâu”.
Qua hai lần sinh, bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn. Nhưng mỗi lần nghĩ lại cái hôm cho chồng vào phòng sinh lại thấy hãi. Ôi đời, chả biết dại khi nào mà khôn!
Theo emdep.vn
Ba 'bà' chị chồng
Khi nghe tôi kể chuyện nhà chồng, các chị cùng công ty vẫn không tin, vẫn nói hồi sau mới rõ... Hồi sau, hẳn nhiên là ai mà tiên đoán được.
Ngày tôi lấy chồng, ai cũng ái ngại bởi gia đình chồng có tới tận ba chị gái. Chồng tôi con út, là thứ tư, đúng kiểu các cụ xưa đẻ cố để có thêm một thằng con trai chống gậy. Chúng tôi lấy nhau rồi ở xa, chuyện nhà chồng ra sao thực ra qua lời chồng kể và những cuộc điện thoại thăm hỏi, tôi không tường tận lắm. Ngày tìm hiểu nhau, tôi chỉ nghĩ thôi thì mình cứ sống thật lòng, hẳn là người cũng sẽ thương ta. Nhưng những chị chung cơ quan luôn nghe tôi nói thì cười, rất ẩn dụ: sống cùng rồi em sẽ hiểu, cuộc đời không đơn giản thế. Tôi tặc lưỡi kệ. Bởi thực tế tôi và chồng cùng làm việc ở thành phố. Bố mẹ chồng và ba bà chị đều ở quê. Sự va chạm chắc sẽ có nhưng xa xôi chắc sẽ không nhiều.
Ngày cưới tôi về, chị cả vốn hiền không nói gì, nhưng chị và hai chị ba bảo: Mợ có gì ấm ức cứ nói với các chị, các chị sẽ xử lí cho. Cậu từ bé đã được ông bà chiều lắm đấy... Tôi cười, mối quan hệ chị chồng em dâu sau đấy cũng cởi mở. Tôi bớt e dè với các chị hơn vì thấy các chị chia sẻ thật lòng.
Mợ có gì ấm ức cứ nói với các chị, các chị sẽ xử lí cho... Ảnh minh họa
Nhưng các bà, các thím bên chồng thì thào: Thằng Hoàng rách giời rơi xuống, chả biết vợ nó ra sao? Những lời thì thào ấy cứ như cố tình lọt vào tai tôi, rất khó chịu. Tôi hỏi thẳng: "Xưa anh nghịch lắm à mà lí lịch thời thơ ấu các cụ nhắc mãi thế?". Anh cười hì hì: "Cũng tương đối, nhưng đấy là thời cấp hai, cấp ba. Lên đại học đi xa nhà biết thương bố mẹ rồi, sống ngoan thì các cụ lại không tin.." .
Đúng là bố mẹ chồng tôi rất chiều con trai, cái này tôi biết. Nhưng may mắn là vì chiều con trai nên các cụ không vì thế mà xét nét con dâu mà ngược lại chiều luôn cả con dâu nữa. Chúng tôi lấy nhau rồi ở luôn trên thành phố làm việc, thỉnh thoảng rảnh rỗi mới về quê. Nhưng tuần nào bố mẹ cũng gửi ra đủ các thức nọ, thức kia với những lời dặn dò rất thật tâm của người già. Tôi rất cảm động vì điều đó.
Ngày sinh con, tôi đắn đo mãi rồi cũng quyết định xuất viện là về quê ngay. Bởi dù gì chồng tôi cũng con độc đinh, mà con tôi là cháu nội đầu, lại là cháu đích tôn nên các cụ ở nhà mong lắm. Tôi và con vừa vào nhà đã thấy ba chị tề tựu đủ cả. Tôi hoảng: "Các chị cứ về đi, ở nhà có mẹ rồi..." Nhưng chị ba nói: "Không, để các chị thay nhau chăm hai mẹ con, mẹ già rồi để mẹ nghỉ, mợ cũng chả mấy khi ở nhà cả, chị em có dịp này gặp nhau cho tình cảm...". Tôi đành vâng, nhưng đủ cũng thấy ngại. Tôi nói nhỏ với chồng: "Các chị ở đây, em thấy lo lo...". Anh cười to: "Kệ đi, rồi em sẽ thấy".
Kệ đi, rồi em sẽ thấy... Ảnh minh họa
Rồi tôi đã thấy điều như chồng nói thật. Chị cả ở gần nhất, sáng dậy chị đi chợ mua thức ăn nhà chị thì mua luôn đồ ăn mang sang cho mẹ nấu nướng. Chị hai, công việc nhàn hạ hơn nên giữa buổi tạt qua giặt chậu đồ cho cả mẹ lẫn con trẻ. Chị nói: Quần áo của thằng bé, em để đấy chị giặt tay, đừng bỏ máy... Tôi cảm động vô cùng. Chị ba ở xa hơn, công việc cũng bận rộn, nhưng rảnh chị cũng chạy về thăm em và cháu. Lần nào cũng tay xách nách mang thứ này thứ kia. Ba chị chồng đều đối đãi và chăm sóc tôi rất chân tình. Đến nỗi mẹ ruột tôi, khi đến ở với con gái mấy ngày cũng phải thốt lên: Con thật là may mắn... Tôi thú nhận với các chị: Em vụng về chuyện lặt vặt trong nhà lắm... Chị ba cười: Tập rồi sẽ quen! Không làm được thì nhờ. Xưa chị về nhà chồng cũng lóng nga lóng ngóng, thế mà bây giờ cũng gọn gàng đâu vào đấy hết rồi.
Con ốm, tôi cho đi viện khám, đúng hôm chồng tôi đi công tác. Hai mẹ con tự xoay xở. Được nửa ngày thì thấy chị thứ hai đưa mẹ chồng lên. Vừa nhìn thấy tôi, chị đã mắng: Sao cháu ốm, cậu đi vắng mà mợ không gọi về nhà báo một câu? Tôi ngạc nhiên: "Cháu sốt, em định cho vào khám rồi về thôi". "Khám cũng phải gọi chứ? Ở nhà có bao nhiêu người mà ở đây có hai mẹ con thì xoay xở làm sao?" Tôi nhìn mẹ chồng rồi nhìn chị, dù bị mắng mà lòng tôi lại rưng rưng cảm động. Hóa ra chồng tôi sốt ruột nên gọi về nhà báo cáo tình hình, thế là ngay lập tức chị đưa mẹ lên hỗ trợ mẹ con tôi.
Khi nghe tôi kể chuyện nhà chồng, các chị cùng công ty vẫn không tin, vẫn nói hồi sau mới rõ... Hồi sau, hẳn nhiên là ai mà tiên đoán được. Ở đời có biết bao chuyện con người không thể nào dự liệu, đoán định được. Mà tôi cũng không mất thời gian làm gì cho việc ngồi đoán định cho tương lai như thế. Tôi chỉ biết tôi có đến ba chị chồng, người hiền lành ít nói, người bộc trực thấy đâu là nói, người lo toan từ nhà chồng đến nhà đẻ mọi việc băng băng. Nhưng tất cả các chị đều cùng mẹ chồng hỗ trợ, bao bọc mẹ con tôi từ ngày tôi bước chân về đó làm dâu.
Có lẽ vì thế mà với các chị, tôi không hề ái ngại. Cũng không phải con tôi là cháu đích tôn mà bố mẹ chồng hay các chị giành lấy để gạt tôi ra, mọi việc của gia đình riêng, của thằng bé tôi đều được quyền tự quyết. Khỏi nói chỉ sau gần hai năm lấy chồng rồi làm dâu, tôi đã biết ơn số phận đến nhường nào.
Đinh Hương
Theo phunuonline.com.vn
Con dâu phát hoảng về quy định ngày Tết của mẹ chồng, bật lại thì nhận được câu này Vân không thể tưởng tượng được, mẹ chồng cô có thể nói ra câu ấy. Vân và Hoàng cưới nhau trong sự e ngại của mẹ cô. Nhà cô cách nhà Hoàng 200km. Cô con một, bố lại mất sớm nên mẹ dành tất cả tình yêu thương cho cô. Hoàng là cháu trai duy nhất của cả họ. Mẹ lo lắng cô...