Cái chết thảm của những đứa trẻ vắn số
“Giết người” được hiểu là tận cùng tội ác, thế mà không thiếu những ông bố bà mẹ sẵn sàng mang cái tội ác tận cùng ấy “tặng” đứa con dứt ruột đẻ ra của mình!
“Giết người” được hiểu là tận cùng tội ác, thế mà không thiếu những ông bố bà mẹ sẵn sàng mang cái tội ác tận cùng ấy “tặng” đứa con dứt ruột đẻ ra của mình! Không còn từ gì để nói về những ông bố bà mẹ trên tài “hổ dữ” này, ngoài câu hỏi đau đáu của nhân loại: Khi giết con mình, họ có ghê tay?
Những đứa trẻ vắn số
Nếu căn cứ vào những tình tiết thuật lại tại tòa, và nghĩ sâu hơn về nguyên nhân nhiều vụ bố mẹ thẳng tay đưa con mình đến chỗ chết xảy ra gần đây – có cảm giác dường như các bậc sinh thành ấy khá lạnh lùng, đầy cương quyết khi giết những đứa con vô tội của họ.
Cứ như việc giết chết đứa con là “giải pháp hữu hiệu” để cải thiện tình trạng cuộc sống, tâm lý của họ lúc đó! Cứ như không giết con thì họ không tìm ra cách nào khác giải quyết tình huống đời mình! Cứ như cái chết của đứa trẻ được họ dùng làm “đòn trừng phạt” những người liên quan, giải quyết “khâu” đắc chí, hiếu thắng của họ! Và cứ như họ có quyền thích đẻ ra thì đẻ, thích giết thì giết…
Dư luận hẳn chưa quên Nguyễn Thị Nụ ở thôn Dân Lập, xã Yên Bình, Thạch Thất (Hà Nội), chỉ vì thấy chồng lạnh nhạt (chỉ quan tâm đến đứa con mới sinh mà quên mất rằng vợ mình đã phải trải qua “cửa tử” để có cho mình một thiên thần nhỏ) – tờ mờ sáng đã vứt đứa con mới gần 3 tháng tuổi của mình xuống giếng làng!
Giếng nước – nơi bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Nụ ném con mình xuống
Ném con xong, chị ta quay vào giường nằm… khóc tức tưởi!? Nghe tiếng khóc của Nụ, cả nhà choàng tỉnh và nhốn nháo đi tìm cháu bé mà không biết rằng cháu đã chết lịm dưới giếng nước…
Một bà mẹ “nổi tiếng” khác là Vũ Thị Gái (sinh năm 1982, Chương Mỹ, Hà Nội). Vào ngày 12/7/2008, khi Gái chỉ muốn được nghỉ ngơi yên tĩnh sau sảy thai, mà chồng và mẹ chồng lại “ngứa mắt” khi thấy Gái cứ nằm bẹp (chồng dựng dậy bắt đi luộc lạc, cho lợn ăn… và tát Gái vì chị uể oải) – đã dùng dao nhọn đâm 7 nhát vào bụng đứa con gái chưa đầy 3 tuổi và tự đâm mình 3 nhát!
Nước mắt ầng ậc, vai run bần bật trước vành móng ngựa, Gái khai: “Khi nghĩ mình sẽ chết, tôi sợ để lại con mình trên cõi đời nó sẽ khổ vì không có tôi…”. Trong lúc cạn nghĩ, vì muốn tự tử, Gái quyết định hai mẹ con cùng chết. Nhưng, oái oăm thay, cuối cùng chỉ có đứa con vô tội chết. Gái vẫn sống để chịu mức án 15 năm tù giam cho hành vi giết con của mình, và một “án chung thân” cho nỗi hối hận đến hết đời.
Video đang HOT
Lý giải cho hành vi giết con thơ, Gái khai: “Tôi sợ để lại con mình trên cõi đời nó sẽ khổ vì không có tôi…”
Gần đây nhất, ngày 25/1/2010, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã phải chứng kiến nỗi đau của một người vợ, người mẹ đã mất đứa con thơ, giờ lại phải cắn răng xin tòa giảm án cho người chồng mang tội giết con mình! May mắn thoát khỏi cơn cuồng nộ của chồng, chị Huệ đã khóc hết nước mắt trong phiên xử người chồng tội lỗi.
Chỉ vì vợ không đồng ý đi nghỉ mát với mình, sóng gió đã nổi lên và trong cơn cuồng giận, Lê Đức Thuận (37 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) đã dùng dao nhọn đâm hai nhát vào lưng đứa con nhỏ vô tội mới lên 3 khi cháu bé đang ngồi chơi.
Người đàn ông này định giết vợ và hai con rồi tự sát, nhưng không thành
Chỉ kịp bế vội đứa con lớn, chị Huệ chưa kịp can ngăn thì bị chồng vung dao chém cả hai mẹ con. Bé Linh bị chém 5 nhát vào người, còn chị Huệ bị đâm vào tay trái. Khi vợ vừa bế con rời gót ra ngoài kêu cứu, còn một mình trong nhà, Thuận tự đâm vào ngực và bụng rồi lăn ra bất tỉnh. Cả nhà chị Huệ được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng các bác sĩ đã không cứu được cháu bé lên 3.
Không thể “đưa” cả nhà sang thế giới bên kia, Thuận phải nhận mức án 18 năm tù giam và một nỗi dằn vặt anh ta phải mang theo đến hết cuộc đời. Rồi đây, không biết người vợ và đứa con lớn sẽ nhìn anh ta như một kẻ đã giết chết người thân thương hay với ánh nhìn của lòng vị tha…
Con trưởng thành chết dưới tay cha già
Bảo rằng, nhiều bậc làm cha làm mẹ tự cho mình quyền kết liễu cuộc đời những đứa con thơ, vì ngộ nhận chúng còn “non tơ”, phụ thuộc một tay mình (mình có quyền cho nó cuộc sống thì cũng có quyền cho nó cái chết)… thì phải kể đến chuyện ông già 64 tuổi xuống tay giết con trai đã 35 (qua cả tuổi “tam thập nhi lập) để thấy sự đa dạng của tâm lý tội phạm này.
Án mạng kinh hoàng xảy ra cách đây chưa lâu (hôm 22/11/2009). Người cha già Trương Văn Hàm (64 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) uống rượu say về, lè nhè chửi vợ mắng con. Người con trai tên Trần Ngọc Dương (35 tuổi) chạy ra can ngăn liền bị ông Hàm vớ con dao trong bếp đâm một nhát chí mạng vào ngực.
Anh Dương ôm ngực bỏ chạy ra đường kêu cứu trong khi người cha nát rượu vẫn lăm lăm con dao đuổi theo. Ra tới cổng, ông Hàm gặp vợ anh Dương là chị L, ông vung dao định đâm tiếp. Hoảng hốt, chị L quỳ xuống van xin, ông mới dịu lại, vứt dao bỏ đi…
Gặp chị L sau khi cơn ác mộng đã càn quét đi những tháng ngày hạnh phúc của tổ ấm gia đình, chị không muốn kể thêm gì về câu chuyện đau buồn đã xảy ra cho chúng tôi nghe. Trong căn phòng vắng lạnh, đứa con gái nhỏ mới 3 tuổi bước vào nhìn di ảnh bố – anh Trần Ngọc Dương – trên bàn thờ, khoanh tay lễ phép: “Con chào bố ạ” mà chị L. sũng nước mắt…
Chuyện về những “con hổ ăn thịt cả con” khiến người ta đặt câu hỏi vì sao những bậc sinh thành có đủ can đảm tước đi mạng sống đứa con mình dứt ruột đẻ ra? Khi giết con, họ có ghê tay, có nao núng tinh thần?
Đem câu hỏi trên đặt ra cho bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – giảng viên Bộ môn tâm thần Trường Đại học Y, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai – ông Tuấn có những lý giải nhất định cho các hành vi khó tin này.
Theo bác sĩ: “Trong tâm trạng mình gọi là không bình thường hay có thể gọi là loạn thần phản ứng, tức là khi con người ta lâm vào tình trạng căng thẳng quá sức chịu đựng thì dẫn đến điều đó…”. Bác sĩ Tuấn phân làm ba loại: dạng loạn thần phản ứng, loại bất thường về tâm lý và loại bình thường.
Giết người thân – biểu hiện loạn thần?
Phân tích kỹ trường hợp hai bà mẹ giết con (kể trên), bác sĩ Tuấn cho rằng mẹ nào chẳng yêu con, nhưng người làm mẹ mà lại xuống tay sát hại con mình – đối với những trường hợp này phải xét đến yếu tố tâm thần của các bà mẹ.
Sau ngày cưới không lâu, Nụ phải vào trại giam vì đã ném đứa con chưa đầy 3 tháng tuổi của mình xuống giếng
Đối với trường hợp chị Gái, sau khi đã giết đứa con gái bé bỏng rồi tự sát không thành, bác sĩ Tuấn cho rằng bà mẹ này có hành vi giết con trong tâm trạng không bình thường vì bị stress quá sức chịu đựng, dẫn đến loạn thần. “Trường hợp này khi đưa bà mẹ ra xét xử phải xem xét yếu tố đó” – lời bác sĩ.
Với trường hợp mẹ vứt con xuống giếng, bác sĩ cũng cho rằng cũng cần xem xét thật kỹ để lý giải những nguyên nhân dẫn đến hành vi của bà mẹ này, xem xét xem có yếu tố tâm thần trong đó không?!
Theo ông, ở nước ngoài, với những trường hợp người thân giết hại nhau, bác sĩ tâm thần sẽ được mời để tiếp xúc bị can, xem xét kỹ trạng thái tinh thần của người đó. Ngoài ra, bác sĩ tâm thần cũng làm những cuộc điều tra độc lập nhằm xem xét kỹ các mối quan hệ của bị can đó với nhiều người xung quanh, ngõ hầu tìm ra nguyên nhân sâu xa, đích thực của hành vi giết hại người thân thiết, ruột thịt này.
Tuy nhiên, ở bà mẹ ném con xuống giếng, trước đó, những người trong nhà không thấy bà mẹ trẻ có biểu hiện gì bất thường. Điều này được bác sĩ Tuấn cho rằng: Có những người bị stress mà được người thân phát hiện kịp thời, giúp trị liệu, hoặc đưa đến bác sĩ. Nhưng trong nhiều trường hợp, người bị stress cố tìm cách che giấu, hoặc không có ai để chia sẻ.
Và khi stress đã đến mức quá sức chịu đựng, người ta dễ có những hành vi điên rồ hoặc không kiểm soát được hành vi của mình. Ví dụ, không thiếu trường hợp cha mẹ chỉ phát hiện con mình bị stress, có những điều chưa bằng lòng trong cuộc sống của nó sau khi đứa con đã tự tử, để lại thư tuyệt mệnh…
Bác sĩ Tuấn kết luận, mẹ giết con – đó là yếu tố không bình thường. Ở đây, người mẹ lâm vào tình trạng xung đột căng thẳng kéo dài mà bản thân mâu thuẫn với chồng có thể là một nguyên nhân dẫn đến hành vi không bình thường ấy. Hai bà mẹ kể trên đều bị stress. Bà mẹ giết con rồi tự sát thì yếu tố loạn thần mạnh hơn bà mẹ ném con xuống giếng.
Bác sĩ phân tích: “Thường những người nhân cách yếu (thần kinh yếu), kém sức chịu đựng, kém lý trí để vượt qua khó khăn dễ rơi vào khủng hoảng, trạng thái bệnh lý thì không tìm được cách giải quyết. Thứ nữa, họ cũng thiếu hiểu biết về pháp luật”.
Bác sĩ khuyên: Khi có sự căng thẳng trong cuộc sống, cần tìm đến bác sĩ giải tỏa để không lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chuyện những phụ nữ gặp stress trong cuộc sống do người chồng gây nên khiến những người làm vợ, làm mẹ này nảy sinh hành vi tiêu cực không phải là ít trong xã hội lúc này.
Bác sĩ cũng cho biết những căng thẳng, bế tắc kéo dài thậm chí khiến người phụ nữ không những giết con mà còn có ý định giết chồng – hành vi bột phát nhiều chứa nhiều cảm xúc hơn là lý trí.
Trong thời gian làm nghề, vị bác sĩ này từng được một phụ nữ lạ mặt tâm sự: “Tôi muốn giết chồng mình” sau khi khóc lóc kể tội chồng có bồ, đối xử không tốt với gia đình… và xin vị bác sĩ thần kinh tư vấn cho một loại thuốc “gì cũng được” để về nhà hòa vào nước cho chồng uống, những mong chồng chị vĩnh viễn không tỉnh lại!
Quá bất ngờ, bác sĩ cho hay ông đã phải tìm cách khuyên ngăn chị ta rằng giết người là vi phạm pháp luật, chị sẽ phải trả giá cho hành vi của mình.
Còn với bác sĩ, những câu chuyện thực tiễn góp phần làm đa dạng, phong phú hơn “kho kinh nghiệm” của ông, và ông hiểu rằng: Những người thần kinh yếu, hoạt động lý trí kém hơn người khác – cuộc sống của họ ảnh hưởng nhiều bởi cảm xúc. Gặp khó khăn trong cuộc sống, những người nhân cách yếu không tìm được cách giải quyết, rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật.
Như vậy, nếu đã biết “run tay” khi sát hại con mình, đã ý thức hành vi đó là phạm pháp và nhất định phải đền tội – họ đã là người đủ lý trí. Chỉ cần những bậc làm cha làm mẹ có một tinh thần lành mạnh, lý trí tỉnh táo – những chuyện đau lòng tương tự chắc chắn không bao giờ xảy ra…
Theo VietNamNet