Cái chết oan nghiệt của một lao động Việt tại Malaysia
Đêm 15/11, thi hài Trần Văn Tuyên, SN 1991, người bị chết cháy khi đang lao động ở Malaysia, đã được gia đình đưa về mai táng tại thôn 3, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Cái chết oan nghiệt của Tuyên đẩy gia đình anh vào cảnh khốn cùng, người dân vùng quê nghèo ai cũng xót thương, tiếc nuối.
Oan nghiệt!
Chúng tôi có mặt tại thôn 3, xã Sơn Hồng vào chiều ngày 16/11. Cơn mưa nặng hạt khiến không khí trong gia đình bà Nguyễn Thị Loan – mẹ anh Tuyên – càng thêm đau đớn. Bà Loan cùng hai đứa con bơ phờ đứng trước bàn thờ con trai đang nghi ngút khói hương.
Di ảnh nạn nhân Trần Văn Tuyên, nạn nhân bị chết cháy tại Malaysia
Bà Loan kể, vợ chồng bà sinh hạ được 3 người con trai, Tuyên là con đầu lòng. Cách đây 10 năm, khi cuộc sống đang hết sức khó khăn thì chồng bà qua đời. Kể từ đó, cuộc sống của mẹ con bà càng khốn đốn, chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng. Thời gian rảnh rỗi, mấy mẹ con lại kéo nhau vào rừng chặt củi về bán, kiếm thêm thu nhập.
Thương mẹ và hai em nên khi vừa tốt nghiệp cấp 3, Tuyên nghỉ học, xin mẹ cho đi xuất khẩu lao động. Tuyên tìm manh mối đi lao động tại Malaysia. Đầu năm 2010, Tuyên lên đường sang Malaysia làm việc. Đơn vị đưa con trai bà đi là Cty Hải Dương, ở Hà Nội, với chi phí ban đầu là 1.200USD. Theo các giấy tờ liên quan thì Tuyên làm việc tại Cty Zazatyguocta, thuộc tỉnh Kelantan.
“Khi mới sang cháu nó liên tục gọi về. Cháu nói quyết tâm lắm. Luôn bảo với mẹ là sẽ cố gắng dành dụm gửi về cho mẹ trả nợ, sửa nhà cho mẹ “- bà Loan gạt nước mắt kể.
Nhưng mọi chuyện diễn ra không thuận lợi như suy tính. Công việc phập phù khiến thu nhập của Tuyên không được là bao. Sau 3 năm lao động tại Malaysia, Tuyên chỉ gửi về cho mẹ được khoảng 30 triệu đồng.
Video đang HOT
Kết thúc chính thức hợp đồng lao động sau 3 năm, Tuyên ra làm ngoài với công việc là thợ lái máy xúc cho một ông chủ người Trung Quốc. Thời gian gần 1 năm nhưng Tuyên chỉ gửi về cho em trai là Trần Văn Tưởng được 3,8 triệu đồng.
Ngày 6/7/2014, Tuyên gọi về cho mẹ bảo, ông chủ người Trung Quốc hứa cuối năm sẽ trả hết lương khoảng 100 triệu đồng cho Tuyên, để Tuyên gửi về cho mẹ trả bớt nợ nần, giúp mẹ có thêm vốn nuôi con lợn, con gà. Nhưng đó là lần cuối cùng bà Loan được nghe tiếng con trai.
Người mẹ đau đớn trước sự ra đi đột ngột của con.
Ngày 2/8/2014, khi đang đi làm, bà Loan bất ngờ nhận được điện thoại từ Malaysia. Một thanh niên giới thiệu là người Đô Lương (Nghệ An) báo tin Tuyên đã tử nạn, bị chết cháy đen trong xe ủi.
Kiệt sức chờ xác con trai
Hơn 3 tháng qua là khoảng thời gian tưởng chừng dài như vô tận của gia đình bà Loan. Cứ nghĩ đến đứa con ruột thịt, máu mủ đang phải nằm lạnh lẽo, không người thân ở xứ người, lòng bà quặt thắt. Muốn đưa con về ngay để biết đâu có thể nhìn mặt con lần cuối, nhưng gia cảnh quá nghèo khiến bà không thể thực hiện được ý nguyện. Chi phí giám định ADN, đưa xác con về tốn kém hàng USD. Vì thế đành để thi hài con tại một nhà xác của một bệnh viện nước bạn tới hơn 3 tháng trời.
Để có tiền cho chú và em trai bay sang Malaysia giúp cơ quan chức năng kiểm tra ADN con, suốt mấy tháng qua bà Loan phải xoay sở khắp nơi để vay tiền. Ngoài 50 triệu đồng vay từ ngân hàng, bà còn vay thêm anh em, bà con lối xóm. Thương hoàn cảnh gia đình bà quá éo le, nên khi được chị đặt vấn đề, ai cũng thương, sẵn sàng ủng hộ tiền để bà đưa xác con về.
Hoàn cảnh quá nghèo khó nên phải mất hơn 3 tháng bà Loan mới xoay đủ tiền đưa xác con về
18 ngày có mặt tại Malaysia, người em chồng và em trai của bà Loan đã làm hết sức từ liên hệ cơ quan chức trách Việt Nam tại đây hỗ trợ giám định ADN, liên hệ cảnh sát phía bạn truy tìm manh mối về cái chết oan nghiệt của Tuyên… Tốn kém, mệt mỏi, nhưng nguyên nhân cái chết của Tuyên vẫn là một điều bí ẩn.
Ngày 15/11/2014, sau khi kết quả giám định ADN được phía bạn công bố, các thủ tục được hoàn tất, thi hài nạn nhân Trần Văn Tuyên đã được chuyển bằng máy bay từ Malaysia về Hà Nội. Đêm cùng ngày thi hài Tuyên đã được người thân chuyển từ Hà Nội về xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn. Một ngày sau chính quyền địa phương, gia đình, bà con lối xóm đã làm lễ đưa tang, mai táng Tuyên tại nghĩa trang địa phương.
Cẩm Liên – Văn Dũng
Theo Dantri
Gia đình lao động Việt mất tích tại Libya như ngồi trên đống lửa
Những ngày qua, người thân của lao động Nguyễn Văn Nhâm (đang mất tích tại Libya) như đang trên đống lửa. Cả nhà gần như không rời màn hình ti vi, trông ngóng từng thông tin, tin tức về anh.
Sáng 11/8, nhóm PV Dân trí đã tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Nhâm ở thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), 1 trong 3 lao động Việt Nam đang mất tích tại Libya. Không khí lo lắng, hoang mang và những đôi mắt đỏ hoe hiện diện khắp căn nhà nhỏ bé.
Chị Thạch - vợ anh Nhâm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiến - bố mẹ đẻ anh Nhâm, mấy ngày qua cứ thấp thỏm đứng ngồi không yên. Chị Thạch, ông Hiến phạc phờ, không dám rời xa chiếc điện thoại, ti vi lấy nửa phút; trông ngóng những thông tin dù là nhỏ nhoi về đất nước Libya, nơi người thân của họ đang mất tích.
Chị Thạch cho biết, ngày 27/6, tại TP Benghazhi (Libya), anh Nhâm cùng 3 lao động người Việt nữa xin phép ra ngoài làm thêm. 3 ngày sau thì gia đình nhận được điện thoại, sau đó là công văn từ phía Công ty SIMCO Sông Đà (đơn vị đưa anh Nhâm sang lao động tại Libya) thông báo anh Nhâm đã mất tích. Thông tin như sét đánh ngang tai ấy cộng với một số báo chí trong nước đưa tin anh Nhâm và 2 lao động còn lại bỏ trốn khiến gia đình chị Thạch thêm hoang mang.
Từ ngày nhận được tin anh Nhâm (ảnh nhỏ) mất tích, chị Thạch như người mất hồn, đứng ngồi không yên
"Nhà như đám tang chú ạ. Có ăn ngủ chi được lúc ni. Chị, các con và bố mẹ chồng đều không rời ti vi, điện thoại nửa phút. Ai cũng mong nghe được một mẫu thông tin dẫu là nhỏ nhất về anh ấy. Chưa có tin tức gì về anh gia đình chị như ngồi trên đống lửa suốt hai tuần rồi"- chị Thạch sụt sùi lo lắng cho chồng.
Theo chị Thạch, tháng 3/2013 anh Nhâm lên đường sang Libya mang theo nhiều ước mơ, hy vọng sớm đưa cuộc sống của vợ con, của gia đình thoát khỏi đói nghèo. Nhà có đến 6 miệng ăn nhưng chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán, làm quần quật cả năm trời cùng chỉ đủ ăn. Vào đầu năm 2013, sau khi đi tư vấn và được phía Công ty Vinaconecmex và Simco Sông Đà giới thiệu về nhu cầu việc làm ở đất nước Libya, gia đình chị đã quyết định để anh đi.
Gia đình chị xoay xở, vay mượn ngân hàng được 40 triệu đồng để lo kinh phí cho anh đi. Sang nước bạn, anh được nhận vào làm thợ xây tại một đơn vị xây dựng. "Khi đi họ nói là thu nhập vào khoảng 300 đến 400 đô la/tháng. Nhưng phải đến 4, 5 tháng sau anh mới có việc làm", chị Thạch cho biết.
Để kiếm thêm ít tiền gửi về cho gia đình thì ngoài thời gian làm việc cho công ty, anh đã cùng với một số người bạn đã xin phép ra ngoài làm thêm. Nhờ đó mà mỗi tháng anh gửi về được thêm ít tiền cho gia đình, vợ con.
"Khoảng 3 đến 4 tháng trở lại đây anh có gửi tiền về cho gia đình. Có tháng thì 3 triệu, có tháng thì 4 triệu", chị Thạch cho biết.
Ông Hiến đang ngày đêm cầu nguyện cho đứa con trai của mình được trở về an toàn
Những tưởng thế là đã ổn định. Nào ngờ chiến sự tại Libya xảy ra đã khiến bao lao động người Việt đang làm việc ở đó rơi vào cảnh trắng tay.
"Nó là lao động chính, các con thì đang còn nhỏ, đang độ tuổi ăn học. Trước đây ngày nào nó cũng gọi điện, nhắn tin nhưng giờ đã hơn 10 ngày rồi mà chưa có thông tin gì về", ông Nguyễn Văn Hiến (bố anh Nhâm) lo lắng.
Như ngồi trên đống lửa, gia đình chị Thạch giờ chỉ biết cầu trời phật phù hộ điều may mắn, mong các cơ quan chức năng phối hợp cùng đơn vị cung ứng lao động sớm bắt được liên lạc với anh Nhâm. "Gia đình tôi chỉ còn biết cầu mong điều may mắn, mong Công ty SIMCO Sông Đà, Bộ LĐTB-XH, Đại sứ quán Việt Nam làm hết sức, giúp chúng tôi sớm có thông tin về anh ấy. Chỉ có như thế gia đình tôi mới nguôi bớt đi nỗi lo sợ, hoảng loạn lúc này"- chị Thạch nói.
Văn Dũng - Xuân Sinh
Theo dantri
Nhát dao oan nghiệt và ngã rẽ cuộc đời của 6 đứa trẻ Sau lời khích bác, hai gã đàn ông lao vào quyết ăn thua đủ với nhau. Hậu quả, kẻ chết, người vào tù. Sau phiên tòa là 6 đứa trẻ ngơ ngác không biết tương lai mình sẽ đi về đâu. Sáng ngày 12/3, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Lê Văn Ngọ (SN 1979,...