Cái chết của “Thái hậu Dương Vân Nga”
Tối ngày 26/11/1978, vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga (của tác giả kịch bản Trúc Đường, đạo diễn Ca Lê Hồng) lần đầu tiên công diễn tại rạp Cao Đông Hưng ở quận Bình Thạnh. Đêm đầu tiên vở diễn đã thành công ngoài mong đợi. Khán giả đến xem chật kín, nhiều đợt vỗ tay vang dội.
Thế nhưng chỉ sau 30 phút kết thúc, tấm màn sân khấu khép lại thì diễn viên nổi tiếng đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga, nghệ sĩ Thanh Nga và chồng bị bắn chết trước cửa nhà khi xe chở 2 vợ chồng nghệ sĩ và con trai Cúc Cu chạy vào cổng, chưa kịp mở cửa nhà bước vào…
Theo các nhân chứng và kết quả điều tra sau này, nữ nghệ sĩ bị bắn vào lúc 23 giờ 45 phút ngày 26/11/1978!
Hồi ấy chưa có nhiều phương tiện thuận lợi như hiện nay nên mọi người đưa Thanh Nga và chồng nghệ sĩ là ông Phạm Duy Lân lên xích lô vào bệnh viện. Chưa tới nơi, nữ nghệ sĩ đã trút hơi thở cuối cùng, ra đi ở cái tuổi 36 tài năng đang rực rỡ. Ông Phạm Duy Lân đã chết trước đó.
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Ảnh tư liệu
Cái chết của nữ nghệ sĩ Thanh Nga đã gây chấn động khắp Sài Gòn và lan rộng khắp cả nước. Nhiều người không tin đó là sự thật. Nhiều người khác hay tin, đứng trên hè phố chết lặng. Bà con lao động TP và các tỉnh Nam Bộ vốn yêu mến cải lương đã khóc hết nước mắt, nguyền rủa kẻ ác đã nhẫn tâm sát hại Thanh Nga và chồng.
Đài BBC, hãng thông tấn Reuter quan tâm đặc biệt đến sự kiện chấn động này, đã phát những bản tin dài bất thường và đặt câu hỏi thế lực nào đứng sau vụ sát hại dã man như thế.
Đây là thời điểm sân khấu cải lương đang cực thịnh, nữ nghệ sĩ Thanh Nga đang là ngôi sao sáng chói trên sân khấu cải lương TP.HCM và cả nước.
Đám tang vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga diễn ra trong xót thương, tiếc nuối và nước mắt của người dân TP. Hàng trăm ngàn người chen lấn đến tiễn đưa người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn cùng người chồng về nơi an nghỉ cuối cùng. Họ không sinh cùng năm nhưng chết cùng ngày, cùng giờ.
Trong niềm đau thương vô hạn, soạn giả cải lương Nguyễn Phương, từng là thầy dạy hát cho nghệ sĩ Thanh Nga thuở mới vào nghề, viết: “Mạng sống của con người thì ai cũng phải trân trọng, bởi lẽ người ta chỉ sinh ra một lần và chết đi cũng chỉ một lần. Nhưng cái chết của mỗi con người chỉ là tổn thất của từng gia đình hay trong một phạm vi nhỏ hẹp.
Còn sinh mạng bị cướp đi của Thanh Nga là một tổn thất không gì bù đắp nổi cho sân khấu cải lương và là niềm đau của hàng triệu người. Dù tội ác có được trừng trị, nhưng có lẽ thêm ngàn lần trừng trị nữa cũng không tương xứng với tổn thất mà tội ác đã gây ra!”.
Và cũng cần nói thêm, trước khi bị sát hại, vào tháng 3/1978, khi đang diễn vở “Tiếng trống Mê Linh” trên sân khấu, một quả lựu đạn ném lên nổ tung khiến 2 nhạc công chết tại chỗ, Thanh Nga bị thương. Sau đó, hàng loạt thư nặc danh hăm dọa gửi đến nhà Thanh Nga cảnh cáo không được tiếp tục diễn nữa, nếu trái lời sẽ bị giết. Thanh Nga vẫn không chùn bước. Sau khi vết thương chữa lành, chị tiếp tục ra sân khấu.
Bí thư thành ủy TP.HCM lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo: “Cái chết của Thanh Nga đã gây xúc động mạnh đối với giới văn nghệ sĩ cũng như đồng bào, nhất là trong bối cảnh chính trị đang diễn biến phức tạp. Ngành công an phải tập trung lực lượng để phát hiện ra kẻ phạm tội nhằm trừng trị đúng quy định pháp luật, càng sớm càng tốt”.
Hai chó nghiệp vụ đưa từ Hà Nội vào TP.HCM hỗ trợ điều tra. Ảnh chụp qua phim tư liệu Chuyên án TN.11
Ngay sau đó, Công an TP đã thành lập chuyên án mang bí số TN.11 về vụ sát hại nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Những lực lượng tinh nhuệ nhất được tung vào cuộc. Dĩ nhiên, không thể thiếu các trinh sát SBC thiện chiến.
“TN.11″ cũng là tên của bộ phim tài liệu quý giá tường thuật lại vụ án do xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu và xưởng phim Tổng hợp phối hợp thực hiện. Nội dung bộ phim đã thuật lại toàn bộ diễn biến sau những phát súng oan nghiệt của 2 kẻ sát nhân và quá trình điều tra phá án cho tới khi hung thủ bị bắt. Đó là 139 ngày đêm khám phá gian khổ. Nhiều lúc bị rơi vào ngõ cụt, tưởng chừng bế tắc.
Nhân chứng quan trọng nhất và đầu tiên là võ sĩ Nguyễn Văn Các, người bảo vệ cho Thanh Nga và gia đình nghệ sĩ. Các có mặt trong chiếc xe Volkswagen mang biển số 51A – 73 – 79 đưa vợ chồng Thanh Nga và con trai là bé Cúc Cu từ rạp hát về nhà. Lời khai của Các như sau: “Xe chở gia đình cô Thanh Nga đi biểu diễn về, vừa vào cổng, tôi xuống trước mở cổng cho xe vào gara.
Xe chạy vào, tôi chuẩn bị mở cửa xe cho cô cậu Ba (ông Phạm Duy Lân) xuống thì nghe một tiếng “soạt”, có 2 người xuất hiện, chĩa súng vào gáy tôi và đè tôi xuống. Tôi nghe có tiếng giành giựt gì đó, rồi một phát súng nổ. Sau đó cũng có tiếng giành giựt nữa. Và lại thêm phát súng nổ. Rồi có tiếng nói : “Thôi bỏ đi mày”. Tôi đứng dậy, thấy 2 người, một thấp, một cao lên xe hon đa chạy ra hướng ngược đường Ngô Tùng Châu”.
Video đang HOT
Nhân chứng thứ hai là cháu Lương Thị Thu, ở nhà đối diện khai: “Khoảng 23 giờ đêm 26/11/1978, cháu đang học bài bên cửa sổ thì nghe tiếng xe cô Ba về. Một chút thì nghe súng nổ. Phía bên cô Thanh Nga ngồi là một người đàn ông thấp. Và một tiếng súng nổ nữa. 2 người đàn ông đi thụt lùi ra rồi phóng lên xe chạy về hướng Sài Gòn”.
Ngoài ra, một nhân chứng là người trong cuộc, bé Cúc Cu, con trai của vợ chồng nữ nghệ sĩ. Tuy nhiên, lúc này bé Cúc Cu mới 5 tuổi! Bé Cúc Cu bị chấn động tâm lý sau giây phút kinh hoàng đêm ấy, chứng kiến cùng lúc cả ba và mẹ bị bắn chết.
Tại hiện trường, công an thu được 2 đầu đạn P.38 và một chiếc mũ của hung thủ bỏ lại.
Vậy 2 gã đàn ông giết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga là ai? Tìm câu trả lời cho câu hỏi lúc này chẳng khác gì mò kim đáy bể.
Thủ phạm xuất hiện tại đám tang?
Một nguồn tin quý hơn vàng, trong dòng người viếng nghệ sĩ, có mặt hung thủ ngay từ ngày đầu đã lo chụp ảnh. Bé Cúc Cu thấy người này đang chụp ảnh, la lớn lên: “Chú này xạo quá, bắn ba má cháu mà nay còn đến chụp ảnh nữa!” và chạy lên lầu… trốn!
Di ảnh của nghệ sĩ Thanh Nga. Ảnh tư liệu
Lập tức, nhân chứng đầu tiên Nguyễn Văn Các được cho nghe đĩa ghi âm giọng nói của nhà nhiếp ảnh. Nghe xong anh Các cho biết giọng rất giống với giọng hung thủ nói “thôi bỏ đi mày” trong đêm xảy ra án mạng.
Chó nghiệp vụ xác nhận thêm, nguồn hơi của chiếc mũ và nguồn hơi nhà nhiếp ảnh là một!
Bản thân nhà nhiếp ảnh cũng có biểu hiện “lúng túng” trong lời khai ban đầu về thời gian ở đâu trong đêm xảy ra án mạng.
Để khẳng định chắc chắn, cơ quan điều tra đã điều 2 chú chó nghiệp vụ có nhiều kinh nghiệm phá án từ Hà Nội đi bằng máy bay vào. 2 chú chó này khẳng định ngược lại, nguồn hơi từ chiếc mũ không phải là nguồn hơi của nhà nhiếp ảnh.
Đến tình thế “chết người” này nhà nhiếp ảnh mới khai thật, rằng đêm hôm ấy anh đến nhà… bạn gái ngủ nên ngại nói. Xác minh thì đúng thật, nhà nhiếp ảnh bỏ nhà đi ngủ với bạn gái vào đêm xảy ra án mạng.
Lúc này, mới phát hiện ra vì sao bé Cúc Cu lại bảo nhà nhiếp ảnh là người bắn ba mẹ cháu. Hóa ra vì Cúc Cu thấy ánh sáng của chiếc đèn plash của máy ảnh lóe lên giống ánh sáng đầu súng của hung thủ lúc bắn ba và mẹ cháu!
Nhà nhiếp ảnh được giải oan nhưng vụ án rơi vào bế tắc!
Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31/7/1942 tại Tây Ninh trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Mẹ của nữ nghệ sĩ là bà bầu Thơ (Nguyễn Thị Thơ), trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời.
Vai diễn đầu tiên của nghệ sĩ Thanh Nga là Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa năm 1954, lúc mới 12 tuổi. Năm 16 tuổi, Thanh Nga bắt đầu nổi tiếng trong vở Sơn Nữ Phà Ca của tác giả Kiên Giang và Quy Sắc.
Ngoài ra, nghệ sĩ Thanh Nga còn thành công trong nhiều vở cải lương và phim trước năm 1975. Những bộ phim nổi tiếng có sự tham gia của Thanh Nga là “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “Loan mắt nhung”.
Bé Cúc Cu, nay là nghệ sĩ hài Hà Linh cũng khá nổi tiếng. Anh còn là MC một số chương trình của Đài truyền hình TP.HCM.
Theo 24h
SBC tiêu diệt băng cướp khét tiếng
Hoạt động của băng cướp Võ Tùng Hội táo tợn tới mức, chúng tổ chức cướp giữa thanh thiên bạch nhật những phi vụ lớn. Nếu như những băng cướp khác sợ phải "nằm im", một thời gian nghe ngóng rồi mới trở lại thì băng Võ Tùng Hội hoạt động liên tục từ năm 1975 cho đến khi bị tiêu diệt...
Tướng cướp Võ Tùng Hội SN 1954, tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Cha hắn là sĩ quan chế độ cũ, đóng quân tại Phan Thiết. Từ nhỏ, hắn theo cha sinh sống tại đây. Năm 1972, hắn vào Sài Gòn học võ.
Năm 1974, về quê đăng ký vào lính không quân. Được 6 tháng, hắn bỏ trốn, bị bắt lại. Hắn lại trốn lên Sài Gòn, tại đây, bị quân cảnh phát hiện, hắn đã bắn chết viên sĩ quan cảnh sát để rồi chịu án tù. Sau ngày miền Nam giải phóng, tên Hội được thả ra và trở thành tướng cướp.
Võ Tùng Hội có 2 "quân sư" khét tiếng không kém là Nguyễn Đức Đoan và Hoàng Đình Tùng. 2 tên này giúp cho băng cướp hung hãn không biết sợ ai này như "hổ thêm nanh, rồng thêm vuốt".
Băng này chuyên cướp ở các ngân hàng, các xe chở tiền, khách hàng vào giao dịch xong trở ra. Hoặc chạy theo những khách hàng vừa rút tiền xong về cơ quan, chúng áp sát giật túi đựng tiền.
Một lần có vị khách trong ngân hàng đi ra. Vị khách rất cẩn thận, bỏ cặp vào ô tô rồi đi về cơ quan cùng nhân viên bảo vệ.
Đến cơ quan, cửa xe mở ra, vị khách và nhân viên bảo vệ vừa bước xuống thì mấy tên cướp xông đến, chĩa súng khống chế. Một tên đồng bọn lao đến giật chiếc cặp đựng tiền đầy ắp, cả bọn nhảy tót lên những chiếc xe 67 đang nổ máy chờ sẵn, rú ga vọt mất!
Vụ cướp khiến cho dư luận TP bất an, lo lắng. Công an TP đã phải thông báo cho các ngân hàng, tiệm vàng, cơ quan luôn cảnh giác và hướng dẫn các biện pháp tự vệ, tăng cường thêm nhân viên. Khẩu hiệu: "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các bạn đã cảnh giác chưa?" giăng khắp nơi.
Xe chở tiền của công ty Vĩnh Hưng bị băng cướp Võ Tùng Hội chặn cướp tiền
Tuy nhiên, không vì thế mà bọn cướp e dè hay chùn tay. Các vụ cướp vẫn xảy ra như cơm bữa. Băng cướp Võ Tùng Hội càng ngang tàng hơn. Chúng tổ chức theo dõi và sát hại luôn cả công an và các chiến sĩ SBC.
Một trinh sát SBC của quận 1 được giao đeo bám, theo dõi 2 tên đàn em của băng cướp táo bạo này. Anh đã bị chúng phát hiện và tổ chức bắn chết ngay tại cổng cơ quan Công an TP!
Cái chết của chiến sĩ SBC quận 1 không chỉ là tổn thất đau lòng nhất mà còn là lời thách thức, tuyên chiến của bọn tội phạm với lực lượng SBC.
Lệnh xóa sổ
Trung tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự TP Trịnh Thanh Thiệp trầm giọng, nghẹn ngào, lệnh cho đội trưởng SBC Ba Tung trong cuộc họp ngay sau đó: "Phải xóa sổ cho bằng được bọn Hội. Cho các anh mười ngày triệt phá ngay băng này! Các anh làm sao thì làm, phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian 10 ngày!".
Cuộc họp diễn ra trong không khí nặng nề. Tất cả thành viên trong lực lượng SBC lòng trĩu nặng, nhức nhối. Cái chết của người đồng đội ngay tại cổng cơ quan công an khiến họ cảm thấy bị sỉ nhục.
Cả đội SBC ngậm ngùi nhận nhiệm vụ, rơi nước mắt, thầm hứa với người đồng đội vừa ngã xuống, sẽ trả thù cho anh và đem lại bình yên cho TP.
Phương án tác chiến được đưa ra. Mọi người thảo luận, thống nhất kế hoạch, quyết tâm cao độ và lặng lẽ ra quân.
Trong những ngày đó, mỗi người đều dồn hết tâm trí cho cuộc đấu sắp tới vì bọn Võ Tùng Hội biết rằng, chúng đã thực sự "tuyên chiến" với lực lượng SBC thiện chiến, tinh nhuệ. Bọn chúng thừa hiểu, nếu bị bắt, với những tội ác đã gây ra thì chúng không còn đường sống nên chúng càng hung hãn hơn, tàn bạo hơn.
Và chiến đấu với những tên tội phạm như thế là cuộc chiến một mất, một còn.
Vào trận, đập tan băng cướp
Đó là 11 giờ trưa một ngày trong năm 1977, tại trụ sở ngân hàng nằm trên đường Bến Chương Dương, quận 1.
Lúc này khách đã thưa bớt, các quầy giao dịch chỉ còn lác đác vài người. Một ông khách xách chiếc cặp táp căng phồng tiền ra ngoài sảnh ngồi ngáp dài như mệt mỏi, chờ xe đón.
Phương tiện của lực lượng SBC
Bọn cướp đã theo dõi, thấy ông khách uể oải, bước chân mỏi mệt từ trong ra ngoài. Ông khách ngồi xuống, hờ hững đưa tay che miệng ngáp tiếp thì một trong 3 tên cướp lao vào giật chiếc cặp, mấy tên đi theo vây quanh. Ngoài sân, mấy chiếc honda nổ máy áp sát chờ sẵn...
Ông khách cầm cặp táp bỗng nhiên mất vẻ uể oải, chụp tay tên một tên cướp, khóa chặt và quật hắn ngã tại chỗ. Tên cướp bị bất ngờ, đau đớn, la oai oái. 2 tên còn lại bị nắm đấm như trời giáng khiến tối tăm mày mặt, văng ra.
Tên còn lại chưa kịp định thần đã bị đá ngã gục. Đồng bọn định lao vào phụ giúp thì phát hiện bị công an phục kích, chúng vội vàng tót lên những chiếc xe chờ sẵn, phóng như bay ra hướng chợ Bến Thành.
Trên đường chạy, chúng quay súng bắn loạn xạ vào phía sau và tung lựu đạn cản hậu. Tiếng súng đôi bên chát chúa vang lên giữa trưa nắng, văng vào vách tường, nhiều mảng tường nhà dọc bên đường rơi bụi mù mịt.
Người dân đi đường bị một phen thất kinh, nằm rạp xuống đường, nghe tiếng đạn réo...Nhìn thanh niên đuổi cướp, bất chấp đạn của bọn cướp bắn cản, ai cũng xúc động.
Đội trưởng Ba Tung lệnh: "Mở đường cho chúng thoát ra khỏi chợ, tránh tối đa thương vong cho người dân". Các chiến sĩ SBC dạt ra, "mở đường" cho chúng chạy.
Tướng cướp Võ Tùng Hội thấy có đường trống, mừng rỡ, lệnh cho đàn em luồn lách trong chợ chạy về hướng cửa bắc, thoát khỏi lực lượng công an đang đuổi theo. Hắn ôm khẩu AK báng gấp bắn chặn hậu cho đàn em, bọn chúng phóng về hướng Lái Thiêu.
Dưới lớp áo gió căng phồng là những băng đạn và lựu đạn. Hắn xả đạn không tiếc về phía sau. Vừa chạy vừa thay băng đạn mới.
Chạy đến Lái Thiêu, các chiến sĩ SBC đã bao vây, dồn chúng vào khu nhà cũ, vắng người qua lại. Bọn chúng vứt xe cộ, ôm súng lăm lăm cố thủ.
Nhiều tên vừa ôm AK vừa cầm súng rulo xả đạn điên cuồng. Bọn cướp vốn chỉ quen cướp hàng, sát hại người lương thiện chứ đâu quen chiến đấu kiểu này nên tỏ ra lúng túng.
Mặc cho chúng bắn loạn xạ, lực lượng SBC chỉ bắn nhử bằng K.59, thỉnh thoảng 1 viên. 2 "phó tướng" Đoan và Tùng hò hét vang trời, lên tinh thần cho đàn em "tử chiến" và "mở đường máu". Vì to mồm nên 2 tên này bị trúng đạn sớm, nằm ngã vật ra. Những tên đàn em khác sợ hãi, vừa kêu khóc vừa bắn súng loạn xạ.
"Chủ tướng" Võ Đình Hội nhìn quanh, thấy Đoan và Tùng đã chết, đàn em bị thương kêu khóc, hắn điền cuồng xả đạn tứ phía, bắn cả băng vào những lùm cây, ụ đất xung quanh. Bỗng đâu một viên đạn xé gió bay sượt qua mái tóc của hắn, hắn giật mình, trố mắt tìm vị trí viên đạn xuất phát.
Chỉ chờ có vậy, đội trưởng Ba Tung ngắm vào chân hắn, tên tướng cướp sụp xuống. Tuy vậy, hắn vẫn ôm chặt khẩu AK siết cò.
Viên đạn cuối cùng vừa ra khỏi nòng thì một chiến sĩ SBC phóng tới, đạp văng khẩu AK ra khỏi tay Hội. Ba Tung chĩa nòng súng vào sát gáy tên tướng cướp. Hắn đã bị bắt. Chiếc còn số 8 bập vào tay.
Về phía lực lượng SBC, một số chiến sĩ cũng bị thương, được băng bó ngay tại "mặt trận" và trở về trong chiến thắng.
Dường như, tiêu diệt được băng cướp Võ Tùng Hội đã đem đến sức mạnh cho các anh nên khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, tươi cười.
Tối hôm đó, Đài Truyền hình và Đài phát thanh TP rộn rã thông báo lực lượng SBC đã tiêu diệt xong băng cướp Võ Tùng Hội, nhiều người dân TP thở phào nhẹ nhõm...
Theo 24h
Huyền thoại săn bắt cướp Họ đã xả thân, ôm những em nhỏ và hứng chịu mảnh lựu đạn của bọn cướp để em bé được an toàn. Giải quyết xong bọn cướp trên đường, họ biến mất. Người dân TP vui mừng, tự tin, trầm trồ: "Những trinh sát SBC đấy!"... Sau khi thống nhất đất nước, TP.HCM phải thừa hưởng một "di sản" nặng nề là...