Cái chết của nghệ sĩ Thanh Nga và nỗi ám ảnh 34 năm
Cho dù kẻ ác đã phải đền tội, vụ án đã được sáng tỏ song không vì thế mà hậu quả của nó có thể bù đắp được. Bà bầu Thơ, mẹ của nghệ sĩ Thanh Nga sau cái chết của con gái, đầu đã bạc trắng! Nhưng đau đớn thay, người gánh chịu hậu quả khủng khiếp nhất, không nỗi đau nào trên cõi nhân gian này sánh nổi lại là đứa bé 5 tuổi…
“Bé” Cúc Cu nay đã 39 tuổi, là nghệ sĩ hài có tên tuổi Hà Linh nhớ lại trong nước mắt: “Hai kẻ lạ xông vào xe. Tôi sợ quá, ôm chặt lấy mẹ. Tiếng quát tháo của 2 gã đàn ông càng làm tôi sợ hãi. Bỗng một luồng ánh sáng lóe lên cùng tiếng nổ đinh tai, bố tôi ngồi trước, ngã gục.
Tôi sợ quá, khóc và kêu “Bố ơi, bố ơi…”. Một gã đàn ông kéo giật tôi ra, mẹ tôi ôm chặt lấy tôi, tôi cũng bám chặt lấy mẹ. Một phát súng nữa nổ vang và ánh sáng nữa lóe lên, máu mẹ tôi ướt đẫm người tôi. Tôi khóc thét lên…”.
Thật là đáng ngại khi khơi dậy nỗi đau xé lòng như vậy với Hà Linh, dù nó đã xảy ra ngót 34 năm. Ngồi với Hà Linh trong khuôn viên nhà hát kịch 5B, Võ Văn Tần, trông anh gầy và trẻ hơn trên sấn khấu.
Gia đình nghệ sĩ Thanh Nga. Trong ảnh, bé Cúc Cu trong vòng tay mẹ
Gương mặt đượm buồn chứ không vui, lạc quan yêu đời như trên sân khấu. Mặc dù xung quanh có nhiều nghệ sĩ khác đang chuẩn bị vào buổi tập, nước mắt Hà Linh vẫn ứa ra làm nhòe kính, mắt đỏ hoe.
Anh lấy kính ra lau, nghẹn ngào: “Không thể nào quên được. Ký ức về cái đêm đó khủng khiếp lắm”.
Tôi phải nén chặt môi, dừng lại, nhìn ra nơi khác để trấn tĩnh lòng mình, tôi sợ rằng, nước mắt mình cũng sẽ rơi theo. Chưa có cuộc phỏng vấn nào tôi thực hiện trong đời mà nặng nề, khó nhọc, đầy dằn vặt như cuộc phỏng vấn Hà Linh…
Hà Linh kể tiếp: “ Nhiều lần em nằm mơ thấy bố mẹ hãy còn sống. Tỉnh dậy, em cứ muốn trở lại giấc mơ đó mà không được. Cách đây không lâu, em mơ thấy bố mẹ dẫn đi ra phố, đi một lúc em bị lạc bố mẹ, em hoảng hốt chạy đi tìm. Tìm mãi không được. Vừa khóc vừa chạy gọi bố mẹ mà không thấy. Tỉnh dậy nước mắt ướt đầm…”.
Tôi đã có cuộc trò chuyện thân tình với Hà Linh.
- Sau cái đêm hôm ấy, Hà Linh về sống với ai? Hà Linh còn nhớ những ngày đầu sống không còn bố mẹ không?
Nhớ chứ anh! Ngoại em đưa về nuôi. Em còn nhớ đêm đầu tiên, ngoại pha sữa cho em uống, nhưng em uống không nổi. Em thèm sữa của mẹ thường pha cho em. Ngoại dỗ dành, em vẫn không uống được. Em nhớ lúc ấy ngoại ôm em chặt lắm…
Thời gian đó, em biết rằng, từ nay trở đi em không được ngủ chung với bố mẹ nữa. Không được trong vòng tay của bố, của mẹ. Không được mẹ pha sữa cho uống nữa. Không ai có thể pha được bình sữa như của mẹ pha…
Video đang HOT
- Những ngày tháng tiếp theo, Hà Linh sống với ngoại thế nào?
Em cứ nằm dài trên giường, nhắm mắt lại là thấy hình ảnh cái đêm khủng khiếp ấy. Nhiều khi không dám nhắm mắt.
Có đêm nhắm mắt lại, cái đêm ấy lại hiện về, em lại giật mình vì tiếng nổ và ánh sáng lóe lên, ba em gục xuống, mẹ em ngã ra sau, bàn tay ôm em buông ra.
Em sợ lắm. Em ngủ ít, bị bệnh gì em không nhớ, chỉ nhớ là ngoại nhiều lần đưa em vào nằm trong bệnh viện, bệnh vẫn không hết. Em yếu lắm, đi không được, phải có người lớn ẵm em đi. Hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, vẫn không hết bệnh.
Rồi một hôm, ngoại đưa em vào chùa. Sư ông tên Thích Tự Bạch tụng kinh, đắp cà sa lên người em. Từ đó, em quy y với pháp danh Giác Lâm.
Nghệ sĩ Hà Linh xúc động kể lại ký ức tuổi thơ đầy biến động
- Nhiều bài báo viết rằng, Hà Linh thay đổi rất nhiều sau khi không còn bố mẹ? Cụ thể là như thế nào?
Lúc bố mẹ còn sống, dù mới 5 tuổi nhưng em đã biết rằng, mẹ em rất nổi tiếng, em thường hay đòi hỏi theo ý mình, rất hay quậy phá. Nhưng mẹ em nghiêm lắm, biết em đòi hỏi quá đáng là mẹ phạt ngay, bắt đứng vào tường.
Dù vậy, em vẫn biết bố mẹ thương em lắm. Lúc đi diễn, mẹ mang em theo bắt em ngồi ở cánh gà sân khấu. Mẹ đang diễn mà nhìn vào không thấy em là mẹ chạy ra tìm em.
Sau này em mới biết là trước đó To Ro con của nghệ sĩ Kim Cương bị bắt cóc nên mẹ sợ em cũng bị bắt, mẹ lo cho em lắm. Làm gì, lúc nào cũng phải thấy em mẹ mới yên tâm.
Sau khi mẹ mất, người lớn đưa em quyển nhật ký của mẹ. Trong đó có đoạn mẹ viết cho em như sau: “Mẹ viết để sau này bé Linh biết về mình lúc còn trong bụng mẹ đến lúc chào đời. Bé không khóc lúc lọt lòng mẹ… Bé biết cười rất sớm. Đặc biệt, bé ưa la hét và biết hôn rất tình tứ lúc mới 5 – 6 tháng tuổi, giỏi không?”.
- Linh có gặp lại nhà nhiếp ảnh bị Cúc Cu nói là “Chú này xạo quá, bắn bố mẹ cháu rồi còn đến đây” nữa không?
Không anh ạ! Kể cả chú Các là người bảo vệ của đoàn hát được bà ngoại giao đi theo bảo vệ mẹ, có mặt trong đêm bố mẹ em bị giết, em cũng không gặp lại. Không biết nay họ ra sao rồi.
- Bên nội của Hà Linh có còn ai không? Có ai tìm đến thăm Linh không?
Cũng không anh ạ. Hồi trước, em có nghe nói bà nội còn sống, ở Hà Nội, nhưng em chưa gặp bao giờ và cũng chưa về thăm quê nội bao giờ cả. Chú bác gì đó cũng không. Nói chung, em hoàn toàn mất liện lạc với bên nội. Em chỉ sống gần và biết bên ngoại thôi.
- Căn nhà của bố mẹ Linh ở trên đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Bùi Thị Xuân) và chiếc xe Volkswagen nay có còn không?
Căn nhà đó nằm trong cụm 3 căn nhà của bên nội em do người bác đứng tên. Người bác sau đó đi vượt biên nên 3 căn này bị Nhà nước quản lý. Em nghe kể lại, ngoại có đưa em về sống trong căn nhà đó một thời gian nữa rồi em ở luôn bên ngoại. Còn chiếc xe em không biết đi đâu, về đâu…
- Những ngày tháng sống cùng bà ngoại, Linh học hành thế nào? Nghe kể lại rằng giai đoạn đó Linh bị trầm cảm…
Em được ngoại và các cậu, dì nuôi cho đến trường học. Em ít nói, ít chơi với ai. Có gì buồn em chịu một mình, không thổ lộ với ai. Vì em biết rằng, mình là đứa trẻ không còn bố mẹ nữa.
Năm 1988, bà ngoại mất. Em thêm một lần đau buồn nữa. Vì ngoại là người gần gũi, chăm sóc em nhiều. Nhiều chuyện trước đây em nói với ngoại, nay không còn ai để nói nữa…
Cũng may là các cậu, dì, anh của em rất thương, nên em có chỗ dựa, chia sẻ…
- Linh có thường xem lại những bộ phim, vở cải lương ngày xưa mẹ Thanh Nga đóng không?
Người ta gửi cho em xem nhiều lắm. Đi ra đường người ta gặp, nhận ra em và hỏi thăm cũng nhiều.
Theo Duy Chiến (Vietnamnet)
Cái chết của "Thái hậu Dương Vân Nga"
Tối ngày 26/11/1978, vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga (của tác giả kịch bản Trúc Đường, đạo diễn Ca Lê Hồng) lần đầu tiên công diễn tại rạp Cao Đông Hưng ở quận Bình Thạnh. Đêm đầu tiên vở diễn đã thành công ngoài mong đợi. Khán giả đến xem chật kín, nhiều đợt vỗ tay vang dội.
Thế nhưng chỉ sau 30 phút kết thúc, tấm màn sân khấu khép lại thì diễn viên nổi tiếng đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga, nghệ sĩ Thanh Nga và chồng bị bắn chết trước cửa nhà khi xe chở 2 vợ chồng nghệ sĩ và con trai Cúc Cu chạy vào cổng, chưa kịp mở cửa nhà bước vào...
Theo các nhân chứng và kết quả điều tra sau này, nữ nghệ sĩ bị bắn vào lúc 23 giờ 45 phút ngày 26/11/1978!
Hồi ấy chưa có nhiều phương tiện thuận lợi như hiện nay nên mọi người đưa Thanh Nga và chồng nghệ sĩ là ông Phạm Duy Lân lên xích lô vào bệnh viện. Chưa tới nơi, nữ nghệ sĩ đã trút hơi thở cuối cùng, ra đi ở cái tuổi 36 tài năng đang rực rỡ. Ông Phạm Duy Lân đã chết trước đó.
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Ảnh tư liệu
Cái chết của nữ nghệ sĩ Thanh Nga đã gây chấn động khắp Sài Gòn và lan rộng khắp cả nước. Nhiều người không tin đó là sự thật. Nhiều người khác hay tin, đứng trên hè phố chết lặng. Bà con lao động TP và các tỉnh Nam Bộ vốn yêu mến cải lương đã khóc hết nước mắt, nguyền rủa kẻ ác đã nhẫn tâm sát hại Thanh Nga và chồng.
Đài BBC, hãng thông tấn Reuter quan tâm đặc biệt đến sự kiện chấn động này, đã phát những bản tin dài bất thường và đặt câu hỏi thế lực nào đứng sau vụ sát hại dã man như thế.
Đây là thời điểm sân khấu cải lương đang cực thịnh, nữ nghệ sĩ Thanh Nga đang là ngôi sao sáng chói trên sân khấu cải lương TP.HCM và cả nước.
Đám tang vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga diễn ra trong xót thương, tiếc nuối và nước mắt của người dân TP. Hàng trăm ngàn người chen lấn đến tiễn đưa người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn cùng người chồng về nơi an nghỉ cuối cùng. Họ không sinh cùng năm nhưng chết cùng ngày, cùng giờ.
Trong niềm đau thương vô hạn, soạn giả cải lương Nguyễn Phương, từng là thầy dạy hát cho nghệ sĩ Thanh Nga thuở mới vào nghề, viết: "Mạng sống của con người thì ai cũng phải trân trọng, bởi lẽ người ta chỉ sinh ra một lần và chết đi cũng chỉ một lần. Nhưng cái chết của mỗi con người chỉ là tổn thất của từng gia đình hay trong một phạm vi nhỏ hẹp.
Còn sinh mạng bị cướp đi của Thanh Nga là một tổn thất không gì bù đắp nổi cho sân khấu cải lương và là niềm đau của hàng triệu người. Dù tội ác có được trừng trị, nhưng có lẽ thêm ngàn lần trừng trị nữa cũng không tương xứng với tổn thất mà tội ác đã gây ra!".
Và cũng cần nói thêm, trước khi bị sát hại, vào tháng 3/1978, khi đang diễn vở "Tiếng trống Mê Linh" trên sân khấu, một quả lựu đạn ném lên nổ tung khiến 2 nhạc công chết tại chỗ, Thanh Nga bị thương. Sau đó, hàng loạt thư nặc danh hăm dọa gửi đến nhà Thanh Nga cảnh cáo không được tiếp tục diễn nữa, nếu trái lời sẽ bị giết. Thanh Nga vẫn không chùn bước. Sau khi vết thương chữa lành, chị tiếp tục ra sân khấu.
Chuyên án TN.11
Bí thư thành ủy TP.HCM lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo: "Cái chết của Thanh Nga đã gây xúc động mạnh đối với giới văn nghệ sĩ cũng như đồng bào, nhất là trong bối cảnh chính trị đang diễn biến phức tạp. Ngành công an phải tập trung lực lượng để phát hiện ra kẻ phạm tội nhằm trừng trị đúng quy định pháp luật, càng sớm càng tốt".
Hai chó nghiệp vụ đưa từ Hà Nội vào TP.HCM hỗ trợ điều tra. Ảnh chụp qua phim tư liệu Chuyên án TN.11
Ngay sau đó, Công an TP đã thành lập chuyên án mang bí số TN.11 về vụ sát hại nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Những lực lượng tinh nhuệ nhất được tung vào cuộc. Dĩ nhiên, không thể thiếu các trinh sát SBC thiện chiến.
"TN.11" cũng là tên của bộ phim tài liệu quý giá tường thuật lại vụ án do xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu và xưởng phim Tổng hợp phối hợp thực hiện. Nội dung bộ phim đã thuật lại toàn bộ diễn biến sau những phát súng oan nghiệt của 2 kẻ sát nhân và quá trình điều tra phá án cho tới khi hung thủ bị bắt. Đó là 139 ngày đêm khám phá gian khổ. Nhiều lúc bị rơi vào ngõ cụt, tưởng chừng bế tắc.
Nhân chứng quan trọng nhất và đầu tiên là võ sĩ Nguyễn Văn Các, người bảo vệ cho Thanh Nga và gia đình nghệ sĩ. Các có mặt trong chiếc xe Volkswagen mang biển số 51A - 73 - 79 đưa vợ chồng Thanh Nga và con trai là bé Cúc Cu từ rạp hát về nhà. Lời khai của Các như sau: "Xe chở gia đình cô Thanh Nga đi biểu diễn về, vừa vào cổng, tôi xuống trước mở cổng cho xe vào gara.
Xe chạy vào, tôi chuẩn bị mở cửa xe cho cô cậu Ba (ông Phạm Duy Lân) xuống thì nghe một tiếng "soạt", có 2 người xuất hiện, chĩa súng vào gáy tôi và đè tôi xuống. Tôi nghe có tiếng giành giựt gì đó, rồi một phát súng nổ. Sau đó cũng có tiếng giành giựt nữa. Và lại thêm phát súng nổ. Rồi có tiếng nói : "Thôi bỏ đi mày". Tôi đứng dậy, thấy 2 người, một thấp, một cao lên xe hon đa chạy ra hướng ngược đường Ngô Tùng Châu".
Nhân chứng thứ hai là cháu Lương Thị Thu, ở nhà đối diện khai: "Khoảng 23 giờ đêm 26/11/1978, cháu đang học bài bên cửa sổ thì nghe tiếng xe cô Ba về. Một chút thì nghe súng nổ. Phía bên cô Thanh Nga ngồi là một người đàn ông thấp. Và một tiếng súng nổ nữa. 2 người đàn ông đi thụt lùi ra rồi phóng lên xe chạy về hướng Sài Gòn".
Ngoài ra, một nhân chứng là người trong cuộc, bé Cúc Cu, con trai của vợ chồng nữ nghệ sĩ. Tuy nhiên, lúc này bé Cúc Cu mới 5 tuổi! Bé Cúc Cu bị chấn động tâm lý sau giây phút kinh hoàng đêm ấy, chứng kiến cùng lúc cả ba và mẹ bị bắn chết.
Tại hiện trường, công an thu được 2 đầu đạn P.38 và một chiếc mũ của hung thủ bỏ lại.
Vậy 2 gã đàn ông giết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga là ai? Tìm câu trả lời cho câu hỏi lúc này chẳng khác gì mò kim đáy bể.
Thủ phạm xuất hiện tại đám tang?
Một nguồn tin quý hơn vàng, trong dòng người viếng nghệ sĩ, có mặt hung thủ ngay từ ngày đầu đã lo chụp ảnh. Bé Cúc Cu thấy người này đang chụp ảnh, la lớn lên: "Chú này xạo quá, bắn ba má cháu mà nay còn đến chụp ảnh nữa!" và chạy lên lầu... trốn!
Di ảnh của nghệ sĩ Thanh Nga. Ảnh tư liệu
Lập tức, nhân chứng đầu tiên Nguyễn Văn Các được cho nghe đĩa ghi âm giọng nói của nhà nhiếp ảnh. Nghe xong anh Các cho biết giọng rất giống với giọng hung thủ nói "thôi bỏ đi mày" trong đêm xảy ra án mạng.
Chó nghiệp vụ xác nhận thêm, nguồn hơi của chiếc mũ và nguồn hơi nhà nhiếp ảnh là một!
Bản thân nhà nhiếp ảnh cũng có biểu hiện "lúng túng" trong lời khai ban đầu về thời gian ở đâu trong đêm xảy ra án mạng.
Để khẳng định chắc chắn, cơ quan điều tra đã điều 2 chú chó nghiệp vụ có nhiều kinh nghiệm phá án từ Hà Nội đi bằng máy bay vào. 2 chú chó này khẳng định ngược lại, nguồn hơi từ chiếc mũ không phải là nguồn hơi của nhà nhiếp ảnh.
Đến tình thế "chết người" này nhà nhiếp ảnh mới khai thật, rằng đêm hôm ấy anh đến nhà... bạn gái ngủ nên ngại nói. Xác minh thì đúng thật, nhà nhiếp ảnh bỏ nhà đi ngủ với bạn gái vào đêm xảy ra án mạng.
Lúc này, mới phát hiện ra vì sao bé Cúc Cu lại bảo nhà nhiếp ảnh là người bắn ba mẹ cháu. Hóa ra vì Cúc Cu thấy ánh sáng của chiếc đèn plash của máy ảnh lóe lên giống ánh sáng đầu súng của hung thủ lúc bắn ba và mẹ cháu!
Nhà nhiếp ảnh được giải oan nhưng vụ án rơi vào bế tắc!
Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31/7/1942 tại Tây Ninh trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Mẹ của nữ nghệ sĩ là bà bầu Thơ (Nguyễn Thị Thơ), trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời.
Vai diễn đầu tiên của nghệ sĩ Thanh Nga là Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa năm 1954, lúc mới 12 tuổi. Năm 16 tuổi, Thanh Nga bắt đầu nổi tiếng trong vở Sơn Nữ Phà Ca của tác giả Kiên Giang và Quy Sắc.
Ngoài ra, nghệ sĩ Thanh Nga còn thành công trong nhiều vở cải lương và phim trước năm 1975. Những bộ phim nổi tiếng có sự tham gia của Thanh Nga là "Vết thù trên lưng ngựa hoang", "Loan mắt nhung".
Bé Cúc Cu, nay là nghệ sĩ hài Hà Linh cũng khá nổi tiếng. Anh còn là MC một số chương trình của Đài truyền hình TP.HCM.
Theo 24h
Cái chết của Thanh Nga và nỗi ám ảnh 34 năm Cho dù kẻ ác đã phải đền tội, vụ án đã được sáng tỏ song không vì thế mà hậu quả của nó có thể bù đắp được. Bà bầu Thơ, mẹ của nghệ sĩ Thanh Nga sau cái chết của con gái, đầu đã bạc trắng! Nhưng đau đớn thay, người gánh chịu hậu quả khủng khiếp nhất, không nỗi đau nào...