Cái chết của bà mẹ trẻ và cuộc gọi bí ẩn vào thứ 4 hằng tuần
Kẻ thủ ác ra tay không để lại một dấu vết, kéo theo sự biến mất bí ẩn của bà mẹ trẻ mà gần 40 năm chưa có lời giải đáp.
Những tên sát thủ trong loạt bài Những vụ án bí ẩn chưa có lời giải đáp có một đặc điểm chung: ra tay lạnh lùng, giết người hàng loạt và đều không thể xác định danh tính. Có những vụ án trải qua 100 năm nhưng kẻ thủ ác vẫn nằm sâu trong bức rèm bí mật. Những điều kì lạ và bí ẩn nhất chỉ được hé lộ khi “mọi sự đã rồi”.
Cái chết bí ẩn của Dorothy chưa có lời giải đáp suốt 36 năm qua
Dorothy Jane Scott là bà mẹ đơn thân 32 tuổi, làm việc trong vai trò thư ký của một công ty ở thành phố Anaheim, tiểu bang California, Mỹ. Công ty này chỉ cách Disneyland nổi tiếng một dãy phố.
Dorothy là người trầm tính, ít nói. Cô theo đạo, không thích hẹn hò và hầu như không rời khỏi nhà vào dịp cuối tuần. Cô làm việc chăm chỉ, tử tế và tận tâm.
Những cuộc gọi bí ẩn
Trong vài tháng trời liên tục, Dorothy bị một kẻ lạ mặt gọi điện quấy rối. Cuộc gọi đến vào lúc đêm hoặc lúc Dorothy đi làm. Dù nghe giọng rất quen nhưng bà mẹ đơn thân không nhận ra đó là ai. Đôi lúc kẻ lạ mặt nói rất tình cảm và ấm áp; lúc khác hắn nổi khùng và giận dữ.
Kẻ lạ mặt nói rằng hắn đang theo dõi Dorothy và sẵn sàng cung cấp thông tin chi tiết về gia đình cô để chứng minh lời mình nói là sự thật. Quá lo lắng, Dorothy bắt đầu học karate và các lớp tự vệ. Cô cân nhắc mua một khẩu súng đề phòng tình huống bất trắc ập đến.
Một đêm ngày 28.5.1980, Dorothy để đứa con 4 tuổi tên Shawn ở nhà bố mẹ đẻ rồi tới một buổi họp tại công ty. Trong phiên họp, đồng nghiệp Conrad Bostron bất ngờ có vết mẩn đỏ trên da và tình thế ngày càng nguy cấp. Dorothy quyết định đưa Conrad vào viện. Một đồng nghiệp khác tên Pam Head cũng đi cùng.
Ba người có mặt ở viện và bác sĩ chẩn đoán Conrad bị một con nhện góa phụ đen đốt. Trước khi xuất viện, Pam ở lại cùng Conrad để hoàn tất một số giấy tờ và lấy đơn thuốc. Dorothy ra ngoài lấy xe. Cô biến mất từ đó không một dấu vết.
Pam và Conrad lo lắng khi thấy bạn mình không quay trở về lúc giấy tờ đã làm xong xuôi. Một lúc lâu sau, họ thấy chiếc xe của Dorothy xuất hiện nhưng lao với vận tốc chóng mặt. Nó xoay đầu đột ngột và biến mất vào màn đêm.
Pam và Conrad đuổi theo chiếc xe, vẫy tay gọi Dorothy nhưng không được. Đèn pha chiếc xe tắt đột ngột. Hai đồng nghiệp cho rằng con trai của Dorothy gặp sự cố nên họ đợi thêm 2 tiếng nữa. Khi gọi cho bố mẹ của Dorothy, họ nói rằng con gái mình vẫn chưa về nhà sau khi để con trai ở lại.
Mọi người gọi cho cảnh sát. Vài tiếng sau, chiếc xe của Dorothy được phát hiện đang cháy ngùn ngụt gần đó. Không có dấu hiệu của Dorothy trong xe. Mọi chuyện ngày càng kì quái.
Một tuần sau, bà Vera, mẹ của Dorothy nhận được điện thoại. Đầu dây bên kia là một giọng nam giới, hỏi: “Bà có biết Dorothy Scott không?”. Bà Vera trả lời có. Người lạ mặt đáp: “Tôi bắt được cô ta rồi” và cúp máy giữa chừng.
Cảnh sát biết tin và yêu cầu nhà Dorothy không nói với báo chí. Tuy nhiên, sau đó vài tuần dấu vết của Dorothy vẫn biệt tăm, ông Jacob đã gửi thông tin sự biến mất kì bí của con gái cho báo địa phương.
Vào ngày tờ báo địa phương đăng tin, chủ bút Pat Riley nhận được một cuộc điện bất thường: “Tao giết nó rồi. Tao đã giết Dorothy Scott. Nó là người yêu của tao. Tao phát hiện nó ngoại tình với thằng khác. Nó phủ nhận và thế là tao giết luôn”.
Video đang HOT
Kẻ lạ mặt cung cấp thông tin về đặc điểm nhận dạng Dorothy trong ngày cô biến mất để chứng minh mình nói đúng. Hắn nói rằng Dorothy đã gọi cho hắn từ bệnh viện. Dù vậy, đồng nghiệp Pam khẳng định không hề thấy Dorothy gọi điện cho bất kì ai cho tới lúc đi lấy xe hơi.
Địa điểm nơi Dorothy biến mất
Thứ Tư hàng tuần
Trong 4 năm sau đó, cứ vào thứ Tư hằng tuần, bố mẹ Dorothy lại nhận được các cuộc gọi bí ẩn. Kẻ gọi điện hỏi Dorothy có nhà không và đều khẳng định đã giết bà mẹ trẻ. Hoặc đơn giản, hắn nói gọn lỏn: “Tao bắt nó rồi”. Các cuộc gọi luôn xuất hiện lúc bà Vera ở nhà một mình. Cảnh sát cố gắng theo dõi điện thoại và truy tìm dấu vết kẻ tình nghi nhưng hắn chỉ gọi trong vài dây rồi cúp máy.
Cuộc gọi cuối cùng là vào tháng 4.1984. Khi đó, người nghe máy là ông bố Jacob. Có lẽ kẻ lạ mặt cho rằng gia đình nhà Dorothy đã chuyển đi nên không gọi tiếp.
Tháng 8.1984, tại một vùng núi đá trập trùng ở phía bắc Anaheim, một công nhân xây dựng phát hiện ra một mảnh xương. Ban đầu, anh này nghĩ rằng đó là xương chó nhưng càng đào sâu bên dưới, những chi tiết của bộ xương người càng hiện rõ.
Bà Vera nhận được điện thoại từ cảnh sát và thông báo rằng đó chính là bộ xương của con gái bà, Dorothy. Bên cạnh thi hài là chiếc đồng hồ và chiếc nhẫn. Đồng hồ ngừng ở lúc 12 giờ 30 phút trưa ngày 29.5.1980, một ngày sau khi Dorothy mất tích.
Sau khi xương của Dorothy được tìm thấy, gia đình bà Vera nhận thêm hai cuộc điện thoại nữa với cùng nội dung: “Nó có nhà không?”. Sau đó, kẻ lạ mặt không gọi thêm bất kì cuộc nào. Điều tra chìm vào bí ẩn suốt 36 năm qua.
————————————-
Sau 50 năm kể từ ngày đầu tiên tên sát thủ có biệt danh Zodiac (cung hoàng đạo) xuất hiện trên các mặt báo, bí ẩn về kẻ sát nhân này vẫn chưa có lời giải. Theo truyền thông Mỹ, Zodiac đã giết hại 37 người trong gần 10 năm. Thậm chí, tên này còn gửi thư cho các tờ báo và khẳng định mình đã giết gần 40 mạng người. Tuy nhiên, cảnh sát không thể giải mã nổi đây là ai?
Mời độc giả đón đọc Sát nhân giết hại 37 người chuyên để lại dấu tích hoàng đạo vào 4h, ngày 31/12/2016.
Theo Danviet
Trùm ma túy "khét" nhất thế giới đào hầm vượt ngục thế nào?
Kẻ xếp thứ 10 Mexico về độ giàu có là tội phạm ma túy khét tiếng, nổi danh bởi khả năng vượt ngục nhiều lần của mình.
LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin, sẽ hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất.
Trùm ma túy Guzman bị bắt lần đầu năm 1993
Joaquan Guzman Loera, sinh năm 1957 ở Mexico được đặt biệt danh là "El Chapo" (Thằng lùn) do chiều cao khiêm tốn 1m68. Ngoài ra, Guzman còn được gọi là "Chuột chũi" do khả năng đào hầm, khoét vách và lẩn trốn cảnh sát thuộc hàng cao thủ.
Guzman là kẻ cầm đầu băng nhóm Sinaloa khét tiếng Mexico, tổ chức cung cấp ma túy cho rất nhiều quốc gia ở Nam Mỹ, Mỹ và Canada. Mạng lưới này đã mở rộng chân rết sang tận châu Phi, châu Âu. Guzman đã được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong những người quyền lực nhất trên thế giới kể từ năm 2009, xếp hạng lần lượt ở vị trí thứ 41, 60 và 55.
Nhiều thống kê cho thấy Guzman vượt xa bố già Pablo Escobar người Colombia về tầm ảnh hưởng và phạm vi hoạt động. Năm 2001, Guzman trốn thoát khỏi một nhà tù an ninh cẩn mật nhờ trốn trong một xe chở đồ giặt. Guzman bị bắt giữ năm 2014 ở một khu nghỉ dưỡng ven biển tại Mexico.
Tháng 7.2015, Guzman đã trốn thoát khỏi nhà tù lần thứ hai thông qua một lối vào ở dưới phòng tắm của phòng giam. Lỗ thủng này dẫn tới một đường hầm có đèn và hệ thống thông gió và xe chạy điện, có chiều dài gần 1,6 km, chạy tới một hầm ngầm của một tòa nhà dùng để khai thác ngô bên ngoài nhà tù. Sau đó, Guzman bị bắt lại vào đầu năm 2016.
Guzman bị dẫn độ về Mexico City sau khi bị bắt năm 2014
Một vài ngày sau khi Guzman bị bắt tháng 2.2014, Tổng thống Mexico Pena Nieto trả lời trên kênh Univision rằng ông lúc nào cũng hỏi bộ trưởng nội vụ, liệu có khả năng nào trùm ma túy bỏ trốn khỏi nhà tù lần nữa hay không. "Đó là nghĩa vụ của chính phủ nhằm đảm bảo vụ trốn thoát khỏi nhà tù cách đây vài năm sẽ không bao giờ xảy ra", ông Nieto nói.
Vậy mà Guzman vẫn bỏ trốn khỏi nhà tù canh phòng cẩn mật nhất Mexico. Vài giờ sau vụ bỏ trốn, chính phủ bắt đầu tìm kiếm, kêu gọi chính quyền địa phương truy lùng gắt gao nghi phạm. Mọi sân bay trong thành phố Toluca đều bị đóng. Cảnh sát, sĩ quan quân đội mang theo vũ khí hạng nặng kiểm tra tất cả phương tiện đi qua nhà tù Altiplano, cách Mexico City 80km về phía tây.
An ninh được siết chặt ở Mexico State, nơi đặt nhà tù Altiplano. Chính quyền địa phương cũng giam giữ 30 giám thị để thẩm tra về vụ vượt ngục.
Cảnh sát canh gác một đường ống lớn ngoài tù Altiplano
Bí mật vượt ngục kiểu Guzman
Dù đây là một trong những vụ vượt ngục nổi tiếng nhất Mexico kể từ khi Guzman bỏ trốn năm 2001, nhiều giả thuyết cho rằng tên trùm ma túy trốn ra ngoài nhờ đồng lõa với chính quyền. Tổng thống Nieto trong chuyến thăm tới Pháp đã đưa ra thông báo: "Cuộc vượt ngục rõ ràng là một sự sỉ nhục với Mexico". Ông Nieto ở lại Pháp cho tới khi kết thúc chuyến thăm nhưng đã cử bộ trưởng nội vụ ngay lập tức trở về Mexico giải quyết vụ việc.
Sơ đồ vượt ngục
Các chuyên gia về thế giới ngầm cho rằng sau vụ vượt ngục này, chắc chắn chính quyền Washington sẽ yêu cầu dẫn độ Guzman về Mỹ. Nhiều bằng chứng cho thấy các nhân viên hành pháp ở Mỹ cũng đóng vai trò lớn trong các đường dây buôn ma túy xuyên Nam Mỹ.
"Đó là sự sỉ nhục, xấu hổ, tồi tệ nhất dưới ánh mặt trời", Eric Olson, học giả tại trung tâm Wilson thuộc Học viện Mexico, người theo dõi sát xu thế tội phạm ở Mỹ Latinh, nói. "Nó là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Mexico và tôi cho rằng rất nhiều lực lượng hành pháp ở Mỹ cũng nhúng chàm trong vụ việc này".
"Mexico đang chịu áp lực khi Mỹ yêu cầu dẫn độ những tên tội phạm như Guzman", Eric nói.
Quốc gia Nam Mỹ này từ lâu đã cố gắng cải cách bộ máy hành pháp rất tham nhũng, tuy nhiên ông Eric Olson nói rằng hệ thống nhà tù ở đây chính là một mắt xích quan trọng nhưng không được chú ý đúng mực. Ông Nieto từng dự báo trên kênh Univision năm 2013 rằng Guzman sẽ trốn thoát một lần nữa: "Nếu điều này xảy ra thì không thể tha thứ".
Điểm cuối trong quá trình vượt ngục của Guzman
Nhiều chuyên gia về ma túy và người dân Mexico rất ngạc nhiên khi Guzman có thể bỏ trốn khỏi nhà tù, nơi được cho là bất khả trốn thoát. Nhiều câu hỏi xoay quanh liệu pháp luật có che phủ toàn bộ những lĩnh vực như buôn bán ma túy đầy lợi nhuận hay không?
"Sự trốn thoát của Guzman là thể hiện sinh động nhất của tham nhũng, phức tạp trong hệ thống nhà tù Mexico", Eduardo Guerrero, một chuyên gia về an ninh ở Mexico, nói. "Những người xây dựng hệ thống đường hầm để Guzman trốn thoát ra ngoài có thời gian đào đất mà không lo bất kì thế lực nào nhúng tay. Họ được trang bị đầy đủ mọi thứ cần thiết để cuộc tẩu thoát diễn ra bình thường".
Bên ngoài căn nhà tạm được dùng để ngụy trang đào hầm
"Chuột chũi" ngoài đời thực
Ngoài dùng đường hầm để buôn ma túy xuyên biên giới, Guzman cũng xây hệ thống đường hầm ở bang Culiacan, thủ phủ của bang Sinaloa. Địa điểm này là nơi băng nhóm ma túy của Guzman lộng hành. Guzman cũng từng trốn ở các hầm này trong nhiều năm trời khi bị cảnh sát truy lùng.
Máy móc hiện đại được sử dụng để đào hầm
Vài ngày trước khi bị bắt, lực lượng hành pháp của Mexico và Mỹ đã khám nhà vợ cũ của Guzman ở Culiacan. Đến nơi, họ phát hiện ra trùm ma túy Mexico đã trốn qua cửa bí mật dưới bồn tắm. Hệ thống đường hầm này thông ra 6 ngôi nhà khác nhau.
Guzman sau đó bị bắt lại ở một căn hộ ở thành phố Mazatlan cạnh Thái Bình Dương tháng 7.2015. Trước khi bắt, Guzman kiểm soát một hệ thống buôn lậu ma túy và cần sa vào Mỹ, trải dài tới châu Âu và châu Phi. Số tiền bẩn của Guzman ước tính khoảng 1 tỉ USD.
-
Kẻ cầm đầu lần vượt ngục táo bạo ở Mỹ đã tính toán rất kĩ nhiệm vụ và ưu điểm các tù nhân bỏ trốn để có một nhóm xuất sắc.
Hành trình đào tẩu của 7 tù nhân này diễn ra như thế nào? Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo của Những phi vụ vượt ngục khó tin: Bảy tù nhân vượt ngục như phim nhờ kẻ cầm đầu cao thủ vào 4h ngày 6/12/2016.
Theo Danviet
Nữ sát thủ tàn độc sa lưới vì người tình bán đứng Khi chuẩn bị lên máy bay để thoát thân, La China, một trong số ít người đàn bà khét tiếng nhất trong giới buôn ma túy, bị cảnh sát tóm không mất một viên đạn. Bà trùm bốc lửa bị chính người tình bán đứng. LTS: Mơ tưởng về một cuộc đời phiêu lưu, muốn kiếm nhiều tiền dễ dàng hay chạy theo...