Cái chết có thể ngăn ngừa của bệnh nhân Covid-19 mới 37 tuổi
Nữ bệnh nhân người Mỹ kiên quyết không tiêm vắc xin vì tin rằng mình sẽ không nhiễm Covid-19.
Erica Thompson, sống ở quận St. Louis ( bang Missouri, Mỹ), đã qua đời vì Covid-19 vào ngày 4/7. Người phụ nữ 37 tuổi ra đi để lại sự mất mát cho chồng và 3 cậu con trai 8, 11 và 17 tuổi.
Bà Kimberle Jones, mẹ của Erica, tâm sự: “Nếu con gái tôi đã tiêm vắc xin Covid-19, tôi nghĩ cháu sẽ vẫn còn ở đây với chúng tôi”. Khi chuẩn bị cho đám tang của con gái, bà Jones hy vọng câu chuyện của họ sẽ thuyết phục những người khác đi tiêm vắc xin.
Vắc xin Covid-19 hiệu quả cao trong ngăn ngừa nguy cơ trở nặng và tử vong
Erica, người bị hen suyễn, đến bệnh viện vào ngày 16/5 với những cơn đau tức ngực và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào hôm sau.
Bà Jones cho biết, con gái bà giảm sút sức khỏe nhanh chóng và phải sử dụng máy thở: “Con tôi vừa khóc vừa nói: Con muốn sống”.
Video đang HOT
Sau đó, Erica được chuyển đến một bệnh viện khác vào ngày 1/6 và phải dùng ECMO (tim phổi nhân tạo), hình thức hỗ trợ sự sống chuyên biệt – nhưng phổi của cô không phục hồi được.
Nữ bệnh nhân bị nhiễm trùng nhiều nơi, đông máu, thận dần ngừng hoạt động. “Da của con tôi trở nên đen sạm. Thật đau lòng khi chứng kiến cơ thể của Erica không phản ứng với bất kỳ loại thuốc nào”, bà Jones nhớ lại.
Mỗi ngày trôi qua, sức khỏe của Erica ngày càng xấu đi. Khi tình trạng của Thompson trở nên tồi tệ, các thành viên trong gia đình, cả con trai lớn của cô, đã đến bệnh viện để nói lời từ biệt.
Erica qua đời vào ngày 4/7 sau khi trải qua 50 ngày trong bệnh viện. Trước đó, cô kiên quyết không đi tiêm phòng vì không tin vào vắc xin, nghĩ rằng mình sẽ không bị nhiễm Covid-19.
Erica là một trong hơn 600.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, 57% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ.
Với bà Jones, đó là 50 ngày mệt mỏi và đau đớn nhất trong cuộc đời. Bà nói: “Tôi chỉ biết ngồi và khóc khi nghĩ về con gái mình. Con đã phải chịu đựng bao nhiêu đau đớn. Việc chuẩn bị đám tang cho con thật hết sức nặng nề với tôi”.
Người mẹ mất con chia sẻ, nhiệm vụ của bà bây giờ là khuyến khích mọi người đi tiêm chủng.
Bà Jones và những người còn lại trong gia đình đã tiêm vắc xin Covid-19. “Đừng ích kỷ. Hãy tiêm phòng vì điều đó không chỉ thể hiện bạn yêu bản thân mà còn là tình cảm với cộng đồng của bạn, hàng xóm, đồng nghiệp của bạn”, bà nói.
Từng nguy kịch, nam sinh 22 tuổi mắc Covid-19 hồi phục
Nam sinh ở Long An từng trải qua giai đoạn nguy kịch, phải can thiệp ECMO vì hai phổi bị tổn thương rất nghiêm trọng.
Chiều 29/7, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, cho biết hai anh em cùng mắc Covid-19 tại Cần Đước, Long An, đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện sau thời gian nguy kịch do nhiễm SARS-CoV-2.
Bệnh nhân đầu tiên là Đ.H.Đ.P. (22 tuổi, quê Cần Đước, Long An), sinh viên đại học ở TP.HCM có cơ địa béo phì (nặng 110 kg, cao 1,8 m), bệnh nền đái tháo đường type II.
Trước đó, P. được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp nặng, co giật, lơ mơ, dọa ngưng thở, mạch, huyết áp không đo được.
Bệnh nhân lập tức được đặt nội khí quản và thở máy, hồi sức tuần hoàn, sau đó phải can thiệp ECMO vì tổn thương 2 phổi rất nghiêm trọng, oxy máu không cải thiện, thở máy xâm lấn.
Bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM nắm tay hai bệnh nhân sau khi họ cùng trải qua cơn bạo bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân được lọc máu 15 lần, thay huyết tương 2 lần, thay màng ECMO 3 lần. Ngoài ra, nam sinh còn được điều trị với thuốc kháng sinh, kháng nấm để khi đối mặt với hàng loạt các nhiễm trùng nguy hiểm (nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng máu)... do nằm lâu, cơ địa suy giảm sức đề kháng.
Sau 3 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần. Trải qua 30 ngày thở máy, anh được rút nội khí quản, 2 ngày sau được rút ECMO. Ngày 26/7, nam sinh đã được xuất viện sau quá trình tập vật lý trị liệu và dinh dưỡng.
Trường hợp thứ 2 là Đ.H.Đ.N. (29 tuổi, anh trai của bệnh nhân P.), nhập viện trong tình trạng nặng và điều trị cùng khu Hồi sức tích cực với em trai. Bệnh nhân N. có tiền sử loạn thần, viêm phổi tiến triển nhanh, suy hô hấp. Ngày 6/6, bệnh nhân được đặt nội khí quản. Sau 22 ngày, anh hồi phục, được cai máy thở, tập vật lý trị liệu.
TS Vĩnh Châu cho biết hai anh em đều đã ăn uống, sinh hoạt bình thường sau khi trở về nhà. Hôm nay, người mẹ của các bệnh nhân gọi điện cho bác sĩ để thông báo tình hình sức khỏe các con. Bà gửi lời cảm ơn các nhân viên y tế đã giúp gia đình đoàn tụ hạnh phúc ngay giữa mùa dịch.
Từ ngày 27/4 đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận điều trị cho 880 trường hợp mắc Covid-19 mức độ từ nặng trở lên, trong đó, 378 trường hợp khỏe mạnh xuất viện, 46 người tử vong.
Bệnh viện đang điều trị 476 ca bệnh nặng, trong đó, 219 bệnh nhân nguy kịch cần hỗ trợ thở oxy qua gọng mũi, oxy mask và máy HFNC, 74 bệnh nhân thở máy xâm lấn và 7 ca can thiệp ECMO.
Chạy đua với 'tử thần' để cứu F0 nguy kịch Xe cứu thương lao đi trong đêm, đưa kíp bác sĩ Hồi sức Covid-19 cùng máy ECMO đến Bệnh viện Trưng Vương - nơi vừa báo động đỏ vì người phụ nữ mang song thai 25 tuần suy hô hấp, nguy kịch. Khẩn cấp kết nối hệ thống ECMO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) vào thai phụ, các bác...