Cái chết bí ẩn của phóng viên điều tra vụ ám sát Kennedy
Ngày 8-11-1965, nữ phóng viên Dorothy Kilgallen bị phát hiện đã chết vì dùng quá liều thuốc trong căn hộ ở Manhattan, Mỹ. Cái chết của cô xảy ra chỉ vài tuần trước khi cô định tới New Orleans để gặp một nguồn tin bí mật liên quan tới cuộc điều tra kéo dài 18 tháng mà cô đang thực hiện về vụ ám sát Tổng thống John Kennedy (JFK) để viết thành sách.
Cuốn sách dang dở
Khám nghiệm y học thời đó kết luận rằng Kilgallen chết ngẫu nhiên do dùng rượu và thuốc ngủ. Vụ việc được khép lại ở đó. Tuy nhiên, luật sư và tác giả Mark Shaw cho rằng Kilgallen là nạn nhân của một âm mưu bẩn thỉu của một tay anh chị – người sợ rằng cuốn sách của Kilgallen sẽ cáo buộc hắn là chủ mưu vụ ám sát Tổng thống Kennedy?
Ông Mark Shaw là tác giả cuốn sách “The Reporter Who Knew Too Much” (Người phóng viên biết quá nhiều) đang kêu gọi điều tra đầy đủ cái chết của Kilgallen. Ông cáo buộc rằng cái chết của cô là do bị giết và bị che đậy, đồng nghĩa với việc nghi can vẫn chưa bị phát hiện. Phát biểu với tờ New York Post, ông Shaw nói: “Giết người vẫn là giết người cho dù nó mới xảy ra 5 ngày trước hay 50 năm trước. Nạn nhân có quyền lợi nhưng Kilgallen đã bị từ chối quyền của mình vì không ai điều tra”.
Kilgallen Dorothy.
Tác giả Shaw đã phỏng vấn một số bạn bè thân thiết nhất và một trong những người cuối cùng nhìn thấy Kilgallen còn sống. Ông cho rằng cái chết của Kilgallen là một vụ giết người bí ẩn, trong đó nghi can gồm cả Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Edgar Hoover, bố già mafia Don Carlos Marcello và một người đàn ông bí ẩn có thể đã bịt miệng cô.
Theo tác giả Shaw, năm 1963, Kilgallen – khi đó nổi tiếng với vai trò giám khảo trong một chương trình trò chơi trên truyền hình của kênh CBS – đã suy sụp trước vụ ám sát ông Kennedy ngày 22/11. Kennedy, người mà Kilgallen coi là bạn và từng cùng con trai tới thăm ở Nhà Trắng, đã bị Lee Harvey Oswald bắn chết ở Dallas. Sau vụ ám sát, Kilgallen đã tự điều tra và bác bỏ giả thiết rằng Oswald hành động một mình. Cô thu thập bằng chứng, từ các ghi chép cho tới phỏng vấn và lúc nào cũng cất trong ngăn kéo có khóa.
Tuy nhiên, sau cái chết của cô, người ta không bao giờ tìm thấy các tài liệu Kilgallen đã thu thập. Ông Shaw nói rằng chính người bịt miệng Kilgallen là người đã lấy và đốt tài liệu bằng chứng. Kilgallen đã bị giám sát quanh thời điểm chết do cô đã viết bài về lãnh tụ Cuba Fidel Castro và vụ ám sát Kennedy. Một người bạn thân của Kilgallen là Charles Simpson cho biết Kilgallen từng nói với anh ta: “Nếu họ biết những gì tôi biết về vụ ám sát, tôi sẽ mất mạng”.
Kilgallen cũng bị coi là kẻ thù của Giám đốc FBI Edgar Hoover do cô phụ trách chuyên mục Voice of Broadway (Tiếng nói Broadway) của tờ New York Journal-America và có bài viết chỉ trích ông Hoover – người cho rằng Oswald hành động một mình. Theo ông Shaw, điều này khiến ông Hoover có động cơ để bịt miệng Kilgallen.
Năm 1959, Kilgallen là phóng viên duy nhất được phỏng vấn Jack Ruby – chủ quán bar ở Dallas đã bắn chết Oswald tại trụ sở cảnh sát Dallas. Về sau, cô tiết lộ lời khai của Ruby trước Ủy ban Warren (ủy ban điều tra vụ ám sát John Kennedy) trước khi lời khai được công bố chính thức nên đã chọc giận giới chức Mỹ.
Video đang HOT
Khi Kilgallen nghiên cứu vụ ám sát John Kennedy cho một nhà sách Random House, cô đã chuẩn bị một chuyến đi thứ hai tới New Orleans. Kilgallen định điều tra Marcello – người cô nghi là chủ mưu của vụ ám sát. Trước chuyến đi, cô nói với một người bạn rằng sẽ gặp một nguồn tin mà cô không biết nhưng họ sẽ trao cho cô thông tin về vụ án. Cô cũng nói với luật sư Mort Farber rằng mình sẽ “khám phá câu chuyện thật và phanh phui thông tin lớn nhất thế kỷ”.
Tuy nhiên, cuốn sách về vụ ám sát Kennedy không bao giờ được xuất bản khi tác giả của nó chết chỉ vài ngày trước chuyến đi thứ hai tới New Orleans. Tác giả Shaw nói: “Những kẻ giết người đã thắng vì cô ấy đã bị khử và bị xóa khỏi hồ sơ lịch sử về vụ ám sát Kennedy”.
Cái chết đầy nghi vấn
Khi xác Kilgallen bị phát hiện trong căn hộ ở Manhattan, cô đang ngồi trên giường, mặc áo choàng tắm. Tóc vẫn cài các phụ kiện hoa như tối hôm trước lúc xuất hiện trên chương trình trò chơi trên truyền hình. Một lọ thuốc ngủ rỗng không và một cốc nước được tìm thấy trên bàn đầu giường. Tuy nhiên, tác giả Shaw cho rằng đó chỉ là hiện trường tử vong được dàn dựng.
Bìa cuốn sách của tác giả Shaw.
Một thợ làm tóc của Kilgallen là Marc Sinclaire để ý rằng trước khi chết, Kilgallen đã mua một khẩu súng và thay đổi di chúc, đồng thời cho biết cô lo sợ cho mạng sống của mình và gia đình. Xác của Kilgallen được phát hiện trong phòng ngủ mà cô chưa bao giờ vào đó ngủ và cô cũng chưa bao giờ mặc bộ đồ tắm để đi ngủ.
Tuy nhiên, cảnh sát lúc bấy giờ cho biết không tìm được điều gì khả nghi về cái chết của Kilgallen, loại trừ khả năng tự tử và bị giết. Một cuộc khám nghiệm được thực hiện sau đó đưa ra kết luận rằng Kilgallen chết do ngộ độc thuốc an thần và ethanol cấp trong tình huống chưa được xác định. Điều đáng lưu ý là Kilgallen không có dấu hiệu nghiện rượu hay sử dụng thuốc trước khi chết.
Tác giả Shaw đã có được kết quả khám nghiệm tử thi Kilgallen chưa bao giờ được công bố trước đây. Kết quả cho thấy trong cơ thể Kilgallen còn có hai loại thuốc khác là tuinal và nembutal. Ba năm sau khi Kilgallen chết, hai nhà nghiên cứu chất độc tìm thấy hai loại thuốc này trong xét nghiệm nhưng không báo cáo cơ quan chức năng.
Xét nghiệm cũng cho thấy cốc nước trên bàn chứa cặn bột, cho thấy có ai đó đã mở viên nang thuốc và đổ thuốc vào cốc nước. Ông Shaw cũng phát hiện ra điều lạ là khám nghiệm tử thi được thực hiện ở Brooklyn trong khi Kilgallen chết ở Manhattan. Tiến sĩ Steven Goldner, người làm việc tại văn phòng khám nghiệm ở Brooklyn cho biết văn phòng bị giới côn đồ kiểm soát và chúng cố tình đưa xác Kilgallen tới Brooklyn để che giấu.
Người cuối cùng nhìn thấy Kilgallen còn sống là Katherine Stone. Cô cho biết đã nhìn thấy Kilgallen và một người đàn ông bí ẩn nói chuyện có vẻ nghiêm trọng tại khách sạn Regency ở New York. Người này là Ron Pataky, trẻ hơn Kilgallen 12 tuổi và tác giả Shaw cho rằng họ đang hẹn hò. Kilgallen lúc đó kết hôn với Richard Kollmar. Quan hệ của cô với Pataky đổ vỡ khi cô bắt đầu nghi ngờ anh này tiết lộ bằng chứng cô thu thập được về vụ ám sát.
Tác giả Shaw đã phân tích hai bài thơ do Pataky viết 40 năm sau cái chết của Kilgallen và cho rằng anh ta có liên quan tới cái chết. Hai bài thơ nói về “một người chết thì không thể nói gì” và “pha một ly nước độc”. Dù vậy, Pataky khẳng định với tác giả Shaw rằng mình rất yêu Kilgallen và bác bỏ họ quan hệ ngoài luồng cũng như chuyện mình ở khách sạn Regency vào đêm trước khi Kilgallen chết.
Thông qua một loạt bằng chứng nói trên, tác giả Shaw hi vọng giới chức sẽ điều tra đầy đủ cái chết của Kilgallen. Trong bức thư gửi tới Văn phòng Luật sư quận Manhattan, ông cho rằng điều tra về cái chết của Kilgallen là trách nhiệm tư pháp và là một điều mà “ pháp luật cần phải được thực thi!”.
Theo Nhật Minh ( tổng hợp)
An ninh thế giới
Những tổng thống Mỹ từ chối nhận lương
Donald Trump tuyên bố ông sẽ nhận lương tổng thống 1 USD và trước ông đã có những người từ chối nhận lương hoặc hiến lương bổng cho các tổ chức từ thiện.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 13/11 tuyên bố sẽ không nhận lương khi vào Nhà Trắng. Ông nói rằng vì theo luật, tổng thống Mỹ phải nhận lương nên ông sẽ chỉ nhận tượng trưng 1 USD/năm.
Không nhận lương không phải là vấn đề lớn đối với ông Trump vì trước khi bước vào Nhà Trắng, ông đã là một tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản và truyền thông với tài sản ước tính 3,7 tỉ USD, theo tạp chí Forbes.
Ông Trump không phải là người đầu tiên khước từ nhận lương tổng thống. Năm 1789, trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống đầu tiên ở Mỹ, George Washington đã tuyên bố điều tương tự, theo Time. Ông nói rằng ông phục vụ vì vinh dự và cảm thấy cần phải từ chối nhận thù lao.
Ông Washington có thể từ chối nhận lương vì ông là người giàu có. Tuy nhiên, rốt cục, ông Washington không thể tự quyết định vấn đề này. Các hồ sơ ghi chép hoạt động quốc hội Mỹ năm 1789 cho thấy chủ đề này đã dẫn đến cuộc tranh luận căng thẳng giữa các nghị sĩ. Nghị sĩ John Page đến từ bang Virginia lập luận rằng dù Washington "với lòng yêu nước nồng nàn" đã nói sẵn sàng không nhận lương, "hiến pháp đòi hỏi ông phải nhận một khoản thù lao và chúng ta phải có nghĩa vụ cung cấp nó".
Theo lập luận của ông Page, việc đặt ra tiền lệ nhân danh yêu nước để bỏ qua một tiến trình theo quy định hiến pháp là sai lầm. Ông cho rằng các quan chức còn lại trong chính phủ cần phải nhận lương mà không việc gì phải cảm thấy xấu hổ, vì nếu từ chối nhận khoản lương chính đáng như vậy có thể đẩy các chính trị gia vào tình thế nợ nần.
Quốc hội Mỹ lúc đó quyết định rằng tổng thống Washington sẽ được trả lương 25.000 USD/năm, tương đương 644.000 USD ngày nay, tức là cao hơn mức lương 400.000 USD mà Tổng thống Obama đang nhận.
Theo học giả David P. Currie, quy định của hiến pháp về lương của tổng thống "không phải để bảo vệ lợi ích cho tổng thống". Ông cho rằng các nhà lập quốc muốn tổng thống được trả lương hậu hĩnh để bảo đảm rằng những người không giàu có có thể điều hành đất nước mà không dính vào hối lộ và tham nhũng. Quốc hội Mỹ năm 1789 quyết định rằng Tổng thống Washington không được quyền quyết định không nhận lương.
Nếu Donald Trump không muốn nhận lương khi ở Nhà Trắng, ông vẫn còn một sự lựa chọn khác, đó là hiến lương cho các tổ chức từ thiện. Những người tiền nhiệm từng làm việc này là Tổng thống John F. Kennedy (nắm quyền giai đoạn 1961 - 1963) và Tổng thống Herbert Hoover (nhiệm kỳ 1929 - 1933).
Tổng thống John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy vào tháng 5/1961. Ảnh: John Fitzgerald Kennedy Library
Khi nhậm chức năm 1961, ông Kennedy đã là một người rất giàu có. Tài sản của gia đình ông ước tính vào khoảng một tỉ USD vào thời đó và bản thân ông sở hữu một tín quỹ hàng triệu USD. Ông chắc chắn không cần đến khoản lương 100.000 USD/năm và khoản phụ cấp 50.000 USD. Vậy nên, ông đã hiến lương bổng cho các hoạt động từ thiện.
Theo Snopes, 6 tổ chức thiện nguyện đã nhận được tiền lương của ông Kennedy năm 1961, bao gồm Hội nam và nữ hướng đạo sinh Mỹ, Quỹ học bổng liên kết cho sinh viên đại học da màu và Ủy ban các gia đình người Cuba. Trước đó, ông Kennedy cũng hiến tặng toàn bộ tiền lương của ông trong 14 năm làm nghị sĩ. Tổng cộng số tiền lương được chuyển sang từ thiện của ông trong suốt sự nghiệp chính trị lên tới 500.000 USD.
Herbert Hoover, tổng thống thứ 31 của Mỹ, cũng là một triệu phú trước khi bước vào Nhà Trắng. Theo Independent Journal Review, tài sản của ông Hoover năm 1913 ước tính khoảng 4 triệu USD. Ông tích góp được số tiền này nhờ công việc kỹ sư ngành khai khoáng và mở công ty tư vấn. Vì vậy, sau khi nhậm chức, ông dành toàn bộ khoản lương 75.000 USD/năm để làm từ thiện và tặng cho nhân viên.
"Hoover không cần nhận lương. Ông dành nửa đầu cuộc đời để kiếm tiền và nửa còn lại để làm từ thiện", giáo sư Glen Jeansonne, tác giả cuốn tiểu sử về Hoover, nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Barron Trump sẽ là con trai tổng thống trẻ nhất ở Nhà Trắng trong nửa thế kỷ Khi Donald Trump cùng gia đình dọn vào Nhà Trắng, cậu út 10 tuổi sẽ là con trai tổng thống Mỹ trẻ nhất sống trong căn nhà này, kể từ thời con của John F. Kennedy. Donald Trump ôm con trai út. Ảnh: SMH Kể từ năm 1963, chỉ có các con gái tổng thống sống tại Nhà Trắng, theo CNN. Do đó,...