Cải cách kinh tế tại Triều Tiên
Giới chuyên gia cho rằng lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đang tiến hành thiết lập hệ thống quản lý kinh tế mới tại một số khu vực ở nước này.
Lên lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sau khi cha mình là Kim Jong-il qua đời hồi tháng 12.2011, Nguyên soái Kim Jong-un được kỳ vọng sẽ tiến hành cải cách kinh tế ở đất nước đang gặp khó khăn này. Thực tế, giới chuyên gia và một số nguồn tin khẳng định lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đang có những động thái quyết liệt nhằm thúc đẩy đổi mới kinh tế theo hướng của Trung Quốc.
Hệ thống quản lý mới
Ngày 10.8, báo The Hankyoreh của Hàn Quốc dẫn một số nguồn tin cho hay từ ngày 6.8, các tổ chức lao động và doanh nghiệp ở CHDCND Triều Tiên đã nhận chỉ dẫn chi tiết về quá trình thực hiện “hệ thống quản lý kinh tế mới”. Theo đó, các doanh nghiệp và nhà máy tự quyết về sản xuất, giá bán và chia lợi nhuận. Tuy nhiên, quyền quyết định thành lập doanh nghiệp, quản lý và nhân sự cấp lãnh đạo vẫn thuộc về nhà nước. “Các nhà máy và doanh nghiệp có thể được trao thêm quyền tự chủ, như Trung Quốc đã từng làm trong giai đoạn đầu của cuộc cải cách kinh tế”, chuyên gia Cheong Seong-chang tại Viện Nghiên cứu Sejong ở Hàn Quốc nhận định với AFP.
Ông Kim Jong-un thăm một nông trại tại Triều Tiên – Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, nông dân Triều Tiên sẽ nhận 30% tổng sản lượng thu hoạch; hệ thống cấp phát thực phẩm theo khẩu phần chỉ còn được áp dụng cho nhân viên thư ký tại các tổ chức nhà nước và quan chức ngành y tế, giáo dục. Giáo sư Yang Moo-jin ở Hàn Quốc cho rằng CHDCND Triều Tiên đang loại bỏ một phần hệ thống phân phát theo khẩu phần và tăng cường các chức năng thị trường để vượt qua khó khăn trong bối cảnh nước này bị cấm vận và đang bị cho là thiếu lương thực trầm trọng. Trong khi đó, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay khuynh hướng cải cách đang thể hiện rõ tại một số khu vực của miền Bắc nhưng chưa thể xác định nó đã được công nhận thành chính sách và thực hiện đầy đủ hay chưa.
Video đang HOT
Hồi đầu tháng, trong cuộc thảo luận với Trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Gia Thụy tại Bình Nhưỡng, lãnh đạo Kim Jong-un nói chính phủ đang tập trung phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân. “Đảng Lao động Triều Tiên đang hướng tới mục tiêu giúp người dân có cuộc sống hạnh phúc và văn minh”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Kim nhấn mạnh. Trước đó, Reuters dẫn một nguồn cấp cao loan tin, chính vì phản đối kế hoạch cải cách nên Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Ri Yong-ho bị cách chức hồi tháng 7.
“Tất cả nhờ Kim Jong-un”
Mới đây, cựu đầu bếp người Nhật Kenji Fujimoto của ông Kim Jong-il cũng cho rằng lãnh đạo Kim Jong-un có thể cải cách CHDCND Triều Tiên dựa trên hệ thống kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc. Phát biểu với tờ Chosun Ilbo sau chuyến thăm Bình Nhưỡng vừa qua, ông Fujimoto trích lại lời của lãnh đạo Kim Jong-un nói: “Khi đến châu Âu hay Nhật Bản, tôi thấy tràn ngập mặt hàng và thực phẩm, nhưng khi về nước, tôi thấy ở đây chẳng có gì. Chúng ta có cần nghiên cứu chính sách của Trung Quốc không?”. Ông nói thêm: “Có quá nhiều sự thay đổi ở Triều Tiên và tất cả nhờ vào lãnh đạo Kim Jong-un”. Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn của tờ Telegraph ngày 6.8, cựu đầu bếp lại tiết lộ Kim Jong-un vẫn chưa thể tự quyết định tất cả mà còn phải dựa vào vợ chồng dì ruột là bà Kim Kyong-hui và ông Jang Song-taek. “Chỉ mới có một trong 10 chính sách do ông Kim Jong-un đưa ra có thể được thực hiện”, Telegraph dẫn lời ông Fujimoto nói.
Ông Fujimoto làm đầu bếp riêng cho lãnh đạo Kim Jong-il từ năm 1989-2001 và đã xuất bản nhiều cuốn sách về những trải nghiệm tại Triều Tiên sau khi về Nhật. Hồi tháng 7, ông trở lại nước này theo lời mời của lãnh đạo Kim Jong-un. Báo Mainichi Shimbun suy đoán chuyến thăm nhằm cho thấy CHDCND Triều Tiên đang cởi mở hơn nhưng đồng thời cũng để cảnh báo ông Fujimoto không nên tiết lộ thêm bí mật về gia đình lãnh đạo Kim.
Theo Thanh Niên
Hàn Quốc: ông Kim Jong-un đang "dọn đường" cho cải cách kinh tế?
Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, tờ Rodong Sinmun đã có sự thay đổi với số lượng ngày càng tăng của những thông tin kinh tế kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền.
Việc đẩy mạnh đưa tin tức kinh tế trong những tháng gần đây trên tờ báo của Đảng Lao động Triều Tiên có thể là một dấu hiệu của một kế hoạch cải cách kinh tế đang bước đầu xuất hiện, các chuyên gia ở Seoul cho biết.
Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đang tăng cường thông tin kinh tế khiến các nhà phân tích đang dự đoán về một cuộc cải cách kinh tế ở nước này.
Các chuyên gia chuyên nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên cho hay, tờ báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã có sự thay đổi với số lượng ngày càng tăng của những thông tin kinh tế kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm ngoái.Tờ Rodong Sinmun trước đây thường bó hẹp trong những câu chuyện về các nhà lãnh đạo nước này hay các chính sách của đảng Lao động Triều Tiên. Nhưng theo Cho Bong-hyun, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu kinh tế IBK (Hàn Quốc), tờ báo này đã có 132 bài báo liên quan đến nền kinh tế vào tháng Giêng và 141 bài vào tháng 2. Con số này đã tăng bất ngờ lên 233 bài vào tháng 3.
Ông cho biết, số lượng các bài kinh tế xuất hiện trên tờ báo của đảng Lao động Triều Tiên trong ba tháng đầu năm nay đã đạt 506 bài, cao hơn mức 439 bài trong cùng kỳ năm ngoái, khi nhà lãnh đạo cố Chủ tịch Kim Jong-il điều hành đất nước.
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, sự gia tăng có nghĩa là một sự thay đổi cụ thể trong lập trường của một tờ báo vốn phục vụ chủ yếu đưa các tin tức mới nhất về nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il hay các quyết định khác của lãnh đạo đảng cầm quyền.
Ngày càng nhiều các dấu hiệu về một sự thay đổi, cải cách kinh tế trong chính sách của nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Theo ông Cho, "điều đó cho thấy Triều Tiên đang thiết lập một bầu không khí nội bộ thuận lợi cho cải cách và sẵn sàng cho một sự thay đổi đối với thế giới bên ngoài.""Những chuyến thăm thường xuyên tới các cơ sở công nghiệp của Thủ tướng Choe Yong-rim và việc Chủ tịch Ủy ban Hợp tác đầu tư và dự án Ri Kwang-gun được đi cùng với ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Đại hội Nhân dân tối cao (Quốc hội) trong chuyến thăm Singapore hồi tháng 5 cũng cho thấy một động thái có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế" - nhà nghiên cứu Viện Sejong (Hàn Quốc), Cheong Seong-chang nhận định.
Dường như đó là dấu hiệu của nỗ lực kêu gọi đầu tư nước ngoài vào nước này. Theo phân tích của Cheong, Thủ tướng Triều Tiên đã có 47 chuyến thăm các cơ sở công nghiệp trong nửa đầu năm nay, tăng hơn gấp đôi so với chỉ 20 lần một năm trước đó.
Ngoài ra, tờ Rodong Sinmun cũng cập nhật nhiều thông tin về những nỗ lực công nghiệp của đất nước để tăng sản xuất than và thép hồi đầu tháng này.
Từ đó, các chuyên gia đang dự đoán rằng Bình Nhưỡng có thể sắp tiếp tục một kế hoạch cải cách kinh tế lần thứ hai sau khi nỗ lực cải cách vào năm 2002.
Theo GDVN
Tân Nguyên soái Kim Jong-un chuẩn bị cho 1 cuộc cải cách kinh tế? Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang thể hiện những dấu hiệu cải cách nông nghiệp, kinh tế và giành quyền kiểm soát nền kinh tế của quân đội sau những cuộc thanh lọc nhân sự vừa qua. Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị thử nghiệm cuộc cải cách nông nghiệp và kinh tế sau khi nhà lãnh đạo trẻ Kim...