Cải cách hành chính, phòng ngừa tiêu cực, giảm phiền hà cho người dân
Đó là những mục tiêu chính được CATP Hà Nội đặt ra đối với công tác thu thập thông tin dân cư đang được tiến hành thí điểm ở một số phường, quận, và dự kiến sẽ được nhân rộng toàn địa bàn thành phố trong thời gian tới. Thông tin này được cung cấp kịp thời cho các cơ quan báo chí vào chiều nay 18-10, sau khi có những ý kiến trên một số phương tiện truyền thông phản ánh ý kiến thắc mắc của nhân dân.
Xuất phát từ đòi hỏi thực tế
Theo Đại tá Lê Học Thu – Chánh văn phòng, Người phát ngôn của CATP, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ANTT, hàng năm, CATP Hà Nội đã giải quyết việc cấp mới, cấp đổi hộ chiếu cho hơn 150.000 lượt công dân; cấp mới, cấp đổi Chứng minh nhân dân cho gần 350.000 lượt người; cấp đăng ký mới và sang tên đổi chủ đăng ký xe ô tô, mô tô gần 350.000 lượt trường hợp; làm thủ tục đăng ký thường trú và thay đổi đăng ký thường trú (di chuyển hộ khẩu) cho gần 300.000 trường hợp… Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, công dân phải kê khai nhiều tờ khai trong đó có nhiều nội dung thông tin trùng lặp.
Cải cách hành chính hướng đến mục tiêu cao nhất phục vụ nhân dân, giảm phiền hà về thủ tục cho nhân dân, phòng ngừa tiêu cực đồng thời đáp ứng công tác giữ gìn ANTT luôn là chủ trương và được Đảng ủy – Ban Giám đốc CATP Hà Nội cụ thể hóa thành những kế hoạch, chỉ đạo hết sức cụ thể, từ cấp phường, đội đến CATP.
Cải cách hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn
Xuất phát từ tình hình thực tiễn, đồng thời thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và đặc biệt là của UBND TP. Hà Nội về việc lấy năm 2013 là năm “Kỷ cương hành chính”; nhằm giảm phiền hà cho công dân, giảm thủ tục hành chính, giảm số lần đi lại cho công dân, giảm chi phí in ấn các loại giấy tờ (Chứng minh nhân dân, hộ khẩu…) khi đi làm các thủ tục hành chính của cá nhân công dân; đồng thời giảm cường độ làm việc của lực lượng Cảnh sát khu vực và Cảnh sát quản lý hành chính, CATP đã tiến hành nghiên cứu, triển khai thu thập thông tin dân cư, với việc thí điểm ở một số phường, quận trong nội thành để từng bước rút kinh nghiệm.
Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu nói chung và việc thu thập thông tin dân cư nói riêng là nhiệm vụ được giao, và là công việc thường xuyên của Cảnh sát khu vực. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư đi của Hà Nội vào hoạt động sẽ góp phần vào việc hoàn chỉnh hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; từ đó sẽ góp phần phục vụ việc sử dụng dữ liệu này trong thực hiện cải cách thủ tục các dịch vụ công nhằm giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; giảm số lần đi lại của công dân; giảm hồ sơ, giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính như: cấp hộ chiếu; đăng ký thường trú, tạm trú; đăng ký phương tiện, sao các văn bằng, chứng chỉ.
Bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương và thành phố
Chủ trương công tác thu thập thông tin dân cư là áp dụng đối với công dân có hộ khẩu thường trú hoặc đã được Công an cơ sở cấp sổ đăng ký tạm trú. CATP đã xây dựng “Phiếu thu thập thông tin dân cư”, gồm 32 danh mục. Các nội dung thông tin thu thập trong phiếu đều căn cứ và bám sát những văn bản pháp lý của trung ương và TP. Hà Nội. Thứ nhất, đó là Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010, của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quy định 22 danh mục thông tin của công dân cần được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thứ hai, đó là Thông tư số 10/2013/TT-BCA ngày 22/02/2013, của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quy định 22 danh mục thông tin của công dân cần được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tại khoản 2, Điều 5 Thông tư quy định: “Công dân có quyền và có trách nhiệm cung cấp, bổ sung thông tin của bản thân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật”. Thứ ba, đó là Thông tư 81/2011/TT-BCA ngày 15/12/2011, của Bộ Công an quy định về biểu mẫu được sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú. Ban hành kèm theo biểu mẫu: “Bản khai nhân khẩu” gồm 21 danh mục; “Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu” gồm 16 danh mục.
Luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến nhân dân
Cùng với những văn bản pháp lý nêu trên, CATP đang thực hiện dự án đầu tư “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư giai đoạn I trên địa bàn thành phố Hà Nội”, để phục vụ cho việc UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị tiến hành cải cách thủ tục hành chính ở các sở, ban, ngành trong thời gian tới. Dự án đã được Bộ Công an đồng ý tại Công văn số 2007/CV/BCA (E11) ngày 30/10/2006 và UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3106/QĐ-UBND ngày 6/8/2007. Thực hiện Dự án này, trong thời gian qua CATP đã thực hiện “Phiếu điều tra nhân khẩu” với 34 danh mục và đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu dân cư ở 5 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân). Bên cạnh đó, ngày 18/10/2011, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Theo đó, UBND Thành phố giao CATP ” Xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị thuộc Công an Thành phố và Công an các quận, huyện, thị xã thực hiện việc điều tra thông tin và tạo lập dữ liệu điện tử về dân cư trên địa bàn Thành phố”.
Đối chiếu dữ liệu thông tin trong các biểu mẫu được quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BCA ngày 22/02/2013, của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010; Thông tư 81/2011/TT-BCA ngày 15/12/2011, của Bộ Công an quy định về biểu mẫu được sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú và dự án “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư giai đoạn I trên địa bàn thành phố Hà Nội”, CATP Hà Nội nhận thấy có 31/92 danh mục thông tin trùng nhau. Chi tiết “Nhóm máu” (thuộc thông tin số thứ tự 22, trong Phiếu thu thập thông tin – Đặc điểm cá nhân) không được quy định trong các văn bản nêu trên, tuy nhiên thông tin này CATP Hà Nội không bắt buộc công dân phải kê khai (các thông tin bắt buộc kê khai đều được khoanh tròn trong phiếu thu thập thông tin dân cư). Việc thu thập thông tin về nhóm máu đã được các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực thực hiện từ lâu, nhằm mục đích phục vụ công tác nhân đạo trong cứu hộ, cứu nạn (trên thực tế có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, do không xác định được nhóm máu của nạn nhân nên rất khó khăn cho việc cấp cứu nạn nhân)”. Toàn bộ công việc thu thập dữ liệu thông tin dân cư là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục cập nhật của công tác quản lý hành chính; đây không phải là dự án mới. Việc sử dụng dữ liệu này được quản lý theo chế độ “Mật”. Đích nhắm tới của việc thu thập dữ liệu là nhằm giảm phiền hà tối đa cho nhân dân khi có công việc liên quan đến thủ tục hành chính; là cơ sở quan trọng, giúp các cơ quan cải cách hành chính từ gốc, chống tiêu cực, phiền hà cho nhân dân
Mong nhận được sự ủng hộ, góp ý của nhân dân
Video đang HOT
Cùng với sự nghiên cứu kỹ các văn bản pháp lý và quán triệt nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và UBND TP, trước khi thực hiện việc thu thập thông tin dân cư, CATP đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, phường báo cáo, tham mưu cho UBND các cấp để chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với lực lượng Công an trong việc tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ. CATP cũng đã tổ chức cho toàn bộ lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã và lực lượng CS Quản lý hành chính học tập, nâng cao kiến thức tin học trình độ B để có thể sử dụng thành thạo phần mềm, đáp ứng yêu cầu công tác. Cùng với đó, CATP đã tập huấn cho toàn bộ lực lượng Cảnh sát khu vực, quán triệt, yêu cầu lực lượng Cảnh sát khu vực phải trực tiếp xuống từng hộ dân để hướng dẫn, giải thích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa bàn, có đồng chí Cảnh sát khu vực đã có thiếu sót, như không trực tiếp gặp công dân để giải thích, thu thập thông tin; không dùng kèm bản hướng dẫn của CATP để công dân nghiên cứu, kê khai. Một số Cảnh sát khu vực đã giao Tổ trưởng tổ dân phố đưa phiếu thu thập thông tin dân cư cho các hộ, công dân kê khai, dẫn đến một số công dân không hiểu đầy đủ ý nghĩa và yêu cầu của việc cung cấp thông tin.
Để khắc phục những thiếu sót nêu trên, CATP đã tổ chức rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc thực hiện của lực lượng Cảnh sát khu vực. Phóng viên một số cơ quan báo chí sau khi tiếp nhận thông tin chính thức từ CATP đã có nhận xét đúng về việc thu thập dữ liệu thông tin này và cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu, ủng hộ lực lượng Công an thực hiện việc thu thập thông tin dân cư, phục vụ mục đích cao nhất mà CATP đặt ra trong kế hoạch này: phục vụ nhân dân một cách tốt nhất!
Sẽ giảm thời gian chờ đợi của người dân
Việc cấp mới Chứng minh nhân dân theo quy định hiện nay trong vòng 7 ngày, với các yêu cầu đối với người dân: đi lấy phiếu kê khai, xin xác nhận của Công an phường, xã rồi mang lên đội CS QLHC quận, huyện nộp. Hồ sơ này sau đó được chuyển đến Phòng CS QLHC để giải quyết. CATP Hà Nội hiện đã nỗ lực rút ngắn thời gian này, nhưng tối thiểu không sớm trước 3 ngày.
Nếu sau này, khi cơ sở dữ liệu thông tin người dân có đủ và được cập nhật trong máy tính kết nối, thì người dân chắc chắn sẽ giảm được thời gian và các thủ tục, công đoạn đi lấy phiếu, xác nhận và đi nộp. Tôi cho rằng, chỉ 2 ngày là xong.
(Đại tá Đỗ Đức Quang – Trưởng phòng CS QLHC về TTXH CATP Hà Nội)
Theo ANTD
Nếu ai cũng sợ, thì ai chống tham nhũng?
Người đã từng làm nóng trang nhất hàng loạt các tờ báo ra hàng ngày sau phát biểu thẳng thắn, chỉ mặt tham nhũng, lãng phí trên nghị trường Quốc hội. Người đã từng được báo chí gọi là đại biểu có "500 tin nhắn bất thường" chỉ vì "nhảy" vào chống tham nhũng. Bị nhắn tin "cảnh báo", thậm chí là đe đọa nhưng vẫn sẵn sàng tuyên chiến với tham nhũng.
Minh họa Internet
Ông là Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và thật bất ngờ, ông lại là một người yêu thơ, có nhiều bài thơ tự sự, nhân tình thế thái. Báo An ninh Thủ đô cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với vị đại biểu Quốc hội bận rộn này.
- Thưa Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, ông có thể cho biết một ngày làm việc bình thường của một Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) như thế nào không?
- Tôi thường đến trước giờ làm việc 30 phút để lướt qua tình hình thông tin trong ngày. Với một ĐBQH thì việc tiếp nhận thông tin là cực kỳ cần thiết. Thông tin giúp tôi xử lý công việc tốt hơn. Và lúc kết thúc công việc của tôi thường không có giờ giấc, bao giờ xong công việc, hoặc thấy muộn quá thì về, chứ tôi không đặt ra thời gian mấy giờ thì phải về. Tôi quan niệm phải đặt hiệu quả công việc lên đầu tiên.
- Vừa giải quyết công việc của một đại biểu chuyên trách lại vừa làm tròn vai trò của một đại biểu của dân, ông vẫn có thời gian làm thơ, tôi thấy phòng làm việc của ông có Bằng khen về thơ, lại thấy ông vẫn thỉnh thoảng có thơ đăng báo?
- Cuộc sống của một con người, hay một ĐBQH thì cũng có nhiều màu sắc. Thật ra thơ là khoảng lặng để mình chiêm nghiệm về cuộc đời, nhân tình thế thái.
- Tôi không biết cảm xúc của một người làm thơ và sự rung động của một vị ĐBQH trước nhân dân có gì khác nhau không?
- Những người làm thơ, làm nghệ thuật là những người dễ cảm xúc, dễ rung động. Và khi những người ấy làm ĐBQH thì tôi nghĩ là chắc sẽ dễ đồng cảm, dễ chia sẻ với những người dân. Có lẽ vì thế mà tôi cũng dễ rung động trước người dân và cũng mang được tiếng nói của người dân đến diễn đàn Quốc hội nhiều hơn.
- Vâng tất nhiên rồi, ĐBQH là những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Dư luận nhân dân đang rất bức xúc về câu chuyện "giá điện được tính cộng cả giá xây dựng biệt thự, bể bơi, tenis" sau khi Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận về việc đầu tư ngoài ngành của EVN. Là một ĐBQH, ông có bình luận gì về thông tin này không?
- Là một ĐBQH, tôi cũng đã từng nói đến việc nhiều tập đoàn trong thời gian vừa qua đầu tư ngoài ngành với số lượng khá lớn, không phải chỉ một Tập đoàn EVN mà còn nhiều tập đoàn khác. Điện lực thì đầu tư cả bưu chính viễn thông, dầu khí thì đầu tư cả khách sạn nhà hàng, nhiều tập đoàn, tổng công ty còn mang tiền rót vào chứng khoán, BĐS. Rõ ràng việc đầu tư ngoài ngành tạo ra sự dàn trải vốn, đầu tư rất nhiều mà lỗ cũng rất nhiều. EVN đang giải trình là không có chuyện tính giá điện cộng cả giá xây dựng bể bơi, sân tenis. Nhưng nếu có thì đó là điều phi lý, người dân không thể gánh cho các dịch vụ vui chơi, giải trí của anh được.
- Dư luận cho rằng đã có rất nhiều cuộc thanh tra, đã có nhiều kết luận được đưa ra, nhưng sau đó những vụ tham nhũng lại êm xuôi, chẳng mấy ai phải chịu trách nhiệm về những thất thoát, theo ông lý do vì sao?
- Có lần trong một phiên họp của UBTVQH chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, tôi đã đặt câu hỏi trong những năm qua chúng ta đã thanh tra trên 64.000 vụ của các cấp các ngành, nhưng chúng ta chỉ chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6% các vụ thì đó có phải là chúng ta đã hành chính hóa các vụ án liên quan đến tham nhũng không hay là trong quá trình phòng chống tham nhũng có ai "nắn dòng bẻ ghi" làm chuyển hướng thanh tra không hay do trình độ non kém và trách nhiệm còn chưa đến nơi đến chốn của các cơ quan phòng chống tham nhũng. Đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có thừa nhận những bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng cho rằng khuyết điểm lớn nhất là cán bộ vừa thiếu vừa chưa đủ năng lực.
- Ông có hài lòng với câu trả lời đó không?
- Tôi cho đó cũng là nguyên nhân song chưa phải là nguyên nhân chính mà nguyên nhân chính là sự thiếu kiên quyết, không nghiêm trị đối với những đối tượng tham nhũng và cũng có thể còn "cái gì đó" trong cơ quan phòng chống tham nhũng.
- "Cái gì đó" là gì, ông có thể nói rõ hơn được không, thưa ông?
- "Cái gì đó" thì cũng đã được đồng chí Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi trong phiên họp Thường vụ vừa rồi. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi: "Liệu có tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng không, có tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật không?". Câu hỏi cũng đã treo lơ lửng để các cơ quan phòng chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật trả lời.
- Ông cũng đã từng làm "nóng" các trang báo sau phát biểu về tham nhũng lãng phí tại nghị trường Quốc hội. Và không chỉ có ông, nhiều ĐBQH cũng lên tiếng về tình trạng tham nhũng đang rất nhức nhối ở nhiều cấp ngành. Từ tham nhũng tiền tỷ cho đến những tham nhũng vặt, song dường như sau đó mọi chuyện lại rơi vào im lặng? Có phải là bộ máy phòng chống tham nhũng của chúng ta chưa đủ mạnh?
- Không phải là nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, mà kể cả nhiệm kỳ Quốc hội trước, tôi cũng đã theo đuổi hai vấn đề lớn là tham nhũng, lãng phí. Tôi cho rằng vấn đề chính không phải là thiếu pháp luật, thiếu bộ máy. Chúng ta có bộ máy phòng chống tham nhũng hoàn thiện từ Trung ương tới địa phương. Luật, Nghị quyết của Quốc hội về phòng chống tham nhũng đều có đầy đủ cả. Nhưng kết quả chống tham nhũng vẫn chưa được bao nhiêu. Không chống được tham nhũng là do khâu thực hiện các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng không nghiêm.
- Thực hiện các văn bản pháp luật phòng chống tham nhũng không nghiêm nên luật quy định trách nhiệm người đứng đầu, nhưng thực tế chưa thấy người đứng đầu nào chịu trách nhiệm? Theo ông đây có phải là nguyên nhân dẫn đến việc các vụ tham nhũng không bị phanh phui?
- Thực tế thì chưa thấy có người đứng đầu nào tự phanh phui tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình và cũng không thấy người đứng đầu nào chịu trách nhiệm. Chính quy định này cũng làm cho người đứng đầu "né" theo hướng khác. Thôi thì che kín, đậy điệm nếu có tham nhũng thì "êm ái", xử lý hành chính, xử lý nội bộ. Nếu phanh phui ra thì có khi chính người đứng đầu cũng có trách nhiệm liên đới. Thế nên công tác tham nhũng chúng ta hô hào rất mạnh, rất quyết liệt, bày binh bố trận rất bài bản, hình thành bộ máy, các điều kiện đảm bảo đều có cả, quyết tâm chính trị cũng rõ rồi nhưng mà cho đến nay như một ĐBQH đã nói trên diễn đàn Quốc hội là "Chúng ta bài binh bố trận rất ghê nhưng chưa "sát thương" được giặc tham nhũng nào".
Nếu còn buông lỏng, nể nang, né tránh, thậm chí không tuân thủ pháp luật trong công tác phòng chống tham nhũng thì không thể đẩy lùi tham nhũng. Đồng chí Tổng Bí thư đã từng nói: "Bắt trúng bệnh rồi nhưng có chịu uống thuốc không, uống có đủ liều không".
- Vậy theo ông để chống tham nhũng hiệu quả cần "liều thuốc" đặc trị nào?
- Trước hết với các vụ tham nhũng đã rõ, đã điều tra, đã có kết luận thì phải công bố công khai minh bạch, phải xử lý nghiêm minh, tội danh đến đâu thì xử đến đó. Cần công khai hiện nay có bao nhiêu vụ tham nhũng đã điều tra, lộ trình xử lý như thế nào, đã xử thì công bố ra sao. Muốn biết tham nhũng thế nào thì phải minh bạch việc kê khai tài sản. Kê khai mà không công khai thì cũng bằng không. Kê khai tài sản xong lại để trong tủ của một số người có trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cán bộ và các cơ quan Đảng và khóa lại thì không có tính răn đe. Tiếp nữa là việc can thiệp của các cơ quan Nhà nước vào các vụ tham nhũng khá nhiều. Tôi cũng được một số đồng chí các cơ quan bảo vệ pháp luật cho biết cứ hễ có vụ án tham nhũng thì có rất nhiều người điện thoại, công văn thư từ, hoặc trực tiếp đến gặp như một sự bảo lãnh. Bên cạnh đó muốn chống tham nhũng thì phải phòng tham nhũng. Phòng tham nhũng thì phải ra những văn bản pháp luật chặt chẽ để các đối tượng cơ hội không thể lợi dụng những kẽ hở của pháp luật lách luật tham nhũng, lãng phí.
- Ông cũng từng nhận "500 tin nhắn bất thường" sau những phát biểu về phòng chống tham nhũng? Ông có ngại lên tiếng, sợ liên lụy đến bản thân mình và những người thân của mình?
- Tôi vẫn lên tiếng bình thường. Vì tôi không lên tiếng vì quyền lợi cá nhân tôi, mà tôi lên tiếng vì đất nước, vì xã hội, mong rằng đất nước, xã hội sẽ tốt đẹp hơn lên. Vì sự trong sạch lành mạnh của môi trường xã hội, môi trường đất nước, tôi nêu các hiện tượng để các cơ quan chức năng vào cuộc. Trước nay chúng ta vẫn hiểu môi trường theo nghĩa hẹp, nhưng nếu nhìn rộng ra môi trường sống của chúng ta bị vẩn đục bởi tham nhũng, lãng phí thì người dân không thể có chất lượng cuộc sống tốt được.
- Những người chống tham nhũng thường thua thiệt, thực tế đã chứng minh điều đó, khiến cho nhiều người mất niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng?
- Đáng tiếc lại đúng là như vậy. Người tố cáo phòng chống tham nhũng là những người rất dũng cảm nhưng đôi khi lại bị trù úm, bị đưa ra khỏi biên chế, bị cắt lương, cắt thưởng, còn những người bị tố cáo tham nhũng lại lên chức, lên quan. Những kẻ tham nhũng cũng không ngại đưa ra những hành vi thâm độc và hèn hạ. Nhất là khi họ có quyền có chức trong tay thì làm việc đó lại càng dễ. Pháp luật chúng ta cũng phải tập trung bảo vệ những người tố cáo, những người đấu tranh chống tham nhũng. Nếu chúng ta không bảo vệ được những người dũng cảm tố cáo làm sao người chống tham nhũng còn niềm tin để chống tham nhũng. Phải có người chia sẻ, đồng cảm, cộng hưởng với họ, chứ bây giờ người chống tham nhũng càng ngày càng đơn độc vì thấy không còn ai đứng cùng đường với mình.
- Tôi nghĩ đó là điều đáng sợ đối với một đất nước khi mà người dân mất niềm tin?
- Thật đáng sợ nếu không còn lửa để chống tham nhũng. Đánh giặc mà không có người đánh thì không bao giờ chúng ta diệt được giặc tham nhũng.
- Một kỳ họp Quốc hội nữa sắp diễn ra, ông vẫn tiếp tục theo đuổi công cuộc phòng chống tham nhũng chứ?
- Tôi cũng tin rằng ngoài những kẻ xấu, những kẻ tham nhũng thì còn rất nhiều người tốt. Chúng ta cũng có cả cơ chế đồng hành chống tham nhũng, nên không việc gì phải sợ hãi. Nếu ai cũng sợ hãi, thì ai chống tham nhũng?
- Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Đinh Hương Bình (Thực hiện)
Theo ANTD
Giúp người dân bớt khó khăn Việc xa trung tâm, luôn mất nhiều thời gian đi lại để giải quyết các thủ tục hành chính giờ không còn là nỗi lo đối với người dân ở 5 xã phía nam huyện Hoài Đức. Kể từ khi kế hoạch tiếp nhận, giải quyết hộ khẩu được CAH thực hiện tại Đồn Công an số 7, người dân không còn phải...