Cải cách chính sách BHXH: Bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân
Năm 2018, một trong những sự kiện nổi bật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) được ghi dấu khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.
Năm 2019, từng cán bộ cơ quan BHXH cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, những định hướng cải cách chính sách tại Nghị quyết hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều bứt phá trong năm 2019 và quyền lợi của người tham gia BHXH ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
Xin Phó Tổng Giám đốc cho biết, Nghị quyết số 28-NQ/TW sẽ tạo ra những đột phá gì cho lĩnh vực BHXH thời gian tới? Đặc biệt với các quyền lợi người lao động có thể được hưởng?
- Ngay khi vừa ban hành, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá là có những nội dung cải cách chính sách BHXH tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO.
Với việc hoàn thiện chính sách BHXH theo định hướng cải cách tại Nghị quyết 28, chúng ta tin tưởng rằng sẽ tạo ra những đột phá mới, quyền lợi của người tham gia BHXH sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn, cụ thể:
Một là, cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào đến các yếu tố đầu ra. Đó là việc hoàn thành tỷ lệ bao phủ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi (35% năm 2021; 45% năm 2025; 60% năm 2030) và số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu (45%; 55%; 60%).
Hai là, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức – đây là khoảng trống vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Ví dụ: Mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Ba là, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến chính sách mà còn chú trọng cả đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% năm 2021; 85% năm 2025 và 90% năm 2030.
Bốn là, lần đầu tiên, chúng ta coi phạm vi BHXH không chỉ bao gồm những quan hệ đóng hưởng trực tiếp vào quỹ BHXH mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng hưởng gián tiếp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, hệ thống BHXH đa tầng, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hàng tháng. Bên cạnh đó, Nhà nước còn có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn, điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều này cho thấy Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo đảm an sinh cho người dân thông qua việc hướng tới tất cả người hết tuổi lao động trong xã hội đều có lương hưu.
Năm là, linh hoạt điều kiện tham gia BHXH để hưởng chế độ. Trước đây, chúng ta khẳng định tối thiểu phải 20 năm đóng BHXH, người lao động mới có cơ hội được hưởng lương hưu. Chính quy định thời gian dài như vậy dẫn đến rất nhiều lao động khu vực trí thức, nông dân khó có điều kiện tham gia để được hưởng lương hưu. Lần này Trung ương đã đưa ra chủ trương rất lớn sẽ có lộ trình giảm dần từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí tiến tới còn 10 năm để bảo đảm người dân có lương hưu để bảo đảm cuộc sống tuổi già.
Với những yêu cầu mà Nghị quyết 28 đặt ra, đâu là những thuận lợi và thách thức với ngành BHXH trong các năm tiếp theo, thưa ông?
Video đang HOT
- Nghị quyết 28 với 11 nội dung cải cách, là định hướng toàn diện cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật BHXH và 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm từng bước đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn. Đây là những thuận lợi hết sức cơ bản cho việc hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, những mục tiêu phát triển đã được quán triệt thực hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW như: Mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt bao phủ 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; với BH thất nghiệp phải đạt 28%, 35%; 45% lực lượng lao động tương ứng đến các năm 2021, 2025, 2030. Đây là những thách thức vô cùng lớn khi mà việc khai thác, mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH của chúng ta còn rất nhiều khó khăn.
Bởi trong bối cảnh hiện nay thì số người tham gia BHXH hàng năm tuy có tăng nhưng tương ứng với đó là số người rút khỏi hệ thống (hưởng trợ cấp BHXH một lần) cũng không hề nhỏ. Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng BHXH tại khu vực tham gia BHXH bắt buộc vẫn còn và chưa được giải quyết triệt để. Đáng chú ý, chính sách BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ đóng còn rất thấp, thời gian tham gia dài nên chưa thực sự hấp dẫn,…
Vậy trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ có những định hướng quan trọng nào để ngành phát triển vững mạnh hơn, quyền lợi người tham gia BHXH đảm bảo hơn, thưa ông?
- Năm mới 2019 hứa hẹn với nhiều khó khăn và thách thức mới, BHXH Việt Nam xác định đây là năm bản lề để triển khai các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết 28, trong đó đặc biệt quan tâm việc hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Vì vậy, ngành sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phát triển vững chắc hệ thống BHXH, (BHYT), bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, cụ thể như:
Xác định cụ thể nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phát huy hiệu quả vai trò tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương với phát triển BHXH, BHYT. Đặc biệt, tích cực tham mưu để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển BHXH nhất là triển khai các nhóm giải pháp thực hiện được quán triệt tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương 7 về cải cách chính sách BHXH phù hợp với thực tế tại địa bàn. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; giao chỉ tiêu và lộ trình tăng số người tham gia BHXH với từng địa bàn quận, huyện, thị xã.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông tiếp tục phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT phù hợp với tình hình mới. Hướng tới mục tiêu an sinh bền vững, cần truyền thông để người lao động nhận thức rõ lợi ích của việc tham gia BHXH dài lâu, hạn chế BHXH một lần. Truyền thông phải đi trước một bước, tác động bền bỉ dài lâu, tập trung làm rõ quyền lợi, trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật, vì sức khỏe, cuộc sống của bản thân, gia đình và người lao động, an sinh xã hội để các đối tượng hiểu, biết, tự giác chấp hành.
Song song với việc thực hiện công tác mang tính thường xuyên, thu đúng, thu đủ, thanh, kiểm tra, giảm nợ đọng thì từng cán bộ cơ quan BHXH cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân. Phải nhận thức rõ, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nhưng yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định. Do vậy, quá trình giải quyết thủ tục hành chính cần có sự linh hoạt, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, từng bước, từng ngày tạo và nâng cao niềm tin về cơ quan BHXH cũng như chính sách, pháp luật BHXH của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Xin cảm ơn ông!
“Công tác truyền thông tiếp tục phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT phù hợp với tình hình mới. Hướng tới mục tiêu an sinh bền vững, cần truyền thông để người lao động nhận thức rõ lợi ích của việc tham gia BHXH dài lâu, hạn chế BHXH một lần. Truyền thông phải đi trước một bước, tác động bền bỉ dài lâu, tập trung làm rõ quyền lợi, trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật, vì sức khỏe, cuộc sống của bản thân, gia đình và người lao động, an sinh xã hội để các đối tượng hiểu, biết, tự giác chấp hành”.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Theo SGGP
Minh Anh
Thay đổi chính sách BHYT, BHXH: Triệu người hưởng lợi
Với chính sách điều chỉnh lương hưu mới, lao động nữ không chỉ được bù đắp thiệt thòi khi phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới mà còn an tâm hơn về tương lai
Từ tháng 12-2018, nhiều quy định mới liên quan tới chính sách BHXH, BHYT, tiền lương... bắt đầu có hiệu lực. Đặc biệt, hơn 82 triệu chủ thẻ BHYT sẽ được nới quyền lợi trong quá trình khám chữa bệnh. Những thay đổi mới trong chính sách BHYT được kỳ vọng thu hút thêm nhiều người tham gia, mở rộng diện bao phủ BHYT hiện đã ở mức gần 88% dân số.
Hàng loạt thay đổi
Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, kể từ tháng 12, nhiều chính sách theo hướng có lợi cho hơn 82 triệu người tham gia BHYT được quy định trong Nghị định 146/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Nghị định 146 bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHYT như: dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến, thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975... được ngân sách nhà nước đóng 100% phí mua thẻ BHYT. Cùng với đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng, trong đó có nhóm thuộc hộ nghèo ở nơi thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản. Quy định này nhằm bảo đảm tính công bằng trong thực hiện chế độ chính sách ưu đãi xã hội, không bỏ sót đối tượng tham gia BHYT và góp phần tăng nhanh tỉ lệ bao phủ BHYT.
Để tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, Nghị định 146 cũng điều chỉnh quy định bằng việc không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm. Cùng với đó, thực hiện giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia trong năm tài chính. Người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã được hưởng quyền lợi theo quy định.
Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, đi lại khó khăn được khám chữa bệnh gần chỗ cư trú. Nghị định 146 sẽ thanh toán trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Theo đó, bệnh nhân có thể được cơ sở khám chữa bệnh đang điều trị gửi mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân tới nơi khác mà vẫn được thanh toán BHYT, sau đó có thể quay lại điều trị.
Điểm mới tại Nghị định 146 là người bệnh BHYT đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn vẫn sẽ được thanh toán kéo dài thêm 15 ngày. Cụ thể, trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ khi thẻ hết hạn. Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài ra, người có thẻ BHYT tự đến bệnh viện nhưng không đúng tuyến, sau đó được bệnh viện này chuyển sang bệnh viện khác thì BHYT vẫn thanh toán theo hình thức trái tuyến. Riêng với các trường hợp cấp cứu đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh, tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh... sẽ được BHYT thanh toán đầy đủ.
Theo ông Khảm, tại tuyến xã trước đây có tình trạng khống chế tỉ lệ quỹ được dùng ở đó. Tuy nhiên, quy định này hiện đã bãi bỏ. Vì vậy, người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã khi có nhu cầu sẽ được các bác sĩ khám, chẩn đoán, kê đơn điều trị theo đúng phạm vi chuyên môn, tình trạng bệnh tật với danh mục thuốc và kỹ thuật được mở rộng. Hợp đồng khám chữa bệnh BHYT cũng được nâng thời hạn lên tới 36 tháng, thay vì 12 tháng như trước đây.
Người dân khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lao động người nước ngoài chưa phải đóng BHXH bắt buộc
Không chỉ nới quyền lợi, gỡ bỏ rào cản trong việc khám chữa bệnh BHYT, nhiều quy định mới về tiền lương hưu cho lao động nữ (LĐN), người nước ngoài đóng BHXH cũng là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 12-2018.
Theo bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP về BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng có hiệu lực từ ngày 1-12. Từ ngày 1-12-2018 đến 31-12-2021, NLĐ là công dân nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam chưa phải đóng BHXH bắt buộc.
Từ ngày 1-1-2022, NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có trách nhiệm đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đối tượng đóng là NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp, Nghị định 143 quy định lùi thời gian đến năm 2022 mới thực hiện 2 chế độ dài hạn. "Để hỗ trợ lao động nước ngoài tham gia BHXH, hiện nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với BHXH Việt Nam tiến hành đàm phán các hiệp định song phương về BHXH thế hệ mới, do các hiệp định thế hệ cũ chủ yếu là xử lý tránh đóng trùng BHXH. BHXH Việt Nam đã kết thúc đàm phán lần 4 về Hiệp định song phương BHXH với Hàn Quốc - một trong những nước có rất nhiều lao động làm việc tại Việt Nam và cũng là nơi có nhiều lao động Việt Nam làm việc. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đang tiến hành các bước cần thiết để đàm phán hiệp định song phương về BHXH với Nhật, Đức" - ông Ánh thông tin.
Giải tỏa lo lắng cho lao động nữ
Nghị định 153/2018 có hiệu lực từ ngày 24-12 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với LĐN bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến 2021, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.
Cụ thể, mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật BHXH 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỉ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu. Nếu nghỉ hưu năm 2018, tỉ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH. Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỉ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.
Theo bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), Chính phủ sớm ban hành Nghị định 153/2018 điều chỉnh lương hưu cho LĐN đã giải tỏa được lo lắng cho gần 100.000 LĐN. Với chính sách điều chỉnh lương hưu mới, LĐN không chỉ được bù đắp thiệt thòi khi phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới mà còn an tâm hơn về tương lai.
Theo BHXH Việt Nam, số LĐN bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 và số người có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng 91.000, gồm 20.500 người nghỉ hưu vào năm 2018, 22.000 người vào năm 2019, 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.
Quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ
Nghị định 148/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP) quy định tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ trong ngày nghỉ hằng năm, ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương có hiệu lực từ ngày 15-12. Cụ thể, trong các ngày nghỉ nêu trên, tiền lương được tính như sau: Tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày NLĐ nghỉ.
Theo Nghị định 05/2015, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề.
VĨNH TÙNG - NGỌC DUNG
Theo NLD
Tăng cường kiểm tra, nợ bảo hiểm xã hội giảm mạnh Tính đến hết tháng 8.2018, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) toàn quốc chỉ ở mức 3,3%, giảm 30% so với cùng kỳ 2017. Theo ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, có được kết quả khả quan đó là nhờ nỗ lực lớn của ngành BHXH, trong đó có giải...