“Cái bóng” Trung Quốc bao phủ chuyến công du châu Á của ông Obama
Thứ Tư này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến công du một loạt quốc gia đồng minh châu Á để củng cố chiến lược “xoay trục”. Dù sẽ không đặt chân tới Bắc Kinh, nhưng “cái bóng” Trung Quốc vẫn sẽ bao phủ những nơi ông chủ Nhà Trắng đặt chân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Obama
Chính sách Trung Quốc của Mỹ 2 thập niên qua vẫn dựa trên mục tiêu đưa “gã khổng lồ” mới nổi vào hệ thống quốc tế, trong khi tránh tạo ra một cuộc đụng độ địa chính trị truyền thống giữa một cường quốc đã có danh tiếng và một thế lực mới nổi.
Vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực giờ là điều không thể phủ nhận, nhờ nền kinh tế đang tăng trưởng và ảnh hưởng quân sự ngày một lớn, và nó khiến các nước láng giềng của Bắc Kinh lo lắng, phải trông cậy vào Washington như một đối trọng.
Trung Quốc sẽ là “chủ đề bao trùm khắp chuyến công du này”, Christopher Johnson, một cựu nhà phân tích về Trung Quốc của CIA, người hiện làm việc cho Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế khẳng định.
“Điều mà cả Bắc Kinh và chúng tôi, những người theo dõi sát sao chuyến đi…đó là Tổng thống sẽ nói từ Trung Quốc thường xuyên ra sao”.
Ông Obama sẽ tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines để xoa dịu các đồng minh về những bất ổn quanh chính sách ngoại giao và quân sự “tái cân bằng” sang châu Á – giữa lúc Washington còn đang bận rộn với các cuộc khủng hoảng ở những nơi khác, trong đó có Ukraine.
Video đang HOT
Dù vậy, đồng thời ông Obama cũng phải lựa chọn ngôn từ sao cho không làm gia tăng những nghi ngại tại Bắc Kinh rằng, mục tiêu của sự tái cân bằng này là kiềm chế Trung Quốc.
Đây sẽ là chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Obama kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông hồi năm ngoái, vốn làm gia tăng những tranh cãi về lãnh thổ và hàng hải âm ỉ bấy lâu.
Washington đã tuyên bố động thái này là “phi pháp”, và phớt lờ bằng cách điều máy bay bay qua. Dù vậy sự việc vẫn khiến giới chức Washington không khỏi lo ngại về ý đồ quân sự thực sự của Trung Quốc.
Nhưng từ đó đến nay cả hai bên vẫn tiếp tục đối thoại.
Ông Obama đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Hà Lan cách đây vài tuần, sau cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức tại California hồi năm ngoái.
Giới chức Mỹ đánh giá cao phong thái ngoại giao của ông Tập, vốn được xem là ít gò bó hơn người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama mới đây cũng đã được chào đón nồng ấm tại Trung Quốc. Còn ông Obama sẽ có chuyến công du tới Bắc Kinh để dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 này.
Washington phần nào đẹp lòng trước quyết định bỏ phiếu trắng của Trung Quốc, thay vì phủ quyết một nghị quyết của Liên hợp quốc, lên án cuộc trưng cầu dân ý của Nga tại Crimea hồi tháng trước.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là tất cả đều đang xuôi chèo mát mái, mà bằng chứng mới nhất là những trao đổi không mấy êm ái giữa Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Thường Vạn Toàn về Nhật Bản, và các vấn đề lãnh thổ mới đây.
Bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama cho biết ông sẽ khẳng định rõ ràng rằng, những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực phải được giải quyết “không phải thông qua ép buộc, không phải bằng cách đe dọa, không bằng bất kỳ biện pháp nào khác ngoài ngoại giao hòa bình trên cơ sở luật pháp…cụ thể là luật biển”.
Jeff Bader, người từng phụ trách chính sách Đông Á của ông Obama trong nhiệm kỳ đầu khẳng định, vị Tổng thống đang đối diện với thách thức phải cân bằng với Bắc Kinh ngay bên trong chính sách tái cân bằng của mình.
“Thông điệp cho Trung Quốc sẽ là Mỹ sẽ lưu lại châu Á Thái Bình Dương, rằng Mỹ mong muốn các chuẩn mực quốc tế được tôn trọng, và các quốc gia không thể bị bắt nạt, và rằng Mỹ đã phát triển và sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác với Bắc Kinh”, Bader, người hiện làm việc cho viện Brookings nói.
Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ soi xét từng câu chữ của ông Obama.
Hồi tháng 2 vừa qua, bình luận của một quan chức cấp cao Bộ ngoại giao Mỹ rằng Trung Quốc tạo ra “sự bất ổn, mất an ninh và bất trắc” trong khu vực đã khiến Bắc Kinh nổi giận, và mở cuộc tranh luật về việc liệu Washington có đang thực thi một chính sách hiếu chiến hơn hay không.
Hiện có những bàn luận tại Washington rằng Trung Quốc có lẽ đã hành động quá tay với các nước láng giềng, và việc này đã lặp lại một sự khơi mào mà ông Obama từng khai thác trong nhiệm kỳ trước để triển khai một cuộc tấn công ngoại giao.
Ứng xử của Bắc Kinh trong vụ một máy bay của Malaysia biến mất, những nỗ lực phát triển quân sự của nước này, và vùng phòng không có thể khiến khán giả của ông Obama càng dễ lắng nghe hơn.
Người Mỹ “muốn tranh thủ thực tế rằng Trung Quốc đang tự làm mình mất điểm trên khắp khu vực”, Douglas Paal, đến từ quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế khẳng định.
Quan hệ kinh tế Mỹ – Trung cũng không phải không có vấn đề lớn, nhưng tuần trước Bộ tài chính Mỹ đã tuyên bố Bắc Kinh không phải kẻ thao túng tiền tệ – cho dù Washington muốn đồng nhân dân tệ tăng giá thêm nữa.
Những tranh chấp thương mại cũng là một vấn đề nữa. Thêm vào đó còn có việc cả hai bên đều đang khó chịu trước những cáo buộc tội phạm mạng Trung Quốc đột nhập vào các mạng máy tính quân sự và doanh nghiệp của Mỹ.
Vậy chuyến công du của ông Obama sẽ ảnh hưởng ra sao tới Bắc Kinh?
Giáo sư Shen Dingli đến từ đại học Fudan cho biết Trung Quốc sẽ khá thoải mái vì biết rằng, dù gì quan hệ Trung – Mỹ cũng quan trọng hơn quan hệ giữa Mỹ với Nhật hay Hàn Quốc. Trung Quốc cũng muốn ông Obama nói với thủ tướng Nhật Shinzo Abe rằng việc ghi ơn những tội phạm chiến tranh bằng các chuyến thăm tới đền Thế chiến II là không thể chấp nhận được.
Jia Qingguo, trưởng khoa quốc tế đại học Peking thì cho rằng việc Mỹ dồn sự quan tâm sang châu Á là phù hợp, khi khu vực này ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn và giàu có hơn.
“Nhưng tất nhiên, có những người tại Trung Quốc và cả các nước khác lo ngại về ý định của họ. Điều này cũng tự nhiên. Bởi Mỹ là một nước lớn”.
Theo Dantri