Cái “bệnh” nói xấu mẹ chồng
Dường như, nói xấu mẹ chồng từ lâu đã trở thành đề tài vô cùng phong phú đối với các cuộc gặp gỡ của các nàng dâu. Đó là những câu chuyện, những tình huống “độc đáo” mà các cô con dâu luôn cho rằng mình đúng và mẹ chồng ắt hẳn là khó tính, lạc hậu và vô lý.
Tụ họp nói xấu mẹ chồng trong quán cafe
Cứ mỗi lần gặp nhau uống café, “hội” buôn chuyện nhà chồng của chị Ngân (Đào Tấn) lại bắt đầu tụ họp để “tám”. Thành viên của hội là các chị đã lập gia đình, người làm văn phòng, người buôn bán, người là giáo viên… chừng khoảng 7-8 nàng dâu thời hiện đại. Gặp nhau gọi đồ uống rồi câu trước câu sau là các chị lại xoay quanh chủ đề chính: nỗi uất ức ở nhà chồng. Lúc đầu là chuyện về ông chồng yêu quý ngày càng hư hỏng, ngày đêm nhậu nhẹt với bạn bè hay tự nhiên trở trời lại khó tính. Từ chuyện của chồng, các chị chuyển sang đề tài mẹ chồng. Như bắt đúng mạch, vô số những câu chuyện về mẹ chồng được kể rành rọt kèm theo lời bàn luận sôi nổi cả một góc quán.
Mở đầu đề tài, chị Ngân “kể lể” chuyện ấm ức của mình mà theo chị là bị oan 100%. Chị lấy chồng được hơn 3 năm, đến năm vừa rồi, chữa chạy mãi cuối cùng chị cũng có em bé. Thời gian chị chưa có bầu, bà sốt ruột giục mãi rồi cứ nói bóng nói gió “chắc hồi trẻ thế nào nên giờ mới không sinh được nữa”. Rồi đến ngày chị sinh em bé, bà cũng thấy mình lố lời nên quan tâm tới chị hơn. Nhưng chỉ được đúng một tháng, chị lại bị bà suốt ngày cằn nhằn là làm mẹ mà vụng về, không biết nuôi con.
Chị tắm cho con, cho con bú hay bế ru con ngủ, bà lúc nào cũng kè kè ở bên cạnh “giám sát” rồi chê chị làm không đúng, không tốt cho em bé. Chị ấm ức, cãi lại vì dù làm mẹ lần đầu nhưng chị cũng đã học hỏi kinh nghiệm chứ không phải “vụng” như mẹ chồng nói. Mẹ chồng thấy con dâu cãi mình thì quy cho con dâu tội “hỗn”. Chồng đi làm về, chị vẫn đang trên phòng thì nghe mẹ chồng thêm bớt kể tội mình dưới nhà, không chịu để cho mẹ chồng “làm mưa làm gió” chị chạy xuống, cãi tay đôi với bà khiến chồng bực mình, tát cho chị cái như trời giáng vì dám “láo” với mẹ. Gần tuần nay, chị không thèm nói chuyện với ai trong nhà vì cho rằng mẹ chồng là người sai chứ không phải chị.
Không biết thực hư câu chuyện của chị Ngân tới đâu, chị có “thêm bớt” hay không mà tất cả thành viên trong hội đều gật gù: “Đúng là mày bị ăn đòn oan vì bà mẹ chồng rồi, cứ chiến tranh lạnh tới khi nào chồng mày chịu xin lỗi mới thôi”.
Rồi câu chuyện khác lại đua nhau được “liệt kê” trong trạng thái vô cùng bức xúc. Nào là mẹ chồng không đồng ý đặt tên cháu giống như bố mẹ cháu đặt, không thích cho con dâu về nhà ngoại chơi, tính toán chi ly khi mua bánh kẹo cho con trẻ, mẹ chồng thấy con dâu mặc đẹp thì soi mói, bóng gió… Những câu chuyện sôi nổi ấy kéo dài vài tiếng đồng hồ là chuyện thường tình. Không hiểu khi xả stress bằng cách than phiền về mẹ chồng như vậy có giúp những nàng dâu ấy thoải mái hơn hay không, nhưng chắc chắn một điều rằng, mối quan hệ mẹ chổng – nàng dâu của họ sẽ ngày càng tệ hơn bởi mâu thuẫn không được giải quyết mà chỉ phức tạp hơn.
Video đang HOT
Nói xấu mẹ chồng nơi công sở
Cứ nghĩ các nàng dâu “trí thức” sẽ khôn khéo trong cách ứng xử, được lòng mẹ chồng nhưng không ngờ, chính trong các văn phòng, công sở, các trường học, chuyện về “người mẹ của anh ấy” cũng rầm rộ không khác gì ngoài hàng, ngoài chợ.
Giờ ra chơi của một trường tiểu học quận Ba Đình. Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, vừa bước chân xuống phòng hội đồng, để cặp sách trên bàn, chị Hoa (cô giáo dạy lớp hai) đã cất giọng đầy tức tối: “Thế có chết không chứ, ai đời bà mẹ chồng nhà quê của tôi lại nấu cháo cua đồng cho thằng con hơn một tuổi của tôi ăn. Mà cua bà làm sao tanh thế chứ. Tôi ngửi đã thấy khó chịu hỏi sao thằng con tôi nó ăn cho được. Bảo bà thì bà tự ái, đổ ngay đi. Nói thật, thấy bà đổ đi, tôi lại mừng vì thằng con được an toàn. Nhưng chỉ tức là bà lúc nào cũng bảo thủ, cho rằng mình đúng mà không biết tiếp thu. Rõ ràng là ở nhà quê ra thành phố mà cứ như là mình cái gì cũng biết”.
Chị Hoa chưa dứt lời thì chị Bình (Thành Công) cũng tiếp luôn: “Chẳng khác gì bà nội của thằng Tèo cả. Mình vừa ra hiệu gội đầu, ở nhà bà ra chợ mua lươn về nấu cháo cho thằng cu. Thường ngày nấu cháo lươn không sao nhưng nó đang ậm ạch cái bụng suốt mấy hôm nay, thế mà bà lại đi nấu cháo lươn cho nó. Đã bảo bà là nên kiêng đồ tanh cho nó nhưng bà không nghe, lại lấy cái lý ngày xưa nấu mãi cho mấy đứa con mà có sao đâu. Chán lắm mà không “cải tạo” bà già ấy được”.
Là người có thâm niên làm dâu ít nhất trong trường, nhưng chị Phượng (Liễu Giai) cũng lắc đầu ngao ngán: “Mẹ chồng em còn hơn cả thế nữa. Em giặt đồ bằng máy giặt thì bà kêu tốn điện, dùng nước xả cho quần áo thơm thì bà kêu sẽ làm dị ứng da, ung thư da. Mình bận làm giáo án trong phòng thì có khách đến chơi, bà bảo mọi việc trong nhà toàn đến tay bà, làm dâu của bà sướng hơn tiên. Hôm em ra mua thức ăn ngoài chợ, thấy bà bán rau nhỏ to khuyên nhủ: chúng mày còn trẻ phải đỡ đần việc nhà cửa, cơm nước cho bà chứ sao lại để bà làm hết mọi việc như thế. Con dâu mà thế là lười đấy. Em tức muốn chết bởi bà đặt điều nói em lười biếng ở cả chợ. Em chỉ muốn dọn ra ở riêng ngay tức khắc cho nhàn thân mà ông chồng em cứ không chịu, thế có điên không chứ?”.
Hóa ra, chồng Bình là con út trong nhà, trên có một anh trai và một chị gái. Khi Bình về làm dâu, ba tuyên bố sẽ ở chung với vợ chồng Bình vì “hai đứa nó còn ít tuổi, không biết sắp xếp việc nhà. Mẹ ở với chúng nó đỡ đần cơm nước, nhà cửa”. Lúc đầu Bình thấy mẹ chồng tâm lý lo lắng cho hai vợ chồng trẻ thì mừng lắm nhưng dần dần thấy khó chịu vì sự khó tính của bà. Mâu thuẫn cứ tích tụ khiến Bình ấm ức và luôn chọn cơ quan là nơi “xả”. Vì thế mà mỗi giờ ra chơi, các nàng dâu lại râm ran chuyện lạc hậu, cổ hủ của mẹ chồng.
Nói xấu mẹ chồng cả trên Facebook
Một ngày anh Tuấn (bộ đội đóng quân ở Sóc Sơn) rảnh rảnh tìm vào Facebook của vợ để xem thì bất ngờ thấy những dòng chia sẻ trạng thái của vợ đẩy lời lẽ than phiền về mẹ mình: “Sáng nay dậy thấy khó chịu thế, người đã mệt vì thằng cu con ọc ạch cả đêm, mở lồng bàn ra thấy toàn thức ăn tối qua để lại. Mình kén ăn, mấy lần ăn đồ để lại bị đau bụng nên đã bảo bà già là đồ ăn thừa thì bỏ đi nhưng bà lại tiếc. Mình khó chịu bảo bà thì dính ngay bài ca muôn thuở. Nào là phải tiết kiệm, người ta còn chẳng có mà ăn kia kìa, cứ hoang phí đi rồi sau này chẳng có gì mà ăn đâu. Điên thế chứ”.
Lời “chia sẻ” của vợ anh nhận được rất nhiều những dòng comment đầy sự thông cảm, đồng cảm: “Các bà già nhà quê ấy mà” hay “Lần sau cứ để bà ấy ăn đồ thừa vì bụng dạ bà ấy tốt, còn mình thì nấu thức ăn mới mà ăn. Mặc kệ bà ấy nói sao thì nói”. Anh hụt hẫng bởi không nghĩ ở nhà giữa vợ và mẹ mình lại có mâu thuẫn âm thầm chỉ vì những điều nhỏ nhặt ấy. Công tác xa, tháng về thăm nhà một lần, anh đã rất tin tưởng ở sự ngoan hiền, chăm chỉ của vợ. Ai ngờ…
Facebook là trang mạng xã hội đang được giới trẻ ưa chuộng vì đó là nơi kết nối, liên lạc với bạn bè. Nhưng không ít những cô dâu trẻ tuổi đã dùng Facebook làm nơi “kể xấu” mẹ chồng, gia đình nhà chồng. Mỗi ngày một chuyện, Facebook đang dần trở thành nơi “tụ họp” của những nàng dâu thích nói xấu mẹ chồng. Nào là mẹ chồng soi mói nàng dâu, nào là mẹ chồng bênh con trai chằm chặp dù con trai đi uống rượu về khuya, nào là mẹ chồng tính toán việc nhà nội, nhà ngoại…
“Nói xấu mẹ chồng đã trở thành căn bệnh kinh niên của các nàng dâu” – lời nhận xét ấy quả không sai chút nào. Chỉ có điều, các nàng dâu có biết, khi nói xấu mẹ chồng chính là khi cô con dâu ấy kể với thiên hạ sự không khéo léo, không hiểu biết của mình dẫn đến những mâu thuẫn trong gia đình?
Theo Ngoisao
Đau thương chuyện 'cọc tìm trâu'
Anh thẳng thừng từ chối lời tỏ tình của tôi vì còn chung tình với người cũ. Có lần chat, anh đã chửi tôi 'Ngu như bò'.
3h32 phút sáng, tôi nhớ anh da diết, nhớ câu nói lúc chiều anh và tôi đã chat với nhau. Tôi đã hỏi anh một câu hỏi có phần ngu ngốc so với lứa tuổi của tôi. Anh chửi tôi là "Ngu như bò". Tôi không giận, chỉ hỏi anh "Tại sao lại chửi?", anh chống chế bằng cách gọi đó là "Chửi yêu". Và mọi chuyện bắt đầu làm tôi suy nghĩ khi tôi bảo anh "Ai lại đi yêu một con bò?". "Em đừng có nhầm lẫn tai hại", "Phải phân biệt rõ ràng giữa yêu đương, yêu mến và chửi yêu"... Đó là câu trả lời của anh cho câu hỏi bỏ ngỏ của tôi. Các bạn à, có thể giúp tôi phân biệt được không?
Chuyện của tôi và anh bắt đầu một ngày đầu tháng 5/2011 khi tôi đã chủ động làm quen với anh qua Facebook do một người bạn giới thiệu anh giúp tôi học tiếng Anh. Tôi gõ nick người bạn cho trên công cụ search và kết quả thật ngạc nhiên, chỉ có mỗi địa chỉ Facebook của anh và địa chỉ Facebook của một ca sĩ. Nhìn hình anh, tôi cứ ngỡ là mình đã tìm đúng người vì trông anh rất thư sinh. Tôi không ngần ngại tạo cho mình một tài khoản Facebook để làm quen với anh.
Cứ thế, sau thời gian ngắn, chúng tôi chuyển qua chat Yahoo cho tiện, phù hợp với công việc văn phòng của anh và tôi. Rồi tôi cũng biết được số phone của anh. Chúng tôi như những người bạn thân thiết tự bao giờ, khi đó tôi và anh đã có những đối tượng của riêng mình. Tôi cố vấn việc chọn quà cho bạn gái anh trong ngày sinh nhật, anh an ủi, động viên tôi rất nhiều khi tôi chia tay với bạn trai. Sau những mối quan hệ lỏng lẻo, tôi và anh lại trở về là hai kẻ độc thân. Ngày tháng làm bạn với anh được đan kết bởi hàng mấy chục tin nhắn qua lại mỗi ngày.
8 tháng sau đó, tôi phát hiện ngày nào không được nói chuyện với anh là tôi bứt rứt, lo lắng, nghĩ ngợi lung tung. Tôi càng lo lắng thì hành động càng trở nên thái quá. Tôi nổi giận vô cớ khi chưa hề biết rõ lý do anh vắng mặt trên Yahoo. Chuyện gì đến cũng đến, đó là lần đầu tiên anh từ chối trả lời tin nhắn Yahoo, Facebook, kể cả điện thoại của tôi.
Ảnh minh họa.
Anh - một chàng trai xuất thân trong gia đình giàu có, công việc ổn định, lương cao, vẻ ngoài đẹp trai, trắng trẻo. Có thể nói là hội tụ các yếu tố cần và đủ của các cô gái. Tôi - một cô gái xuất thân trong gia đình nghèo, công việc không ổn định, lương chạy ăn từng bữa, vẻ ngoài mập mạp, đen đủi, vớt vát được cái có duyên, vui vẻ (theo nhiều người nhận xét). Điểm chung duy nhất giữa tôi và anh là chữ "duyên".
Tôi rất tự ti về mình nên đã không dám đến gặp anh. Tôi sợ, rất sợ... 3 tháng dài, ngày nào tôi cũng nhắn ít nhất một tin cho anh để kể về những chuyện xảy ra trong ngày với tôi. Tôi biết anh vẫn đọc nó, chỉ là... anh không trả lời. Điều kỳ diệu đã xảy ra vào ngày sinh nhật anh. Tôi canh me đúng 0h00 để gửi tin nhắn chúc mừng anh. 5h sáng, anh trả lời tin nhắn lại cho tôi: "Cảm ơn pé khìn". "Đường về" của tôi đã được xác định. Tôi cầm điện thoại mà không thể kìm nén nổi vui mừng. Tôi chạy khắp xưởng để khoe với mọi người.
Trong thời gian 3 tháng đó, anh đã kịp quen với một cô gái xinh đẹp khác vì mục đích lấp chỗ trống của bạn gái đã chia tay nhưng rồi cũng thất bại vì anh không thể tự lừa dối mình. Tôi thấy mình thật ngốc nhưng lại không thể dừng lại được. Cuối cùng, tôi thổ lộ tình cảm với anh qua tin nhắn điện thoại và... anh từ chối. Từ ngày đó đến nay, không biết bao nhiêu lần anh "unblock" mọi liên lạc của tôi, cũng là bấy nhiêu lần tôi thổ lộ tình cảm.
Sau rất nhiều cố gắng, bây giờ anh đã thoải mái hơn nhiều mỗi lần tôi đụng tới đề tài "tình cảm" với anh. Anh từng nói, anh từ chối vì không muốn lợi dụng tôi. Nếu tôi chịu ngoan ngoãn làm em gái anh thì hay quá. Nhưng làm sao tôi có thể? Nếu có thì đó chỉ là sự giả tạo bên ngoài thôi.
Phần cuối đoạn đối thoại lúc chiều giữa tôi và anh là lúc tôi hỏi: "Thế nó có được tăng theo từng cấp độ không anh? Từ chửi yêu đến yêu mến rồi tình yêu?". Anh bảo: "Anh nghĩ chắc là không". Phải chi anh là một người chạy theo vật chất, thay người yêu như thay áo thì có lẽ tôi sẽ không suy nghĩ nhiều như thế này. Qua những người bạn của anh, tôi biết anh là một người bạn tốt, người con có hiếu, thậm chí là một người rất chung tình. Đến bây giờ, anh vẫn không quên người yêu cũ. Tôi phải làm sao bây giờ hả các bạn?
Theo Ngoisao
4 dấu hiệu của khủng hoảng hôn nhân Nếu phát hiện sớm các "triệu chứng" này, bạn có cơ may cứu cho cuộc hôn nhân của mình khỏi rơi xuống vực thẳm, hồi sinh lại tình cảm vợ chồng. Cuộc chiến tiền bạc luôn dữ dội Hầu hết mọi người nghĩ rằng những cuộc cãi cọ kiểu này chỉ xoay quanh vấn đề chi tiêu hay tiết kiệm, song thực tế,...