Cách Trung Quốc biến nho sữa cao cấp Nhật Bản thành hàng bình dân giá rẻ
Chỉ sau vài năm, nông dân Trung Quốc đã biến mặt hàng nho sữa đắt đỏ của Nhật Bản thành hàng bình dân giá rẻ và xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Từng có giá lên tới 500 nhân dân tệ/kg, tương đương hơn 1,7 triệu đồng/kg, người nông dân Trung Quốc có thể thu về 100.000 nhân dân tệ/mẫu (hơn 350.000 đồng/666,6m2), nhưng chỉ sau vài năm, nho sữa Shine Muscat rớt giá thê thảm, nhiều vườn trồng rơi vào tình cảnh ế ẩm.
Nho sữa Shine Muscat (nho mẫu đơn) là kết quả của sự lai tạo giữa giống Akitsu-21 và Hakunan do Viện Khoa học Cây ăn quả Quốc gia (NIFTS) Nhật Bản tạo ra vào năm 1988. Đặc điểm của nho Shine Muscat là quả to, không hạt, cùi dày, độ ngọt cao, có mùi thơm, vị ngọt đậm đà và thời gian bảo quản lâu.
Loại nho này nhanh chóng được du nhập vào Trung Quốc từ năm 2006. Tuy nhiên, chỉ hơn 10 năm sau, giống nho này mới thực sự bùng nổ trên khắp Trung Quốc. Theo thống kê của Viện nghiên cứu cây ăn quả thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc, tính đến năm 2020, diện tích trồng nho sữa Shine Muscat ở Trung Quốc đạt 800.000 mẫu Anh, gấp khoảng 40 lần so với Nhật Bản. Và năm 2023, diện tích trồng đã lên tới 1,2 triệu mẫu Anh, tương đương gần 500.000ha.
Ồ ạt mở rộng diện tích trồng
Năm 2006, GS Tao Jianmin của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc) là người đầu tiên giới thiệu giống nho Shine Muscat của Nhật Bản. Đến tháng 12/2007, giống nho này bắt đầu được trồng ở TP Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang. Thời gian đầu, do kỹ thuật canh tác chưa hoàn thiện nên chất lượng trái không đồng đều, không có mùi thơm, nhiều sâu bệnh.
Phải đến năm 2017, Shine Muscat mới thực sự được bản địa hóa thành công. Viện nghiên cứu cây ăn quả cũng đã phát triển một loại dưỡng chất hữu cơ có thể làm trọng lượng quả tăng và chất lượng ngày càng được cải thiện, theo 36KR.
Đến năm 2020, diện tích trồng nho sữa Shine Muscat ở Trung Quốc đã gấp 40 lần Nhật Bản (Ảnh: Trung tâm dữ liệu tỉnh Cao Bình).
Năm 2018, tổng doanh thu từ 8 mẫu nho Shine Muscat (hơn 5.300m2) do một công ty nông nghiệp ở tỉnh Vân Nam trồng đạt 1,28 triệu nhân dân tệ với giá trị sản lượng đạt 160.000 nhân dân tệ/mẫu. Ở những nơi khác, Shine Muscat mang lại doanh thu 60.000-70.000 nhân dân tệ/mẫu.
Mang lại lợi nhuận “khủng”, nho Shine Muscat nhanh chóng được quảng bá và trồng ồ ạt ở các địa phương khác của Trung Quốc. Chỉ trong vòng 5 năm, loại trái cây này đã được trồng phổ biến ở 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, Vân Nam, Hồ Nam, Giang Tô đứng đầu về diện tích trồng.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng diện tích ồ ạt là nguyên nhân chính khiến giá nho sữa lao dốc. Từ một loại quả cao cấp và hiếm có ở Nhật Bản, nho sữa Shine Muscat đã được “sản xuất hàng loạt” ở Trung Quốc và thu hoạch quanh năm. Nhiều người dân cũng có thể thưởng thức loại trái cây “quý tộc” này.
Theo Qinghai News, thời điểm đầu năm 2023, giá loại nho này ở mức 68 nhân dân tệ/catty, nhưng đến tháng 9/2023, giá rớt xuống còn 7,98 nhân dân tệ/catty, tương đương 28.000 đồng/500gram. Thậm chí, giá bán buôn chỉ từ 4 nhân dân tệ/catty, tức khoảng 14.000 đồng/500gram.
Chất lượng giảm sút
Video đang HOT
Hiện, diện tích trồng nho Trung Quốc dao động ở mức hơn 10 triệu mẫu Anh, tương đương hơn 4 triệu ha, sản lượng đứng đầu thế giới. Trong đó, diện tích trồng và sản lượng của vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử chiếm gần 1/5 diện tích Trung Quốc, , theo Hubei Daily.
Chỉ sau vài năm phát triển ồ ạt, nho sữa Shine Muscat không còn dễ bán dù giá liên tục lao dốc. Chen Jinyong, một người bán trái cây nói với Dahe Daily rằng vào năm 2020, giá mua nho sữa Shine Muscat đạt đỉnh rồi bắt đầu giảm dần. Nguồn cung tăng mạnh, từ thiếu hụt đến dư thừa, thậm chí nhiều sản phẩm được trồng ở tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên vẫn chưa được tiêu thụ hết.
Chủ một cửa hàng trái cây ở quận Vũ Xương, TP Vũ Hán cũng cho biết giá nho Shine Muscat năm nay rẻ hơn nhiều nhưng vẫn ế ẩm. Nhiều khách hàng phản ánh rằng chất lượng nho hiện tại không còn ngon như trước.
Khảo sát của các chuyên gia từ Viện nghiên cứu cây ăn quả Trịnh Châu thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc cho thấy giá nho sữa Shine Muscat giảm dần chủ yếu do diện tích trồng tăng vọt, chất lượng sản phẩm không đồng đều và thiếu các tiêu chuẩn.
Nho Shine Muscat được bán với giá hơn 15 nhân dân tệ/500gram (Ảnh: Tin tức Bắc Kinh).
Năng suất phù hợp trên mỗi mẫu nho (tương đương 666,6m2) sẽ đạt khoảng 4 tấn. Tuy nhiên, nhiều nông dân đã tăng năng suất quá mức lên 7-8 tấn, thậm chí hàng chục tấn trên mỗi mẫu nho khiến chất lượng loại trái cây này giảm. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, một số người trồng đã giảm lượng phân hữu cơ, điều này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nho.
Gong Linzhong, chuyên gia tại Viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Hồ Bắc nói với Hubei Daily rằng do vội vàng đưa sản phẩm khi chưa đạt độ chín và chất lượng ra thị trường đã dẫn đến chất lượng nho không đồng đều. Bên cạnh đó, một số người trồng đã tăng diện tích sản xuất và không kiểm soát chất lượng.
Theo 36KR, nho Shine Muscat được trồng ở Nhật Bản chủ yếu sử dụng chất hữu cơ có nguồn gốc từ thực vật như mùn cưa, vỏ quả óc chó… Nhưng ở Trung Quốc, phân hữu cơ có nguồn gốc từ động vật như phân động vật. Để tiết kiệm chi phí, một số nông dân sử dụng các loại phân vô cơ như phân lân, phân kali, phân canxi… Nhờ vậy, trọng lượng trái nho to hơn, năng suất cao hơn nhưng không còn mùi thơm đặc trưng.
Bên cạnh đó, nhiều người trồng cũng sử dụng một số chất tăng kích thước để quả to hơn, đẹp hơn. Ngoài ra, không ít người trồng đã thu hoạch sớm khi chưa đạt độ chín để bán ở mức giá cao nhất giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5.
Nhiều nông dân của Trung Quốc đã từ bỏ các giống cây khác và chạy theo xu hướng trồng nho sữa bất chấp thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật trồng… (Ảnh: Zhumadian Net News).
Thậm chí, mới đây CCTV News đã phát hiện một số thương nhân đã dán nhãn nho sữa Shine Muscat sản xuất tại Trung Quốc là hàng “nhập khẩu từ Nhật Bản” và bán với giá cao gấp 10 lần.
Bán hàng giá rẻ sang Việt Nam, Thái Lan
Sản lượng nho sữa tại Trung Quốc tăng đột biến khiến giá nho sữa Shine Muscat xuống thấp kỷ lục, tình trạng dư thừa nguồn cung diễn ra ở nhiều địa phương. Những người nông dân tham gia trồng nho giai đoạn đầu có thu nhập gần 100.000 nhân dân tệ/mẫu, không bao gồm chi phí lao động và các chi phí khác. Nhưng đến nay, thu nhập người trồng giảm còn 20.000-30.000 nhân dân tệ/mẫu, thậm chí nhiều người không có lãi.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nước này đã ồ ạt xuất khẩu sang nhiều quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam với giá siêu rẻ để tiêu thụ.
Hồi tháng 9, 20 tấn nho Shine Muscat của Li County đã được xuất khẩu sang Thái Lan. Nếu được người tiêu dùng đón nhận, Tập đoàn CT sẽ xuất khẩu 7 container nho Shine Muscat đến Thái Lan mỗi tuần.
Tại Thái Lan, phần lớn nho sữa Shine Muscat có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một năm trước, ở Thái Lan, loại nho này có giá bán lẻ khoảng 299 baht/kg (khoảng hơn 220.000 đồng/kg). Nhưng năm nay giá nho đã giảm mạnh còn 199 baht/kg (khoảng 147.000 đồng/kg), thậm chí được khuyến mãi mua một tặng một.
Hay tại Việt Nam, nho sữa Shine Muscat từ Trung Quốc đã đổ bộ vài năm nay, được bày bán tràn lan với giá siêu rẻ. Khảo sát trên thị trường, đặc biệt là các hội nhóm mạng xã hội, nho sữa xuất xứ Trung Quốc được rao bán với giá chỉ 20.000-85.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mặt hàng này nhập khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản dao động 400.000-900.000 đồng/kg.
Nói với Economic Daily, Ou Lianwei – Giám đốc kinh doanh của Yimutian Group cho rằng nhìn từ góc độ quy luật thị trường, việc giá nho Shine Muscat giảm là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, sản phẩm chất lượng tốt vẫn có giá cao.
Đối với người trồng, việc quản lý chặt quy trình canh tác, chú trọng chất lượng, cải tiến công nghệ trồng là giải pháp phù hợp. Đối với người tiêu dùng, họ có thể lựa chọn nho với nhiều mức giá, chất lượng khác nhau, tùy theo nhu cầu và tài chính.
Bán dẫn Trung Quốc đối mặt nguy cơ khủng hoảng thừa
Chi tiêu dành cho thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc dự báo sẽ giảm trung bình 4% mỗi năm từ giờ đến năm 2027, báo hiệu ngành công nghiệp bán dẫn nước này đang đứng trước nguy cơ cuộc khủng hoảng thừa.
Nhóm công nghiệp chip quốc tế SEMI dự báo chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip ở Trung Quốc sẽ giảm trung bình 4% trong giai đoạn 2023 - 2027.
Cũng theo tổ chức này, chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip tại Trung Quốc sẽ vượt 40 tỷ USD trong năm nay, sau đó giảm về mức của năm 2023 kể từ năm tới.
"Vào năm 2025, thị trường Trung Quốc đại lục dự kiến sẽ giảm 5-10% so với năm trước", một giám đốc điều hành tại chi nhánh Trung Quốc của một nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip quốc tế nói với Nikkei Asia.
Dự báo chi tiêu đầu tư cho nhà máy bán dẫn tại các quốc gia và khu vực giai đoạn 2024 - 2027. Nguồn: SEMI
"Tỷ lệ sử dụng thiết bị được giao cho các nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc đang giảm và việc mua hàng vội vã trước đây là một phần dẫn đến thị trường thu hẹp vào năm 2025 trở đi", giám đốc điều hành này nói thêm.
Tại ASML Holding, nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn của Hà Lan, Trung Quốc chiếm khoảng 50% doanh số theo giá trị trong quý từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, ASML dự kiến thị phần của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn khoảng 20% vào năm 2025.
Theo SEMI, chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip ở Trung Quốc đại lục sẽ giảm trung bình 4% từ năm 2023 đến năm 2027 xét về tốc độ tăng trưởng kép hằng năm.
Ngược lại, chi tiêu ở châu Mỹ sẽ tăng 22% hằng năm trong cùng giai đoạn, đối với châu Âu và Trung Đông là tăng 19% và 18% tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục vẫn là thị trường lớn nhất thế giới về thiết bị sản xuất chip. Dự kiến nước này sẽ chi 144,4 tỷ USD cho thiết bị cho các nhà máy bán dẫn từ năm 2024 đến năm 2027.
Chi phí này lớn hơn 108 tỷ USD của Hàn Quốc, 103,2 tỷ USD ở Đài Loan (Trung Quốc), 77,5 tỷ USD ở châu Mỹ và 45,1 tỷ USD của Nhật Bản.
Cung vượt cầu do chi tiêu ồ ạt
Một yếu tố góp phần vào khoản chi tiêu quá mức của Trung Quốc là mục tiêu tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong ngành công nghiệp bán dẫn của chính phủ. Theo SEMI, tỷ lệ tự cung tự cấp của Trung Quốc vào năm 2023 chỉ là 23%.
Chi tiêu xây dựng nhà máy bán dẫn của các quốc gia và khu vực trong giai đoạn 2024 - 2027. Ảnh: SEMI
Chính phủ Trung Quốc muốn tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn để thúc đẩy khả năng tự chủ công nghệ. Bởi vậy, các nhà cung cấp nước ngoài lớn tại đây phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty địa phương.
Việc đầu tư ồ ạt vào sản xuất chip có thể dẫn đến tình trạng dư thừa công suất, gây áp lực lên giá cả và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Mức chi tiêu khủng của nền kinh tế số hai thế giới đã đẩy tỷ lệ đầu tư vốn của ngành công nghiệp chip nước này lên trên 15% trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2021.
Các chuyên gia trong ngành ước tính, nếu tỷ lệ này trên 15% có thể gây ra lo ngại về dư thừa nguồn cung dẫn đến giảm giá và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Mới đây, SMIC đã phát đi cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất với các chip node trưởng thành sẽ kéo dài đến năm 2025 và họ đang cân nhắc thận trọng về việc mở rộng công suất mới.
"Tỷ lệ sử dụng của ngành đang dao động quanh mức 70%, thấp hơn nhiều so với mức tối ưu là 85%, cho thấy tình trạng dư thừa công suất đáng kể. Tình hình này khó có thể cải thiện, nếu không muốn nói là có thể tồi tệ hơn nữa", đồng giám đốc điều hành Zhao Haijun cho biết.
Naura Technology Group thuộc sở hữu nhà nước là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Advanced Micro-Fabrication Equipment (AMEC) là công ty lớn thứ hai. Cả hai đều đã cải thiện năng lực công nghệ với sự hỗ trợ của chính phủ.
SMIC cùng các nhà sản xuất khác cũng đã được Bắc Kinh yêu cầu mua thiết bị đúc chip nội địa.
Vào tháng 1, Mỹ đã thêm AMEC vào danh sách các công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội. Theo truyền thông đại lục, hai giám đốc điều hành có quốc tịch Mỹ đã từ chức khỏi AMEC kể từ tháng 9.
Ông Trump hay bà Harris thắng cử sẽ tốt hơn cho kinh tế thế giới? Do Mỹ đóng vai trò then chốt trong định hình nền kinh tế thế giới nên việc ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử tổng thống sẽ có tác động lan tỏa đáng kể. Giới quan sát nhận định, những gì cựu Tổng thống Mỹ Trump nhiều khả năng sẽ làm khi quay trở lại Nhà Trắng là tăng thuế đối...