Cách tính giá điện mới từ 26/10: Ai là người hưởng lợi?
Chỉ 10 ngày nữa Thông tư 25/2018/TT-BCT, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện chính thức đi vào cuộc sống (26/10).
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa nắm được các quy định mới này, đặc biệt là giới chủ nhà trọ và người thuê nhà – đối tượng chịu tác động chính từ những thay đổi mới được quy định.
Cần làm rõ căn cứ phân bổ định mức
Theo quy định của Thông tư 25/2018, trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình) thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: từ 101 – 200kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại côngtơ.
Từ 26.10, cách tính giá điện mới sẽ giúp các chủ nhà trọ và người thuê nhà trả tiền điện minh bạch và công bằng hơn. Ảnh: PV
Còn nhớ, hồi tháng 5.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất kiên quyết chỉ đạo tính giá điện hợp lý cho người thuê nhà, đặc biệt là đối tượng công nhân, học sinh, sinh viên. Cách tính điện mới này thì đối tượng nào được hưởng lợi? Đối tượng nào bị tác động khác?
Đánh giá về cách tính giá điện mới, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định: “Vừa rồi có bất cập là nhiều người lao động, sinh viên khi ở trọ thì phải chịu giá điện rất cao, gấp 4, 5 lần giá thực tế. Nhưng bản thân người cho thuê nhà trọ cũng phải chịu mức giá cao vì chỉ được quy định 1 mức nhất định, càng dùng nhiều giá càng cao nên không thể tính giá thấp được.
Để dung hòa mọi người cùng có lợi hơn, mới quy định để người lao động, sinh viên đi thuê nhà được tách thành từng hộ với quy mô 4 người và mỗi nhân khẩu sẽ tính là 1/4 hộ. Song cần làm rõ câu trả lời dựa vào đâu để đưa ra quy định như vậy? Từ lý giải đó mới phân tích mức độ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước cũng có lợi khi thu đủ thuế, doanh nghiệp kinh doanh điện có lãi, người tiêu dùng giảm bớt gánh nặng.
Thực tế thì dù tính cách nào đơn vị cung cấp điện vẫn là người có lợi, chủ hộ cho thuê sẽ có cách tính để tránh bị thiệt và người thiệt hại cuối cùng vẫn sẽ là người thuê.
Tất nhiên cách tính này sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng so với hiện nay, nhưng các cơ quan quản lý vẫn phải thanh kiểm tra vì trước kia là cứ thuê thì bị đánh giá cao, bây giờ có khung giá rồi, dùng quá thì phải chịu, thế nhưng chủ nhà có chấp hành hay không lại là câu chuyện khác.
Trước mắt tạm thời ngăn chặn được hành vi bất lợi nhưng hiện lợi là bao nhiêu thì cần phải tính, lợi đến mức độ nào, lợi đến mức độ công bằng hay chưa thì còn phải chờ thực tế trả lời” – PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá.
Cách tính mới khắc phục được nhiều nhược điểm hiện nay
Trao đổi cùng PV, đại diện EVN cho biết: “Trong quá trình kiểm tra giá bán điện cho sinh viên người lao động thuê nhà để ở, có rất nhiều phản ánh khi áp dụng giá bán điện theo sinh hoạt bậc thang thì các chủ nhà trọ gặp khó khăn trong việc tính toán thu tiền điện của người thuê nhà, cơ quan quản lý cũng như đơn vị điện lực cũng gặp khó khăn trong công tác giám sát việc thực hiện. Việc xác định định mức của các nhà cho thuê cũng khó khăn do đặc thù của hoạt động thuê nhà là số người thuê luôn biến động không cố định.
Video đang HOT
Do vậy tại Thông tư 25/2018/TT-BCT, đã hướng dẫn “với quy định giá bán điện hiện nay thì mỗi 01kWh người thuê nhà trả 2.044 đồng (1.858đ/kWh 10%VAT). Với cách tính này, người thuê nhà và chủ nhà sẽ dễ dàng tính toán tiền điện, khắc phục được nhược điểm biến động của số người thuê nhà trong công tác cấp định mức sử dụng điện.
Trong Thông tư cũng quy định: “Với trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú, hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt”. Khi đấy người thuê nhà sẽ được hưởng giá bán điện bậc thang như một hộ sinh hoạt điện.
Ngoài ra, để giải quyết các trường hợp người chủ nhà cho thuê kê khai không đúng số người thuê trọ hoặc khi người thuê trọ đã chuyển đi nhưng chủ nhà không khai báo để giảm định mức mà vẫn giữ nguyên định mức sinh hoạt sử dụng điện, tại TT 25/2018/TT-BCT có bổ sung quyền yêu cầu bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng cho Bên bán điện với trường hợp bên mua điện thực hiện kê khai không đúng số người sử dụng điện để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt nhiều hơn thực tế”.
Đại diện của EVN cũng cho biết thêm: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc “Gặp gỡ đối thoại với công nhân lao động khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng” về đảm bảo cho sinh viên, người lao động được hưởng giá bán lẻ điện đúng quy định. EVN đã chỉ đạo các TCty Điện lực/Cty Điện lực (TCTĐL/CTĐL) tổ chức rà soát giá bán điện cho người thuê nhà.
Đồng thời, chủ động rà soát giá bán điện cho người thuê nhà, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài địa phương và niêm yết hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà tại các điểm giao dịch, website, các khu CN, chế xuất…;
Các TCĐL/CTĐL báo cáo Sở Công Thương và phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra công tác áp giá bán điện tại các địa điểm cho thuê nhà tại địa phương, thống nhất với các chủ nhà cho thuê về việc thực hiện đúng giá bán điện cho người thuê nhà, lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với người lao động thuê nhà để ở.
Tính đến 30.9.2018, EVN đã kiểm tra trên 177.000 nhà trọ và ký biên bản cam kết thu tiền điện đúng giá quy định với 157.000 chủ nhà trọ. Đến ngày 26.10.2018, khi Thông tư 25/2018/TT-BCT có hiệu lực, EVN chỉ đạo các TCTĐL rà soát các nhà trọ không kê khai được số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 cho toàn bộ sản lượng đo đếm được tại côngtơ.
Ngoài ra, EVN còn tổ chức tuyên truyền, truyền thông về giá bán điện cho người thuê nhà. Tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra, xử phạt các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền sai quy định.
Theo: Đức Thành
Lao động
Bến Tre: Khốn khổ vì sửa nhà trên đất hợp pháp bỗng dưng bị ngăn cản trái pháp luật
Sau khi nhận chuyển nhượng nhà và đất hợp pháp, bà Mười cho tiến hành sửa chữa thì bị một nhóm người kéo đến ngăn cản, quấy phá với lý do đưa ra rất vô lý. Đáng nói, sự việc trên diễn ra nhiều lần nhưng chính quyền địa phương tỏ ra bất lực?
Ngăn cản vì chủ nhà cũ còn mắc nợ
Gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng và báo chí, bà Lê Thị Mười (ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) phản ánh, tháng 3/2018, bà có nhận chuyển nhượng nhà và đất tại thửa đất số 48, tờ bản đồ số 16, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre từ ông Nguyễn Văn Sĩ.
Hai trong số những đối tượng (dấu chéo đỏ) đến ngăn cản, ăn vạ.
Nhà và đất trên của ông Sỹ đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất từ ngày 6/02/2018. Sau khi nhận chuyển nhượng từ ông Sĩ, bà Mười đã được UBND huyện Giồng Trôm (Bến Tre) xác nhận việc thay đổi pháp lý, sang tên chủ quyền cho bà vào ngày 20/3/2018.
Sau đó, bà Mười đã cho tiến hành sửa chữa lại nhà và khuôn viên nhưng bất ngờ xuất hiện hai người xưng tên Nguyễn Văn Sơn và bà Ngô Thị Lệ (ngụ ấp 5, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) cùng một số người khác đã nhiều lần đến ngăn cản. Họ tụ tập, nằm trước cổng vào nhà, trước đầu xe cẩu, đe dọa nhóm thợ không cho họ tiến hành sửa chữa. Trong 5 lần ngăn cản, quấy phá của nhóm người trên, có 3 lần có sự chứng kiến và lập biên bản của chính quyền địa phương.
Theo đó, nguyên nhân mà ông Sơn, bà Lệ đưa ra khiến bà Mười và nhiều người chứng kiến phải "té ngửa" vì sự vô lý của nó. Cụ thể, việc họ ngăn cản bà Mười sửa nhà vì chủ cũ trước đây của căn nhà trên là ông Nguyễn Thành Thảo nào đó còn nợ của họ số tiền 57.800.000 đồng, cả gốc lẫn lãi phát sinh là 87.895.500 đồng. Qua cách giải thích của nhóm người đến đòi tiền, bà Mười được biết, ông Thảo là người đã bán nhà cho ông Sĩ. (?)
Trước sự việc vô lý nêu trên, bà Mười đã yêu cầu UBND xã Tân Thanh đến lập biên bản sự việc, giải thích cho phía ông Sơn, bà Lệ.
Một đối tượng (dấu chéo đỏ) "chỉ huy" mọi người đến quấy phá.
Tưởng rằng sau khi được UBND xã Tân hanh giải thích, ông Sơn, bà Lệ sẽ hiểu ra vấn đề và chấm dứt hành vi có dấu hiệu trái pháp luật của mình. Tuy nhiên, nhiều lần sau đó mỗi khi gia đình bà Mười tiến hành sửa chữa thì ông Sơn, bà Lệ lại tiếp tục kéo người đến ngăn cản, quấy phá, "ăn vạ".
Theo bà Mười cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhóm người trên đã 5 lần ra ngăn cản, buộc bà phải trả thay khoản nợ của ông Thảo nào đó để lại. Bà Mười nhiều lần trình báo UBND xã Tân Thanh đến xử lý vụ việc nhưng tất cả chỉ dừng lại trong việc lập biên bản, yêu cầu bà Mười ngưng thi công và chờ hướng giải quyết.
Chính quyền địa phương bất lực?
Theo biên bản của Công An xã Tân Thanh lập ngày 16/8/2018, ông Sơn cho rằng căn nhà và phần đất trên là tài sản của ông Nguyễn Thành Thảo, sau đó ông Nguyễn Văn Sỹ đứng tên nhưng do phía ông Thảo còn thiếu nợ ông Sơn số tiền 57.800.000 đồng nên ông Sơn không đồng ý để bà Mười sửa chữa nhà. Ông Sơn yêu cầu ông Thảo và ông Sĩ về gặp và buộc ông Thảo trả tiền xong thì mới cho bà Mười thi công...
Bên bà Mười cho rằng, không liên quan khoản tiền giữa ông Thảo và ông Sơn nên yêu cầu cơ quan chức năng cho phép tiếp tục sửa chữa. Tuy nhiên, về phía Công an xã lại đề nghị bà Mười dừng thi công và lập biên bản sự việc chờ hướng giải quyết.
Bà Mười cho biết, đến nay sau 5 lần bị cản trở phải dừng thi công thì bà phải đền bù thiệt hại cho đơn vị nhà thầu hơn 100 triệu đồng.
Ngày 7/9/2018, UBND xã Tân Thanh đã tổ chức hòa giải, có sự tham gia của Chủ tịch UBND xã và cán bộ Công an huỵên Giồng Trôm. Tại buổi hòa giải, đại diện bà Mười đã giải thích bản thân họ không biết ông Nguyễn Thành Thảo là ai, không biết bà Lệ là ai và cũng không có thiếu nợ bà Lệ, yêu cầu bà Lệ không được ngăn cản việc gia đình bà Mười sửa nhà.
Ngày 5/9/2018, sau khi báo cáo và được phía Công an và UBND xã cho phép tiếp tục làm thì ông Sơn và bà Lệ cùng một số người khác lại tiếp tục chống đối, ăn vạ, gây áp lực nên Công an địa phương lại tiếp tục đề nghị bà Mười dừng thi công và lập biên bản sự việc chờ hướng giải quyết.
Biên bản làm việc và hòa giải có nêu ý kiến "vô lý" của bà Lệ.
Tại buổi này, ông Đặng Tấn Sang, Phó Trưởng Công an xã Tân Thanh đã giải thích việc bà Lệ cho ông Thảo vay tiền thì bà Lệ tìm ông Thảo đòi nợ, còn việc cản trở bà Mười sửa chữa nhà là không đúng pháp luật. Ông Bùi Văn Chín, cán bộ Công an huyện Giồng Trôm tham gia buổi hòa giải cũng có những giải thích việc bà Lệ có hành vi ngăn cản bà Mười sửa chữa nhà là không đúng pháp luật... Sau đó buổi hòa giải đi đến kết luận, nếu bà Lệ không ngừng việc ngăn cản trái pháp luật của mình sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, bà Lệ vẫn cho biết sẽ tiếp tục ngăn cản đến khi nào đòi được nợ thì mới cho bà Mười sửa chữa và không đồng ý ký tên vào biên bản.
Trao đổi với báo chí về vụ việc nêu trên, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh khẳng định, những hành vi ăn vạ đòi tiền của bà Lệ là vi phạm pháp luật; hành vi của nhóm người do bà Lệ đưa tới có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, gây thiệt hại về tài sản và quyền lợi của bà Mười... Ông Minh cho biết, đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện Giồng Trôm.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND huyện Giồng Trôm cho biết, đã nhận được báo cáo của UBND xã Tân Thanh về vụ việc. Theo vị lãnh đạo này, hành vi của nhóm bà Lệ, ông Sơn là hết sức phi lý, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, khi được hỏi, chính quyền huyện Giồng Trôm sẽ có biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trước hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật? Vị lãnh đạo này cho rằng, sẽ tiếp tục hòa giải giữa hai bên, nếu không thành sẽ yêu cầu hai bên khởi kiện ra Tòa.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên - Đoàn Luật sư TP HCM, hành vi của nhóm ông Sơn, bà Lệ đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, "cưỡng đoạt tài sản", gây mất trật tự công cộng.
Trước mắt, chính quyền địa phương xã Tân Thanh cần phải xử phạt hành vi trái pháp luật được lặp đi lặp lại rất nhiều lần của nhóm người trên.
Nếu nhóm bà Lệ, ông Sơn vẫn dùng mọi thủ đoạn để ép bà Mười trả tiền thay ông Thảo thì Cơ quan Công an huyện Giồng Trôm phải khởi tố vụ án hình sự để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Nguyên Pháp - Bạt Phong
Theo phapluatplus
Quy định mới về thực hiện giá bán điện Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2014/TT-BCT quy định về thực hiện giá bán điện Anh minh hoa Theo đó, Thông tư 25 bổ sung quy định "Giá bán buôn điện cho chợ" như sau: Giá bán buôn điện cho chợ được áp dụng cho đơn vị bán lẻ điện tại chợ theo tiêu...