Cách tiếp cận mới của chính quyền Biden với Đông Nam Á
Các chuyến công du của giới chức Mỹ đến Đông Nam Á là dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của Mỹ và quyết tâm trở lại mạnh mẽ, thực chất đối với khu vực này.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vẫy tay chào khi tới Hà Nội hôm 24/8 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đông Nam Á được xem là một cửa ngõ để các cường quốc châu Á vươn mình ra thế giới, đồng thời là khu vực quan trọng để các cường quốc bên ngoài tăng cường quan hệ, thiết lập ảnh hưởng và triển khai các chiến lược. ASEAN có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trở thành một điểm hội tụ trong liên kết khu vực.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Đông Nam Á dường như không phải là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ, vì nhiều lý do, như chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump, cuộc chiến căng thẳng Mỹ – Trung khiến Đông Nam Á bị mắc kẹt…
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay từ đầu đã coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; tham gia đóng góp trong các cơ chế hợp tác khu vực để giải quyết các thách thức đặt ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong 6 tháng kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Biden, Mỹ chưa có những kết nối thực chất đối với khu vực.
Chính quyền Biden khi mới nắm quyền dường như quan tâm đến các ưu tiên khác hơn là Đông Nam Á. Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin không thể đến Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La vì dịch Covid-19. Kế đó, vào tháng 5, hội nghị ngoại trưởng Mỹ – ASEAN bị hủy phút chót. Bản thân ông Biden cũng chưa hội đàm trực tiếp với bất kỳ nhà lãnh đạo Đông Nam Á nào.
Chính sách thương mại của chính quyền Biden đối với Đông Nam Á cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm một số quốc gia Đông Nam Á, đồng thời nỗ lực cân bằng cán cân thương mại có lợi cho Mỹ. Có rất ít cuộc thảo luận về việc tăng cường thương mại của Mỹ với khu vực.
Điều chỉnh cách tiếp cận
Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực được điều chỉnh. Chính quyền Biden nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của Đông Nam Á, vai trò trung tâm của ASEAN như một phần của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, không chỉ để cạnh tranh với các nước lớn mà còn để giải quyết một loạt các thách thức khác. Vì thế, ông Biden có các đề cử cho vị trí Trợ lý Ngoại trưởng và Quốc phòng khu vực châu Á – cả hai vị trí quan trọng cần bổ sung để tạo điều kiện cho việc xây dựng và thực hiện chính sách tốt hơn.
Các quan chức ngoại giao, quốc phòng Mỹ đã dồn dập đến Đông Nam Á. Vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin có chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines. Đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự một loạt cuộc hội đàm trực tuyến với các đối tác ASEAN. Đặc biệt là chuyến thăm Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cuối tháng 8 vừa qua.
Video đang HOT
Điều quan trọng là Mỹ có cách tiếp cận mới linh hoạt hơn, thực chất hơn đối với khu vực. Mỹ coi trọng việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ với ASEAN và các đối tác ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN. Mỹ sẽ tham vấn và hợp tác chặt chẽ với ASEAN, với tư cách là quan hệ đa phương và cả quan hệ song phương.
Mỹ tuyên bố sự tham gia của Washington ở khu vực không nhằm đối đầu bất kỳ quốc gia nào; và Mỹ không bắt các nước Đông Nam Á phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực. “Sự can dự của chúng tôi ở Đông Nam Á, rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào cũng như không buộc nước nào phải lựa chọn giữa nước này hay nước kia”, bà Harris nhấn mạnh tại Singapore.
Trước đó, cũng tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Austin khẳng định: “Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia trong khu vực lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”. Điều này cho thấy cách tiếp cận của Mỹ đã có sự tương đồng với quan điểm, cách nhìn nhận của ASEAN.
Một điểm khác phản ánh cách tiếp cận mới là Mỹ không chỉ có các mối quan tâm về an ninh và chiến lược, mà muốn củng cố mối quan hệ về kinh tế, thương mại với khu vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Bắc Kinh cũng thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong khi đó, Mỹ đã đánh mất lợi thế cạnh tranh khi rút khỏi TPP.
Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với ASEAN là một trọng tâm trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Harris. Ngoài hợp tác về kinh tế, Mỹ và ASEAN sẽ đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng tái tạo… nhằm bảo đảm tính bền vững của các chuỗi cung ứng, ứng phó với đại dịch Covid-19; phát triển thương mại điện tử, nền kinh tế số…
Mỹ tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương ứng phó với Covid-19, nỗ lực sản xuất, cung ứng vắc xin đầy đủ, an toàn và hiệu quả cho các nước Đông Nam Á. Mỹ cũng đã viện trợ vắc xin cho các nước khu vực và đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; đồng thời cam kết phối hợp chặt chẽ, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể tiếp tục cải thiện vị thế của mình ở khu vực, bằng việc tham dự các diễn đàn lãnh đạo đa phương thiết yếu, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (AES) tại Brunei vào cuối năm nay, với sự tham dự của các quan chức cấp cao hơn, thay cho việc cử các quan chức cấp thấp như trước đây.
Như vậy, nước Mỹ đã trở lại Đông Nam Á nhằm tái khẳng định và làm mới mối quan hệ, với những cách tiếp cận mới linh hoạt hơn, thực chất hơn. Quan điểm của Mỹ đã được đón nhận ở Đông Nam Á, tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là hành động của chính quyền Washington trong tương lai, nhằm định vị lại mình trong các mối quan hệ với ASEAN và các đối tác khu vực.
Chuyên gia phân tích 3 kết quả chính từ chuyến thăm Việt Nam của bà Harris
Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ ra 3 kết quả nổi bật từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, và nêu nhận định về nội hàm quan hệ Việt - Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc họp báo tại Hà Nội chiều 26/8, trước khi kết thúc chuyến thăm tốt đẹp Việt Nam (Ảnh: Tiến Tuấn).
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào chiều ngày 26/8 đã kết thúc chuyến thăm tốt đẹp kéo dài 3 ngày tại Việt Nam, chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của bà. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một phó tổng thống Mỹ đến Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), nhận định rằng trên mọi phương diện, chuyến thăm này đều mang ý nghĩa tích cực. Ông đặc biệt nêu ra 3 kết quả nổi bật của chuyến thăm.
Theo ông, kết quả quan trọng nhất và dễ nhận thấy nhất là chuyến thăm của bà Harris góp phần vào việc tiếp tục thúc đẩy, mở rộng quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, đưa mối quan hệ ngày càng phát triển chặt chẽ, bền vững hơn.
Ông Lê Văn Cương lưu ý tới tuyên bố từ Washington ngày 25/8, trong đó nêu rõ, Mỹ mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, chắc chắn quan hệ song phương được củng cố bền vững hơn, hợp tác của 2 nước được nâng lên nhiều sau chuyến thăm này.
Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 và 8 năm qua mối quan hệ này phát triển toàn diện, liên tục, từ ban đầu chủ yếu kinh tế sang hầu hết lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giáo dục, quốc phòng, an ninh...
Ông Lê Văn Cương đánh giá, từ góc độ Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với Mỹ mang lại nhiều lợi ích. Mỹ là một thị trường rất rộng lớn để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa. Thứ hai, Mỹ là động lực kinh tế toàn cầu với trình độ kỹ thuật rất cao, do đó khi Mỹ đầu tư vào Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích lớn về mặt kinh tế. Về khoa học công nghệ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với Mỹ giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, Việt Nam cũng mở rộng quan hệ với Mỹ để nâng cao vị thế của Việt Nam, để bảo vệ độc lập thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Ông Cương nhấn mạnh, sự hợp tác này là công khai, minh bạch, sòng phẳng và không nhằm chống lại nước thứ ba.
Từ góc độ của Mỹ, theo ông Lê Văn Cương, ngoài vấn đề kinh tế, Mỹ đánh giá Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong khối ASEAN, trong khi vai trò của ASEAN là cầu nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khi Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vị thế của ASEAN rất quan trọng, trong đó không thể không nhắc tới vai trò của Việt Nam.
Kết quả thứ 2 , theo ông Lê Văn Cương, ngoài những vấn đề như kinh tế, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, hợp tác ngoại giao song phương/đa phương, còn một vấn đề quan trọng nữa là hiện nay cả 2 nước đều đối mặt với cuộc chiến Covid-19. Ông cho rằng chuyến đi này góp phần vào việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch chết chóc này.
"Kết quả ban đầu rõ rồi, là một triệu liều vắc xin hỗ trợ cho Việt Nam. Sắp tới đây có khả năng là các hợp tác về nghiên cứu sản xuất vắc xin, trao đổi các nhà khoa học giữa hai nước. Tôi cho rằng đây là những kết quả rất tích cực", ông nói.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, kết quả thứ 3 , thông qua mối quan hệ Việt - Mỹ được thúc đẩy, mở rộng sau chuyến đi lần này để gián tiếp lan tỏa tới quan hệ của Mỹ với các nước còn lại trong khối ASEAN. Khi quan hệ của Mỹ với một nước trong hiệp hội được củng cố thì chắc chắn tác động tới các nước còn lại, điều này cũng mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Việt Nam.
Cũng theo ông Cương, mặc dù chuyến thăm của bà Harris là chuyến đi song phương nhưng có yếu tố của địa chính trị chiến lược và mang hàm ý đa phương, vì Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong ASEAN. Vì lý do đó, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ đến Việt Nam được thế giới rất quan tâm.
"Chúng ta không mong muốn gì hơn là một khối ASEAN đoàn kết, một khối chặt chẽ trước những thách thức từ bên ngoài. Chuyến đi của bà Harris sang Việt Nam cũng góp phần tạo điều kiện để các nước ASEAN có thêm nhận thức đúng đắn, thống nhất hơn về những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt. Điều đó cũng góp phần củng cố đoàn kết nội khối ASEAN để ứng phó trong tình hình mới", chuyên gia nói.
Quan hệ song phương không phụ thuộc vào tên gọi
Thiếu tướng Lê Văn Cương (Ảnh: Thế giới & Việt Nam).
Xung quanh những ý kiến khác nhau cho rằng vì sao Việt - Mỹ chưa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, ông Lê Văn Cương nói, từ góc độ của một nhà nghiên cứu, ông cho rằng không gian của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ hiện vẫn còn nhiều chỗ trống, chưa khai thác hết, nên hai nước cần cùng nhau khai thác tối đa không gian này.
Ông Cương nhận định, việc thiết lập quan hệ song phương với một siêu cường ở mức độ đối tác chiến lược là điều mà cả Mỹ và Việt Nam đều phải cân nhắc kỹ. Ông cho rằng có lẽ vào thời điểm hiện nay điều đó là chưa thích hợp, bởi dư địa cho không gian đối tác toàn diện hiện nay còn rất nhiều.
"Chuyến đi này của bà Harris góp phần vào khai thác các dư địa còn trống đó, nên hai bên cần tích cực hơn nữa, thúc đẩy hơn nữa, củng cố lòng tin với nhau, để khai thác tối đa dư địa còn lại của cái gọi là đối tác toàn diện", ông Cương nêu ý kiến.
Theo ông Cương, sau khi các không gian trống của đối tác toàn diện được khai thác hết thì sau đó chuyển sang đối tác chiến lược. "Với tư cách là người nghiên cứu, tôi cho rằng lúc này chưa phải là thời điểm chín muồi. Thực chất, lúc này không có nhu cầu khách quan cần thiết để làm chuyện đó", ông nói.
Ông Cương cho rằng, mỗi mối quan hệ đạt ở mức độ nào thì đều có điều kiện chủ quan, khách quan chín muồi. Đối tác toàn diện hay chiến lược cũng còn tùy thuộc vào điều kiện khách quan bên ngoài của Mỹ và Việt Nam, những yếu tố của Mỹ, của Việt Nam.
Thiếu tướng Cương nói thêm, nếu nhìn vào danh sách các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam thì quan hệ thực chất giữa các nước không phụ thuộc vào tên gọi. "Tôi cho rằng cả Mỹ và Việt Nam đều không đặt nặng vấn đề này. Cũng không có gì phải phân vân về chuyện này cả, đây là chuyện bình thường", ông nói.
Báo chí quốc tế viết về chuyến thăm Việt Nam của bà Harris Truyền thông quốc tế đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ là bằng chứng cho thấy quan hệ hai nước ngày càng tiến triển. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 24/8 tới Việt Nam sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore, nơi bà cam kết Mỹ sẽ gắn bó lâu dài với Đông Nam Á cũng như khu...