Cách sơ cứu ban đầu cho nạn nhân bị tôn cứa cổ
Liên tiếp trong vòng 48 giờ, đã xảy ra hai tai nạn chết người do tôn cứa cổ.
Sau cái chết thương tâm của cậu bé tử vong do tôn cứa cổ, người dân tiếp tục bàng hoàng hơn với thông tin bà cụ 66 tuổi, ngụ tại Hà Nội cũng vô tình trở thành nạn nhân của những tấm tôn bị kịch.
Theo thông tin, khoảng 15h ngày 25-9, nữ bệnh nhân được nhập viện trong tình trạng đứt khí quản, tổn thương mạch cảnh hai bên và ngưng tuần hoàn. Cả hai trường hợp bệnh nhân đều tử vong chỉ sau vài giờ, do mất máu quá nặng trong quá trình đưa bệnh nhân đến BV.
Không riêng gì trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng hay nhiều trung tâm, TP lớn cả nước. Việc di chuyển liên tục và bình thường của những người chở đồ cồng kềnh, nguy hiểm như tôn, thép, sắp, thậm chí là những chiếc tủ lớn chỉ neo buộc bằng vài sợi dây thừng mỏng manh, vì thế nguy cơ gây ra tai nạn là rất lớn.
BS CKI Nguyễn Viết Hậu – Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu BV Đại Học Y Dược TP.HCM, cho rằng một thực trạng hiện tại là kỹ năng sơ cứu trong người dân vẫn còn chưa tốt đặc biệt các sơ cứu vết thương mạch máu. Những vết thương mạch máu nếu được sơ cứu đúng cách, đảm bảo không mất máu quá nhiều thì khi đến bệnh viện có thể chỉ cần được khâu nối lại là có thể cứu được tính mạng của nạn nhân.
Nạn nhân bị vết thương mạch máu thường có xu hướng ngất xỉu rất sớm do tính chất đột ngột của tai nạn, tình trạng mất máu cấp gây choáng vì huyết áp tụt nhanh, nhưng còn có thể do sự lo lắng, thấy nhiều máu rồi sợ hãi ngất xỉu.
Người dân còn lại tại hiện trường theo tâm lý chung rất hay sợ khi thấy máu, không ai dám xông vào trợ giúp, sơ cứu nạn nhân. Họ lại mất bình tĩnh khi thấy có nhiều máu làm cho việc sơ cứu ban đầu những vết thương mạch máu hay chấn thương có mất máu rất trì trệ.
Bình thường một lần hiến máu có thể đến 350 ml mà người hiến máu vẫn có thể làm việc bình thường. Do đó, lượng máu mất ngay cả đến 1.000 ml nếu tạm cầm vẫn có thể cứu mạng nạn nhân bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp 1.000 ml máu mà thấm ra quần áo và môi trường xung quanh thì rõ ràng rất nhiều người sẽ sợ hãi. Tâm lý chung của mọi người nếu thấy nạn nhân mất máu nhiều kèm với ngất xỉu cứ nghĩ nạn nhân đã chết lại càng chậm trễ thêm nữa.
BS Nguyễn Viết Hậu cho biết thêm, nạn nhân nhập khoa cấp cứu vì vết thương và chấn thương là rất thường gặp, trong đó vết thương mạch máu chiếm số lượng không nhỏ.
Nguyên nhân thường gặp là tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt do các vật sắc nhọn như dao, thanh kim loại, tấm tôn, dây cước…Những vết thương này có thể chỉ gây ra tình trạng chảy máu nhẹ tự cầm nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng mất máu rất nghiêm trọng gây tử vong cho nạn nhân nếu không được sơ cứu ban đầu đúng cách và chậm trễ thời gian đến bệnh viện.
Số lượng bệnh nhân nhập viện do đứt mạch máu tại BV ĐHYD là không nhỏ ẢNH: H.A
Kỹ năng sơ cấp cứu vết thương mạch máu đúng cách không phải là một kỹ năng quá phức tạp để thực hiện. Điều quan trọng là người sơ cấp cứu tại hiện trường phải bình tĩnh, gọi người xung quanh hỗ trợ, ép ngay chỗ đang chảy máu. Sau đó, người sơ cứu dùng các vật dụng hiện có tại nơi xảy ra tai nạn băng ép có trọng điểm để cầm máu vết thương, trong thời gian sớm nhất đảm bảo vận chuyển an toàn nạn nhân đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất.
Trong trường hợp đáng tiếc kể trên, hai nạn nhân đều bị cứa ở vùng cổ nên khả năng mất máu sẽ nghiêm trọng hơn vì hai bên cổ là hai hệ thống động mạch cảnh, một mạch máu rất lớn nuôi vùng đầu, cổ và nhu mô não.
Video đang HOT
Đây là hệ thống động mạch lớn và quan trọng của cơ thể, đồng thời cũng khó băng ép hơn so với ở tay hay chân. Chính vì vậy, nếu không được sơ cứu đúng cách thì khả năng tử vong sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đó cũng không phải là lý do để khó thực hiện.
Một số quan điểm sai lầm trong sơ cứu nạn nhân là đắp thuốc lá, tro, các loại bột, hay che vết thương lại bằng quần áo,…vì dễ làm vết thương nhiễm trùng, không quan sát được máu chảy, làm nguy hại hơn cho việc điều trị tại bệnh viện về sau.
Do đó, việc phổ biến kiến thức sơ cấp cứu cho người dân đối với các cơ quan đoàn thể nói riêng và ngành y tế nói chung là điều rất cần thiết. Nếu làm tốt giai đoạn sơ cứu tại hiện trường thì rất nhiều người sẽ được cơ hội cứu chữa hơn, chi phí điều trị sau đó thấp hơn đặc biệt ở môi trường mà có rất nhiều người dân bị tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt như ở Việt Nam.
Hiện nay các Hội chữ thập đỏ, các Bệnh viện lớn, Trung tâm cấp cứu đều có mở các lớp sơ cấp cứu ban đầu cho các cơ quan, trường học, đoàn thể, hội nghề nghiệp…nhưng chưa được mạnh mẽ vì chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Nhiều người với tâm lý học kỹ năng này có khi cả đời không dùng đến thì rất phí, tốn thời gian, nhưng thật ra khi sơ cứu thành công, giúp cứu tính mạng một người thì không hạnh phúc nào có thể đánh đổi được.
Băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân. Ảnh minh hoạ
Theo bác sĩ Hậu, về nguyên tắc vẫn sẽ phải tuân theo nguyên tắc cơ bản sơ cứu vết thương mạch máu đó là băng ép có trọng điểm vết thương. Trước tiên, người sơ cứu có thể dùng những vật dụng hiện có như gạc, khăn tay hay miếng vải rồi cuộn lại đặt lên vết thương và băng ép lên vết thương, có thể dùng cánh tay hay bàn tay bên đối diện hoặc thanh gỗ đặt phía bên cổ đối diện để làm thanh tựa cố định băng ép mà không làm ngạt nạn nhân. Cách đơn giản hơn rất nhiều giúp người sơ cứu dễ làm và dễ nhớ là cách băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân. Sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến BV gần nhất.
Theo Hải Âu ( Pháp luật TPHCM)
Nếu biết sơ cứu khi hóc dị vật, bạn có thể cứu sống con
Phụ huynh cần cảnh giác khi cho trẻ ăn các loại quả vải, nhãn, các loại thức ăn có xương và cần nắm rõ thủ thuật sơ cứu đúng cách nếu muốn con sống sót.
Sự việc thương tâm xảy ra ngày 16/8, bé trai 3 tuổi ở Thái Nguyên bị hóc hạt nhãn tử vong trên đường đến bệnh viện.
Bác sĩ Đặng Thị Mai Anh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện A Thái Nguyên) cho biết, khoảng hơn 20 giờ tối 16/8, gia đình đưa cháu bé vào viện. Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận định cháu bé đã tử vong từ trước đó. Dù đã được các bác sĩ cố gắng cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi. Sau đó, gia đình đã đưa cháu bé về nhà ở xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên) lo hậu sự.
Trước đó, theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 4/7, bé trai hơn 2 tuổi bị hóc hạt vải may mắn thoát chết vì mẹ biết cách xử trí.
Mẹ cháu Huy kể lại: "Dù khi ấy vô cùng sợ hãi nhưng tôi chợt nhớ đến kỹ thuật xử trí dị vật đã từng được xem trên ti vi do các bác sỹ hướng dẫn. Tôi liền cho cháu nằm sấp đầu thấp đồng thời vỗ vào lưng, sau đó cho cháu nằm ngửa và ấn vào vùng ngực của bé mấy nhát. Sau khi thực hiện 2 động tác trên, hạt vải đã bật ra ngoài, sau đó cháu khóc to, đỡ khó thở và tím tái".
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp may mắn như bé Huy không phải nhiều vì nhà bé gần bệnh viện và gia đình biết sơ cứu.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ bị hóc dị vật ngày càng nhiều dù các phương tiện truyền thông đã khuyến cáo. Trên thực tế, trẻ hóc, có bé được cứu sống, phục hồi tốt nhưng có những trẻ không may mắn, bị biến chứng não, thậm chí tử vong trước khi đến viện.
Do đó, đối với trẻ chẳng may bị hóc dị vật, người lớn cần thực hiện ngay thủ thuật này để lấy dị vật. Nếu dị vật không bắn ra cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Bên cạnh đó, người lớn cũng cần biết thủ thuật Heimlich, đây được xem như thủ thuật tạo ra "thời gian vàng" để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở trẻ.
Nguyên tắc là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài.
Vì thế, cách làm này có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo... Thủ thuật Heimlich có hiệu quả từ cú vỗ hoặc cú ép hoành đầu tiên, càng về sau hiệu quả càng giảm dần.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn làm thủ thuật Heimlich theo những bước sau:
Bước 1: Kiểm tra xem bé còn thở không
- Nếu bé trở nên tím tái, nhanh chóng kiểm tra ngực bé xem chuyển động lên xuống và lắng nghe nhịp thở.
- Nếu bạn nghĩ bé hóc thứ gì đó, cố gắng loại bỏ dị vật với ngón tay làm thành một cái móc. Chỉ làm điều này nếu bạn có thể nhìn thấy dị vật trong họng con. Nếu không nhìn thấy, tuyệt đối không cho tay vào vì khi đó bạn có thể đẩy vật cản vào sâu trong cổ họng.
- Bạn cũng có thể dùng tay kiểm tra mạch đập của bé.
- Nếu trẻ bất tỉnh, loại bỏ bất cứ thứ gì có thể thấy ở miệng bé và bắt đầu thực hiện thủ thuật cấp cứu cho đến khi xe cứu thương đến.
Bước 2: Gọi xe cấp cứu
Tốt nhất là nhờ người khác làm việc này, trong khi bạn bắt đầu làm sạch các vật gây nghẹt cho bé.
Bước 3: Vỗ lưng
- Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay thả lỏng tựa vào cẳng chân bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay bạn. Nếu bé quá nặng, bạn có thể đặt bé nằm xuống đùi bạn.
- Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai của trẻ).
- Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực.
Bước 4: Ấn ngực
- Đặt bé nằm trên đùi bạn với đầu thấp hơn thân. Đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa của bạn nên để ngay giữa ngực.
- Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc.
Bước 5: Kiểm tra lại miệng bé và loại bỏ dị vật
Xem bé đã thở lại chưa, nếu chưa, tiếp tục thực hiện vỗ lưng, ấn ngực cho tới khi xe cấp cứu tới.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước ai cũng nên biết Khi gặp người đang ngoi ngóp trên mặt nước nhưng không có ai hỗ trợ, hãy nhanh chóng xác định người này có bị đuối nước hay không và ngay lập tức tiến hành cứu nạn. Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 6.400 người tử vong vì tai nạn đuối nước, trong đó hơn 50% đối tượng bị nạn là trẻ em....