Cách phòng tránh và điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ
Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em, bất kể lứa tuổi nào và thời tiết nào. Để trẻ không bị viêm phế quản, các bậc cha mẹ cần phải hiểu biết một số nguyên nhân và cách phòng tránh căn bệnh này.
Đối tượng
Thông thường, bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà… rất dễ bị viêm phế quản. Những trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng cũng dễ mắc và thường diễn tiến nặng đến viêm phổi. Đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy.
Nguyên nhân
Virus là nguyên nhân chính gây nên bệnh giai đoạn đầu, thường thấy ở trẻ sau khi bị viêm hô hấp trên, cảm lạnh, ho sổ mũi, cúm hay viêm xoang. Sau đó nếu không được điều trị và sức đề kháng yếu thì virus có thể lây lan tới hai cuống phổi (bộ phận nối họng và hai lá phổi với nhau), làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ, tiết dịch nhầy trong phổi, gây kích thích trẻ sẽ ho nhiều và thở mệt do đường thở bị viêm và tiết dịch.
Nếu trẻ có những biểu hiện trên cùng với sốt kéo dài trong vài ngày hay ho kéo dài trong vòng từ 2 – 3 tuần, có thể trẻ đã bị viêm phế quản. Sau đó, trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh. Ngoài sốt ra trẻ có thể có cảm giác đau ngực, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn ói.
Viêm phế quản còn có thể do nguyên nhân hít phải bụi bẩn, hơi độc hay khói thuốc lá và bụi bẩn. Đa số các thanh thiếu niên nghiện thuốc lá hay trẻ em phải sống trong môi trường có khói thuốc lá, rất có nguy cơ bị viêm phế quản mãn tính.
Video đang HOT
Triệu chứng
Khi mắc bệnh, các nang phế quản nhỏ bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp, thậm chí tắc nghẽn.
Triệu chứng thường gặp nhất là trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường, bệnh sẽ kéo dài trong 1-2 tuần, nếu được chăm sóc tốt sẽ khỏi hẳn. Nếu không, bệnh sẽ kéo dài trong nhiều tuần liền.
Phòng bệnh và điều trị
Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi để trẻ tăng cường kháng thể.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng (suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi…); có yếu tố nguy cơ trên nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm.
Với các trường hợp nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà bằng việc cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cụ thể như cho trẻ uống nhiều nước, làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn. Có thể nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý, sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ trở thành bệnh hen sau này.
Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, thường xuyên giữ ấm trẻ (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). Về mùa lạnh, các cô nuôi dạy trẻ cần chú ý bố trí giờ chơi, giờ tập luyện ngoài trời cho các cháu phù hợp với thời tiết trong ngày. Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA cần được điều trị kịp thời.
Theo Đời Sống Pháp Luật
Cách đối phó viêm họng cấp tính ở trẻ
Mùa hè, không khí nóng nực khiến nhiều người nghiện uống nước giải khát với đá. Điều này rất dễ dẫn tới viêm họng cấp, nhất là đối với trẻ em.
Viêm họng cấp nếu không được điều trị thì có thể kéo dài từ 7 - 10 ngày và rất dễ gây biến chứng như viêm amiđan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, VA quá phát (trẻ nhỏ) và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết.
Nóng - lạnh đột ngột dễ gây viêm họng cấp
Viêm họng cấp tính là sưng nề niêm mạc họng một cách nhanh chóng. Căn nguyên gây viêm họng cấp tính có thể do vi khuẩn, virut, vi nấm hoặc tác động của môi trường. Điều kiện thuận lợi nhất cho các loại vi sinh vật gây bệnh có nhiều loại nhưng khi bị lạnh đột ngột là yếu tố rất cần được quan tâm. Lạnh đột ngột có thể do thời tiết thay đổi, nhưng vào mùa nắng nóng, trẻ hay dùng các loại nước giải khát lạnh quá thì rất dễ xảy ra viêm họng cấp. Bởi vì họng là vị trí của ngã tư đường ăn và đường thở, là cửa ngõ của đường dẫn không khí vào phổi, dẫn thức ăn và nước uống qua thực quản. Vì vậy, họng là nơi rất thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh, đặc biệt là viêm họng cấp ở trẻ em.
Khi trẻ có dấu hiệu viêm họng cần đưa trẻ đi khám để được điều trị đúng (Ảnh: Trần Minh)
Qua các công trình nghiên cứu cho thấy, có trên 80% các trường hợp trẻ em lúc đầu chỉ bị viêm mũi, họng do virut, sau vài ngày, do sức đề kháng của cơ thể trẻ yếu dần, đặc biệt là các cháu còi xương, suy dinh dưỡng hoặc đang mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính (VA, hen phế quản) thì các loại vi khuẩn khác đang sống ký sinh ở họng, mũi trở nên gây bệnh (thường gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội như vi khuẩn phế cầu, Hemophilus influenzae, liên cầu, tụ cầu). Mùa nắng nóng, trẻ dễ bị viêm họng cấp do dùng đồ uống quá lạnh như kem, nước đá, nếu cùng một lúc (hoặc ngay sau khi dùng đồ lạnh) trẻ chơi trước luồng gió xoáy vào của quạt hoặc ở trong phòng máy lạnh hoặc quần áo ướt đẫm mồ hôi làm cho cho trẻ càng dễ cảm lạnh gây viêm họng cấp.
Bệnh có biến chứng nguy hiểm?
Viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, sốt cao 39 - 40oC, ho, sốt, nghẹt mũi (1 hoặc 2 bên mũi), đau rát họng, quấy khóc nhiều, bỏ ăn, bú ít. Với trẻ nhỏ, khi viêm họng cấp mà bị sốt cao rất có thể bị co giật. Các trẻ lớn đã biết nói có thể sẽ kêu với bố mẹ là đau đầu, đau họng (nuốt đau), nghẹt mũi, ù tai, rát họng. Một số trẻ kêu bị đau nhức trong tai, kèm theo đó là chảy nước mũi nhầy, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan, trẻ mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn. Nếu sờ vào vùng cơ ức đòn chũm, góc hàm có thể thấy xuất hiện viêm tấy hạch và đau. Viêm họng cấp nếu không được điều trị thì có thể kéo dài từ 7 - 10 ngày và rất dễ gây biến chứng như viêm amiđan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, VA quá phát (trẻ nhỏ) và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết.
Nhiễm khuẩn huyết là một biến chứng rất nặng và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, đặc biệt là do vi khuẩn tụ cầu vàng (S. aureus) hoặc vi khuẩn trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa). Nguy hiểm nhất là những trẻ viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes) có thể dẫn đến thấp tim, viêm cầu thận cấp. Nếu bị biến chứng thấp tim (trước tiên là thấp khớp cấp) thì ngoài các triệu chứng về viêm họng, trẻ bị đau, sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu, ngón tay và chạy từ khớp này sang khớp khác. Sưng, nóng, đỏ, đau ở một số khớp và di chuyển từ khớp này sang khớp khác là một dấu hiệu hết sức điển hình của thấp khớp cấp tính để nhận biết nguy cơ bị thấp tim ở trẻ. Viêm họng cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị ngay từ đầu thì cũng rất dễ chuyển thành viêm họng mạn tính kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần.
Cần phải làm gì?
Nếu trẻ bị viêm họng cấp, sốt cao, nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Trong khi chưa thể đưa trẻ đến cơ sở y tế được thì có thể xử trí ngay tại gia đình, lớp học (nhà trẻ, mẫu giáo). Nếu trẻ sốt trên 38oC, nên dùng thuốc hạ sốt loại đơn chất paracetamol với liều lượng: trẻ dưới 3 tháng/tuổi là 40mg; trẻ từ trên 3 tháng - 11 tháng/tuổi là 80mg; trẻ từ 12 tháng - 24 tháng/tuổi là 120mg; trẻ trên 24 tháng/tuổi thì dùng 10mg/kg cân nặng và cứ 6 giờ mới dùng lại, nếu trẻ vẫn sốt cao trên 38oC (có thể uống hoặc đặt hậu môn). Khi trẻ sốt mà chưa cần dùng đến thuốc hạ nhiệt thì nên lau bằng nước ấm (nước có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt của trẻ khoảng 2oC) vào vùng trán, nách, bẹn cho trẻ (không dùng nước đá hoặc nước lạnh).
Trẻ cần được uống nhiều nước (tốt nhất là dùng dung dịch oresol) và nước ép hoa quả. Nếu bệnh của trẻ không đỡ thì cần phải đưa trẻ đi bệnh viện khám để được xác định bệnh và có chỉ định điều trị của bác sĩ. Khi viêm họng mà có chỉ định điều trị của bác sĩ khám bệnh thì cần thực hiện nghiêm túc, uống thuốc theo đơn. Cần cho trẻ uống đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh để tự điều trị cho trẻ.
Mùa hè, thời tiết nóng bức, môi trường dễ ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật phát triển và gây bệnh. Ngoài việc không cho trẻ dùng các loại đồ uống quá lạnh hoặc kem thì cần vệ sinh họng, răng, miệng hàng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng. ặc biệt, với trẻ có bệnh về đường hô hấp trên mạn tính, hay tái phát, càng cẩn thận khi cho trẻ uống nước giải khát lạnh. Khi trẻ đang bị viêm họng cấp thì phòng ngủ dành cho trẻ cần thoáng mát, nếu có điều hòa nhiệt độ, cần giữ ở mức nhiệt độ thích hợp với trẻ, nhiệt độ lý tưởng cho trẻ là trên 26oC. Nếu sử dụng quạt thì không nên cho hướng của quạt chiếu thẳng vào trẻ mà nên cho quạt quay và cũng nên cho tốc độ ở mức vừa phải, khi trẻ đã ngủ ngon thì nên giảm tốc độ của quạt.
Sức khỏe và đời sống
Nhiều người bệnh nặng vì nắng nóng Đợt nắng nóng gay gắt đầu mùa hè khiến lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại các bệnh viện bắt đầu gia tăng. Các bác sĩ cảnh báo, lượng bệnh nhân sẽ tăng cao hơn nhiều, nếu nhiệt độ tiếp tục duy trì như mấy ngày qua. Viêm màng não, sốt virus, viêm da tấn công trẻ Khoa Nhi...