Cách phòng, tránh phản ứng sau tiêm chủng vaccine sởi – rubella
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện đã có hơn 5 triệu trẻ em được tiêm vaccine sởi – rubella an toàn, phấn đấu đến hết tháng 2-2015 có tổng cộng 23 triệu trẻ em được tiêm vaccine này.
Tuy nhiên, hiện tượng một số học sinh bị choáng, ngất sau tiêm vaccine này hay cán bộ y tế tiêm nhầm vaccine bằng nước cất xảy ra mới đây, khiến tâm lý các phụ huynh ít nhiều lo lắng.
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm vaccine tại trường học ở Hà Nội
Trường hợp nào chống chỉ định với vaccine?
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine sởi – rubella là loại vaccine an toàn, phản ứng nặng sau tiêm như giảm tiểu cầu, sốc phản vệ hay dị ứng, nổi mề đay, ngứa, phát ban rất hiếm gặp trong vòng 24 giờ sau tiêm. Tuy nhiên, sau tiêm chủng có thể gặp một số phản ứng như đau tại chỗ tiêm; sốt nhẹ kéo dài trong 1- 2 ngày (chiếm khoảng 5 – 15%); phát ban xuất hiện từ 7 – 10 ngày sau khi tiêm (chiếm khoảng 2%); nổi hạch, đau cơ và cảm giác khó chịu. Do vậy, việc khám sàng lọc và chỉ định tiêm cần được thực hiện chặt chẽ.
Tại Hà Nội, sau khi triển khai tiêm thí điểm tại 10 quận/ huyện trong 10 ngày, đến ngày 28-10 vừa qua, thành phố chính thức triển khai tiêm chủng vaccine sởi – rubella trên diện rộng đợt 1, cho trẻ từ 1-5 tuổi. Hiện tại, đã có hơn 200.000 trẻ được tiêm, không xảy ra trường hợp phản ứng nặng nào.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các trẻ đi tiêm vaccine sởi-rubella, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, những trường hợp chống chỉ định với vaccine này gồm: trẻ có tiền sử sốc hoặc có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vaccine chứa thành phần sởi hoặc rubella; dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vaccine; có tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan; trẻ mắc các bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh về máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu… thì không nên đi tiêm vaccine. Những trường hợp đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi và rubella cũng không phải tiêm vaccine sởi – rubella, vì người đã mắc bệnh thường có miễn dịch bền vững. Tuy nhiên, nếu chỉ mắc 1 trong 2 bệnh này thì việc tiêm vaccine phối hợp sởi – rubella để phòng đồng thời 2 bệnh là cần thiết.
Cách tránh hội chứng ngất do tâm lý
Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 28-10 vừa qua, tại Ttrường THCS Bình Trị Đông A (quận Bình Tân, TP.HCM) triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi – rubella. Sau thời gian tiêm khoảng 30 phút, 1 em học sinh của trường có biểu hiện chóng mặt, mệt xỉu, một lúc sau có 4 em cũng có biểu hiện tương tự. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng — Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân của hiện tượng trên được xác định là phản ứng dây chuyền sau khi tiêm chủng do yếu tố tâm lý vì sau khi tiêm vaccine cho một nhóm người sẽ gây ra sự lo lắng ở những người được tiêm với những triệu chứng tương tự nhau. Hiện tượng này dễ xảy ra với các điểm tiêm chủng tại trường học, lây lan nhanh chóng, trong đó nữ thường gặp nhiều hơn nam, ở độ tuổi học sinh cấp 2 thường xảy ra nhiều hơn.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để phòng tránh hiện tượng này, tại các điểm tiêm, nhân viên y tế nên tiêm phòng cho những trẻ ít sợ tiêm đầu tiên, bố trí nhân viên hỗ trợ để giảm bớt lo lắng, căng thẳng cho trẻ. Với những trẻ sợ tiêm, nên tránh để trẻ trực tiếp nhìn thấy việc tiêm chủng cho trẻ em trước đó bởi dễ gây ra các biểu hiện tâm lý căng thẳng. Khi 1 trẻ có biểu hiện phản ứng thì cần cách ly, trấn an và theo dõi. Đối với các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng hoặc trước khi trẻ đi tiêm chủng tại điểm tiêm ở trường học, cần lưu ý cho con ăn no trước khi đi tiêm chủng 30 phút để trẻ không bị đói, hạ đường huyết.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo thêm, phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần thông báo cho cán bộ y tế về các khuyết tật bẩm sinh, lịch sử sinh non, dị ứng hoặc bất kỳ phản ứng mạnh nào trong những lần tiêm vaccine trước đó. Ngoài ra, phụ huynh nên đặt yêu cầu xem vaccine sẽ được dùng cho trẻ và thảo luận về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Sau khi tiêm phòng, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút để giám sát tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra. Phụ huynh cũng cần giám sát trẻ trong vòng 24 giờ sau khi tiêm chủng tại nhà, nếu trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, phát ban, sưng tại chỗ thì không cần chăm sóc y tế.
Theo ANTD
Sở Y tế xin lỗi vụ tiêm nhầm cho 60 trẻ em
Sáng 27/10, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó GĐ Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho VietNamNet biết thông tin mới nhất về hướng xử lý "sự cố" nhân viên y tế tiêm nhầm nước cất cho cho 60 trẻ ở Trường mầm non Sao Mai xảy ra vào sáng 14/10.
Sau khi để xảy ra sự cố tiêm nhầm nước cất thay vì tiêm vắc xin xảy ra ở Trường mầm non Sao Mai. Hiện sở đã có hướng xử lý và khắc phục sự cố đó như thế nào?
Việc xảy ra sai sót do chính hệ thống giám sát của ngành phát hiện được. Ngay sau đó, chúng tôi đã đình chỉ công tác nhân viên y tá để xảy ra sự cố. Tiếp đến bố trí cán bộ khác thay thế và tiếp tục đợt tiêm chủng cho các em còn lại.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó GĐ Sở Y tế Đồng Tháp - Ảnh: Gia Nin
Điểm trường mầm non này có 170 em, trong đó phát hiện 60 em tiêm nước cất mà không có vắc-xin. Còn 110 em khác vẫn tiêm bình thường, chuyển biến tốt. Ngay sau khi biết tin về sự cố, lãnh đạo Sở Y tế đã triệu tập cuộc họp có các bên liên quan để làm rõ sai sót và thống nhất hướng xử lý tiếp theo...
Ngày 17/10 chúng tôi triển khai cuộc họp xử lý. Đến ngày 21/10, Sở phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể và phụ huynh của 60 em công bố công khai những sai sót xảy ra.
Chúng tôi đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm trước các bà mẹ, gia đình phụ huynh và chân thành xin lỗi họ...
Ngoài giải thích các thắc mắc, chúng tôi cam kết tổ chức lại đợt tiêm vào ngày 11/11 tới đây. Hôm đó tôi sẽ trực tiếp tham gia giám sát để đảm bảo quy trình an toàn trong đợt tiêm chủng này.
Thưa ông, trước khi tiêm vắc xin phòng dịch sởi rubella, Sở Y tế có tổ chức tập huấn cho các nhân viên cũng như đội ngũ bác sĩ hay không?
Trước khi tiêm chủng các đơn vị đều được tập huấn lập về kế hoạch; quy trình an toàn tiêm chủng, bảo quản vắc xin, làm sổ sách báo cáo...Việc này còn có Viện Pasteur TPHCM hỗ trợ trực tiếp.
Từ tỉnh đến huyện đều tổ chức giám sát chặt chẽ các bước. Tuy nhiên xảy ra sai sót là do cô nhân viên trình độ tay nghề còn yếu...
Nữ nhân viên tiêm nhầm tên là gì vậy?
Cái này xin phép không nêu tên. Cô là nhân viên Trạm y tế phường 3 (TP.Cao Lãnh). Chúng tôi đã họp kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc và cô ấy cũng bị tổn thương. Kíp tiêm tại trường mầm non Sao Mai có tổng cộng 5 nhân viên y tế.
Sức khỏe của các cháu bị tiêm nhầm hiện nay như thế nào? Phụ huynh có hoang mang không, thưa ông?
Chúng tôi cho theo dõi liên tục, từ khi tiêm đến nay không có cháu nào có biểu hiện bất thường. Ngày 21/10, chúng tôi có gặp các bậc phụ huynh hỏi thăm thì các cháu đều bình thường. Bởi đây là dung dịch (nước cất) để pha vào lọ vắc-xin dạng bột, tiêm cho các cháu.
Trường mầm non Sao Mai nơi có 60 trẻ tiêm không có vắc-xin - Ảnh: Báo Lao Động
Cô nhân viên thực sự sơ suất, nhưng tiêm không có vắc-xin thì cũng không có phản ứng gì.
Lúc đầu các bậc phụ huynh nghe thông tin cũng lo lắng. Sau khi nghe giải thích, các bậc cha mẹ đã yên tâm hơn...
Trước sự cố sai sót ở trên, nhiều người nhận định đội ngũ y tế ở Đồng Tháp kém về chuyên môn. Ông nghĩ sao về đánh giá này?
Tôi thấy để xảy ra việc này là điều đáng tiếc, nhưng xảy ra ở một phạm vi cá nhân là nhân viên y tế. Khi xảy ra, chính hệ thống của mình giám sát phát hiện và được xử lý, khắc phục tích cực. Việc này chúng tôi đã công khai nhận thiếu sót, xin lỗi rõ ràng theo đúng quy định.
Hiện chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc cô nhân viên y tế và rút kinh nghiệm trong trạm y tế. Trường hợp này bố trí làm công tác khác, không bố trí chuyên môn tiêm chủng nữa.
Ngoài ra trong toàn ngành y tế của tỉnh phải nhìn đó để rút kinh nghiệm.
Xin hỏi để xảy ra sự cố trên, trách nhiệm của Sở Y tế ở mức độ nào?
Tôi thấy rằng việc tổ chức tập huấn là tốt, đầy đủ...nhưng để xảy ra sai sót như vậy là đáng tiếc. Tôi xin thay mặt lãnh đạo Sở Y tế nghiêm túc nhận thiếu sót và trách nhiệm. Tôi cũng gửi lời xin lỗi đến các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương, giáo viên ở Trường mầm non Sao Mai về sơ suất nêu trên.
Xin cám ơn ông!
Trên toàn tỉnh Đồng Tháp, việc tiêm vắc-xin được thực hiện làm 2 đợt. Lần đầu tiêm cho khoảng 123.000 trẻ, từ 1 đến 5 tuổi. Tập trung chủ yếu các trường mầm non và đã thực hiện tiêm được cho 99.481 trẻ (đạt 80,49%). Lần thứ 2 tiêm chủng cho khoảng 90.000 trẻ, từ 6 đến 9 tuổi. Sẽ thực hiện từ ngày 11/11 tới. Mỗi điểm tiêm được bố trí 5 đến 6 cán bộ y tế cùng với hệ thống giám sát.
Theo Quốc Huy - Gia Nin
Vietnamnet
60 trẻ bị tiêm nhầm nước cất thay cho văcxin Thấy ống dung dịch hồi chỉnh, cán bộ tiêm chủng lại tưởng là văcxin mới nên tiêm cho trẻ. Rất may đây chỉ là nước cất nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sự việc xảy ra tại điểm tiêm chủng của Trường mầm non Sao Mai, phường 3, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào giữa tháng 10 vừa qua....