Cách phòng tránh một số bệnh thường gặp lúc giao mùa
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.
Một số bệnh thường gặp lúc giao mùa
Tháng 10 là lúc thời tiết thay đổi hết sức thất thường, khu vực phía Nam mưa nắng bất chợt trong khi phía Bắc bắt đầu xuất hiện những con gió lạnh kèm theo tiết trời hanh khô, khiến các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh, kéo theo nguy cơ bệnh dịch, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
- Cảm cúm: cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra khi cơ thể con người không thích nghi kịp với những biến đổi của thời tiết, môi trường xung quanh, nhất là với những người sức đề kháng không cao như người già hay trẻ em. Vì vậy, người lớn tuổi cần hết sức cẩn thận, giữ ấm khi ra ngoài, các mẹ cần lưu ý đeo khẩu trang và tránh để con tiếp xúc với người lạ, trẻ mắc cúm.
Nhiều loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh, kéo theo nguy cơ bệnh dịch, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Ảnh minh họa: TTXVN
- Sốt xuất huyết : sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu virus Dengue (DEN) gây ra. Bệnh lây do loài muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đốt từ người bệnh truyền sang cho người lành.
Bệnh sốt xuất huyết có 2 triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết (ra máu). Sự nguy hiểm của bệnh là giảm lượng tiểu cầu trong máu, nếu lượng tiểu cầu thấp có thể gây ra xuất huyết không cầm được, nếu xuất huyết ở nội tạng người bệnh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra sốt xuất huyết còn làm tăng tính thấm thành mạch làm huyết tương trong máu thoát ra ngoài, gây hiện tượng máu cô, dẫn đến giảm khối lượng máu lưu hành, tụt huyết áp và sốc.
Nếu không được cấp cứu kịp thời cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng.
Do đó, cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Video đang HOT
- Bệnh sởi: sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra và là một trong các loại bệnh dịch phổ biến ở nước ta vào thời điểm tháng 9 – tháng 10 hàng năm.
Bệnh sởi có các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), chảy nước mũi; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não… dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.
Với trẻ mắc bệnh sởi, cha mẹ không nên kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn… Bởi khi trẻ không được ăn đủ chất sẽ khiến bệnh kéo dài; còn kiêng gió, kiêng nước khiến trẻ không đảm bảo vệ sinh làm tăng tỷ lệ viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.
Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi (mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi; mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi). Ngoài ra, để phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch sởi, cần có kiến thức tự phòng, chống.
Bên cạnh đó, cần tiến hành tiêm vắc xin sởi cho phụ nữ ở độ tuổi mang thai và những người dân trong cộng đồng chưa có kháng thể chống sởi giúp giảm số người mắc, phòng lây nhiễm bệnh sởi…
- Bệnh tay chân miệng: cùng với bệnh sởi, tay chân miệng là loại bệnh phổ biến vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 hàng năm, khi thời tiết biến đổi phức tạp. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
Các bệnh kể trên đều do virus gây ra và đều có triệu chứng đầu tiên là nóng sốt. Vì thế, ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu, cần đưa trẻ đi khám để xác định xem hiện tượng nóng sốt ở trẻ là do loại bệnh lý nào để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
* Cách phòng tránh
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).
- Giữ ấm cơ thể: ở những ngày giao mùa nóng lạnh thất thường, cơ thể dễ bị cảm lạnh, nhất là ở người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là gan bàn chân. Thời điểm cần chú ý là ban đêm, lúc đi ngủ và khi tắm.
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Các loại trái cây thuộc họ cam quýt như cam, bưởi là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Một số loại thực phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng như rau xanh (súp lơ xanh, nấm..) hoặc các loại thực phẩm như cá, thịt bò, tỏi cũng sẽ giúp cơ thể chống chọi với các nguy cơ gây bệnh tốt hơn.
- Luyện tập nhiều hơn: để tăng sức đề kháng của cơ thể, cần luyện tập nhiều hơn vào những ngày giao mùa. Đừng quên khởi động kỹ các khớp, cơ và bắp trước khi tập để đốt nóng cơ và phòng tránh nguy cơ bị chuột rút.
Sự thay đổi nhiệt độ giữa hai mùa sẽ khiến dễ có nguy cơ bị cảm lạnh vào những buổi sáng và buổi tối. Chính vì thế, khi luyện tập, nên chú ý việc lựa chọn trang phục phù hợp với nhiệt độ của môi trường.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài: đeo khẩu trang để phòng bệnh là một việc đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Nên sử dụng khẩu trang để bảo vệ chính mình khi tới bệnh viện, khi ở gần nguồn lây nhiễm, hoặc khi có dịch. Khi bản thân có các triệu chứng như hắt hơi, ho… nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.
- Giữ tâm trạng tốt: việc thay đổi thời tiết có thể ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần. Nhiều người có thể bị mất ngủ, đau đầu và rơi vào trạng thái tâm lý mất ổn định. Vì vậy, ngoài việc giữ cơ thể khỏe mạnh, cũng nên quan tâm tới sức khỏe tinh thần, giữ cho tâm trạng thoải mái và tích cực.
Có thể thư giãn bằng việc nghe nhạc, đọc sách để thư giãn và nhất là ngủ đủ giấc để cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể. Nên giữ phòng ngủ thoáng mát, không chói sáng để có những giấc ngủ đạt chất lượng./.
Phương Nam (tổng hợp)
Theo Bnews
Phòng tránh bệnh hô hấp hiệu quả cho trẻ thời điểm giao mùa
Thời điểm giao mùa, trẻ sơ sinh dễ bị ho, sổ mũi nếu không được chăm sóc, giữ gìn cẩn thận. Dưới đây là những cách cha mẹ có thể áp dụng để phòng tránh ho, sổ mũi cho trẻ.
Giữ nhiệt độ môi trường xung quanh trẻ ổn định
Thời tiết thay đổi khiến nhiệt độ và độ ẩm cũng thay đổi đột ngột. Lúc này, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ngồi điều hòa quá lạnh, nhiệt độ phòng nên để từ 26-27 độ C vào ban ngày, 27-28 độ C vào ban đêm, nhiệt độ trong nhà và ngoài trời không nên chệnh lệnh quá 5 độ C. Hạn chế ra vào liên tục phòng điều hòa vì có thể gây sốc nhiệt.
Tắm nước ấm cho trẻ với gừng hoặc tinh dầu
Nếu trẻ bị sổ mũi mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ tắm nước lạnh vì khiến bệnh càng nặng hơn. Lúc này mẹ nên dùng nước ấm vừa thân nhiệt để tắm cho trẻ.
Tắm nước gừng hoặc tinh dầu tràm khi trẻ bị ho và sổ mũi rất hiệu quả trong việc giúp làm ấm cơ thể trẻ, thông đường thở, tiêu diệt virus, vi khuẩn trong cơ thể.
Với trẻ trên 2 tuổi, mẹ có thể cho thêm 1-2 giọt tinh dầu hoa oải hương hoặc dầu khuynh diệp vào trong nước tắm của trẻ. Hơi nước ấm cộng với tinh dầu bốc lên sẽ làm lỏng dịch mũi, trẻ sẽ dễ hỉ mũi và mẹ cũng dễ làm sạch mũi cho trẻ hơn. Cách này vừa đơn giản, vừa hiệu quả và trẻ sẽ thích hơn là bị ép uống thuốc.
Vệ sinh mũi hàng ngày
Vệ sinh mũi là cách làm sạch hố mũi và ngăn ngừa được tình trạng viêm nhiễm hoặc các biến chứng mãn tính như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa... Với trẻ lớn, mẹ có thể yêu cầu trẻ xì mũi đúng cách là được.
Cách vệ sinh mũi cho trẻ: Đặt trẻ nằm ngửa, kê cao đầu. Sau đó nhỏ nước mũi sinh lý vào từng bên mũi trẻ. Trẻ dưới 1 tuổi nhỏ 2 - 3 giọt, trẻ lớn hơn có thể 4 - 5 giọt.
Tiếp theo dùng tay day nhẹ cho niêm mạc mũi mềm và dùng dụng cụ hút mũi để hút hết nhầy trong mũi. Các thao tác này nên thực hiện nhẹ nhàng tránh làm trẻ hoảng sợ.
Massage lòng bàn chân với tinh dầu
Massage lòng bàn chân cho trẻ rất đơn giản nhưng lại có tác dụng vô cùng tốt, có thể giúp trẻ tạm biệt ho - sổ mũi rất nhanh và an toàn. Các mẹ chỉ cần sử dụng vài giọt dầu tràm hay dầu khuynh diệp và massage nhẹ nhàng vào lòng bàn chân trái, phải của con. Mỗi bên chừng 1 phút, sau đó đeo tất (vớ) cho con là được. Cách này nên thực hiện vào buổi tối để con ngủ ngon hơn.
Dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý
Đây là cách tự nhiên, hiệu quả nhất để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ, nhằm phòng tránh những bệnh lý về đường hô hấp. Nếu trẻ không được đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, khoa học; thiếu ngủ và thường xuyên mệt mỏi, hệ miễn dịch của bé sẽ suy yếu, khó tránh khỏi sự tấn công của vi khuẩn.
Theo ngaynay
Vì sao viêm họng quá hai ngày cần đi khám ngay? Bệnh viêm họng dễ mắc khi ở phòng điều hòa, hay giao mùa, mưa gió... Tuy lành tính nhưng rất dễ biến chứng sang các bệnh khác và không ít người đã phải tiêm tới 7 ngày mới khỏi. Bệnh viêm họng dễ mắc và tái phát khi giao mùa Chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Nam) có con gái đã 4 tuổi, nhưng...