Cách nhận diện bệnh ngoài da do mưa lũ người dân miền Trung cần biết
Sau một thời gian thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước mang nhiều mầm bệnh, người dân miền Trung ở các vùng bị ngập lụt rất dễ mắc phải các bệnh lý ngoài da.
Nhận diện bệnh ngoài da do mưa lũ người dân miền Trung cần biết
Theo ThS. BS Lê Thị Mai – Phó Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương, những người tiếp xúc và ngâm nước bẩn lâu ngày có nguy cơ mắc 4 nhóm bệnh về da bao gồm: viêm da tiếp xúc, nhiễm nấm da, bệnh ngoài da do chấn thương và các bệnh ngoài da khác (ví dụ: phản ứng do côn trùng cắn).
ThS. BS Lê Thị Mai – Phó Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương
Người dân có thể nhận diện các nhóm bệnh này, thông qua các triệu chứng điển hình sau:
Viêm da tiếp xúc
BS Mai chia sẻ: “Việc ngâm mình lâu trong nước ngập là một trong những nguy cơ gây tổn thương tế bào sừng, dẫn đến viêm và kích ứng”.
Biểu hiện lâm sàng của tình trạng viêm da tiếp xúc là xuất hiện các mảng ban đỏ tại vùng tiếp xúc, mụn nước, cảm giác châm chích, bỏng rát và đau nhức
Khi mắc bệnh lý này, người dân cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng và giữ khô tổn thương để ngăn ngừa các bệnh da thứ phát. Điều trị hỗ trợ bằng các thuốc có chứa corticoid tại chỗ và kháng histamine toàn thân.
Nhiễm nấm da
BS Mai phân tích, việc tiếp xúc với nước lũ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm da. Bàn chân nơi tiếp xúc với nước bẩn nhiều nhất nên dễ mắc nấm nhất. Mặc quần áo ẩm và tự ý bôi thuốc có chứa corticoid làm bệnh nặng thêm.
Nổi ban đỏ, mụn nước, trợt loét da kèm theo ngứa nhiều là những triệu chứng điển hình của bệnh.
Bệnh nấm da có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ
Bệnh da bội nhiễm do chấn thương
Vết thương do chấn thương thường là tình trạng ban đầu, sau đó là nhiễm trùng thứ phát. Biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy như viêm mô bào, hoại tử và nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết.
Làm sạch vết thương, bôi mỡ kháng sinh và băng vết thương là một trong những cách điều trị hiệu quả nhất đối với những vết thương bị nhiễm trùng.
Bệnh da do côn trùng đốt, cắn
Việc bị côn cùng cắn có thể gây tổn thương viêm tại chỗ hoặc toàn thân (dị ứng). Triệu chứng thông thường của vết đốt côn trùng là sẩn huyết thanh. Nghiêm trọng hơn có thể có xuất huyết, hoại tử.
Về điều trị, BS Mai cho biết cần làm sạch tổn thương bằng xà phòng nhẹ, băng ép, bôi các chế phẩm làm dịu và tránh trầy xước để ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát (đây là biến chứng phổ biến nhất của những vết đốt này). Bôi các chế phẩm chứa corticoid và uống thuốc kháng histamine để giảm các triệu chứng ngứa và đau là những phương pháp điều trị thích hợp.
Phòng bệnh sau khi nước rút
Theo BS Mai, làm sạch môi trường là giải pháp đầu tiên để phòng ngừa các bệnh lý dễ gặp phải do mưa lũ.
“Nếu nhà bị ngập nước, hãy dùng ủng cao su và găng tay chống thấm nước trong quá trình dọn dẹp. Loại bỏ các vật liệu gia đình bị ô nhiễm không thể khử trùng như thảm, vách thạch cao”, BS Mai khuyến cáo.
Nhiều nhà dân bị ngập nặng trong đợt lũ lịch sử vừa qua
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, đặc biệt là những người đang điều trị ung thư, những người đã cấy ghép nội tạng và những người đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ… nên tránh tham gia các hoạt động dọn dẹp.
Bên cạnh đó, các gia đình nên tuân thủ những nguyên tắc sau để phòng bệnh hiệu quả:
- Giặt quần áo, chăn ga bị nhiễm nước bẩn sớm nhất có thể.
- Không cho trẻ chơi ở vùng nước ngập và không cho trẻ chơi đồ chơi nhiễm nước bẩn. Một số đồ chơi như thú nhồi bông và đồ chơi trẻ em, không khử trùng được nên được loại bỏ.
- Tắm rửa bằng nước sạch, tránh ngâm tay, chân lâu trong nước và cố gắng giữ da sạch sẽ, khô ráo.
- Luôn rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng chất tẩy rửa tay có cồn.
- Tất cả các vết cắt và trầy xước phải được làm sạch, xử lý bằng chất sát trùng và băng lại ngay lập tức.
- Đến cơ sở y tế ngay khi có thể nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh.
5 bệnh về da thường gặp sau mưa lũ
Bệnh nấm da, viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng da, ghẻ... thường xảy ra sau những ngày mưa, ngập lụt.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm sau mưa chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, tạo thuận lợi cho một số bệnh ngoài da phát triển.
Viêm nang lông
Viêm nang lông có thể do vi khuẩn hoặc vi nấm tấn công. Nang lông bị viêm sẽ sưng đỏ, ngứa và có thể tạo mụn mủ. Thiếu nước sạch để tắm gội là nguyên nhân vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày.
Viêm da tiếp xúc
Đây là bệnh da không lây, đặc trưng với tình trạng da viêm đỏ, có thể xuất hiện các mụn nước, ngứa nhiều. Tiếp xúc với nguồn nước có chứa một số hóa chất, khí độc, vi sinh... gây kích ứng da, dễ dẫn đến bệnh này.
Nấm da
Sau mưa, ngập lụt, nguồn nước bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Vị trí thường nhiễm nấm là nấm kẽ ngón chân, nấm bẹn, nấm thân mình...
Nấm kẽ chân là tình trạng nhiễm nấm ở da vùng kẽ các ngón chân, thường gặp ở kẽ ngón 4 và 5. Lớp sừng của da chứa nhiều keratin, là nguồn dinh dưỡng ưa thích của vi nấm sợi tơ. Vi nấm sợi tơ xâm nhập và gây viêm trong lớp sừng của da. Vào mùa mưa lũ, người dầm nước lũ dễ gặp tình trạng nhiễm nấm kẽ ngón.
Nấm bẹn là nhiễm nấm ở da vùng bẹn, làm xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần. Một số người khi xuất hiện các triệu chứng này thường lo lắng mua một số thuốc thoa có chứa corticoid. Thoa các thuốc này càng làm tình trạng da nặng hơn. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa vì quần áo dễ ẩm ướt khiến vùng bẹn vốn kém thông thoáng trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi vi nấm phát triển.
Nhiễm trùng da
Biểu hiện của nhiễm trùng da là da sưng nóng, đỏ, chảy nước, có thể có mủ, loét da. Vết thương có thể đóng mài vàng hoặc nâu, viêm xung quanh.
Điều kiện vệ sinh kém, lao động dọn dẹp sau lũ dễ bị tổn thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công
Bệnh ghẻ
Đây là bệnh da gây ra bởi một loại ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ). Bệnh ghẻ biểu hiện trên da với các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng da non và ngứa rất nhiều về đêm. Sự dao động thất thường của nhiệt độ và độ ẩm trong mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho ghẻ sinh sôi phát triển.
Bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày.
Phòng tránh bệnh da sau mưa lũ
Theo bác sĩ Thảo, trong các bệnh da mùa mưa kể trên, một số bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc, vệ sinh tốt. Tuy nhiên đa số các trường hợp cần được điều trị với thuốc uống và thuốc thoa phù hợp để khỏi bệnh hoàn toàn cũng như phòng lây lan.
Khi nước rút, cần dọn dẹp vệ sinh môi trường và tìm kiếm nguồn nước sạch để sinh hoạt. Hạn chế tối đa lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn, tù đọng. Khi buộc phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn, cần trang bị đầy đủ giày, ủng, găng tay...
Sau khi tiếp xúc với nước bẩn, cần tắm rửa ngay bằng nước sạch, lau khô người, đặc biệt những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, ngón tay. Không mặc quần áo ẩm ướt dễ gây các bệnh ngoài da.
Nên trang bị một số dung dịch sát khuẩn như oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B... để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn.
Người đã bị bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Không dùng chung quần áo, khăn mặt, chậu giặt với người chưa mắc bệnh để tránh lây lan cộng đồng. Tránh gãi để hạn chế làm tổn thương lan rộng. Khi bị bệnh, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh đúng cách.
Người dân vùng lũ đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh Các bệnh về đường tiêu hóa, cúm, sốt xuất huyết, cảm lạnh, đau mắt, bệnh da liễu, thiếu hụt dinh dưỡng là những bệnh lý dễ mắc đối với những người dân vừa hứng chịu trận lũ lụt tại miền trung. (Ảnh minh họa) Theo PGS, TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp...