Cách nào chống tẩy chay LĐ vùng miền?
Tuy hành vi tẩy chay lao động vùng miền trái quy định của pháp luật, song việc xử lý không dễ, nhất là khi công đoàn không vào cuộc, các địa phương thiếu trách nhiệm.
Tình trạng tẩy chay lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh khiến nhiều người lo lắng vì có thể dẫn đến nguy cơ thất nghiệp hàng loạt ở các tỉnh này, đúng vào thời điểm kinh tế khó khăn.
Kêu gọi doanh nghiệp. Trông đợi công đoàn
Nhiều độc giả đã bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ với những người lao động thuộc vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh. Độc giả Lê Đông (donghai…@yahoo.com) bức xúc viết: “Các doanh nghiệp làm vậy là vơ đũa cả nắm rồi, ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Ai làm thì người đó phải chịu hậu quả, không thể nhìn vào hộ khẩu mà đánh giá một con người. Tôi chỉ thấy khi tuyển công nhân người ta hay để ý đến năng lực, sức khỏe và đạo đức con người chứ chưa thấy nhìn vào hộ khẩu bao giờ”.
Độc giả Phán Quan (lucthien…@gmail.com) thì cho rằng cần thông cảm với cả đôi bên: “Đừng trách những công ty, doanh nghiệp vì họ bỏ tiền ra để kinh doanh chứ không phải từ thiện, họ không muốn dính vào những rắc rối ngoài chuyên môn”. Theo độc giả này, trong số các lao động Nam tiến có nhiều người tốt, do đó “mong rằng các công ty sẽ xem xét lại, cho họ cơ hội”.
Trong một mẩu rao vặt đăng trên mạng, một công ty công khai không tuyển lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định việc tẩy chay lao động Thanh Hóa, Nghệ An là hành động hoàn toàn trái với quy định của pháp luật lao động. “Mọi lao động đều được đối xử bình đẳng trước quy định tuyển dụng, làm việc… không phân biệt thành phần tôn giáo, dân tộc”, ông Điều nói.
Theo ông Điều, khi phát hiện sự việc, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đã có văn bản nhắc nhở những công ty này, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được chuyển biến. “Tôi nghĩ rằng công đoàn tỉnh Bình Dương cần vào cuộc kiểm tra sự việc. Nếu thực sự các công ty tại KCN có thái độ như các phương tiện đại chúng đưa thì họ cần thiết phải có văn bản báo cáo tình hình tới cơ quan chức năng mà trực tiếp nhất là Sở LĐ-TB-XH tỉnh. Từ đây, cơ quan chức năng sẽ có thẩm quyền xử phạt theo quy định. Trước hết là nhắc nhở nếu không chuyển biến sẽ có hình thức xử lý cao hơn”, ông Điều nói.
Các tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh phải có trách nhiệm
Video đang HOT
Trả lời về hiện tượng tẩy chay lao động vùng miền, ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM, cho biết: “Quan điểm của tôi là không bao giờ đồng tình với việc kỳ thị, phân biệt lao động vì tất cả đều là người trong một nước. Quyền mưu sinh của người lao động không ai có thể cản trở được”. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng không thể đổ hết lỗi cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp có quyền tuyển lựa lao động để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Công nhân Thanh – Nghệ – Tĩnh đi tìm việc làm ở TPHCM
“Không phải ngẫu nhiên mà có hiện tượng này. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Theo tôi chính quyền, đoàn thể của 3 tỉnh này (Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh) phải có trách nhiệm đối với thanh niên của mình trong đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền đạo đức, lối sống và liên tục trao đổi thông tin để biết lao động của mình đang sinh hoạt làm việc như thế nào. Họ đi đâu, về đâu đều bỏ ngỏ, thì làm sao định hướng cho họ cuộc sống đúng đắn trong môi trường mới”.
Về phía người lao động, ông Lâm khuyên nên tản về các KCN như Tân Tạo, Tân Bình… để xin việc vì dồn hết về KCN Linh Trung, Sóng Thần tạo ra sự mất cân bằng, giảm thiểu cơ hội có việc làm.
Khó áp dụng luật
TS Trần Thị Thùy Lâm, Phó Bộ môn Luật Lao động (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng, Luật Việc làm mới sửa đổi chỉ nêu nguyên tắc chung chung trong quy định tuyển dụng là không phân biệt đối xử với tất cả thành phần, tôn giáo, giới tính… và không có bất cứ chế tài xử phạt nào cụ thể khi doanh nghiệp vi phạm. Trong khi đó, phần tuyển dụng, điều kiện tuyển dụng lại được Luật dành quyền chủ động cho doanh nghiệp.
“Thực ra vấn đề này cũng rất khó để quy định vào luật. Việc doanh nghiệp tẩy chay hồ sơ người lao động chỉ là sự vi phạm trong giai đoạn tiền sử dụng lao động, tức là chưa phát sinh mối quan hệ lao động. Trong khi đó chế tài của Luật Lao động lại chỉ quy định trong những trường hợp đã có mối quan hệ lao động”, bà Lâm phân tích.
Tuy nhiên, theo bà Lâm, giải quyết vấn đề này hoàn toàn có thể bằng con đường hành chính, chỉ có điều chính quyền địa phương có làm hay không mà thôi. “Chính quyền địa phương bằng cách này hay cách khác có thể chủ động nhắc nhở, thuyết phục doanh nghiệp để họ thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực vơ đũa cả nắm như vậy”, bà Lâm nói.
Theo 24h
Vì sao LĐ Thanh-Nghệ-Tĩnh bị tẩy chay?
Tình trạng "chê" lao động Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh diễn ra gay gắt tại các KCN ở Bình Dương và đang lan ra vùng Đông Nam Bộ. Vì sao chỉ khu vực này mới có tình trạng tẩy chay nặng nề như vậy?
"Chị ơi em có ông anh ruột vào đây xin việc mà đi đâu họ cũng không nhận. Chị coi công ty mình tuyển nam không xin giùm với", chị Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric (KCX Linh Trung 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết mình đã nhiều lần nhận những cú điện thoại nhờ vả như trên.
Do làm công đoàn nhiều năm, chị Vân có cơ hội gần gũi san sẻ nỗi niềm với nhiều công nhân nữ. Chị kể thêm: "Nhiều bạn công nhân nữ có chồng (là người Thanh - Nghệ - Tĩnh) than thở: Em không biết sao ở trọ người ta cũng không cho ở nữa, đi xin việc làm cũng khó".
Cay đắng đường vào Nam
"Thôi tới nơi khác hỏi đi. Ở đây tui ớn mấy ông dân 36 lắm rồi" - H. (22 tuổi, quê Thanh Hóa) kể lại câu mà một chủ nhà trọ nói với mình khi anh vừa rời quê vào Nam hỏi thuê chỗ trọ gần KCN Sóng Thần (Dĩ An - TPHCM). H. nói: "Chị họ của em vào đây làm công nhân đã cảnh báo nếu em đi xe máy biển số quê nhà thì khó thuê trọ lắm. Em tưởng chị ấy nói đùa. Không ngờ là thật". Sau 3 hôm tự đi xin chỗ trọ không được H. gọi điện thoại lại cho chị họ của mình cầu cứu. Ngay tức khắc cô chị họ "phái" người yêu của mình, một thanh niên quê Quảng Ngãi tên Quang, đi xe biển số 76 chở H. tìm chỗ trọ. "Cũng là dân miền Trung như nhau nhưng kỳ quá. Anh Quang vừa xin là người ta cho vô ở ngay. Bây giờ em ở được trong phòng trọ này là cũng nhờ anh ấy" - H. kể.
Công nhân Thanh - Nghệ - Tĩnh đi tìm việc làm ở TPHCM
Tuy nhiên "đoạn trường" vào Nam mưu sinh của H. chưa phải đã hết sóng gió. Ngay sau khi "an cư" H. bắt đầu mang hồ sơ đi "lập nghiệp". H. kể: "Em đi 2 KCN Sóng Thần và Linh Trung. Công ty nào treo bảng tuyển dụng là em ghé vào. Bảo vệ công ty chưa xem hồ sơ của em mới chỉ nghe giọng em nói là họ đã lắc đầu, phất tay bảo đi chỗ khác".
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng tẩy chay lao động vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh không chỉ xảy ra ở vùng giáp ranh TP.HCM - Bình Dương mà như một cơn sóng ngầm đang dậy lên khắp vùng Đông Nam Bộ. LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, "cơn sóng ngầm" này manh nha từ năm 2006, bắt nguồn từ những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp thuộc các hiệp hội như giày da, thủy sản...
Chỉ riêng Bình Dương đã có hàng chục ngàn lao động xuất thân từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Hiện kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp tiến hành sàng lọc lao động khiến lao động vùng này càng dễ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp hàng loạt.
Vì đâu nên nỗi
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric cho biết, theo thông tin mà chị nắm được thì sở dĩ lao động vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh bị nhiều doanh nghiệp từ chối vì doanh nghiệp cho rằng công nhân vùng này hay ăn cắp vặt, gây hấn. Nhiều chủ trọ từ chối cho công nhân vùng này thuê nhà vì họ sợ gây lộn, đánh nhau tập thể, do người vùng này theo chị Vân là có "hội đồng hương rất mạnh".
Nữ công nhân Thanh - Nghệ - Tĩnh có nhiều cơ hội hơn các đồng nghiệp nam
Ông Nguyễn Quang Kỳ, Giám đốc công ty Đại Thịnh Việt (Dĩ An, Bình Dương) kiêm thành viên của diễn đàn nhân sự Việt Nam cho biết, theo thông tin mà ông nắm được từ những thành viên khác trong diễn đàn này thì hiện tượng tẩy chay lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh đang diễn ra mạnh nhất ở KCN Sóng Thần và KCN VN-Singapore (Bình Dương).
"Cái không hay của một số lao động vùng này là khi có công nhân lạ vào làm chung là họ hay gây ức chế về tâm lý, hạch sách về công việc" - Ông Kỳ nhìn nhận. Theo giới thiệu của ông Kỳ, chúng tôi trao đổi với giám đốc một doanh nghiệp chuyên về cung cấp nhân sự cho các KCN, doanh nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu. Ông này nói: "Doanh nghiệp nào mà kỳ thị lao động thì tôi sẽ không hợp tác cung cấp lao động. Tôi rất buồn là thỉnh thoảng nhiều doanh nghiệp dám công khai dán trước công ty mình bảng "Không tuyển người Thanh - Nghệ - Tĩnh". Tôi cũng là người vùng này nên rất buồn".
Đáng chú ý là các tỉnh thành khác không có hoặc ít có tình trạng tẩy chay lao động vùng miền. Theo khảo sát của chúng tôi, các KCN ở phía Bắc hầu như không có hiện tượng này. Thành viên Ivanmoclop trên mạng xã hội linkhay viết: "Ở Hà Nội này thì không tẩy chay ai hết. Lao động phổ thông ở chợ lao động toàn người Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An to như voi, làm lao động nặng như khoan cắt bê tông, vận chuyển phế thải, không có họ thì tìm ai làm việc đó. Các chị các bác giúp việc toàn dân Thanh Hóa, chủ nhà nịnh các bà các cô còn hơn nịnh bố, ai tẩy chay thì tẩy chứ mình không có tẩy tọt gì hết".
Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng tẩy chay lao động vùng miền chỉ diễn ra nặng nề ở một vài vùng? Vấn đề này đang được thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn trực tuyến. Một thành viên trên diễn đàn voz giải thích như sau:
Khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh có tỉ lệ người nghèo cao, nên số người đi tìm việc tại các KCN cũng nhiều. Các KCN ở Bình Dương hay vùng Đông Nam Bộ thường có quy mô lớn và có nhiều chỗ làm nên trước đây cũng tuyển nhiều người Thanh - Nghệ - Tĩnh.
Do số lượng người cùng quê Thanh - Nghệ - Tĩnh tại các khu công nghiệp ở Bình Dương lớn, có điều kiện gặp nhau thường xuyên, nên họ dễ mang theo các đặc tính địa phương, nếp sinh hoạt ở làng xã, điều đó tạo nên xung đột với môi trường lao động công nghiệp, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý. Chẳng hạn, tính đoàn kết khi quá đà có thể trở thành tính cục bộ, bè cánh, gây ảnh hưởng đến môi trường lao động.
Ngoài ra, do khí hậu, môi trường khắc nghiệt nên đàn ông các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mặc dù có nhiều phẩm chất tốt như cần cù, chịu khó, nhưng thường có tính khí cương cường, nóng nảy, có thể không được lòng nhiều chủ lao động. Vì thế lao động nữ các tỉnh này xin việc trong Nam dễ hơn lao động nam.
Theo 24h
Tẩy chay lao động Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh! Từ công khai đến "quy định ngầm", kể từ năm 2006, một số doanh nghiệp ở Bình Dương đã từ chối tiếp nhận lao động đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... với nhiều lý do rất mơ hồ. "Quy định ngầm" này đã và đang làm cho con đường vào nam "kiếm cơm" của hàng ngàn lao động các...