Cách mới, triệu gia đình không lo cắt điện, không mất tiền hàng tháng
Nếu lắp đặt điện mặt trời áp mái, người dân sẽ không phải lo lắng nhiều về tiền điện khi tự sản xuất được điện. Lượng điện mặt trời không sử dụng sẽ được ngành điện mua lại với mức giá lên đến 2.086 đồng/số điện, cao hơn giá bán lẻ điện trung bình hiện nay khoảng 300 đồng/số điện.
Đây là giải pháp quan trọng để người dân không phụ thuộc vào điện của EVN, nhưng Bộ Tài chính lo thất thu thuế nên chưa thể triển khai rộng rãi giải pháp này.
Không lo tiền điện, không “ngán” cúp điện
Ông Đinh Quang Tri, Quyền tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng cần đẩy nhanh điện mặt trời áp mái. Mỗi gia đình lắp trên mái nhà lắp khoảng 3 kW, hay 5-10 kW thì phù hợp lưới điện hạ thế, ngành điện không phải đầu tư thêm lưới truyền tải.
“Nếu một gia đình lắp 5 kW thì ban ngày hộ đó sẽ dùng điện mặt trời, giảm tiêu thụ điện của EVN, giảm tiền thanh toán cho EVN. Trường hợp hộ đó ban ngày đi làm, không dùng đến điện, thì lượng điện đó tự động được lưới điện của EVN tiếp nhận hết và có công tơ hai chiều để đo. Chúng tôi sẽ thanh toán cho hộ gia đình đó theo giá điện nhà nước quy định là 2.086 đồng/kWh”, ông Đinh Quang Tri cho hay.
Điện mặt trời trên mái nhà sẽ giúp cho nhiều hộ gia đình không lo tiền điện
Với cơ chế đó, theo lãnh đạo EVN, những gia đình dùng 300-400 số điện/tháng trở lên thì thời gian hoàn vốn rất nhanh khi chi phí lắp điện mặt trời áp mái ngày càng rẻ, ở khoảng 17 triệu đồng/kW.
“Việt Nam có 30 triệu hộ gia đình, chỉ cần 1 triệu hộ lắp điện mặt trời áp mái, mỗi hộ lắp 3kW điện mái nhà thì nhân lên cũng được 3 triệu kW, tương đương 3.000 MW (bằng hơn 2 nhà máy nhiệt điện tỷ đô – PV). Đó là con số khủng. Không chỉ lắp trên mái nhà, hộ gia đình có thể lắp điện mặt trời ở ngoài vườn. Nếu đẩy mạnh giải pháp này thì việc thiếu điện sẽ giải quyết được một phần”, ông Đinh Quang Tri chia sẻ.
Kết quả nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà – do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai năm 2017 – cho thấy, khu vực nội thành TP.HCM có khoảng hơn 316 nghìn tòa nhà có tiềm năng điện mặt trời trên mái với tổng diện tích khoảng 50,4 triệu m2, tổng công suất khoảng 6.380 MW (gấp khoảng 3 lần công suất nhiệt điện Vĩnh Tân 1), khu vực ngoại thành ước tính sơ bộ khoảng 29.000 MWp. Còn khu vực nội thành Đà Nẵng có hơn 148 nghìn tòa nhà có tiềm năng điện mặt trời trên mái, với tổng công suất khoảng 1.140 MWp. Khu vực ngoại thành sơ bộ khoảng 1.000 MWp.
Video đang HOT
Sau khi Quyết định 11 được ban hành, đến 31/7/2018 các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã ký thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện giao nhận với 748 khách hàng với tổng công suất 11,55 MWp. Sản lượng lên tưới tính lũy kế đến ngày 31/7/2018 là 1,77 triệu kWh.
Tuy nhiên, EVN vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với các khách hàng này do quy định hiện hành về chính sách thuế chưa có quy định riêng đối với mô hình bù trừ điện năng cho điện mặt trời trên mái nhà.
Chưa thể triển khai rộng vì lo giảm thuế
Điện mặt trời áp mái có lợi như vậy, nhưng chưa thể triển khai rộng. Lý do, theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đó là vì Bộ Tài chính có ý kiến về một nội dung tại Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời.
Điện mặt trời áp mái sẽ tạo điều kiện cho người dân chủ động phần nào việc sử dụng điện
Theo Quyết định 11, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định.
Có nghĩa, nếu hộ dân sản xuất được 300 “số điện” điện mặt trời và chỉ sử dụng 100 “số điện” của EVN, thì EVN sẽ trả tiền 200 số điện cho hộ gia đình đó với mức giá 2.086 đồng/số điện.
Ông Đinh Quang Tri cho biết: Bộ Tài chính yêu cầu sửa lại nội dung này vì không phù hợp các luật về thuế.
Cụ thể, Bộ Tài chính hướng dẫn rằng, theo quy định của các luật thuế hiện hành, trường hợp cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà, đồng thời có nhận điện từ lưới điện quốc gia, thì cá nhân, hộ gia đình không được bù trừ trực tiếp lượng điện bán ra và lượng điện mua vào từ lưới điện quốc gia để tính toán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Nếu cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ thuế trị gia tăng là 2%. Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
Như vậy, EVN chưa thể áp dụng việc mua bán điện áp dụng hình thức bù trừ điện năng đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Theo một chuyên gia am hiểu về vấn đề này, lý do Bộ Tài chính không muốn bù trừ như vậy vì lo thuế bị giảm thu. Ví dụ, trước đây thuế sẽ thu được tiền thuế của cả 300 số điện thì nếu áp dụng theo Quyết định 11 thì thuế chỉ thu được lượng điện người dân dùng của EVN, chẳng hạn chỉ còn thu được số thuế của 100 số điện.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa Quyết định 11 từ tháng 8/2018, Bộ Công Thương cũng đề nghị sửa theo ý kiến của Bộ Tài chính.
Hướng sửa đổi được Bộ Công Thương đề xuất là, khách mua điện từ lưới điện quốc gia thì thanh toán hết tiền điện cho EVN. Còn EVN sẽ thanh toán cho dự án điện mặt trời trên mái nhà toàn bộ sản lượng điện phát lên lưới. EVN và hộ đầu tư có trách nhiệm theo dõi và nộp các khoản thuế theo quy định hiện hành.
“Chúng tôi đã có báo cáo rằng, sau năm 2020 nếu không có giải pháp quyết liệt thiếu điện sẽ chắc chắn xảy ra, bởi mấy năm gần đây không khởi công được nhà máy điện nào. Một loạt nhà máy BOT chậm tiến độ. Công suất thiếu thì phải tiêu dùng tiết kiệm, trong đó giải pháp điện mặt trời áp mái vừa hữu ích cho từng gia đình, vừa hữu ích cho cả xã hội”, ông Đinh Quang Tri chia sẻ.
Lương Bằng
Theo PLO
Triển lãm năng lượng mặt trời và hệ thống lưu trữ Đông Nam Á lần 3
Vừa qua, Hội nghị và Triển lãm Năng lượng mặt trời và Hệ thống lưu trữ Đông Nam Á 2018 (ASESCE 2018) đã diễn ra tại thủ đô Manila (Philippines).
Đây là sự kiện thường niên tổ chức lần thứ 3 và được xem là sự kiện tập trung về năng lượng mặt trời lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, thu hút hơn 1.000 khách hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến tham dự.
ASESCE 2018 quy tụ các diễn giả từ khắp nơi trên thế giới cùng thảo luận, đề ra các ý kiến nhằm giúp phát triển ngành kinh tế "xanh" của thị trường Đông Nam Á trong tương lai. Nhờ đó, sự kiện sẽ định vị tình trạng hiện tại của ngành năng lượng mặt trời trong khu vực: Những thách thức - cơ hội trong kỉ nguyên phát triển thần tốc của công nghệ, đồng thời cung cấp những tin tức về thị trường năng lượng mặt trời và hệ thống lưu trữ ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Các diễn giả tham gia thảo luận về ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam
Ông Mai Văn Trung - Giám đốc Phát triển Kinh Doanh của Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đã cùng các đại diện đến từ Hong Kong, Singapore, Ireland, Philippines tham gia thảo luận về ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, ông Trung đã đưa ra những thông tin về tình trạng thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam, chia sẻ về SolarBK và các chuỗi hoạt động kinh doanh sau khi Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách FiT (Biểu giá điện hỗ trợ cho năng lượng tái tạo).
Với sự có mặt của SolarBK, phiên thảo luận đã nắm bắt được tình hình chung của ngành điện mặt trời tại Việt Nam. Ngoài ra tầm quan trọng của hệ thống lưu trữ năng lượng được đề cập tại sự kiện cũng rất đáng quan tâm, tiềm năng trở thành hướng đi mới phù hợp trong tương lai cho các doanh nghiệp năng lượng sạch ở nước ta. Đó cũng là chất xúc tác, tạo tiền đề cho chính phủ tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ năng lượng sạch tại Việt Nam.
Việc SolarBK được lựa chọn để góp tiếng nói tại sự kiện lớn này là nhờ nền tảng 40 năm nghiên cứu về năng lượng sạch, sở hữu nhà máy tự chủ sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ngay trong nước với công suất lên đến 500 MWp/năm và đặc biệt được biết đến như đơn vị cung cấp giải pháp và thi công những dự án micro-grid (lưới điện siêu nhỏ) có công suất lớn như: dự án thắp sáng 48 điểm đảo của Trường Sa và nhà dàn DK1, dự án đảo Sơn Chà - Thừa Thiên Huế, dự án đảo Mê - tỉnh Thanh Hóa.
Đại diện SolarBK phát biểu
ASESCE 2018 đã mang lại cái nhìn bao quát về sự phát triển của năng lượng mặt trời tại Đông Nam Á qua các bản báo cáo, phân tích và dự đoán trong thời gian tới. Sự kiện vừa là một diễn đàn uy tín kết nối và tạo cơ hội liên kết giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, vừa là đầu mối thông tin cung cấp những kinh nghiệm thực tế về các dự án micro-grid và hệ thống lưu trữ năng lượng.
Từ những thông tin quý giá thu được sau sự kiện, SolarBK dự định sẽ nghiên cứu kĩ xu hướng đầu tư các hệ thống lưu trữ năng lượng nhằm tối ưu hóa nguồn năng lượng mặt trời dồi dào tại Việt Nam. Hơn nữa, SolarBK cũng sẽ chọn đối tác phù hợp có thể đầu tư, kết hợp cùng SolarBK trong việc triển khai những dự án micro-grid ngoài biển đảo và xây dựng các kho lưu trữ năng lượng nhằm góp phần tăng tính ổn định cho mạng lưới điện của quốc gia, mang lại thêm nhiều lợi ích cho khách hàng trong nước.
Theo Báo Mới
"Cầm tay chỉ việc" dạy nghề cho nông dân Không chỉ đẩy mạnh dạy nghề sơ cấp, tại Lạng Sơn nhiều mô hình dạy nghề cầm tay chỉ việc, thông qua khuyến nông được triển khai. Dù học nghề ngắn hạn hay chuyển giao kỹ thuật thì các mô hình này đều mang đến hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho nông dân. Phát huy thế mạnh khuyến nông...