Cách máy bay tuần biển P-8 dò tìm tàu ngầm Trung Quốc
Để đối phó với hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đang gia tăng, Hải quân Mỹ đã điều động 6 máy bay tuần biển và săn ngầm hiện đại nhất P-8A Poseidon đến căn cứ Kadena (Nhật Bản), theo dõi nhất cử nhất động của tàu ngầm Trung Quốc.
Máy bay tuần biển và săn ngầm hiện đại P-8A Poseidon của Mỹ – Ảnh: Airliner.net
Việc bố trí 6 chiếc P-8 tại Kadena, Okinawa cũng nằm trong chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ, chủ yếu để đối phó với một Trung Quốc đang nổi lên và ngày càng hung hăng. Okinawa cũng toạ lạc tại khu vực biển Hoa Đông, nơi đang diễn ra tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và cũng gần Biển Đông nơi Trung Quốc đang muốn chiếm trọn chủ quyền, theo Wall Street Journal ngày 24.10.
Các máy bay P-3 Orion hoạt động từ những năm 1960 nhằm theo dõi tàu ngầm Liên Xô. Nay P-3 Orion được thay thế bằng P-8 Poseidon hiện đại hơn. Một chiếc P-8 có thể mang đến 64 phao chìm gắn thiết bị dò tìm sonar dưới lòng biển, gấp đôi P-3. Máy bay P-8 có tầm hoạt động đến 1.200 hải lý (2.200 km), nhiều hơn P-3 Orion đến 300 hải lý (550 km), và có thể bay quần thảo trên khu vực mục tiêu đến 4 giờ mới quay về căn cứ.
“Điều này cho phép chúng tôi bay đến những khu vực phía nam của Biển Đông, và chúng tôi làm điều đó khá thường xuyên”, đại uý Mike Parker, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 72 của Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm trinh sát biển ở châu Á, cho WSJ biết.
Ông còn tự hào nói rằng “Chúng tôi có thể xác định vị trí các tàu ngầm, và nếu cần thiết sẽ cho họ biết rằng chúng ta biết họ đang ở đâu”.
Các phao chìm gắn thiết bị dò tìm sonar trên máy bay P-8A Poseidon – Ảnh: Hải quân Mỹ
Dĩ nhiên, Trung Quốc không hài lòng với các máy bay P-8 nên tháng 8 vừa qua đã xảy ra vụ tiêm kích J-11 của Trung Quốc bay cản đầu một chiếc P-8 của Hải quân Mỹ ở bắc Biển Đông. Phía Mỹ nói rằng máy bay P-8 lúc đó đang hoạt động trong không phận quốc tế, cách đảo Hải Nam hơn 200 km.
Dù Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt theo dõi gần vùng biển nước này, Mỹ lại đang xúc tiến các bước để cho phép máy bay P-8 thậm chí hoạt động nhiều thời gian hơn trên Biển Đông. Đó là việc đàm phán thỏa thuận với các nước trong khu vực Biển Đông để cho máy bay P-8 sử dụng sân bay của các nước này trong các phi vụ dò tìm tàu ngầm, theo các nguồn tin thân cận của WSJ. Các nước trong khu vực Biển Đông cũng đang nỗ lực nâng cấp các phi đội máy bay chống ngầm.
Video đang HOT
Tuy P-8 hiện đại, bay nhanh và bay xa, nhưng công nghệ dò tìm tàu ngầm vẫn lệ thuộc vào công nghệ thời… chiến tranh lạnh. Vệ tinh và radar không thể phát hiện các vật thể dưới nước. Cách hiệu quả nhất để dò tìm một tàu ngầm là sử dụng thiết bị sonar để nghe được tiếng động cơ của tàu ngầm, hoặc bắt tín hiệu âm thanh dội lại (tiếng ping) khi sóng sonar chạm vào thân kim loại của tàu ngầm.
Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, xa xa là lối vào của tàu ngầm được khoét sâu trong lòng núi – Ảnh: china-defense.blogspot.com
Còn tàu ngầm thì tìm cách lẩn tránh sự dò tìm trên mặt biển bằng việc giữ cho động cơ chạy thật êm, tránh liên lạc với bên ngoài và cố gắng ẩn bên dưới lớp nhiệt độ, là khoảng giữa của lớp nước ấm trên bề mặt và lớp nước lạnh bên dưới đáy biển, để làm lệch tín hiệu sonar dội lại.
Máy bay tuần biển P-8 làm việc với các vệ tinh có nhiệm vụ giám sát các căn cứ tàu ngầm, và thả các máy nghe dưới lòng biển để nghe tiếng tàu ngầm di chuyển, phối hợp với các tàu mặt nước có thiết bị sonar dò tìm dưới nước.
Một khi xác định được mục tiêu tiềm tàng, chiếc P-8 liền thả các phao chìm mang thiết bị dò tìm sonar, sau đó bay vòng vòng trên khu vực này để nhận tín hiệu từ phao chìm truyền lên.
Những tín hiệu này sẽ hiện lên màn hình trên máy bay và được các chuyên gia như Robert Pillars, người được đào tạo để nhận ra các ký âm của tàu ngầm Trung Quốc. Anh nói rằng nếu có một tàu ngầm và đang ở trong tầm hoạt động của phao chìm, anh sẽ bắt được nó.
Cho đến gần đây, việc dò tìm tàu ngầm của Trung Quốc là tương đối dễ dàng. Phần lớn tàu ngầm Trung Quốc là loại tàu dùng động cơ điện – diesel cũ, khi lặn thì cứ vài giờ phải nổi lên lấy không khí chạy động cơ để sạc pin điện. Các lò phản ứng trên các tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc thậm chí còn ồn ào hơn cả tàu ngầm diesel, theo các sĩ quan hải quân phương Tây.
Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã có những tiến bộ trong việc sở hữu các tàu ngầm điện – diesel chạy êm, một số sử dụng công nghệ cho phép động cơ hoạt động trong thời gian dài với ôxy lỏng khi lặn mà không cần nổi lên lấy không khí, tức động cơ không phụ thuộc không khí (AIP).
Một phao chìm mang thiết bị sonar dò tìm tàu ngầm, trang bị trên máy bay P-8 – Ảnh: WSJ
Vào năm 2006, các quan chức Mỹ đã choáng khi một tàu ngầm điện – diesel lớp Tống của Trung Quốc nổi lên trong tầm bắn ngư lôi của tàu sân bay Mỹ USS Kitty Hawk mà không bị phát hiện trước.
Sau sự cố Kitty Hawk, Mỹ đã tăng cường các chuyến tuần tra chống tàu ngầm. Nhưng Trung Quốc cũng triển khai số lượng lớn các tàu chiến, máy bay và tên lửa để ngăn cản lực lượng Mỹ giám sát vùng biển gần Trung Quốc.
Năm 2009, năm tàu Trung Quốc bao vây tàu thăm dò biển và chống ngầm USNS Impeccable của Hải quân Mỹ trên vùng biển quốc tế gần một căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Cuối tháng 11.2013, Trung Quốc đơn phương thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và cảnh báo máy bay lạ bay vào mà không khai báo trước.
Nhiều quan chức Mỹ đang lo ngại Trung Quốc có thể đơn phương lập tiếp ADIZ trên Biển Đông, dù Bắc Kinh đã nói nhiều lần trong những tháng gần đây rằng họ không có kế hoạch như vậy. Mỹ tin rằng mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là biến Biển Đông thành nơi ẩn náu an toàn cho các tàu ngầm của họ, giống như cách Liên Xô thực hiện cho các tàu ngầm của họ hoạt động thời Chiến tranh Lạnh.
Nếu máy bay và tàu chiến Trung Quốc có thể cản được lực lượng chống tàu ngầm Mỹ không thể thâm nhập các khu vực này, thì tàu ngầm Trung Quốc sẽ tuần tra an toàn ở gần bờ biển của họ và còn có thể tiến vào vùng nước sâu bên ngoài của Thái Bình Dương.
“Đó như là thời Chiến tranh Lạnh, là những gì Liên Xô đã thực hiện”, đại uý Parker nói với WSJ.
Theo Thanh Niên
Ấn Độ tìm cách ngăn chặn tàu ngầm Trung Quốc "vu hồi" vào sân sau
Thời báo Hoàn Cầu cho biết, vào đầu tháng 9, một chiếc tàu ngầm Trung Quốc đã cập cảng Colombo của Sri Lanca. Ấn Độ cho rằng đây là bước đi đầu tiên để hải quân Trung Quốc tiến quân vào Ấn Độ Dương.
Bài viết cho rằng, các quan chức trong quân đội Ấn Độ lo ngại rằng sự mất cân bằng giữa quân đội Trung - Ấn sẽ ngày một rõ. Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang nhanh chóng chuyển mình từ một lực lượng tác chiến ven bờ trở thành lực lượng hải quân biển xa.
Hiện trong biên chế của hải quân Trung Quốc có 51 tàu ngầm thông thường và 5 tàu ngầm hạt nhân, ngoài ra còn 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn được trang bị tên lửa JL-2 tầm bắn 7400 km sẽ rất nhanh được đưa vào sử dụng, còn Ấn Độ vẫn đang thiếu quy hoạch chiến lược.
Bài báo cũng chỉ ra, Ấn Độ cần tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực Andaman và quần đảo Nicobar để đối phó có hiệu quả với những bước đi chiến lược của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.
Hải quân Ấn Độ vẫn luôn theo dõi nhất cử nhất động của lực lượng hải quân PLA trên Ấn Độ Dương, việc tàu ngầm Trung Quốc bí mật hoạt động ở vịnh Bengal không còn là lạ nhưng chuyện mước này công khai hoạt động của tàu ngầm ở khu vực Ấn Độ Dương quả là rất hiếm.
Một báo cáo năm 2013 của hải quân Ấn Độ đã chỉ ra rằng, trong năm 2012, tàu ngầm của nước này đã chạm mặt "tàu ngầm lạ" tới 22 lần, nhiều phần đó là tàu ngầm Trung Quốc. Suy cho đến cùng, New Dehli vẫn coi Ấn Độ Dương là "sân sau của mình" nên việc tàu ngầm của PLA công khai hiện diện trên đại dương này quả thực là tín hiệu đáng lo ngại.
Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố, tàu ngầm của hải quân Trung Quốc trên đường đi làm nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden đã vào cảng Colombo để bổ sung nhu yếu phẩm và nghỉ ngơi. Đây là vấn đề bình thường đối với hải quân các nước trên thế giới, khi hoạt động ở các vùng biển xa nước mình.
Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng hạm đội tàu ngầm hùng mạnh
Tuy nhiên, bài viết chỉ ra rằng, ông Tập muốn "nắn gân" ông Modi về vấn đề biên giới Trung-Ấn. Sự kiện binh lính 2 nước đối đầu với nhau liên tục 16 ngày ở khu vực Chumar, nằm ở phía đông của Ladakh là sự minh chứng rõ ràng cho quyết tâm chinh phục Ấn Độ Dương của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã liên kết với một số quốc gia và vùng lãnh thổ để thiết lập "chuỗi ngọc trai" chạy dài từ miền đông châu Phi, Seychelles, Mauritius, Maldives, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar đến Campuchia, chủ yếu là để bảo vệ các tuyến đường hàng hải của mình, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng quan trọng, dần dần hình thành thế "bao vây chiến lược" Ấn Độ.
Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ Robin Dhowan thừa nhận rằng, tần suất hiện diện của chiến hạm Trung Quốc ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương.
"Chúng tôi vẫn không ngừng giám sát Trung Quốc, quan sát việc triển khai của họ để xem họ sẽ mang lại những thách thức gì đối với chúng ta ... Ấn Độ Dương là khu vực hoạt động của chúng ta, tàu mặt nước, tàu ngầm và cả máy bay của quân đội đã chuẩn bị sẵn sằng đối phó với bất cứ thách thức nào" - ông Dhowan nói.
Điều này có thể là đúng nhưng các nhà lãnh đạo Quân đội Ấn Độ lo ngại, sự mất cân bằng giữa quân đội hai nước ngày một cách xa. Ví dụ, Ấn Độ hiện chỉ có 13 chiếc tàu ngầm diezen, trong đó chỉ có một nửa là có thể hoạt động ở bất kỳ thời điểm nào, ngoài ra chỉ có 1 chiếc tàu ngầm hạt nhân thuê của Nga nhưng không có tên lửa chiến lược.
Báo cáo lưu ý rằng, điểm yếu chết người của Ấn Độ là cho dù đã có 1 kế hoạch chiến lược nhằm đảm bảo nâng cao sức mạnh cho Bộ tư lệnh Hạm đội phía đông nhưng Bộ tư lệnh khu vực phụ trách khu vực yếu điểm là quần đảo Andaman và Nicobar vẫn bị xem nhẹ.
Quần đảo Andaman và Nicobar do 572 hòn đảo hợp thành nếu tăng cường sức mạnh cho các căn cứ quân sự ở đây, Ấn Độ sẽ có thể đối phó hiệu quả với những bước đi chiến lược của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Theo An Ninh Thủ Đô
Đe dọa tàu ngầm Trung Quốc: P-8 Mỹ bị J-11 áp sát? Không quân Trung Quốc có thể tiếp cận gần máy bay do thám Mỹ vì hoạt động thả phao định vị thủy âm trên Biển Đông của máy bay này. Hoạt động thả phao định vị thủy âm trên Biển Đông có khả năng là nguyên nhân dẫn tới vụ việc chiến đấu cơ J-11 Trung Quốc tiếp cận gần máy bay trinh...