Cách ly xã hội: ‘Chủ tịch tỉnh phải công khai cơ sở, loại hình đình chỉ hoạt động’
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản “về việc thực hiện Chỉ thị 16″, trong đó yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.
Nhiều địa phương chắn đường để “ cách ly xã hội” Ảnh N.Hiếu
Hôm nay, 3.4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản “về việc thực hiện Chỉ thị 16″ gửi các bộ, các địa phương về việc “một số nội dung của Chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất”, trong đó yêu cầu địa phương công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.
Văn bản nhắc lại ngày 31.3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Ccovid-19. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số nội dung của chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất. Do đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:
Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
Video đang HOT
Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động.
Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:
Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế; yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp; tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động; tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.
Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.
Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.
Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, chủ động điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm phù hợp với các nội dung nêu trên; phối hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề vướng mắc phát sinh.
Chí Hiếu
Shipper trẻ giao hàng mùa dịch: Lo Covid-19, nhưng sợ bị khách hàng la nhiều hơn
Số lượng đơn hàng tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường, các bạn trẻ làm công việc shipper cũng phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong mùa dịch Covid-19.
Một shipper đi giao hàng - Phan Định
Nhu cầu tăng gấp ba
Chị Xuân Hương, một nhân viên chăm sóc khách hàng tại siêu thị Lotte, Q.7, TP.HCM, cho biết: "Trước khi có lệnh cách ly xã hội, số lượng mua hàng trực tiếp trong mùa dịch Covid-19 đã giảm do người dân hạn chế đi ra ngoài. Lúc đó, các đơn hàng trực tuyến tăng lên, nhưng tăng nhiều nhất vẫn là sau khi có lệnh cách ly. Hiện nay mỗi ngày chúng tôi nhận được 300-400 đơn hàng, trong khi trước đó chỉ khoảng 100-150 đơn. Siêu thị sẽ có 3 lực lượng giao hàng, gồm nhân viên của siêu thị, nhân viên Grab và các nhân viên của đơn vị giao hàng nhanh".
Theo chị Hương, siêu thị trực tuyến có đầy đủ các mặt hàng y như siêu thị bên ngoài, khách hàng có thể lựa chọn rồi cho vào giỏ hàng, sau đó hoàn tất việc mua hàng, có thể thanh toán qua thẻ hoặc thanh toán khi nhận hàng. Siêu thị có 6-7 nhân viên đảm nhận nhiệm vụ giao đến tận nhà cho khách, một phần lượng hàng sẽ nhờ Grab và đơn vị giao hàng nhanh phụ trách.
Anh Trần Duy Khánh, một quản lý của nhà hàng hải sản Rạn Biển trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM), cũng cho hay do dịch nên toàn bộ các nhà hàng trong hệ thống đã đóng cửa, nhưng vẫn phục vụ các đơn hàng trực tuyến. "Số lượng người mua trực tuyến nhiều hơn so với thời chưa có dịch. Mỗi ngày ở mỗi chi nhánh của cửa hàng cũng có khoảng vài chục đơn hàng, từ 300-400.000 đến trên dưới 1 triệu đồng/đơn. Chủ yếu khách chọn các mặt hàng như nghêu, sò, tôm, tu hài...".
Ở mặt hàng trà sữa, số lượng mua hàng trực tuyến cũng tăng. Một nhân viên của cửa hàng Gongcha trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ: "Người mua chủ yếu là các nhà ở quanh trong quận. Nhân viên của quán sẽ trực tiếp đi giao. Số lượng mua qua mạng so với thời chưa có dịch cũng tăng, nhưng tính về doanh thu thì không bằng do trước khi có dịch".
Nhầm đơn hàng là chuyện thường
Nguyễn Văn Tuấn (25 tuổi), một nhân viên Grab thường xuyên giao hàng cho Lotte, kể: "Do lượng đơn hàng mỗi ngày rất nhiều nên chuyện nhầm đơn hàng là khó tránh khỏi. Có lần tôi giao một bịch đồ cho khách tại một chung cư ở Q.Tân Phú, TP.HCM. Giao xong xuôi, tôi đang tiếp tục đi giao đơn hàng khác, thì nhận được điện thoại của khách giọng rất khó chịu, nói là tại sao đơn hàng là hơn 1 triệu mà lại giao đơn 300.000 đồng. Hóa ra chị vợ đặt hàng nhưng lúc tôi giao thì chồng xuống nhận. Khi mang lên nhà thì mới biết nhầm. Trong điện thoại, chị này quát ầm ầm là sao lại giao thiếu chuyên nghiệp như vậy. Tôi lập tức gọi điện về siêu thị phản ánh lại. Cuối cùng, tôi phải ngừng giao đơn khác, chạy về siêu thị, lấy lại bịch hàng hơn một triệu mang qua chung cư cho khách".
Theo anh Tuấn, số lượng đơn hàng của một số đơn vị quá nhiều nên thi thoảng vẫn xảy ra chuyện giao nhầm. "Có khách hàng nhẹ nhàng chờ giao lại, có khách nóng tính hoặc có thể họ đang chờ đồ để nấu ăn, bị nhầm vậy họ rất tức giận. Thế là shipper phải bị la lối. Nhiều lúc đang mệt bị chửi, tôi cũng bực tức cúp máy, thì khách hàng lại điện lại và chửi tôi bất lịch sự... Tuy nhiên tôi cũng rút ra bài học là làm nghề dịch vụ thì phải tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác và biết kiềm chế để không chọc giận khách hàng".
Trong khi đó, anh Đỗ Duy Phương (24 tuổi), một shipper chuyên giao trà sữa cho bạn trẻ lại gặp phải tình huống éo le khác. Một lần giao cho khách hàng tại Q.3, TP.HCM, đơn hàng mua tới 30 ly trà sữa Koi. Đến nơi, do lúc đó anh Phương thấy ngột ngạt nên trong lúc đợi khách đã tháo khẩu trang. Khách xuống thấy vậy, bèn mắng xa xả: "Sao đang mùa dịch mà cậu không đeo khẩu trang? Nhỡ đâu virus rớt xuống trà của tôi thì sao? Anh giao cho hàng trăm người lỡ đâu trong số họ có F1, F2 thì sao? Đề nghị anh đổi cho tôi trà sữa khác. Tôi vừa tức vừa buồn cười, bảo là nếu F1, F2 thì bị nhà nước cho đi cách ly rồi đâu được ở nhà để order trà sữa. Nhìn mình tội quá chị ấy cũng chịu nhận hàng nhưng vẫn khó chịu".
Với anh Tiến Dũng, một nhân viên của nhà hàng hải sản trên đường Phan Thúc Duyện, Q.Tân Bình, TP.HCM, cũng bị một phen chạy vòng vòng chỉ vì sự sơ xuất của nhân viên nhận đơn.
Dũng kể. "Em đến nhận hàng rồi chạy tới giao cho khách. Lúc đó là 8 giờ tối. Giao hàng xong, em đi giữa đường thì khách gọi lại bảo tại sao thiếu sả, khách đã dặn nhà hàng là nhớ cho sả để hấp với tu hài. Khách rất tức giận vì đợi 2 tiếng đồng hồ mới nhận được đồ, nhưng thiếu sả thì không thể hấp tu hài. Em gọi điện tới nhà hàng thì nhân viên nói đơn hàng có sả mà do nhiều đơn quá quên mất. Lúc này chị khách hàng tiếp tục 'tại sao các cậu làm việc thiếu chuyên nghiệp vậy. Mùa dịch tôi đã hạn chế ra ngoài, giờ đã 8g tối không lẽ tôi phải chạy ra chợ mua mấy củ sả chỉ vì do các cậu quên. Mà tu hài đâu thể để đến mai. Cậu làm sao thì làm'. Dù đang rất mệt nhưng tôi đành phải chữa cháy bằng cách đi vòng vòng kiếm sả để mua cho khách".
Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, không chỉ gặp áp lực làm hài lòng khách hàng trong mùa dịch, mà Phương cũng phải nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. "Thú thực là đi giao hàng khắp nơi như vậy, tôi cũng rất lo lắng về nguy cơ nhiễm Covid-19. Vì thế tôi vẫn luôn đeo khẩu trang và mang theo nước sát khuẩn để rửa tay thường xuyên. Tránh được chừng nào hay chừng đó. Tuy nhiên đã làm cái nghề này thì sợ bị khách hàng la hơn", Tuấn bày tỏ.
Hà Thành
Cách ly xã hội: Bãi bỏ ngay việc ngăn cấm người, xe qua lại địa phương Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành, địa phương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19. Công văn nêu rõ, ngày 31/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Các...