Cách ly thất bại, du thuyền ở Nhật trở thành lồng ấp virus
Nhiều nhà khoa học nói đó là một thử nghiệm thất bại: Tàu Diamond Princess dường như đã trở thành lồng ấp cho virus thay vì là cơ sở cách ly ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Quá trình cách ly kéo dài hai tuần đối với toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu Diamond Princess, đang đậu ở Yokohama, Nhật Bản, kết thúc hôm 19/2 và một số hành khách đã bắt đầu xuống tàu.
Bệnh hô hấp do chủng virus corona mới (Covid-19) gây ra xuất hiện vào cuối năm ngoái ở miền trung Trung Quốc đã làm hàng chục nghìn người mắc bệnh và hơn 2.000 người tử vong. Song 542 trường hợp được xác nhận trong số 3.711 hành khách ban đầu và thủy thủ đoàn trên con tàu này là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Tàu du lịch Diamond Princess cũng là nơi duy nhất mà các quan chức y tế nhìn thấy căn bệnh này dễ dàng lây lan ở người bên ngoài Trung Quốc.
Nhiều nhà khoa học nói đó là một thử nghiệm thất bại: Con tàu dường như đã trở thành lồng ấp cho một chủng virus mới thay vì là cơ sở cách ly ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Cách ly không có tác dụng?
Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định tính hiệu quả của việc cách ly. Song một số chuyên gia cho rằng việc này đã không có tác dụng.
Trong một dấu hiệu dường như cho thấy sự lỏng lẻo, ba quan chức y tế Nhật Bản giúp tiến hành việc kiểm tra cách ly trên tàu cũng đã nhiễm bệnh.
“Đôi khi có những môi trường mà bệnh có thể lây lan dễ dàng hơn”, tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói. Ông Ryan cho biết các tàu du lịch đặc biệt được biết đến là nơi đôi khi đẩy mạnh sự lây nhiễm.
“Đó là chuyện đáng tiếc xảy ra trên tàu và chúng tôi tin rằng lực lượng chức năng ở Nhật Bản và các chính phủ đang tiếp nhận công dân của họ sẽ có thể theo dõi những cá nhân đó theo cách thích hợp”, ông nói.
Hành khách bắt đầu xuống tàu hôm 19/2. Ảnh: AP.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản, Katsunobu Kato, nói với các phóng viên hôm 18/2 rằng tất cả hành khách còn ở trên tàu đã được lấy mẫu xét nghiệm. Những người có kết quả âm tính đã bắt đầu xuống tàu vào ngày 19/2, khi quá trình kiểm dịch bắt buộc 14 ngày kết thúc.
“Tất cả họ đều muốn về nhà sớm nhất có thể và chúng tôi sẽ hỗ trợ họ để mọi người có thể về nhà suôn sẻ”, ông Kato nói.
Song chuyện có thể không đơn giản như vậy. Các quan chức y tế Mỹ hôm 18/2 nói với những công dân Mỹ đã từ chối về nước bằng các chuyến bay do chính phủ thuê hồi cuối tuần trước rằng họ sẽ không được phép nhập cảnh Mỹ trong ít nhất 14 ngày sau khi họ rời khỏi tàu Diamond Princess.
“Rõ ràng việc kiểm dịch đã không có tác dụng, và con tàu này giờ đã trở thành nguồn lây nhiễm”, tiến sĩ Nathalie MacDermott, chuyên gia về dịch bệnh tại Đại học King ở London, nói.
Cô cho biết giới khoa học vẫn chưa biết chính xác cơ chế lây lan của virus. Mặc dù các nhà khoa học tin rằng căn bệnh này lây chủ yếu qua đường giọt bắn – khi mọi người ho hoặc hắt hơi – vẫn có khả năng có những cách lây khác.
“Chúng ta cần hiểu các biện pháp cách ly trên tàu được thực hiện như thế nào, việc lọc không khí trên tàu ra sao, các cabin được kết nối như thế nào và các sản phẩm thải được xử lý như thế nào”, tiến sĩ MacDermott nói.
“Cũng có thể có cách lây nhiễm khác mà chúng ta không biết”, cô nói, lưu ý đến khả năng lây lan trong môi trường và tầm quan trọng của việc “làm sạch sâu” toàn bộ con tàu để mọi người không chạm vào bề mặt bị ô nhiễm.
Trong dịch SARS năm 2002-2003, do một chủng virus có liên quan gây ra, hơn 300 người bị nhiễm qua hệ thống nước thải bị lỗi tại một khu nhà ở Hong Kong. Đó là chung cư Amoy Gardens, một “tâm chấn” trong dịch SARS còn được ví von là chung cư “tử thần”. Tiến sĩ MacDermott cho biết có thể có vấn đề tương tự trên tàu Diamond Princess.
“Không có lý do gì mà việc này (cách ly) không có tác dụng nếu được thực hiện đúng cách”, cô nói.
Sai cách và lỏng lẻo?
Các tàu du lịch đôi khi đã bị tấn công bởi các bệnh như virus noro, có thể lây lan nhanh chóng ở khu vực gần tàu và ở những hành khách cao tuổi có hệ thống miễn dịch yếu hơn. Song chuyên gia MacDermott cho biết sẽ là chuyện rất bất thường đối với một con tàu bị cách ly toàn bộ.
“Họ có thể đã cách ly những người bị ảnh hưởng trong phòng cho đến khi không có biểu hiện triệu chứng gì trong 48 giờ, nhưng chắc chắn không phải tất cả hành khách”, cô nói.
Một số hành khách trên tàu Diamond Princess mô tả con tàu là một “nhà tù nổi trên biển”, nhưng được phép đi lại trên boong tàu mỗi ngày trong khi đeo khẩu trang và được yêu cầu giữ khoảng cách với những người khác.
“Tôi nghi ngờ mọi người đã không bị cách ly với người khác như chúng ta nghĩ”, tiến sĩ Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, Anh, cho biết. Ông nói sự lây lan của virus có thể là do các vấn đề về tuân thủ quy định.
“Thật khó để thực hiện cách ly trong môi trường trên tàu và tôi hoàn toàn chắc chắn rằng có một số hành khách nghĩ họ sẽ không để ai nói cho họ những gì họ có thể và không thể làm”, ông nói.
Tàu có hơn 3.700 hành khách và thủy thủ, đậu tại Yokohama, Nhật Bản.
Ông cho rằng nếu hành khách bị cách ly trên đất liền, việc có nhiều không gian hơn có thể giúp thực hiện tốt hơn các quy trình kiểm soát lây nhiễm. Song ông thừa nhận rằng việc cố gắng cách ly hơn 3.700 người là một thách thức về mặt hậu cần.
Vị chuyên gia nói rằng đây là “nỗi thất vọng lớn” vì việc kiểm dịch đã không ngăn chặn được sự lây lan của virus và thật không may là một số hành khách trở về nước giờ sẽ phải đối mặt với lần cách ly thứ hai
“Dựa vào cách thức virus tiếp tục lây lan, chúng tôi phải giả định rằng toàn bộ người rời khỏi con tàu đều có khả năng nhiễm bệnh, và vì vậy họ cần tiếp tục trải qua 2 tuần cách ly nữa”, ông nói. “Không làm vậy sẽ là liều lĩnh”.
Các quan chức y tế Nhật Bản nói 14 ngày cách ly trên tàu là đủ, lưu ý rằng tất cả, trừ một trong số hơn 500 người Nhật Bản trở về từ tâm dịch ở Trung Quốc, những người đã cho kết quả xét nghiệm âm tính lúc đầu, đã được xác nhận là không có virus sau 14 ngày cách ly
Các quan chức cũng khẳng định hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa trên tàu. Khoảng 1.000 thành viên thủy thủ đoàn được yêu cầu đeo khẩu trang y tế, rửa tay, sử dụng chất khử trùng và ngừng hoạt động tại nhà hàng, quán bar và các khu vực giải trí khác sau ngày 5/2, khi nhóm 10 người đầu tiên nhiễm bệnh được báo cáo và quá trình cách ly 14 ngày bắt đầu.
Hành khách được yêu cầu ở trong cabin của họ và không đi lại hoặc liên lạc với các hành khách khác. Những người ở cabin không có cửa sổ có thể lên boong tàu khoảng một giờ mỗi ngày.
Việc cách ly chủ yếu được áp dụng đối với hành khách vì các thành viên thủy thủ đoàn vẫn ở chung và tiếp tục phục vụ khách với việc giao thức ăn, thư, khăn và các đồ dùng khác, cũng như vào khoang hành khách để dọn dẹp. Thủy đoàn đoàn cũng ăn theo nhóm trong một phòng làm việc lộn xộn.
“Không giống như hành khách, các thành viên thủy đoàn ở chung phòng, ăn uống chung và đó là lý do tại sao một số người trong số họ bị lây nhiễm ngay cả sau khi quá trình cách bắt đầu”, Shigeru Omi, cựu giám đốc khu vực của WHO, cho biết.
Lồng ấp virus
Ông Omi cho biết cách ly là một trong những biện pháp được coi là có hiệu quả từ rất sớm. Song virus đã xâm nhập vào các cộng đồng địa phương trên khắp Nhật Bản, nơi các trường hợp không thể truy vết đã xuất hiện, ông nói.
Ở giai đoạn này, “sự lây lan của virus sẽ là không thể tránh khỏi, và đó là lý do tại sao việc cách ly là không thực tế”, ông Omi nói.
Nhiều nhà khoa học cho rằng việc cách ly trên tàu đã không có tác dụng. Ảnh: AP.
Ông nói rằng trọng tâm bây giờ nên chuyển từ việc kiểm soát biên giới sang ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng địa phương.
Các nhà khoa học khác nói rằng hành khách đáng lẽ phải được đưa ra khỏi tàu ngay từ đầu.
“Tàu thuyền là nơi có tiếng nuôi dưỡng virus”, Arthur Caplan, giáo sư đạo đức sinh học tại Đại học Y khoa New York, cho biết. “Việc giữ mọi người trên tày chỉ hợp lý về mặt đạo đức nếu không có lựa chọn nào khác”.
Ông Caplan nói việc cách ly lần hai là xác đáng, nhưng các quan chức đã không thể giải thích chuyện gì sẽ xảy ra nếu kế hoạch ban đầu của họ thất bại.
“Không bao giờ là chuyện tốt nếu bạn mất đi các quyền tự do dân sự và quyền đi lại, nhưng thêm hai tuần cách ly nữa không phải là gánh nặng quá lớn nếu bạn đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của bệnh”, ông nói.
58 triệu dân Hồ Bắc được lệnh tự cách ly khẩn cấp
Các nhà chức trách yêu cầu 58 triệu người dân tại Hồ Bắc tự cách ly và cấm các phương tiện lưu thông trên đường.
Theo news.zing.vn
Du thuyền bị 'hắt hủi' giữa dịch Covid-19 cập cảng Campuchia: Niềm hân hoan hóa nỗi lo tột độ ra sao?
Niềm hân hoan, phấn khích khi được cập cảng Sihanoukville của hơn 2.000 người trên MS Westerdam giờ trở thành nỗi lo lắng tột độ sau khi 1 người trên du thuyền này bị xác nhận nhiễm Covid-19.
MS Westerdam chở theo 1.455 khách và 802 thủy thủ đoàn hôm 1/2 nhổ neo từ Hong Kong, bắt đầu hải trình 13 ngày rong ruổi trên biển với điểm đến cuối cùng là Yokohama, Nhật Bản hôm 14/2.
Kế hoạch bị đảo lộn khi giới chức Nhật Bản từ chối cho con tàu cập cảng vì lo ngại một số du khách trên tàu có thể nhiễm Covid-19 (nCoV).
Công ty Holland America, thuộc sở hữu của tập đoàn Carnival Corp cũng là nhà điều hành của MS Westerdam nói không có lý do gì để tin rằng bất cứ ai trên tàu nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, Hong Kong, điểm khởi hành của du thuyền cho tới nay ghi nhận 50 ca nhiễm bệnh viêm phổi cấp, trong đó có 1 trường hợp thiệt mạng. Trong số các hành khách trên tàu cũng có một nhóm nhỏ người Trung Quốc, quốc gia cho tới nay ghi nhận hơn 1.600 người thiệt mạng, gần 70.000 ca nhiễm virus Covid-19.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt tay hành khách MS Westerdam hôm 14/2. (Ảnh: Reuters)
Nối tiếp Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, đảo Guam (Mỹ) và Thái Lan liên tục từ chối MS Westerdam với lo ngại tương tự Tokyo.
" Chúng tôi lênh đênh trên đại dương. Chúng tôi bị từ chối ở mọi cảng, mọi quốc gia kể từ khi chúng tôi rời Hong Kong", Steve Muth, một hành khách trên tàu chia sẻ.
Mọi chuyện thay đổi sau khi Campuchia hôm 12/2 tuyên bố tiếp nhận, cho phép tàu cập cảng. Chưa đầy 1 ngày sau đó, sáng 13/2, MS Westerdam cập cảng tại thị trấn Sihanoukville, Campuchia sau 2 tuần lang thang trên biển.
Tuy nhiên, thay vì rời tàu và trở về đất liền ngay, các du khách bị giữ lại để kiểm tra nhiệt độ.
Chiều 13/2, Thiếu tướng Chuon Narin, cảnh sát tỉnh Sihanoukville cho biết nhóm công tác của chính phủ đã lên tàu để kiểm tra y tế cho hơn 2.200 hành khách và thủy thủ đoàn trước khi họ được phép rời tàu và cấp visa miễn phí.
Cũng theo ông Narin, 20 người bị ốm vài ngày trước đó và mẫu máu của họ sẽ được gửi tới Phnom Penh để xét nghiệm virus nCoV.
Tới sáng 14/2, hàng trăm hành khách trên MS Westerdam xuống tàu, hân hoan cùng niềm vui trở về. Nhiều người quỳ gối cảm ơn vì hạnh phúc, tất cả đều reo hò ăn mừng.
Bộ Y Tế Campuchia trong tuyên bố trước đó ít giờ cho biết không một ai trên tàu nhiễm bệnh. Kết quả xét nghiệm của 20 trường hợp nghi ngờ được gửi mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur ở Phnom Penh cho thấy không ai dương tính với Covid-19.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen có mặt tại cảng, bắt tay và tặng hoa cho hành khách và thủy thủ đoàn khi họ bước xuống tàu và lên một chiếc xe đang chờ.
" Vợ tôi và tôi đã tặng ông ấy một ít chocolate để bày tỏ sự biết ơn", Lou Poandel, một hành khách từ New Jersey, Mỹ, nói sau khi ông xuống tàu và gặp nhà lãnh đạo Campuchia.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, ca ngợi Campuchia là hình mẫu cho "tình đoàn kết quốc tế" mà WHO đang kêu gọi.
Trưa 15/2, một quan chức Campuchia cho biết 1/2 trong số những người trên du thuyền được phép rời đi, di chuyển tới sân bay quốc tế Sihanoukville, lên các chuyến bay tới thủ đô Phnom Penh trước khi bắt các chuyến bay trở về nước.
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào tối cùng ngày khi Bộ Y tế Malaysia thông báo một công dân Mỹ trên MS Westerdam cho kết quả dương tính với virus Covid-19.
Người này nằm trong nhóm 145 hành khách bay tới Malaysia từ Campuchia sau khi rời Sihanoukville. Giới chức Kuala Lumpur cho biết khi nhóm khách này tới Malaysia, 8 người có dấu hiệu của dịch viêm phổi nên bị giữ lại kiểm tra trong đó có cụ bà người Mỹ 83 tuổi và chồng. Cả 2 sau đó được đưa đi cách ly sau khi bị xác nhận nhiễm virus Covid-19, 6 người còn lại đang bị giám sát để đợi kết quả xét nghiệm.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, Bộ Y tế Campuchia đề nghị phía Malaysia kiểm tra lại kết quả, khẳng định rằng cơ quan này đã hợp tác với WHO và Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện các biện pháp kiểm tra đúng quy trình đối với toàn bộ thành viên trên tàu Westerdam.
Tối 16/2, Phó Thủ tướng Malaysia Waz Azizah Wan Ismail cho biết kết quả xét nghiệm lần 2 với cụ bà Mỹ vẫn cho kết quả dương tính virus Covid-19.
Tuyên bố chắc chắn này làm dấy lên nỗi lo 137 hành khách rời Kuala Lumpur để về nước có thể đã bị nhiễm virus và thậm chí những người từng tiếp xúc với cụ bà Mỹ cũng có nguy cơ nhiễm bệnh khi mà virus Covid-19 có thể lây lan ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho tới nay chưa đưa ra bình luận sau khi Malaysia công bố kết quả xét nghiệm 2 lần. Cũng không rõ cụ bà Mỹ có nằm trong nhóm khách được vinh dự bắt tay và trao quà cho ông Hun Sen hôm 14/2 hay không?
SONG HY
Theo vtc.vn
Lễ tình nhân trên chiếc du thuyền bị cách ly Diamond Princess "Cupid's avocado" (món bơ Cupid) cho bữa tối, những thông điệp hình trái tim cho thủy thủ đoàn, nhưng cũng có cả sự phân ly đau đớn: đối với những người bị mắc kẹt trên con tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách ly, ngày 14/2 không phải là Ngày Valentine thông thường. Mặc chiếc váy đỏ và mang buộc tóc đỏ,...