Cách làm hay trong phòng, chống bạo lực học đường
Nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực học đường, mới đây, Công an phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) đã phối hợp với Trường THCS Tân Bửu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến các vấn đề phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh toàn trường.
Cán bộ Công an phường Bửu Long tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh Trường THCS Tân Bửu (TP.Biên Hòa). Ảnh: Văn Nhuệ
Theo Công an phường Bửu Long, bạo lực học đường là hiện tượng diễn ra phổ biến trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của học sinh. Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, đối tượng vi phạm trong các vụ bạo lực học đường chủ yếu là học sinh trong các trường học, trong đó bậc THCS chiếm tỷ lệ vi phạm nhiều nhất. Do đó, Công an phường quyết định tổ chức một chuyên đề về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh Trường THCS Tân Bửu.
* Định hướng cách ứng xử trong môi trường học đường
Thượng úy Phan Hoàng Sử, Tổ trưởng Tổ Cảnh sát hình sự Công an phường Bửu Long cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bạo lực học đường có xu hướng ngày càng phức tạp là nhiều gia đình cha mẹ bỏ nhau hoặc mải lo làm ăn nên ít có thời gian quan tâm, gần gũi, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử của con cái. Mặt khác, bạo lực từ trong chính gia đình cũng có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ và lối hành xử của các em.
“Các em đang tuổi ăn, tuổi học, nhân cách chưa hoàn thiện, tâm lý không ổn định nhưng gia đình lại cho sử dụng điện thoại thông minh quá sớm, truy cập internet không kiểm soát được nội dung cần xem và không cần xem; phim ảnh, trò chơi bạo lực cũng góp phần tạo nên những hành vi bạo lực của các em” – Thượng úy Phan Hoàng Sử nói.
Trong các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường THCS Tân Bửu, cán bộ Công an phường Bửu Long đã phân tích rõ các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường. Thông qua một số vụ bạo lực học đường nổi cộm xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng trong thời gian qua hoặc qua những hành vi lệch chuẩn của một bộ phận thanh thiếu niên trên mạng xã hội, cán bộ Công an phường Bửu Long đã hướng dẫn, chỉ ra cho học sinh cách nhận biết các dấu hiệu, nguyên nhân và biện pháp phòng, chống bạo lực học đường; những kỹ năng khi tham gia mạng xã hội để tránh bị tác động, ảnh hưởng từ những hành vi bạo lực, kích động.
Theo em Mai Gia Bảo (học sinh lớp 9/3 Trường THCS Tân Bửu), qua hướng dẫn của Công an phường, bản thân em rút ra bài học trong quan hệ ứng xử cần tôn trọng nhau. Những mâu thuẫn, tranh cãi nên sử dụng lời nói, thương lượng, không sử dụng hành động khiêu khích, đánh nhau.
Video đang HOT
* Hiệu quả rõ rệt
Cô Trần Kim Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bửu cho biết, trước đây tại trường cũng xảy ra một số vụ bạo lực học đường liên quan đến học sinh nhưng chỉ với mức độ nhẹ do mâu thuẫn bộc phát giữa các học sinh. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực học đường, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động ngoài giờ.
Đầu năm học 2019-2020, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập tổ công tác quản sinh. Các giáo viên trong tổ này có nhiệm vụ nắm tình hình để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoặc trực tiếp xử lý, giải quyết khi bạo lực học đường xảy ra. Tiếp đến, giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách cũng phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn ngừa bạo lực học đường trong học sinh. Để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đã đạt được, Trường THCS Tân Bửu đã phối hợp với Công an phường Bửu Long tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường nhằm giúp học sinh trong trường tiếp cận được những kỹ năng, kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng tránh bạo lực học đường. Nhờ vậy, tình trạng bạo lực học đường trong trường từ đầu năm học mới đến nay đã được đẩy lùi.
Cũng theo cô Trần Kim Huệ, để làm tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc theo dõi, giám sát, giáo dục và quản lý các em tránh xa bạo lực học đường. Trong đó, vai trò của nhà trường rất quan trọng vì phần lớn thời gian trong ngày các học sinh học tập trên lớp hoặc nhà thầy cô. Do vậy, việc tổ chức chuyên đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến bạo lực học đường tại trường học có ý nghĩa rất quan trọng giúp các em học sinh hiểu về bạo lực học đường và tác hại của nó, định hướng cho các em kỹ năng, cách sống tốt nhằm phòng tránh bạo lực học đường.
Theo thống kê của Công an tỉnh, chỉ tính từ năm 2011-2017, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 52 vụ, 113 đối tượng thực hiện hành vi mang tính chất bạo lực học đường, xâm hại 46 nạn nhân, làm 3 người chết, 23 người bị thương; trong đó, học sinh đánh nhau chiếm tỷ lệ cao nhất (47/52 vụ). Đối tượng vi phạm làhọc sinh trong các trường học chiếm đa số (101/113 đối tượng), bậc THCS chiếm tỷ lệ vi phạm nhiều nhất, kế đến là THPT.
Hoàng Bách
Theo baodongnai
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật
Đổi mới và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; tạo cầu nối giữa những người thi hành pháp luật và người dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Vào những buổi sinh hoạt của ngày cuối tuần, các em học sinh lớp 11A7, Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh được các cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Cẩm Xuyên trực tiếp tuyên truyền về pháp luật ATGT, phòng chống ma túy, bạo lực học đường. Buổi sinh hoạt tuy ngắn nhưng ai nấy cũng đều chăm chú theo dõi. Những thông tin mới, những kiến thức bổ ích cùng với cách tuyên truyền hấp dẫn, sinh động đã thu hút các em học sinh. Đây cũng là một cách làm mới của Công an Cẩm Xuyên trong việc thực hiện Đề án đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn, đổi mới và nâng cao hiệu quả về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật.
Em Nguyễn Thị Khánh Diệp, Lớp 11A7, Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: "Những thông điệp mà các lực lượng Công an huyện Cẩm Xuyên muốn chuyển tải về phổ biến, giáo dục pháp luật, để chúng em hiểu hơn về pháp luật, tự giác chấp hành, vận động gia đình, người thân, bạn bè cùng tham gia".
Là một huyện thuần nông, bán sơn địa, huyện Cẩm Xuyên có quốc lộ 1A, quốc lộ 8C, quốc lộ 15B đi qua và hàng trăm kilomet đường huyện lộ và liên xã, liên thôn... Những năm gần đây số lượng phương tiện môtô, xe máy, ôtô trên địa bàn lưu thông không ngừng gia tăng. Trong khi đó điều kiện cơ sở hạ tầng còn bất cập, xuất hiện nhiều điểm đen, là nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; các nút giao thông nối với các tuyến đường chính, đường ngang chưa được hoàn thiện; tình trạng xe quá tải hoạt động ngày càng nghiêm trọng hơn...
Công an huyện Cẩm Xuyên tuyên truyền pháp luật cho học sinh.
Số lượng người vi phạm về TTATGT, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao so với mặt bằng của tỉnh và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Bên cạnh đó, hoạt động của các loại tội phạm hình sự, tai, tệ nạn xã hội có lúc có nơi có chiều hướng tăng đáng kể so những năm trước đây, nhất là tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản...
Những tồn tại trên là do công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội chưa thường xuyên, liên tục và đồng bộ; thiếu giải pháp mạnh và bền vững, thiếu đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về pháp luật chưa thường xuyên, chưa đi sâu vào việc tìm các nguyên nhân, giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đang thực hiện chủ yếu mang tính hình thức, đơn điệu, chưa kết hợp với các lĩnh vực khác, tổ chức chủ yếu tập trung vào ban ngày, tại hội trường xã, thị trấn, trường học... diện đối tượng tuyên truyền chủ yếu huy động được cán bộ, công chức và thôn xóm, người dân ít tiếp cận, tham gia...
Để khắc phục một cách có hệ thống những tồn tại nêu trên, tạo tiền đề vững chắc nhằm thay đổi bộ mặt về TTATGT của huyện, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của nhân dân, Công an huyện Cẩm Xuyên đã tham mưu UBND huyện Cẩm Xuyên ban hành Đề án đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2019 - 2020, trong đó xác định công tác tuyên truyền là trọng tâm, cốt lõi, đi trước.
Mục tiêu đặt ra cho công tác tuyên truyền là: đảm bảo 100% học sinh các trường học, 80% hội viên các hội đoàn thể; 70% người dân làm việc, sinh sống, kinh doanh, sản xuất... dọc tuyến đường được phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Sau khi tham mưu ban hành đề án, Công an huyện đã xây dựng riêng một kế hoạch tuyên truyền pháp luật cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó vừa kết hợp tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy vừa kết hợp với tuyên tuyền về phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, kỹ năng phòng vệ bản thân, phòng cháy chữa cháy, các mô hình, điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ... sân khấu hóa, kết hợp trình chiếu tư liệu hình ảnh, nhân chứng, tặng quà cho những thân nhân, gia đình khó khăn...
Công an huyện đã thành lập thường trực tổ tuyên truyền; tổ biên soạn bài giảng và trực tiếp tuyên truyền; tổ văn nghệ - tổ phục vụ; tổ huy động nguồn lực xã hội hóa...
Để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, tạo chuyển biển từ nhận thức đến hành động cho mỗi người dân trên địa bàn, Công an Cẩm Xuyên đã tăng cường về địa bàn cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, thôn xóm, các đoàn thể thống nhất các nội dung triển khai.
Ông Vũ Tiến Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện càng trở nên gần gũi và gắn bó hơn với mỗi người dân.
Người dân chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin có giá trị trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua đó, lực lượng Công an tăng cường công tác dân vận, thực sự là cầu nối, niềm tin giữa ý Đảng và lòng dân, để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được thấm nhuần và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.
Khác với cách tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, thời gian gần đây lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Cẩm Xuyên đã sáng tạo, linh động vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền mới mẻ như sân khấu hoá, các bài giảng slide, hình ảnh, video...Với những hình ảnh trực quan, sinh động, thực tế, các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ đã được chuyển tải đến các em học sinh, người dân một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn, giúp các em hiểu kỹ, nhớ sâu và áp dụng tốt, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Công an huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức được 91 cuộc tuyên truyền, với 66.000 lượt người tham gia; phát 11.000 tờ rơi tại các trường học và địa bàn dân cư, với nguồn kinh phí huy động xã hội hóa: trên 1,2 tỷ đồng. Tặng quà trên 450 triệu đồng gồm: 500 quyển sách, 1000 quyển vở, 120 xe đạp, 7.800 mủ bão hiểm; 150 suất quà và gần 800 triệu đồng làm pano, áp pích tuyên truyền. Kết quả này có sự chung tay của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn và địa bàn khác, con em xa quê... đóng góp, hỗ trợ, tài trợ; tài trợ nhiều lần, và luôn luôn tài trợ đồng hành cùng chương trình...
Theo ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh: Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên thực sự tạo sức lan tỏa lớn, đông đảo bà con nhân dân tham gia; cấp ủy chính quyền đồng tình, hưởng ứng, đánh giá thiết thực, gắn với đời sống hàng ngày; nhiều địa phương liên tục đề nghị nhân rộng các thôn khác. Qua đó, đã nâng cao được nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở trong việc tuyên truyền pháp luật; đánh giá có sự sáng tạo, đổi mới, gắn với diện đối tượng tuyên truyền và từng bước loại bỏ những vướng mắc, phiền hà cho chính quyền và nhân dân.
Trung tá Trần Vĩnh Thành, Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết: Để đạt được kết quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa thì việc tuyên truyền phải thực chất, đi vào vấn đề cần thiết của cuộc sống, Công an Cẩm Xuyên đã khắc phục khó khăn, luôn suy nghĩ, thường xuyên rút kinh nghiệm từng buổi tuyên truyền để đổi mới phương pháp.
Từ chỗ tuyên truyền tại xã, ban ngày chuyển sang tổ chức tại thôn xóm, ban đêm; tìm ra được những tồn tại của tuyên truyền trước đây như: tổ chức tại hội trường xã, kinh phí địa phương chịu trách nhiệm; đối tượng dự tuyên truyền chủ yếu cán bộ xã, thôn xóm... không huy động được đông đảo nhân dân tham gia... Từ đó huy động xã hội hóa các nguồn phục vụ tuyên truyền, huy động được sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể các cấp.
Xuân Lý - Hoàng Linh
Theo CAND
Nhiều giải pháp giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cho học sinh Ngày 24-9, tại Cơ sở 3 Trường đại học Đồng Nai, Sở GD-ĐT khai mạc hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống và công tác học sinh, sinh viên năm học 2019-2020. Tham dự hội nghị có trên 550 cán bộ quản lý là lãnh đạo các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường TH-THCS-THPT...