Cách dễ nhất giúp tăng tiết sữa nhiều sản phụ bỏ qua
Lo lắng không có đủ sữa cho con bú là vấn đề phổ biến của sản phụ sau sinh. Có một cách rất dễ để tăng tiết sữa nhưng nhiều bà mẹ thường bỏ qua.
1. Cho bé bú giúp tăng tiết sữa
Tăng tiết sữa mẹ một cách tự nhiên để trẻ đủ sữa bú và phát triển khỏe mạnh là điều các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đều mong muốn.
Sữa mẹ được sản xuất trong các cụm túi bên trong các tuyến của vú. Sau đó sữa được dẫn qua các ống dẫn đến núm vú, nơi sữa chảy ra từ các lỗ nhỏ, được gọi là phản xạ xuống sữa. Việc tạo ra nhiều sữa hơn phụ thuộc vào cách mẹ cho con bú. Cách tốt nhất bé bú thường xuyên và đảm bảo bé ngậm vú đúng cách.
Theo Hiệp hội Nuôi con bằng sữa mẹ của Úc, việc cho con bú hoạt động theo cơ chế cung và cầu. Càng hút nhiều sữa từ bầu ngực, bầu ngực của người mẹ sẽ càng sản xuất nhiều sữa. Do vậy, cho bú thường xuyên hơn là cách đơn giản và hiệu quả nhất để tăng lượng sữa cho bé.
Theo ThS. Chu Thị Thanh Loan, BV Phụ sản Hà Nội, khi cho con bú nhiều thì cơ thể người mẹ sẽ tiết ra chất hormone là prolactin giúp tái tạo sữa và oxytocin làm xuống sữa. Vì vậy, việc cho con bú đều đặn, thường xuyên, mẹ được nằm cạnh con, cho con bú theo nhu cầu là một biện pháp giúp mẹ có nhiều sữa cho con bú.
Cho bé bú thường xuyên là cách đơn giản và hiệu quả nhất giúp tăng tiết sữa.
2. Cách cho trẻ bú giúp tăng nguồn sữa mẹ
Cho bé bú theo nhu cầu
Cho bé bú theo nhu cầu của bé thay vì tuân theo lịch trình cho bú. Các cữ bú không cần phải quá dài, chỉ cần thường xuyên hơn. Trong mỗi 24 giờ, một số cữ bú có thể chỉ kéo dài từ 5 – 10 phút, một số khác có thể kéo dài 30 phút hoặc lâu hơn, đặc biệt là khi bé bú chậm và ngủ.
Cho bú cả hai bên ngực
Trong những ngày đầu, bé có thể chỉ cần bú một bên vú. Nhưng sau đó, hầu hết các bé sẽ cần bú nhiều hơn. Bây giờ là lúc nên cho bé bú bên vú thứ hai.
Video đang HOT
Một số bà mẹ lo lắng ngực của họ có thể không được hút hết sữa nếu họ cho bé bú bên thứ hai quá sớm. Nếu bé bú cho đến khi tự bỏ vú thì thường là đến lúc đổi bên. Ngoài ra, mẹ có thể đổi bên nhiều lần trong khi cho bé bú, bất cứ khi nào bé bú chậm lại. Điều này sẽ kích thích phản xạ xuống sữa và khuyến khích bé bú mạnh hơn.
Để trẻ ngậm vú tốt
Trẻ ngậm vú tốt sẽ có khả năng bú mẹ tốt hơn. Khi trẻ ngậm vú tốt mẹ sẽ cảm thấy thoải mái khi và cảm nhận được em bé đang mút sâu vào ngực cũng như có phản xạ nuốt theo nhịp điệu.
Điều chỉnh lượng sữa chảy
Trong khi cho con bú, mẹ có thể sử dụng phương pháp ép ngực để giúp bé bú được nhiều sữa hơn. Việc cho sữa chảy xuống hiệu quả giúp em bé thoải mái khi được đáp ứng nhu cầu sữa.
Ngoài ra mẹ nên thư giãn, hít thở sâu và giữ ấm khi bắt đầu cho con bú; Vuốt bầu ngực về phía núm vú ở mọi phía khi bé bú.
Nên thư giãn, vuốt ve bầu ngực khi cho bé bú.
Có thể dùng máy hút sữa
Thông thường, em bé bú sữa từ vú mẹ sẽ tốt hơn là dùng máy hút sữa. Nếu bạn đang cố gắng tăng nguồn sữa của mình, cho con bú trực tiếp từ vú mẹ sẽ dễ dàng hơn là dùng máy hút sữa.
Nhưng đôi khi lượng sữa tạm thời chưa đáp ứng được nhu cầu bé bú hoặc trong trường hợp bé ốm hoặc buồn ngủ, không thể bú tốt hoặc bú đủ thường xuyên thì bạn có thể vắt sữa bằng máy.
Nên thực hiện các lần hút sữa ngắn gần nhau giống như cách cho bé bú. Hút sữa trong 5 – 10 phút mỗi lần nhưng lặp lại nhiều lần trong khoảng một hoặc hai giờ. Kết thúc mỗi buổi bằng vài phút vắt sữa bằng tay sẽ giúp mẹ vắt được hết sữa và tăng lượng sữa.
Các bà mẹ nên hút hoặc vắt sữa khi em bú không hết để duy trì lượng sữa luôn dồi dào, luôn luôn mới và có nhiều sữa cho bé bú hơn.
Những điều bố mẹ cần nằm lòng khi chăm trẻ ốm
Khi trẻ ốm, ngoài điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ thì việc chăm sóc và cho trẻ ăn uống đầy đủ cũng quan trọng giúp trẻ tăng thêm sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Khi trẻ ốm, ngoài điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để giúp bé nâng cao thể trạng và chóng khỏe. Ảnh: Freepik.
Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nắng - mưa, với nhiệt độ, độ ẩm thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho con người, nhất là đối với trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện càng dễ mắc bệnh.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang phức tạp, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch trong những năm qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em, một số bệnh có vaccine phòng bệnh đã có xu hướng gia tăng.
Các bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng có xu hướng gia tăng trong thời gian qua làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ.
Tầm quan trọng của dinh dưỡng khi trẻ ốm
Khi trẻ ốm thường chán ăn và tăng năng lượng tiêu hao do sốt, đáp ứng viêm... nên dễ sụt cân và có thể bị suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện và lâu dài của trẻ vì dinh dưỡng đóng vai trò trọng tâm đối với sự phát triển thể chất, nhận thức, khả năng học tập và năng suất lao động của trẻ trong tương lai.
Do đó, khi trẻ ốm, ngoài điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, phòng suy dinh dưỡng.
Thời điểm giao mùa, nhiều trẻ đến khám bệnh tại khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Bên cạnh đó, khi trẻ ốm, chế độ dinh dưỡng đầy đủ còn giúp cung cấp các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể, là nguyên liệu quý giá để tổng hợp các thành phần miễn dịch, giúp tăng sức đề kháng từ đó giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn.
Ví dụ: sắt tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch Lympho T - giúp chống lại sự tấn công của vi rút, vi khuẩn; cùng với sắt thì kẽm cũng đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch vì kẽm vừa là thành phần, vừa là xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch, từ đó tạo một hệ thống phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh...
Ngoài ra, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng khi trẻ ốm còn giúp tăng hiệu quả điều trị, hạn chế biến chứng, đặc biệt giảm nguy cơ tử vong đối với trẻ.
Chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ ốm
Khi trẻ ốm thường chán ăn nên các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ giúp trẻ hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Sau đây là một số điểm lưu ý về chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ ốm:
Đối với trẻ dưới 6 tháng đang bú mẹ
Vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường, tăng số lần bú và thời gian mỗi lần bú kéo dài hơn vì trẻ mệt, khả năng mút vú của trẻ kém hơn. Đối với trẻ bị nghẹt mũi hoặc mệt quá không bú được thì người mẹ cần vắt sữa ra và cho trẻ ăn bằng thìa.
Trẻ từ 6 tháng trở lên
Ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm nhiều bữa và từng ít một với các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa, cá... và cho thêm dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần.
Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, loãng hơn bình thường để dễ tiêu hóa. Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh và giảm nguy cơ bội nhiễm. Cho trẻ ăn thêm quả chín hay nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ... để tăng cường vitamin và chất khoáng.
Khi trẻ ốm cần nấu thức ăn mềm, loãng hơn bình thường để trẻ dễ tiêu hóa.
Khi trẻ ốm không cần kiêng khem các loại thực phẩm như tôm, cá, dầu mỡ và rau xanh. Bố mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, nhất là đối với trẻ bị tiêu chảy. Súp, nước cháo, dung dịch Oresol chỉ là các dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Trẻ bị tiêu chảy nên tránh cho ăn các thức ăn có nhiều đường, nước ngọt có ga vì có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Đồng thời cần tránh các thức ăn có nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt như ngô đỗ gây khó tiêu.
Khi trẻ ốm, gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc, dỗ dành trẻ ăn được nhiều. Với trẻ bị viêm nhiễm hô hấp, sổ mũi gây khó thở cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ bú mẹ và ăn uống dễ dàng hơn.
Tóm lại, hiện nay là thời điểm giao mùa khiến trẻ dễ mắc bệnh. Các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ, nếu trẻ bị ốm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị và cần chăm sóc dinh dưỡng đúng cách để giúp trẻ nhanh khỏe.
Cách xử trí chướng bụng đầy hơi ở trẻ nhanh chóng mẹ nên biết Trẻ bị đầy hơi chướng bụng khiến nhiều người lần đầu làm cha mẹ lo lắng không biết nên xử trí thế nào. Cùng tìm hiểu các cách cải thiện chướng bụng, đầy hơi giúp trẻ giảm cảm giác khó chịu thông qua bài viết dưới đây. Trẻ bị đầy hơi, chướng bụng do đâu? Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị chướng...