Cách đây hơn 20 năm, cưỡi xe nào ra đường mới là “dân chơi” tại Việt Nam?
Trong thập niên 90 của Thế kỷ XX đã có nhiều dòng xe máy được nhập khẩu vào Việt Nam, trở thành vật tượng trưng cho “chất chơi” của người sở hữu chúng.
Ngược dòng thời gian trở về trước năm 1986 khi Đất nước được thống nhất nhưng vẫn còn trong thời kỳ bao cấp, người dân không có nhiều lựa chọn khi mua xe máy. Ngoài các dòng Super Cub, SS50 (hay Honda 67), Vespa hay Lambretta… được nhập vào miền Nam Việt Nam trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng, những lựa chọn còn lại chỉ là các dòng xe như Babetta, MZ, Simson, Minsk. Và trong thời kỳ này, chỉ riêng việc sở hữu một chiếc xe máy cũng đã chỉ nằm trong giấc mơ của người Việt, khi chúng có trị giá tính bằng cây vàng.
Kể từ khi Đất nước bắt đầu đổi mới và chuyển sang nền kinh tế thị trường, thị trường xe máy mới bắt đầu có sự phát triển về cả chất lẫn lượng. Trong thập niên 90 của Thế kỷ XX, 2 nguồn xe nhập chính vào Việt Nam đó là xe đã qua sử dụng từ Nhật (hay còn gọi là xe “bãi”) và xe nhập mới từ các nước trong khu vực. Vào đầu thập niên này, những chiếc xe máy dù đã phổ biến hơn nhưng vẫn là vật xa xỉ – những khối tài sản rất lớn di chuyển trên đường. Chúng thường có giá trị quy bằng cây vàng, hoặc hàng nghìn USD.
Ở thời điểm này, những chiếc Honda Dream II nhập Thái Lan và một số biến thể như Honda Dream “lùn” hay Honda Astrea Grand 100 nhập Indonesia (kiểu dáng y như Dream “lùn” nhưng nhập từ Indonesia) rất được người dân ưa chuộng bởi độ bền bỉ và tin cậy cao như các đời Super Cub trước đây, nhưng đẹp mắt và tiện dụng hơn. Việc sở hữu một chiếc Dream vào những năm đầu thập niên 90 cũng “sang chảnh” tương tự như Honda SH ngày nay vậy.
Honda GL150 Pro (trái) và Honda Spacy 125 đời cũ (phải)
Bên cạnh Dream, một số dòng xe ga cũng đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam như Spacy, Lead, Dio… nhưng chưa thực sự trở nên phổ biến. Trong khi đó, những dân chơi nam thích xe côn tay phải tạm bằng lòng với những chiếc Honda Win 100 hay Honda GL150 Pro. Phải tới tầm giữa thập niên 90 của Thế kỷ XX, những mẫu mô tô côn tay mới bắt đầu dần trở nên phổ biến hơn một chút. Tuy nhiên khách hàng cũng không có nhiều lựa chọn về kiểu dáng, khi chúng thường mang dáng cruiser hoặc naked.
SYM Husky (trước) và Suzuki GN125 (sau)
Chính thức có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam từ năm 1993, có thể nói hãng xe Đài Loan SYM là thương hiệu mở ra thị trường mô tô tại Việt Nam với các dòng xe như Bonus hay Husky. Nối tiếp sau SYM, Suzuki là hãng xe tiếp theo với chiếc GN125 vào năm 1995-1996. Tuy nhiên nếu nói tới đẳng cấp, những mẫu xe này được dân chơi xếp ở “chiếu dưới” so với một loạt các dòng xe 2 xi-lanh thẳng hàng của Honda. Ngoài mẫu xe phổ biến nhất là Rebel 125, cánh mày râu Việt từng một thời “mê mẩn” những chiếc Honda CD125 Benly – mẫu mô tô được mệnh danh là “Hoàng tử đen”.
Video đang HOT
Ngoài Honda Rebel 125, các cửa hàng nhập khẩu xe còn đưa về chiếc Yamaha Virago 125; tuy nhiên do có độ tin cậy thấp và khó sửa hơn xe Honda, chúng không được ưa chuộng bằng. Và những mẫu xe này cũng là điểm dừng cuối cùng của đa số dân chơi khi rất ít người có thể thi được bằng A2 để điều khiển mô tô phân khối lớn. Ở thời này, những chiếc xe phân khối lớn mới chỉ được nhập về để phục vụ các cơ quan Nhà nước, công an, quân đội cũng như các đoàn diễu hành và một số công ty.
Honda VT250
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi chủng loại mô tô phân khối lớn ở Việt Nam vẫn còn rất hạn hẹp. Một lần nữa, các dòng xe Honda động cơ 2 xi-lanh thẳng hàng như LA250, Rebel 250 lại chiếm số lượng áp đảo. Bên cạnh đó là một số dòng xe 250cc khác như Suzuki GN250, Yamaha Virago 250. Rất ít khi xuất hiện là một loạt các dòng xe lạ lẫm khác như Honda VT250, Honda Shadow 400 cùng những chiếc Yamaha hay Kawasaki khác. Ngoài xe Nhật, chỉ có một số ít các dòng mô tô phân khối lớn khác của phương Tây và Mỹ như BMW Motorrad hay Harley-Davidson có mặt ở Việt Nam trong thời kỳ này.
Nhắc tới những mẫu xe dành cho dân chơi ở Việt Nam trong thập niên 90 của Thế kỷ XX mà không nói tới các dòng xe 2 kỳ là một thiếu sót lớn. Du nhập và bùng nổ ở nước ta trong nửa cuối thập niên 90, đại diện nổi tiếng nhất của những mẫu xe 2 kỳ đó là Suzuki “xì-po”. Tên gọi này là cách đọc của chữ “Sport”, theo phiên bản RG 110 Sport nhập từ Malaysia. Tuy nhiên các biến thể khác nhau của dòng xe này cũng được nhập về Việt Nam như Satria 120 từ Indonesia, hay bản nâng cấp RGV 120 cũng tới từ Malaysia.
Yamaha TZM150 (ngoài cùng bên trái), số còn lại là Honda NSR150RR
Ngoài các dòng Su “xì-po”, một số dòng xe 2 kỳ dáng naked underbone như Suzuki Akira 110, Stinger 120; Honda Tena 110, Nova Dash 125… cũng được nhập vào Việt Nam, nhưng kén khách hơn. Tuy nhiên, các dòng xe đỉnh cao nhất của dân chơi trẻ thời này đó là những chiếc superbike 2 kỳ 125/150cc. Trong đó phổ biến nhất là chiếc Honda NSR150 với các phiên bản RR (đèn tròn) hoặc SP (gắp đơn). Ít xuất hiện hơn NSR150 là Yamaha TZM150.
Những mẫu xe này thường được dân chơi gọi bằng các biệt danh khác nhau theo những điểm đặc trưng của chúng. Trong đó NSR150 hay được gọi là “Anh-nờ-xê-pan” hay “Nờ-xê-pan” do đọc chệch từ RC Valve – công nghệ van điều tiết ở hệ thống xả của Honda. Yamaha TZM150 nổi tiếng bởi cái tên Ya “mặt trăng” hay “mặt quỷ” bởi đèn pha trước hình bán nguyệt. Giống như Honda NSR150, Kawasaki RR150 thường được gọi là “KIPS” theo công nghệ van pô, hoặc “1 pha 3 hậu” bởi thiết kế 3 đèn hậu đặt dọc.
Tới tận cùng của thập niên 90 vào khoảng năm 1999, dân chơi bắt đầu đón nhận những chiếc FX125. Sau đó khi bước vào 10 năm đầu của Thế kỷ XXI, những mẫu xe tay ga nhập khẩu châu Âu bắt đầu trở thành “mốt” của dân chơi. Vào lúc này xe máy cũng đã được phổ cập khi các hãng lớn đã có nhà máy ở Việt Nam và mức sống người dân được nâng cao.
Tuy nhiên khi nói về những mẫu xe thể thao hay mô tô dành cho người đam mê, dân chơi vẫn có rất ít lựa chọn. Ngoài Yamaha Exciter kể từ năm 2005, một số mẫu xe khác bao gồm Suzuki Raider 150, Yamaha Z125, Honda Sonic… Phải tới khi Chính phủ mở cửa thi bằng A2 vào năm 2014 và thị trường xe máy phổ thông bắt đầu bão hoà; các phân khúc xe côn tay và mô tô phân khối lớn mới bắt đầu phát triển để được như ngày hôm nay.
Theo Nghe nhìn Việt Nam
Đèn xe máy luôn sáng có phù hợp với văn hóa giao thông tại VN?
Honda là hãng xe đi tiên phong trong việc tháo gỡ công tắc đèn chiếu sáng trên các dòng xe máy tại Việt Nam, tuy nhiên điều này đôi khi lại gây ra bất tiện với người sử dụng xe.
Khi lưu thông ngoài đường cách đây khoảng 10 năm, chúng ta hiếm khi bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy bật đèn khi di chuyển vào ban ngày. Thế nhưng tới đây, sẽ có hàng loạt xe máy của Honda không còn công tắc đèn, nghĩa là sẽ không thể tắt đèn dù ngày hay đêm.
Trước đây, chỉ có các dòng xe máy và môtô phân khối lớn được nhập khẩu về Việt Nam là không có công tắc đèn, còn các mẫu xe sản xuất trong nước đều có thể dễ dàng tắt bật đèn chiếu sáng. Tuy nhiên với mẫu Honda Lead, Winner X và mới đây nhất là Wave RSX, Honda đang từng bước phổ cập việc loại bỏ công tắc đèn trên xe máy.
Đèn xe máy luôn sáng là "tất nhiên" trên thế giới
Ở một số quốc gia trên thế giới quy định xe máy khi lưu thông vào buổi sáng bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng ban ngày DRL (Daytime Running Light), mục đích của loại đèn này nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường.
Yamaha YZF-R3 là một trong những dòng xe không được trang bị công tắc bật/tắt đèn tại Việt Nam.
Quy định trang bị đèn DRL ra đời từ tháng 2/2011 tại các nước châu Âu, nơi có điều kiện thời tiết dày đặc sương mù và có những tháng không có mặt trời. Tại khu vực Đông Nam Á, trừ Việt Nam, Campuchia và Myanmar, các nước còn lại đều quy định tất cả xe máy đều phải trang bị đèn chiếu sáng ban ngày DRL.
Tùy vào mỗi hãng cũng như thiết kế của từng dòng xe mà đèn DRL có thể là một dãy đèn riêng tương tự đèn đề-mi trên ôtô, hay cũng có thể sử dụng đèn chiếu gần làm đèn DRL. Thông thường, những mẫu xe môtô phân khối lớn và các dòng xe nhập từ châu Âu đều sử dụng đèn chiếu gần để làm đèn DRL, vì thế không được trang bị công tắc bật/tắt đèn.
Do đặc thù ở nước ngoài, các phương tiện thường di chuyển với tốc độ khá cao nên việc trang bị đèn DRL là cần thiết và quan trọng, giúp cho các xe ngược chiều nhau dễ dàng nhận biết và tránh xảy ra những va chạm đáng tiếc.
Ngược lại, với đặc thù giao thông như ở Việt Nam, các xe thường chỉ di chuyển với tốc độ tương đối chậm và nối đuôi nhau nên đèn DRL vẫn thường được dùng với mục đích trang trí là chính. Có khá nhiều người khi mua xe về đã đem xe đi độ dãy đèn DRL thành các màu xanh, đỏ, vàng... nhằm tăng thêm tính thẩm mỹ cho xe.
Đèn xe luôn sáng - tác dụng và mối nguy hại
Kể từ khi mẫu xe Lead 2019 được ra mắt vào tháng 7 năm nay, Honda Việt Nam đã quyết định tháo gỡ công tắc bật/tắt đèn trên toàn bộ mẫu xe sau này của hãng. Chi tiết này nhận được không ít ý kiến trái chiều từ người tiêu dùng Việt Nam.
Lead 2019 là mẫu xe tiên phong của Honda trong việc sử dụng hệ thống đèn xe luôn sáng.
Một bên cho rằng đèn xe luôn sáng sẽ giúp tăng khả năng an toàn cho người lái. Trong khi đó, phe đối lập lại nêu ra những tác hại của việc đèn xe luôn sáng như giảm tuổi thọ đèn, tạo ra những mâu thuẫn khi lưu thông trên đường...
Nếu như xem xét một cách trực quan, suy nghĩ của những người không ủng hộ đèn xe luôn sáng không phải là không có cơ sở. Việc đèn xe luôn tự động bật sáng mỗi khi nổ máy sẽ làm cho tuổi thọ của bóng đèn giảm đi đáng kể, nếu xét về tính kinh tế thì đèn xe dạng truyền thống có ưu thế hơn.
Đặc thù đường xá ở Việt Nam khá sát với các khu dân cư.
Một vấn đề nữa là đặc thù đường xá tại Việt Nam khá sát với các khu dân cư, việc để đèn xe luôn bật dễ gây ra các rắc rối không đáng có. Thực tế cũng đã có xảy ra những mâu thuẫn do bật đèn xe khi đi vào những khu vực như quán nhậu, tụ điểm vui chơi, đi vào trong hẻm nhỏ... Việc kiểm soát ánh sáng với những xe không có công tắc tắt đèn sẽ khó khăn hơn nhiều.
Đèn xe luôn sáng tăng khả năng an toàn nhưng chưa phù hợp tại VN
Vào cuối năm 2015, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng đưa ra đề xuất bắt buộc bật đèn xe máy vào ban ngày nhằm giảm tai nạn giao thông. Thế nhưng đề xuất này bị chìm vào quên lãng vì nhiều lý do khác nhau.
Không thể phủ nhận việc trang bị đèn xe luôn sáng mà Honda Việt Nam áp dụng cho các dòng xe sau này của hãng là hướng tới văn minh và an toàn. Ánh sáng từ đèn luôn có tác dụng cảnh báo và nhận diện tốt hơn, qua đó giảm va chạm khi chạy xe trên đường.
Honda Việt Nam lược bỏ công tắc bật/tắt đèn là một bước đi vô cùng táo bạo.
Thế nhưng với đặc thù giao thông ở Việt Nam, việc trang bị một dãy đèn LED làm đèn định vị ban ngày có lẽ là phù hợp hơn so với dùng đèn chiếu gần. Hầu hết xe máy ngày nay như Suzuki Raider, Yamaha Exciter và các mẫu xe của Honda, Vespa, Piaggio... đều được trang bị đèn định vị ban ngày bằng một dãy đèn LED nhỏ phía trước đầu xe.
Có lẽ, Honda Việt Nam chỉ nên trang bị cho tất cả dòng xe sau này dãy đèn LED định vị ban ngày DRL luôn sáng và không thể tắt nhằm giúp đảm bảo khả năng nhận diện từ xa vào ban ngày, đồng thời bổ sung lại công tắc bật/tắt hệ thống đèn chính để người dùng có thể chủ động bật/tắt. Việc này vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp chiếc xe phù hợp hơn với văn hóa giao thông ở Việt Nam
Những dòng xe sử dụng bóng halogen làm đèn DRL có thể dễ dàng chuyển sang loại bóng LED với chi phí chỉ từ 50.000 đồng.
Về phía người dùng, sau khi mua các mẫu xe mới của Honda không có công tắc đèn, có không tí người sẽ trang bị thêm công tắc bật/tắt đèn, việc này cũng không quá khó khăn, dù mất thêm thời gian và công sức. Chi phí cho việc độ công tắc đèn trên xe Honda dao động trong vài trăm nghìn đồng.
Trong trường hợp vẫn muốn giữ nguyên thiết kế của nhà sản xuất, người dùng cần chú ý hơn khi chạy xe vào những khu vực nhạy cảm để tránh những rắc rối có thể phát sinh.
Theo Zing
Bảng giá tất cả các dòng xe máy Suzuki mới nhất tháng 9/2019 Bảng giá tất cả các dòng xe máy Suzuki tháng 9/2019. Khuyến mại hàng loạt mẫu xe dành cho khách hàng khi mua xe. Bảng giá tất cả các dòng xe máy Suzuki mới nhất tháng 9/2019 Suzuki là hãng xe máy đã từng vang bóng một thời tại thị trường Việt Nam với những sản phẩm đã trở thành "huyền thoại" như...