Cách cho ăn đồ béo để con thông minh hơn
Khoảng 60% não của bé được cấu thành từ chất béo. Vì vậy việc cho con ăn chất béo hợp lý là điều các mẹ nên quan tâm trong chế độ dinh dưỡng của bé.
Vai trò của chất béo
Chất béo bao gồm dầu, mỡ thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính và có vai trò cần thiết với cơ thể, là nguồn sinh năng lượng quan trọng. Đặc biệt chất béo giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực của trẻ. Cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin A, D, E, K, cần có dầu mỡ.
Mỡ động vật, đặc biệt mỡ gan cá và một số mỡ động vật sống ở biển có nhiều vitamin A, D và axit arachidonic cần thiết cho cơ thể.
Trong những năm đầu đời, trẻ phát triển và tăng trưởng nhanh cả về thể chất và tinh thần. Các thiếu hụt về chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là cơ quan thần kinh. Do vậy, với trẻ em, khẩu phần ăn cần đảm bảo đủ chất béo.
Vì sao phải cho con ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật?
Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: “Dầu thực vật hay mỡ động vật đều do chất béo cấu thành nhưng chúng có sự khác biệt. Trong dầu thực vật có nhiều axit béo chưa no có ích cho cơ thể bé. Nhưng dầu thực vật lại rất ít hoặc hầu như không có axit arachidonic – một axit béo không no cần thiết và có nhiều vai trò quan trọng. Loại axit này lại được tìm thấy nhiều trong mỡ động vật.
Bên cạnh đó, chất béo của dầu thực vật là do axit không bão hòa tổ hợp thành, còn thịt mỡ là loại “chất béo nguy hiểm”. Nếu cho bé sử dụng nhiều mỡ động vật dễ dẫn tới các bệnh về tim mạch hoặc béo phì.
Khi chuẩn bị bữa, các bà mẹ thường băn khoăn chọn sử dụng dầu thực vật hay mỡ động vật. Cách tốt nhất nếu bạn muốn bổ sung chất béo trong khẩu phần ăn của bé là một bữa nấu dầu, bữa kia chuyển đổi sang nấu mỡ”.
Video đang HOT
Sử dụng dầu/ mỡ trong bữa ăn của bé như thế nào là hợp lý?
Bác sĩ Hải cho biết thêm: Các mẹ nên cân đối tỷ lệ giữa chất béo động vật với chất béo thực vật nên là 70% và 30%.
Một số cách thêm dầu/ mỡ đơn giản như sau, các mẹ có thể tham khảo:
Dầu ăn
Các món ăn hoặc cháo đã nấu chín, bắc khỏi bếp, mẹ có thể trộn một vài thìa dầu ăn/ dầu mè/ dầu oliu vào thức ăn của con. Đây là một trong những chất béo tốt nhất dành cho cơ thể bé.
Sốt Mayone
Đây cũng là một giải pháp thêm chất béo vào bữa ăn của con. Trong 100g sốt mayone có 79g cất béo. Khi cho con ăn sốt bánh mỳ hoặc rau trộn, mẹ có thể trộn mayone nhưng không nên lạm dụng quá nhiều.
Bơ đậu phộng
Trong 100g đậu phộng, có 50g chất béo. Mẹ có thể phết bơ đậu phộng lên bánh mỳ cho con ăn sáng. Nhưng theo khuyến cáo, mỗi tuần, bé chỉ nên ăn 2 lần bơ đậu phộng.
Phô mai
Trong 100g phô mai có 33g chất béo. Mẹ có thể cho bé ăn một miếng phô mai vào bữa ăn nhẹ buổi chiều, hoặc sẽ cho bé ăn bánh mỳ quết phô mai cũng rất tốt.
Sinh tố bơ
Trong 100g thịt trái bơ, có chứa 17g chất béo. Chất béo trong trái bơ rất tốt cho sức khỏe của bé. Mỗi ngày, mẹ cho bé ăn một cốc sinh tố bơ nhỏ, sẽ rất tốt cho bé.
Những lưu ý khi cho con ăn dầu/ mỡ
Không nên tái sử dụng dầu, mỡ đã rán và có mùi cháy khét: Dầu mỡ khi đã qua chế biến vừa mất đi nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng vừa dễ bị nhiễm khuẩn.
Hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn rán (hoặc quay) bán sẵn ngoài hàng hay ngoài vỉa hè: Các loại thức ăn như bánh rán, bánh khoai, bánh chuối, gà quay, vịt quay… không đảm bảo vệ sinh và dĩ nhiên sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa vốn còn non nớt của bé.
Không mua các loại mỡ cân đóng gói sẵn ngoài chợ: Tốt nhất, bạn nên chọn mua và sơ chế mỡ động vật từ mỡ lợn tươi sống.
Theo VNE
Con thông minh hơn khi mẹ bầu chăm thể dục
Các nhà khoa học Canada phát hiện, việc tiếp xúc với hoạt động thể chất khi còn trong bụng mẹ giúp thai nhi tăng cường phát triển não bộ. Chỉ 3 lần tập thể dục kéo dài 20 phút mỗi tuần của các bà bầu cũng đủ tạo nên sự khác biệt cho con cái của họ.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Montreal (Canada) đã phát hiện tác dụng của việc rèn luyện thể chất ở phụ nữ đang mang thai khi theo dõi và kiểm tra các bà bầu cùng những đứa con mới sinh của họ.
Theo các nhà nghiên cứu, chỉ 3 lần tập thể dục với cường độ trung bình trong 20 phút mỗi tuần cũng đủ giúp bà bầu tăng cường sự phát triển não bộ cho đứa con chưa chào đời.
Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một nhóm bà bầu tình nguyện tập thể dục đến lúc bắt đầu thở dốc ít nhất 3 lần/tuần. Trung bình, họ đã trải qua gần 2 giờ đồng hồ rèn luyện thể lực mỗi tuần, trong đó một số bà bầu đi bộ nhanh, số khác chạy, đạp xe hoặc đi bơi.
Nhóm bà bầu thứ hai không tham gia tập luyện và chỉ dành khoảng 10 phút vận động với tốc độ trung bình trong một tuần.
Khi tất cả các phụ nữ nói trên sinh nở, nhóm nghiên cứu đã đo hoạt động não của những đứa trẻ sơ sinh bằng một chiếc mũ gắn hơn 100 điện cực.
Trong lúc đứa trẻ nằm trong lòng mẹ, nó sẽ được bật cho nghe một tiếng bíp lặp đi lặp lại. Thỉnh thoảng, các tiếng bíp sẽ bị ngắt quãng bằng một âm thanh thứ hai.
Kết quả đo sóng não cho thấy, những đứa trẻ có mẹ tập thể dục trong thai kỳ phân biệt hai âm thanh dễ dàng hơn. Đây được coi là một biểu hiện của sự trưởng thành và ám chỉ bộ não của trẻ đã phát triển nhanh chóng hơn.
Hiện, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết rõ tại sao mẹ bầu tập thể dục lại hỗ trợ phát triển trí não của đứa con chưa chào đời, nhưng nhận định đó có thể vì nguồn cung cấp oxy được tăng lên. Rèn luyện thể chất cũng có thể tăng sản sinh một protein thúc đẩy hoạt động của não bộ, có tên là BDNF.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, các lợi ích của việc mẹ chăm vận động thể chất trong thai kỳ có thể kéo dài suốt đời đứa con của họ.
Một báo cáo nghiên cứu từng được công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Khoa học thần kinh Mỹ cũng kết luận, mẹ bầu tập thể dục, thể thao có thể giúp cải thiện chỉ số thông minh (IQ) và vốn từ vựng của trẻ cho tới ít nhất năm 5 tuổi. Một nghiên cứu khác còn khám phá ra rằng, phụ nữ tích cực vận động trong thai kỳ sẽ giúp tăng cường sức khỏe trái tim của trẻ về sau trong đời.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, rèn luyện thể chất ở mức độ vừa phải trong thời gian mang thai có thể là một cách đơn giản và không đắt đỏ để người mẹ mang tới cho con mình một sự khởi đầu tốt đẹp hơn trong đời.
Theo VNE